Hun Sen cho biết hôm Thứ Tư, tranh chấp Biển Đông “cần được giải quyết bởi các bên bị ảnh hưởng trực tiếp”.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: APK MOD
Đài VOA Hoa Kỳ ngày 25/3 đưa tin, lãnh đạo Campuchia đã công khai tán đồng quan điểm (sai trái) của Trung Quốc rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không thể được giải quyết qua ASEAN. Từ Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết hôm Thứ Tư, tranh chấp Biển Đông “cần được giải quyết bởi các bên bị ảnh hưởng trực tiếp”.
“Cuối cùng đó không phải là vấn đề đối với toàn bộ ASEAN. Nó là vấn đề song pương giữa các nước liên quan mà họ cần phải nói chuyện với nhau”, Hun Sen bình luận. Bắc Kinh liên tục chủ trương sẽ chỉ đàm phán tay đôi với từng bên có tranh chấp và từ chối bất kỳ kênh đa phương nào để giải quyết vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, Philippines và Việt Nam liên tục thúc đẩy một cách tiếp cận khu vực và đa phương để giải quyết các tranh chấp đa phương, VOA lưu ý.
Mặc dù đây là lần đầu tiên lãnh đạo Campuchia tuyên bố một cách rõ ràng quan điểm của mình về vấn đề này, nhưng ngay từ năm 2012 Phnom Penh đã bị chỉ trích vì theo Bắc Kinh cản đường ASEAN ra tuyên bố chung về Biển Đông trong hội nghị Ngoại trưởng. Nhắc lại chuyện này, Hun Sen tiếp tục bảo vệ hành động của Campuchia với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2012.
“Sau Campuchia, Brunei cũng không thể tìm thấy giải pháp nào, Myanmar cũng vậy. Bây giờ tôi đang chờ xem liệu Malaysia có thể giải quyết vấn đề hay không. Tôi có thể nói, họ sẽ không làm được gì. Không thể. Nhưng họ chỉ đổ lỗi cho Campuchia rằng Campuchia đã sai. Tôi sẽ chờ đợi để xem toàn bộ các thành viên khác (xử lý Biển Đông như thế nào khi giữ ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN)”, ông Hun Sen tuyên bố.
Hun Sen đưa ra bình luận (ủng hộ Bắc Kinh bành trướng Biển Đông) này ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 dự kiến sẽ được tổ chức tại Malaysia từ 24 đến 27/4.
Trong một động thái khác có liên quan, tờ The Wall Street Journal hôm nay bình luận, chính việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của Mỹ và ấn tượng chung về hoạt động của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã không truyền cảm hứng, sự tự tin cho các nước. Trong khi các quốc gia châu Á biết rằng họ phải sống bên cạnh Trung Quốc, vì vậy họ ngần ngại chống lại tham vọng của Trung Quốc (bành trướng lãnh thổ ở BIển Đông), trừ khi họ cảm thấy Washington là đối tác đáng tin cậy.
Mỹ sẽ giúp cải thiện môi trường an ninh ở châu Á nếu Washington bắt đầu áp đặt cái giá phải trả cho sự bành trướng của Trung Quốc. Điều này đòi hỏi Hoa Kỳ phải chấp nhận rủi ro lớn hơn trong quan hệ Mỹ – Trung trong khi Bắc Kinh đang tiếp tục có những bước tiến đến sự thống trị khu vực Tây Thái Bình Dương.
Washington có thể bắt đầu bằng cách mở rộng hoạt động đào tạo ứng phó với các mối đe dọa ở Biển Đông, nơi Trung Quốc sử dụng lực lượng quân sự, hải cảnh, tàu cá để thách thức các nước khác như Việt Nam và Philippines.
Hoa Kỳ cũng có thể phối hợp tuần tra chung với Philippines, Nhật Bản hoặc các đối tác sẵn lòng khác ở Biển Đông. Những cố gắng để làm việc thông qua ASEAN có lẽ là vô ích, The Wall Street Journal bình luận.
Các Thượng nghị sĩ John McCain, Jack Reed, Bob Corker và Bob Menendez tuần qua đã gửi một lá thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter và Ngoại trưởng John Kerry hối thúc Nhà Trắng không bỏ qua các hành vi bành trướng của Trung Quốc.
Các Thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu Nhà Trắng phải có hành động cụ thể để làm chậm hoặc ngăn chặn các hoạt động cải tạo, xây dựng bất hợp pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam – PV), tiếp tục công bố thông tin tình báo liên quan thường xuyên hơn, xem lại hợp tác an ninh Mỹ – Trung để khuyến khích Bắc Kinh thay đổi hành vi xấu, đồng thời làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác của Mỹ ở châu Á.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét