‘Nhân quyền, tị nạn và tranh của tôi’by anle20 |
Nhân ngày Quốc tế nhân quyền của Liên Hợp Quốc (10/12) năm nay, BBC có cuộc trao đổi với một nhà văn, nhà báo đang tị nạn chính trị ở nước Đức, người đồng thời đang có một triển lãm tranh sơn dầu tại Tây Berlin với chủ đề 'Đường chân trời II'.
"Chân trời của Việt Nam chỉ giới hạn ở một thứ chủ nghĩa và thể chế lạc hậu cách đây cả trăm năm và thế giới đã phế bỏ, nên Việt Nam tụt hậu cả gần trăm năm so với những nước phát triển," nhà văn Võ Thị Hảo, tác giả của triển lãm tranh đang được trưng bày ở Geleri 1892 ở thủ đô nước Đức, nói với BBC hôm 06/12/2015, khi được hỏi về sự khác biệt giữa 'đường chân trời' của Việt Nam và các nước 'đã phát triển'.
Trước câu hỏi đầu tiên của BBC rằng vì sao triển lãm tranh này lại có tựa đề như vậy và liệu tựa đề này có liên hệ gì với hoàn cảnh mới của tác giả, một nhà văn tị nạn chính trị, cũng như tới thời sự Việt Nam và nước Đức hay không, bà Võ Thị Hảo đáp:
"Đường chân trời II" chỉ là nối tiếp cho triển lãm tranh "Đường chân trời I" (Hà Nội- năm 2008). Cuộc sống của tôi là cả một hành trình lận đận đi mở rộng những 'đường chân trời' cho chính mình. Càng đi càng thấy mình bé xíu. Vấn đề ấy luôn là thời sự.
BBC: Theo bà, chân trời của Việt Nam và những nước phát triển có gì khác nhau?
Võ Thị Hảo: Như chúng ta đã biết đấy, chân trời của Việt Nam chỉ giới hạn ở một thứ chủ nghĩa và thể chế lạc hậu cách đây cả trăm năm và thế giới đã phế bỏ, nên Việt Nam tụt hậu cả gần trăm năm so với những nước phát triển. Dân chúng tuyệt vọng, bị hướng dẫn đi vào con đường 'vô đạo'.
Chân trời của những nước phát triển được nới rộng sau nền kỹ trị, sau kết thúc chế độ phân biệt chủng tộc, phế bỏ chủ nghĩa Mác- Lê và mô hình theo chủ nghĩa cộng sản nên họ giàu có, dân chủ và bao dung, có thể cứu giúp hàng trăm triệu người khó khăn trên thế giới . Đó cũng là do cách nhìn về đường chân trời.
Duyên cớ
BBC: Người đến xem 'Đường chân trời II' chủ yếu là người Việt Nam hay người Đức?
Võ Thị Hảo: Người Đức thôi. Và một số bạn bè của tôi – những người đã thành công trong hội nhập thực sự với người Đức cũng như nhiều kiến thức về mỹ thuật và văn hóa. Mọi thứ ở Đức đối với tôi đều lạ lẫm. Tôi học về nước Đức hàng ngày qua trải nghiệm và qua bạn bè.
BBC: Duyên cớ nào khiến Galeri 1892 quyết định triển lãm tranh của bà?
Võ Thị Hảo: Galeri 1892 tại Tây Berlin quyết định triển lãm tranh của tôi cũng chỉ do tình cờ. Tôi mới sang đây, ngơ như "gà đội nón". Chỉ nhân một lần bà giáo dạy tiếng Đức cho tôi, tên là Christin Paradeil biết rằng tôi có vẽ tranh(bà xem trên mạng Internet, và một bức tranh tôi vẽ tặng cho trại tị nạn ở Al- Moabit - Berlin), liền nói với ông phụ trách Galeri 1892. Ông xem một vài bức tranh của tôi và quyết định triển lãm ngay trong 3 tháng, từ 2/10 đến 29/12/2015.
Tôi chỉ có một tuần để chuẩn bị. Tôi nghĩ mình rất may mắn vì đang ở một nơi mà những người làm văn hóa nghệ thuật có nhiều cơ hội đến như vậy. Người Đức họ coi văn hóa nghệ thuật là một thứ thần thánh để xây dựng nhân tính. Ngải Vị Vị – một họa sĩ phản kháng và tài năng của Trung quốc đã được mời triển lãm ở Berlin rất nhiều lần với một quy mô rộng lớn.
BBC: Những bức tranh về phụ nữ trong một thế giới bât ổn, những người nữ kiều diễm dáng hình đi vào ranh giới của bóng tối và ánh sáng, những con thuyền hoặc lộng lẫy trong bão tố, hoặc xác chết dật dờ... Phải chăng tranh của bà muốn tạo ra ám ảnh đối với những kẻ còn tiếp tục thờ ơ được về số phận con người?
Võ Thị Hảo: Vâng. Tôi biết mình yếu đuối. Tôi đang thể hiện những ám ảnh. Cuộc sống của tôi chỉ còn ý nghĩa nếu tôi còn biết đánh thức mình và mọi người.
Triển vọng
Hội họa vượt qua được những rào cản ngôn ngữ và giúp con người chia sẻ với nhau nhiều hơn, theo bà Võ Thị Hảo.
BBC: Ngày 10/12 này là ngày Quốc tế Nhân quyền của LHQ, nhân đây, bà đánh giá thế nào về tình hình và triển vọng dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, điều được nhiều giới trong và ngoài nước quan tâm, thậm chí có những quan ngại, có giải pháp nào khả dĩ và hứa hẹn cho vấn đề này hay không?
Võ Thị Hảo: Từ 2013 đến nay, chính quyền vốn bị cáo buộc nặng nề về tham nhũng Việt Nam ngày càng bị thân hữu hóa, bạo lực hóa, công an trị - thậm trí có hiện tượng được cho là 'côn đồ hóa' và thêm rất nhiều người dân bị cướp mất đất đai, thêm nhiều người chết trong đồn công an và sự tham lam vô độ của bộ máy chính quyền đã khiến cho ngân khố phá sản.
Đó cũng là tiến trình lao tới việc phải thay đổi thể chế chính trị. Mặt khác, đã có hơn 20 tổ chức xã hội dân sự được tự phát thành lập tại Việt Nam, là do người Việt Nam đã dũng cảm hơn trước bạo quyền. Dân chủ và nhân quyền ở VN đương nhiên là có cơ hội, sẽ tự động lớn mạnh dần, dù có lúc chúng ta không thể trông thấy, dù bộ máy đàn áp có tàn bạo đến đâu chăng nữa.
BBC: Ở nước Đức, người ta có quan tâm tới nhân quyền ở Việt Nam không, hay các nước phương Tây hiện đang bận rộn với các vấn đề kinh tế, việc làm, chống khủng bố, dòng người tị nạn, di cư v.v…, nên có thể đã giảm sút sự quan tâm hay chăng?
Võ Thị Hảo: Không. Người Đức và các nước phương Tây vẫn tiếp tục dạy và học về nhân quyền cho chính mình qua những trải nghiệm chống khủng bố, đón nhận và giúp đỡ dòng người tị nạn... Đó là tính người và ta không thể là một con người thực sự nếu không quan tâm đến quyền làm người của kẻ khác. Chỉ có con người trong thể chế minh bạch, dân chủ và tự do mới có thể làm điều đó và được bảo vệ để làm điều đó. Nước Đức và phương Tây đã luôn lên tiếng trong những vấn đề bảo vệ nhân quyền cho Việt Nam, cũng là để bảo vệ cho chính họ nữa.
BBC: Bà viết văn, viết blog, viết báo về dân chủ và nhân quyền của Việt Nam lâu nay, liệu hội họa của bà có là một nhịp cầu giúp cho công chúng Đức hiểu rõ thêm về các vấn đề này?
Võ Thị Hảo: Hội họa vượt qua được rào cản khác biệt về ngôn ngữ. Ngoài đam mê riêng, được chia sẻ với người Đức qua những bức tranh là một hạnh phúc của tôi. Chẳng qua để bớt đau lòng vì khả năng hạn hẹp của chính mình chẳng cứu nổi nhiều người đang cần cứu giúp.
Nhà văn Võ Thị Hảo, tác giả truyện ngắn, tiểu thuyết, nhà báo và blogger, hiện đang cư trú chính trị tại Cộng hòa Liên bang Đức, bà đã có tuyên bố ra khỏi Hội nhà văn Việt Nam ngày 05/5/2015.
@bbc
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét