Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Trung Quốc trước mối đe dọa mang tên ISIS

Home  Diễn đàn  Nghiên cứu – Trao đổi  Trung Quốc trước mối đe dọa mang tên ISIS

  • 140730083907-china-xinjiang-police-file-story-top
    Trong hơn 60 năm qua, về lý thuyết, Trung Quốc luôn tuyên bố họ theo đuổi chính sách ngoại giao không can thiệp dựa trên năm nguyên tắc mà cố Thủ tướng Chu Ân Lai đã đặt nền tảng trong thỏa thuận Ấn Độ – Trung Quốc năm 1954 trước thềm Hội nghị Bandung: tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng hợp tác cùng có lợi, và cùng chung sống hòa bình.
    Nhưng những nguyên tắc tốt đẹp này chắc chắn không thể được áp dụng một cách máy móc khi thế giới đang phải đối mặt với tổ chức khủng bố có thể nói là tàn ác và man rợ nhất hiện nay là Nhà nước Hồi giáo ISIS, những kẻ mới đây đã chặt đầu hai con tin người Nhật Bản để tỏ thái độ sau khi Thủ tướng Abe Shinzo tuyên bố viện trợ 200 triệu USD cho những quốc gia đang chiến đấu chống lại ISIS, và gần đây hơn là thiêu sống một phi công người Jordan.<!–more–>
    Về phần mình, cùng với xung đột sắc tộc và nguy cơ khủng bố ngày một gia tăng ở Tân Cương, Trung Quốc không thể trấn áp mọi hành động cực đoan và kiểm soát công dân của họ khỏi tham gia vào các hoạt động khủng bố. Bên cạnh nguyên nhân không được nhà nước thừa nhận là các chính sách mạnh tay của chính quyền trong việc cô lập kinh tế và đàn áp văn hóa, tôn giáo, kết hợp với tư tưởng Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa dân tộc địa phương đã khiến người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ dần trở nên cực đoan và nảy sinh bạo loạn, điển hình như vụ tấn công hồi tháng 9 năm ngoái khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, từ lâu chính quyền Bắc Kinh còn cho rằng những bất ổn khu vực là do các tổ chức ngoài nước như Phong trào Hồi giáo Đông Thổ (East Turkestan Islamic Movement – ETIM) kích động.
    Quả thật, hồi đầu tháng trước, Trung Quốc đã bắn chết 2 người và bắt giữ một người khác khi họ cố gắng vượt biên trái phép sang Việt Nam. Trong năm 2014, cảnh sát Trung Quốc cũng đã ngăn chặn hơn 800 người có ý định tham gia các trại huấn luyện của Phong trào Hồi giáo Đông Thổ theo con đường này. Các nước Đông Nam Á khác, Thái Lan, Lào, hay Myanmar cũng là điểm đầu tiên mà nhiều phần tử cực đoan Trung Quốc chọn để bắt đầu hành trình “thánh chiến” do Trung Quốc đã thắt chặt đường biên tới các nước Trung Á. Cách đây hai tuần, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết có hơn 300 người Trung Quốc đã dùng Malaysia làm điểm trung truyển, từ đó đến một nước thứ ba khác như Thổ Nhĩ Kỳ rồi gia nhập ISIS ở Iraq và Syria. Trung Quốc cũng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì cho phép những người Duy Ngô Nhĩ tị nạn đến từ Đông Nam Á lưu trú, thậm chí có 10 người Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cảnh sát Thượng Hải bắt giữ tháng trước do cung cấp thị thực giả cho 11 người, trong đó có 9 phần tử khủng bố Tân Cương.
    Không thể biết chính xác có bao nhiêu người Trung Quốc đã tham gia chiến đấu cùng ISIS, nhưng chắc chắn con số này đang ngày một tăng. Theo ước tính của ông Ngô Tư Khoa, Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Trung Đông, tính đến cuối tháng 7 năm ngoái có khoảng 100 công dân Trung Quốc đã gia nhập ISIS. Đến giữa tháng 12, theo Thời báo Hoàn cầu, con số này tăng lên gấp ba lần. Trước đó, trong một lần trao đổi cùng Ngoại trưởng Iraq Ibrahim Jafari tại hội nghị chống khủng bố của Liên Hợp Quốc ở New York, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đề nghị giúp đỡ Iraq chống lại những phần tử cực đoan dòng Hồi giáo Sunni, tuy nhiên khẳng định “chính sách ngoại giao của Trung Quốc không cho phép Trung Quốc tham gia bất cứ liên minh nào.”
    Như vậy, dù bày tỏ thái độ lo ngại trước hành động khủng bố lan rộng của Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông và hơn hết là những ảnh hưởng tiêu cực của nó tới người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, tới nay Bắc Kinh vẫn chưa có động thái nào báo hiệu Trung Quốc đã sẵn sàng tham gia liên minh quân sự cùng Mỹ chống lại ISIS.  Phát biểu trong cuộc họp báo hôm mùng 5 tháng 2 khi được hỏi phản ứng của Trung Quốc trước vụ việc ISIS đã hành quyết 120 chiến binh Hồi giáo trong 6 tháng qua, trong đó có 3 chiến binh người Trung Quốc từng là thành viên của Phong trào Hồi giáo Đông Thổ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã trả lời rằng “Trung Quốc phản đối mọi hình thức khủng bố. Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác quốc tế để chống lại những lực lượng khủng bố, bao gồm cả ‘Phong trào Hồi giáo Đông Thổ’ để bảo vệ an toàn ổn định khu vực và thế giới.”
    Có thể nhận ra quan điểm của Trung Quốc trong cuộc chiến chống khủng bố là sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc chống lại lực lượng khủng bố trong nước và có tác động trực tiếp tới Trung Quốc, điển hình là Phong trào Hồi giáo Đông Thổ, cũng như chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa li khai, như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh trong bài phát biểu của ông tại một cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải được tổ chức ở Tajikistan tháng 9 năm ngoái, nhưng dè dặt trong việc hợp tác chống lại các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda và ISIS.
    Sự dè dặt này là dễ hiểu, cho dù cũng có một số quan điểm ủng hộ Trung Quốc nên xông xáo hơn trong cuộc chiến chống khủng bố. Thứ nhất, như đã nói, các phần tử khủng bố trong nước ngày càng có quan hệ chặt chẽ với các tổ chức khủng bố quốc tế, ISIS rõ ràng là một mối đe dọa lớn đến an ninh nội địa. Tuy nhiên, trước mắt Trung Quốc sẽ tránh kích động ISIS (như Nhật Bản đã làm) cũng như tránh làm dấy lên thái độ bài Trung ở những nước Trung Đông bằng mọi cách có thể để hạn chế những tổn thất không đáng có, đồng thời tập trung xử lý các vấn đề an ninh trong nước, đặc biệt là những bất ổn ở Tân Cương và Tây Tạng. Hơn nữa, Trung Quốc sẽ không muốn tự đào huyệt cho chính mình trên những cuộc chiến ở Trung Đông trong khi phải đối mặt với thách thức từ các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines về vấn đề Biển Đông hay quan hệ ngoại giao và tranh chấp với Nhật Bản.
    Bên cạnh đó, tham gia cuộc chiến chống ISIS có thể giúp cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trong con mắt quốc tế, nhưng củng cố sự ủng hộ của người dân đối với Đảng và chính quyền mới đem lại hiệu quả hơn cho Trung Quốc để duy trì lợi thế trên hành trình theo đuổi tham vọng siêu cường của mình. Sau những động thái hung hăng trên Biển Đông qua vụ giàn khoan HD-981 và mở rộng, xây dựng trên các đảo thuộc vùng biển tranh chấp, Trung Quốc có lẽ cũng không quá quan tâm đến hình ảnh quốc tế của mình.
    Một cơ hội khác khi Trung Quốc tham gia cuộc chiến chống ISIS là cải thiện quan hệ Mỹ-Trung. Đây có thể coi là một điểm sáng khi quan hệ giữa hai nước đang trong thời kỳ căng thẳng, nhưng nó sẽ không giúp ích gì nhiều cho lợi ích chiến lược của cả hai bên. Các biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng hơn là một mối quan hệ lỏng lẻo dưới danh nghĩa đồng minh cùng chung kẻ thù.
    Là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Trung Đông, Trung Quốc có thể cân nhắc một số lợi ích kinh tế của họ nếu có thể nhân cơ hội này đưa quân đến các cường quốc dầu mỏ và can dự sâu hơn vào khu vực. Tuy nhiên, an ninh năng lượng của Trung Quốc khó có khả năng bị đe dọa do tầm ảnh hưởng của ISIS chưa với tới các nước là nguồn cung dầu chính cho Trung Quốc như Ả-rập Xê-út. Hơn nữa, Trung Quốc mới ký hợp đồng dầu khí khổng lồ trị giá 400 tỉ USD trong 30 năm với Nga trong năm ngoái.
    Tham gia cuộc chiến chống ISIS cũng có thể là cơ hội cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đánh giá lại khả năng chiến đấu của họ trên chiến trường sau gần 30 năm không thực sự tham chiến, kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979 và các cuộc xung đột lãnh thổ kéo dài sau đó. Một lần nữa, rủi ro là rất lớn. Trung Quốc sẽ không muốn thiệt hại bất cứ máy bay nào trên bầu trời Trung Đông nếu không thu được lợi ích nào chắc chắn.
    Dù muốn hay không, Trung Quốc sẽ phải xem xét lại chính sách ngoại giao của mình và bắt tay cùng Hoa Kỳ và các đồng minh của nó trong cuộc chiến chống lại ISIS một khi nhóm khủng bố này lan rộng về phía Đông và các mối đe dọa trực tiếp đối với người dân nước này hiển hiện. Đánh giá thấp rủi ro luôn là điều tối kỵ đối với các nhà hoạch định chính sách. Nhưng cân nhắc giữa những được và mất hiện thời, có lẽ đó chưa phải là ưu tiên cao của chính quyền Bắc Kinh trong thời gian tới.
    Nguyễn Huy Hoàng
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: