Nhà khoa học "tâm thần" hay ông hiệu trưởng lão hóa?...
Vụ giảng viên nói xấu trường: Hiệu trưởng lên tiếng
"Anh Đăng có những phát biểu và cách làm không giống một cán bộ bình thường. Tôi nghĩ anh ấy có vấn đề về tâm lý và nên kiểm tra, điều trị để nhà trường không mất một Đảng viên, không mất một cán bộ, không mất một nhà khoa học.
Khi đọc nhiều mail của Đăng tôi cảm thấy vấn đề tâm lý bất thường khi có những ngôn từ thiếu tôn trọng đồng nghiệp, lãnh đạo.
Ngay cả anh Lĩnh cũng cho rằng đây là chuyện không bình thường, thậm chí có cảm giác anh Đăng bị bệnh thần kinh."
____________
Cựu thí sinh Olympia: "Tôi từ bỏ mọi cơ hội chỉ để làm khoa học"
Soha 02/12/2015 14:00 18 liên quan
"Tôi từ chối mọi quy hoạch, ra khỏi Đảng chỉ để làm chuyên môn nghiên cứu khoa học. Tôi phải công bằng với bản thân tôi và địa phương, nơi bỏ tiền cho tôi ăn học ở nước ngoài".
Dù Ban Giám hiệu nhà trường nghĩ rằng ông Doãn Minh Đăng "có vấn đề về thần kinh", nhưng trong cách trò chuyện, ông Đăng luôn thể hiện sự rạch ròi và sòng phẳng với mọi vấn đề.
Ông Đăng nhìn nhận tất cả các vấn đề đều khách quan, từ việc những ưu ái của địa phương với ông hay việc ông từ chối tất cả những cơ hội thăng tiến mà nhiều người rất thèm muốn, với một thái độ bình thản.
Ông Doãn Minh Đăng trong một báo cáo khoa học
"Có những cái tôi sai thì tôi chịu"
Tại sao ông quyết định "tung" mọi thứ lên facebook, khi mà ai cũng biết điều đó sẽ mang lại cho ông nhiều phiền toái, rắc rối hơn là những gì mình muốn đạt được, thưa ông?
Tôi đưa sự việc lên internet để công luận quan tâm và làm sáng tỏ các vấn đề. Cái tôi cần là minh bạch thông tin. Cộng đồng đánh giá như thế nào tôi không rõ hết nhưng các bạn bè của tôi thì ủng hộ và muốn tôi theo đuổi sự việc đến cùng.
Về phía lãnh đạo nhà trường thì tôi biết họ không hài lòng và vận động từ lãnh đạo tới nhân viên để đưa lên những khuyết điểm của tôi cho mọi người biết.
Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ muốn có một cuộc họp báo với các đơn vị liên quan như Sở Thông tin va Truyền thông, Sở Nội vụ tham dự. Ông có sẵn sàng tham gia và đưa ra các thông tin trước công luận vào hôm ấy không?
Tôi nghĩ là càng tốt. Tôi cũng mong chờ lãnh đạo thành phố Cần Thơ và các sở tham gia để có thông tin đa chiều và có hướng xử lý rốt ráo hơn cho các cán bộ trẻ.
Cho dù tôi ở lại hay ra đi thì cũng là một bài học kinh nghiệm về tiếp nhận những cái gì mới ở nước ngoài đem về.
Có thể do mới quá mà chưa thể chấp nhận được nhưng cần có sự điều chỉnh hai bên để chấp nhận được và tốt lên cho tương lai.
Cá nhân tôi xác định mình không đạt được điều gì đáng kể cho bản thân nhưng cơ quan nhà nước sẽ có một nhìn nhận khác về việc sử dụng các cán bộ trẻ du học về, nếu hướng tốt thì sẽ tốt lên.
Ông có nhận định gì về cách xử lý của trường Đại học Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ về văn bản nghỉ việc của ông?
Có một số cái trường làm đúng trình tự, có một số thứ họ làm tôi không rõ căn cứ trên quy định nào.
Có một điều đến nay tôi chưa được giải đáp thỏa đáng ví dụ như dựa trên điều gì trường cho tôi ngưng quản lý khoa hoặc nêu các khuyết điểm của tôi mà không có chứng cứ?
Thanh tra có trả lời tôi bằng văn bản dù rằng chưa thấu đáo và gần đây họ có cơ sở kỷ luật do tôi nghỉ việc trên 7 ngày nên kỷ luật.
Tôi nghĩ cũng đúng thôi vì tôi đã xin phép nhưng người ta không đồng ý nghĩa là tôi đã sai. Tôi sai thì tôi chịu.
Ông có nghĩ rằng do ông rút khỏi quy hoạch cán bộ vào ban giám hiệu của trường (dự kiến làm Phó Hiệu trưởng) và làm đơn xin ra khỏi Đảng khiến cho sự việc đẩy lên cao trào?
Cho đến tháng 3/2015 thì sự việc đã xảy ra rồi. Trước đó tôi chưa thấy hậu quả gì khi tôi xin rút khỏi quy hoạch làm lãnh đạo hay xin ra khỏi Đảng.
Cho đến giờ vẫn là phỏng đoán thôi vì tôi đã đặt vấn đề với lãnh đạo nhà trường không cho tôi đi dự hội thảo khoa học vào tháng 3/2015 nhưng không được trả lời thỏa đáng. Tôi thì không muốn khẳng định điều gì chưa chắc chắn.
"Tôi chấp nhận đền bù để được ra đi sớm"
Hợp đồng với tỉnh Cần Thơ để dùng ngân sách của tỉnh đi học đã ký và ông muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng ấy chứ?
Tôi nghĩ là còn phải đợi xem lãnh đạo thành phố Cần Thơ và lãnh đạo trường tôi phản ứng như thế nào trong việc giải quyết các khúc mắc do tôi nêu ra.
Cho đến lúc này, môi trường làm việc của tôi ở trường không tốt nữa và nếu tiếp tục làm ở trường sẽ không phát huy được năng lực của tôi thì tôi sẵn sàng chấp nhận đền bù để được ra đi sớm.
Có cách giải quyết khác không, thưa ông? Ví dụ như chuyển qua một đơn vị nhà nước khác ở Cần Thơ để tiếp tục cống hiến trong vai trò giảng dạy, nghiên cứu?
Tôi nghĩ việc này phụ thuộc vào lãnh đạo thành phố là một và phụ thuộc vào việc tôi đánh giá cơ hội ấy như thế nào là hai.
Tất nhiên là tôi vẫn có mong muốn cống hiến cho thành phố tuy nhiên bây giờ cũng là lúc tôi cần xem lại đường lối phát triển cho mình.
Nếu tôi tìm được những chỗ tốt hơn thật sự và xứng đáng để tôi không làm việc cho thành phố nữa thì tôi chấp nhận đền bù để ra đi. Dĩ nhiên là tôi phải chờ xem thành phố muốn tôi làm gì, đưa tôi về đâu.
Trở về, chấp nhận lương thấp để được cống hiến. Nhưng tại sao lại để xảy ra những lùm xùm bất lợi cho bản thân thế này, thưa ông?
Số tiền ngân sách mà địa phương nào đầu tư cho du học sinh cũng cần được nhìn nhận thấu đáo. Có người nói là du học xong về làm nhà nước lương thấp tôi thấy không đúng.
Phải tính rằng ngoài 6 năm sau khi ra trường cần làm việc theo thỏa thuận với địa phương thì kinh phí trong thời gian đi học cũng cần được tính vào.
Ví dụ trong 2 năm đi học mà tiêu tốn 30.000 USD thì phải tính cả lãi suất cơ bản của ngân hàng, tính cả trượt giá vào nữa thì mới công bằng với nhà nước.
Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác nhau nên cũng khó nói chung được. Tôi đọc trên báo chí thấy một số bạn du học sinh ở Đà Nẵng bị thua kiện thì tôi thấy cũng hợp lý dù tôi chưa rõ hoàn cảnh các bạn ấy ra sao.
Riêng với cá nhân tôi thì tôi nghĩ khi đi học bằng ngân sách nhà nước cách đây 10 năm rồi thì đó là một cố gắng lớn của nhà nước, số tiền ấy lớn và là tiền từ thuế của nhân dân thì tôi tự thấy có nghĩa vụ phải trả.
Nếu không thể trả bằng cách cống hiến thì phải trả bằng tiền cho sòng phẳng.
Qua việc của tôi sẽ gây một số tác động nào đó cho một số cán bộ từng đi học bằng ngân sách nhà nước và có thể khiến họ làm việc không tốt lắm.
Tôi ngại trở thành một tiền lệ xấu nên nếu có ra đi, không cống hiến đủ 6 năm cho thành phố, tôi cũng cố gắng thu xếp để đền bù để người khác không diễn dịch câu chuyện của tôi theo hướng xấu.
Phải có tinh thần tốt trong câu chuyện sử dụng ngân sách của thành phố.
"Tôi từ bỏ mọi cơ hội là chỉ để làm khoa học"
Ông có nghĩ rằng, chuyện của ông và trường là mâu thuẫn cá nhân hay mâu thuẫn mang tính cơ chế giữa tư duy, cách làm việc ở nước ngoài khi áp dụng vào Việt Nam có điểm chưa giao thoa, phù hợp?
Quan điểm cá nhân tôi đánh giá câu chuyện của mình áp dụng cho cả địa phương là hơi quá.
Câu chuyện trong trường Đại học Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ đến từ những sai sót của một số cá nhân lãnh đạo còn về mặt cơ chế thì mình không biết lúc nào có vấn đề.
Cụ thể là thầy Dương Thái Công hiệu trưởng, thay vì sắp xếp cho tôi làm công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học thì thầy đã dùng quyền hiệu trưởng để gây sức ép để tôi làm những việc không hợp chuyên môn cho lắm.
Ví dụ yêu cầu tôi làm xác nhận dự hội thảo đến mức ngày nào, buổi nào thì đối với tôi là điều không thể chấp nhận được dưới góc độ tôi là một nhà khoa học.
Hay ví dụ như cô Nguyễn Thị Xuân Thu là phó hiệu trưởng, cánh tay phải của thầy Công làm về công tác hành chính, quy trình nhân sự.
Tôi nghĩ thầy Công tuy là hiệu trưởng nhưng khó nắm bắt hết các vấn đề quy trình đó. Nếu có sai sót thì chắc chắn liên quan đến chỗ tư vấn, tham mưu và tôi nghĩ cô Thu có liên quan.
Sự việc của ông đã được nhiều người biết đến trên mạng xã hội và báo chí. Ông nghĩ về việc ông và nhà trường hay ông và hiệu trưởng Công có thể ngồi lại bàn bạc để dung hòa mọi thứ không?
Tôi không nghĩ đây là vấn đề cá nhân đâu. Tôi theo làm việc, đấu tranh này vì danh dự bản thân mình chứ không phải vì mâu thuẫn với ai. Tôi nghĩ làm sao giải quyết để ra được một kết quả nào đó mà sau này nhà trường có lợi.
Ví dụ làm rõ vấn đề của tôi với nhà trường thì những cán bộ trẻ như tôi nhìn thấy được điều gì chưa đúng, cái gì cần phải chờ đợi thêm hay cán bộ quản lý nhà trường để làm việc với những nhân sự của mình tốt hơn.
Trường Đại học Kỹ thuật- Công nghệ cho rằng ông có những phản ứng trong cuộc họp, qua email hay trên Facebook có những ngôn từ không phù hợp với ngành sư phạm, ông nghĩ sao?
Tôi sẵn sàng chấp nhận người ta đánh giá như thế nào. Những cuộc làm việc giữa tôi và nhà trường tôi có ghi âm lại, có thể nghe và đánh giá tôi ra sao.
Trong email tôi có những lời lẽ nào đó thì không có gì bí mật cả. Tôi chỉ ngại người ta quy chụp ngôn từ xúc phạm mà không chỉ rõ ra đó là gì. Trong khi góp ý tôi dùng những ngôn ngữ mang tính cứng rắn.
Tôi không ngại mất đi cơ hội thăng tiến. Khi tôi làm đơn rút khỏi quy hoạch ban giám hiệu tôi đã xác định mình chỉ làm một người nghiên cứu khoa học.
Người ta cố gắng đuổi việc tôi nhưng có nhiều điểm chưa thuyết phục và có thể xét tới cùng họ đúng về lý thì về tình sẽ có nhiều người nhìn vào đấy để đánh giá cách xử lý của nhà trường.
Tôi nghĩ rằng hồ sơ khoa học cá nhân tôi không mất gì nhiều và tôi tin nếu rời trường tôi vẫn tìm được việc làm tại nơi khác.
Nếu một nơi nào đó nhận tôi thì ngoài hồ sơ còn có những đánh giá qua những thông tin khác, những người khác.
Tôi nghĩ tính tôi rất hiền nhưng về nguyên tắc nếu bị coi nhẹ danh dự thì tôi sẽ đấu tranh tới cùng. Các nhà khoa học khác cũng vậy, khi làm việc thì cần được tôn trọng.
Có thể dưới góc độ tôi không muốn làm quản lý, không muốn làm chính trị phái thì hãy coi tôi là một người làm chuyên môn thì chẳng có việc gì xảy ra cả.
Vụ việc của ông diễn ra thì gia đình ông có ý kiến gì với ông không?
Cá nhân vợ tôi thì hoàn toàn ủng hộ. Cha mẹ tôi thì khá trung dung và nhìn nhận vấn đề tôi mất khá nhiều công sức, thời gian mà chả được gì và làm người ta ghét thêm, sợ thêm mà không muốn tiếp nhận tôi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Với tính cách vô tư, hòa đồng, ông Đăng luôn được bạn bè quý mến
Năm 2006, ông Doãn Minh Đăng là người đầu tiên được thành phố Cần Thơ cử đi du học theo chương trình Mekong1000 với tiền ngân sách nhà nước nhằm tạo lực lượng cán bộ trình độ cao cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Sau đó, ông Đăng xin học tiếp Tiến sĩ từ năm 2008 với tiền học bổng của một giáo sư Hà Lan. Đến cuối năm 2012 thì tốt nghiệp.
Năm 1999, ông Đăng cũng tham gia khóa đầu tiên của chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV), học ở Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh
Ông Đăng tham gia thi Olympia năm đầu tiên 1999, về nhất vòng thi tháng. Với tính cách hòa đồng, vô tư, ông Đăng được các cựu thí sinh Olympia rất quý mến và ông vẫn giữ sự liên lạc khá tốt với các bạn cùng thi Olympia.
Baomoi Theo Trí Thức Trẻ
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét