Truyện
ngắn HG
Hôm nào giờ này, con bé mới được
về. Hai bên hàng phố đã lên đèn. Các nhà hàng ăn uống đã sắp đóng cửa vì đã
muộn. Những dịch vụ khác người ta cũng thu dọn đồ nghề. Lác đác vài bàn bán chè
nóng vỉa hè đã dọn hai bên đường..Chưa hôm nào lão chủ cho nó về sớm hơn hôm
nay. Mặc dù khi nó vào làm lão chủ hứa như đinh đóng cột rằng: “bảo đảm ngày
làm tám tiếng theo quy định.. Cháu sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm như cơ quan
nhà nước, không phải lo..”
Nghề phục vụ, “thượng đế khách hàng” chủ yếu tranh thủ thời gian “cứng”, sau giờ làm việc, nên đi sớm về muộn
làm sao mà tránh được?
Đấy là “đặc thù riêng” của cửa hàng công ty lão. Cũng chả thể trách lão được,
có phải mình lão đâu? Ai bỏ tiền ra thuê người chả tận dụng thời gian, tận dụng
sức lao động của nhân viên? Lúc đầu con bé thấy gò bó, khổ sở, miễn cưỡng, lâu dần rồi cũng
quen.
Làm thì làm, nó biết cũng chả trông mong gì nhiều ở “triển vọng” ở nơi này như
ông bạn vong niên của bố giới thiệu. Nghề ảnh cũng như rất nhiều nghề đang xã hội
hóa, chả còn nhiều lợi ích như ngày xưa. Máy ảnh, máy quay bán rẻ như khoai, ai cũng có thể mua được. Tự động
hóa, kỹ thuật số chả cần học hỏi nhiều, chỉ cần chỉ dẫn sơ sơ, ai cũng có thể
làm được. Rồi Aipon Ai pác nhan nhản có đủ tính năng kết nối mạng intenet.
Thích người ta đưa lên lưu lại trên mạng dung lượng hàng tăm mê. Lúc nào sướng
thì xem, tùy thích. Đâu có như ngày xưa, hồi bố nó thập thõm làm phó nháy, có
lúc in ảnh “đếm” bằng ánh sáng đèn dầu. Ngầy ấy nghề ảnh là nghề sang trọng,
hái ra tiền. Bố kể người ta xếp hàng từ sáng tới trưa để chụp tấm ảnh kỷ niệm.
Phần vì đời sống vật chất khó khăn, công nghệ ảnh như một bù đắp sự thiếu thốn
cái ăn cái ở. Nó trở thành “mốt”, nhà
nào khá giả lịch lãm mới có được mấy khung ảnh lớn treo trong nhà. Nó như sự
thể hiện đẳng cấp của thời kỳ khó khăn. Nhưng bây giờ thì xưa rồi “Diễm ơi”.
Chả mấy người còn chuộng chụp thật nhiều ảnh treo lên tường. Có chăng những bức
kỷ niệm người ta cũng chỉ dán anbum, cất vào hộc tủ. Chỉ còn những đám cưới là
chẳng thể đừng. Dù muốn dù không cũng phải có tấm hình lớn treo lên ngày đại
hỉ. Thêm số người chụp ảnh thẻ dán hồ sơ các loại. Mà thứ này đâu có đáng mấy
tiền?
Nói chung kỹ nghệ ảnh cảnh phát triển, thu nhập của các cửa hàng làm nghề này
càng teo dần, trong khi đầu tư thiết bị lại tốn kém hơn ngày xưa rất nhiều.
Đại loại sơ qua vài nét như thế, nó chỉ làm mấy buổi là hiểu ra ngay. Nhưng nó
vẫn phải chấp nhận, cho dù đồng lương quá bèo, trong lúc không công ăn việc
làm. Chẳng qua như một bước đệm, chả nhẽ ngồi không, ăn bám bố mẹ mãi?
Cái không may của rất nhiều đứa có hoàn cảnh
như nó vào lúc này chứ không phải chỉ có nó là một mình kém may mắn. Kết quả
của nền đào tạo thiếu gắn bó thực tế, đòi hỏi, nhu cầu thời đại, chỉ chú trọng
đầu vào, ít để tâm đến đầu ra. Một nền giáo dục đang ngày càng bộc lộ nhiều
khiếm khuyết chưa có cách khắc phục. Không ít cơ sở kinh doanh, sản xuất tỏ ra
thất vọng khi phỏng vấn tuyển người làm. Nói gì đến cơ sở nghiên cứu, phát
minh? Hệ quả là hàng ngàn sinh viên ra trường như nó trở thành bơ vơ, chả thể
bấu víu vào đâu. Khủng khoảng, suy thoái như một tai nạn kép làm không ít người
trẻ lo lắng cho ngày mai của mình.
Bốn năm miệt mài, ăn đói, nhịn
khát, ở chật chội theo “Sê ry con nhà nghèo” để theo hết chương trình đại học. Ra
trường đúng vào giai đoạn kinh tế suy trầm, chưa biết khi nào mới gượng dậy.
Chỗ nào người ta cũng rục rịch giảm biên chế với tỷ lệ “Ra ba, vào một”. Công
ty ngoài chả thấy mở thêm, cứ teo đi, tuyên bố phá sản như sung rụng cuối mùa.
Tỉnh quê nhà nó lại chả có đường sắt, đường biển, đường không lại càng không, lại
không phải vùng kinh tế trọng điểm chả được ưu tiên gì. Cơ sơ sản xuất, kinh
doanh có đếm trên đầu ngón tay chưa hết. Một nơi như thế, không dễ có được việc
làm. Thôi thì có còn hơn không, chả vui vẻ gì, vẫn phải chấp nhận..
Ngay đến Hà nội, cũng còn khó
kiếm việc hiếm chi là nơi này. Còn chút an ủi cho bản thân, so với công việc
làm ở kinh thành trước đây, bây giờ thu nhập có kém hơn, nhưng được cái gần
nhà. Bố mẹ trên nhà có bề gì chỉ cần chưa đến nửa giờ là nó đã có mặt ở nhà.
Với lại chỗ ăn, chỗ ở dù sao trên này cũng thoải mái hơn. Không phải ba bốn đứa
con gái chen chúc nhau thuê cùng một phòng hơn chục mét vuông. Người không quen
đến chịu hơi người đã muốn ốm.
Nhà cô nó ở cuối thành phố, nơi
hơn chục năm trước chỗ này cực vắng về đêm. Chỗ đó gần “vườn thánh” kề nhà thờ,
bên bãi tha ma, có rất nhiều ngôi mộ vô chủ.
Những người già kể rằng năm 1945 chính là nơi người ta gom xác người chết đường
chết chợ về chôn chung trong các mộ tập thể.
Đêm đêm thường có những loạt đạn bất thình lình nổ lúc gần sáng làm cho cư dân
gần đấy choàng tỉnh giấc. Đấy là khi các
phe nhóm thanh toán lẫn nhau, người Nhật, người Pháp thủ tiêu tù cộng sản. Còn
chuyện chém giết vặt về đêm của bọn cờ bạc, xã hội đen xảy ra trên quãng đường
sát bờ sông này cũng không hề hiếm. Chuyện
cướp giật, hãm hiếm thường xảy ra chỗ đầu non, cuối bãi này.
Bây giờ thì khác. Cái thị xã tranh tre nứa, lá ấy đã lên thành phố. Nhà cửa
nhiều thêm, tràn cả ra khu ngày xưa vắng vẻ này. Nhìn bề ngoài đó là sự thay
đổi ghê gớm. Thực ra người dân công ăn
việc làm cũng chẳng thay đổi bao nhiêu. Cô chú nó ngày trước đãi sỏi dưới sông,
gánh cát lên bờ. Nay các công việc ấy có máy móc làm theo băng chuyền. Đội quân
cát sỏi đông đảo mấy chục năm có từ thời bao cấp như có phép màu mất dạng, biến
đi đâu hết. Người quay ra chạy xe ôm, kẻ bán hàng rong, người theo chân cửu vạn
cho xe đường dài.
Riêng cô chú nó chuyển sang nghề khác.
Ai cần bốc xếp hàng, lau dọn nhà..linh tinh đủ thứ việc hai người nhận làm. Mà
việc thì lúc có lúc không. Ngồi rỗi cả buổi, gần tối lại có người gọi bốc xi
măng, giữa trưa có người kêu chuyển đồ.. nói chung công việc chả có giờ giấc
nào nhất định.
Trời lất phất mưa bay. Chưa năm
nào đầu năm mưa phùn kéo dài đến thế. Có hôm về muộn gặp bữa mất điện nó cứ
thấy gợn gợn. Ngoài vườn thánh đom đóm ra nhiều vô kể. Đúng ra phải hơn tháng
nữa mới là mùa đom đóm, chả hiểu vì sao giống này năm nay lại có sớm như vậy.
Người ta bảo thời buổi bây giờ đảo nghịch nhiều quy luật thiên nhiên và cả quy
luật đời sống con người. Nó không tin lắm. Nhưng những con đom đóm to gần bằng
bóng đèn dầu xanh lét chập chờn nơi mộ địa khiến nó cũng hoảng, muốn chạy nhanh khi đi qua chỗ này, dù ở đây
đã gần ba tháng trời rồi.
Ngày còn sống, bà nội vẫn bảo: “Ma thì có ma tốt ma xấu, cũng như con người ở
dương gian, chả có gì phải sợ. Người xấu luôn gặp ma xấu và ngược lại. Làm việc
tốt sẽ gặp điều tốt, trần sao âm vậy chả việc gì phải sợ hãi khi mình sống ngay
thẳng, không độc ác hay làm hại ai cháu à..”
**
Hai vợ chồng cô chú nơi nó đang
trọ đang lay hoay với đống đồ gỗ gũ kỹ
chất đống ngay lối vào nhà. Nó dừng xe dọn một lối đủ để dắt được
xe vào nhà. “Hôm nay thắng lớn..” Chú
dượng nó có vẻ hoan hỉ, đang nói chuyện với vợ. Nó chưa biết một đại gia nào đó
vừa thay bộ bàn ghế cũ bán thanh lý cho họ.
Giờ thì cả hai vợ chồng đang lau chùi, đóng thêm một vài chiếc đinh. Chỉ
cần đánh qua lượt vẹc ny nữa, ngày mai chú nó có thể chở lên một làng vùng xa
nào đấy bán cho người ta.
Ai bảo “Cũ người, mới ta” không là niềm
hạnh phúc? Một nhà có hoàn cảnh nào đấy sẽ cảm thấy hãnh diện với thứ đồ người
ta vất đi này! Nói là mua cho nó lịch sự chứ cô chú nó chẳng phải bỏ ra đồng
tiền mặt thực sự nào. Số tiền mua thanh lý bộ đồ cũ này, chủ của nó triết khấu
vào tiền công dọn dẹp khuôn vác cho chủ nhà đến dinh thự mới. Người giàu có
luôn biết tiêu tiền và sử dụng tài sản của họ một cách đích đáng. Với họ ngay
cả đến đồ thải loại vẫn còn ít nhiều giá trị. Đại gia tỉnh lẻ khác đại gia ở
kinh thành là vậy.
Hồi nó trọ học ở Hà Nội, ban đêm thường thấy các nhà giàu có vất trộm các thứ
này ngoài đường. Những người có hoàn cảnh như chú dì nó cứ gần sáng chỉ cần đi
dọc theo các dãy phố gom về, chả mất tiền mua.
Người vất đồ, không may bị vớ được còn bị xử phạt hành chính, nói gì chuyện bán
mua?
Ông chủ nhà trọ nó ở lúc bấy giờ là chủ “vựa” những thứ đồ cũ này nên nó biết.
Đúng là con người ta có trăm ngả đường mưu sinh nơi thế gian vốn chật chội và
luôn nhiều khó khăn này. Ông ta thuê hẳn tốp thợ mộc gồm ba người, chuyên tu
sửa những thứ đồ gỗ cũ kỹ. Có lần ông nói:” Cũ thì cũ thật, nhưng chất gỗ hơn
hẳn đồ thời bây giờ. Làm gì còn gỗ lát, gỗ gụ như mấy thứ đồ này?”. Nghe thấy
ông nói như vậy với mấy người thợ mộc nó biết ông nói có lý. Quê nó ở miền
ngược, núi đồi bây giờ trọc lóc như đầu ông sư. Nơi nào có rừng cũng toàn rừng
trồng, keo tai tượng, bồ đề chưa già người ta đã khái thác hết, lấy đâu ra gỗ
tốt?
Như mọi hôm, nó sẽ nhanh nhảu cất xe, xắn tay áo ra phụ với cô chú. Nhưng hôm
nay nó lẳn lặng đi vào nhà, một lúc lâu không thấy ra. Cô nó thấy khang khác
chạy vào, thấy nó ngồi thừ ra, mặt buồn rười rượi. Cô nó hỏi:
- Có chuyện gì ngoài chỗ làm à?
- Dạ không..
- Sao nom mặt mày cứ như ngày xưa người ta bị “mất sổ gạo”?
- Chả có gì đâu cô ạ. Chỉ là lão chủ khó tính ..Mà ngày nào lão chả vậy, cô
quan tâm làm gì, cứ mặc cháu!
- Sao dạo đầu thấy mày nói: Ông Trọng râu này quý cháu lắm. Ông ấy bảo cứ làm
tốt, tháng sau cháu sẽ được tăng lương?
- Ông ấy nói thế chứ có tăng gì đâu. Mấy đứa làm cùng cháu mấy năm nay rồi có
đứa nào được tăng?
- Tao chả rành lắm chế độ lương bổng, nhưng lương của mày là loại lương dưới
mức tối thiểu như thế thì làm làm gì? Chả nhẽ không còn cách gì để sống hay sao
mà phải cố thiết như thế? Mà tao bảo mày nói với ông ấy làm cho cái hợp đồng
lao động, mày đã nói chưa? Làm gì ở đâu cũng phải có hợp đồng rõ ràng. Thuận
thì không sao, nghịch là rất khó giải quyết..Nếu người ta muốn cho mày nghỉ
ngang xương, cũng phải có trợ cấp phần trăm để mày đi tìm việc chỗ khác. Không
khéo lúc ấy trắng mắt, trắng tay cháu ạ. Tao nghe người ta nói vợ chồng lão này
không phải người vừa. Nhiều đứa làm đấy trước mày rớt nước, phải bỏ cuộc cả
đấy. Chả biết mày trụ được bao lâu. Đứa nào cũng thử việc không lương. Tháng
sau có trả, lương cũng không bao nhiêu, rồi thì kiếm cớ đuổi việc. Chung quy là
lợi dụng công người làm. Mày có biết chuyện này chưa?
Nó ngồi im, không trả lời. Cô nó thấy thế cũng thôi không hỏi. Bà cô có biết
đâu chiều nay nó vừa gặp chuyện rắc rối ở chỗ làm..
Lão chủ sai nó đi nhập tiền thuế qua ngân hàng. Lão đưa nó cục tiền bọc trong
tờ giấy bảo nó: ” Chỗ này chẵn hai mươi triệu, mày sang nhập vào tài khoản, nhớ
lấy hóa đơn về”. Nó định mở ra kiểm lại. Gì thì gì, nguyên tắc tài chính nó
được học ở trường như một nhất thiết, một ràng buộc, không thể thiếu. Nhưng lão
bảo: “ Tao kiểm rồi, mày không cần đếm nữa đâu. Sang nhập nhanh chóng, rồi về
còn làm việc khác. Lão đã nói thế, tuy có chút lưỡng lự, nhưng nó không dám
cưỡng lại. Cố tình đếm, chả hóa ra bỉ mặt, coi thường lão sao? Nó sang bên kia
đường, chỗ ấy người ta thu ngân, ngay trước mặt cửa hàng nơi nó đương làm. Chị thu ngân kiểm đi kiểm lại đến mấy lần, số
tiền trong gói lão đưa vẫn thiếu hai triệu. Nó quá hoang mang, không hiểu vì
sao? Đi từ đấy sang đây gói tiền để nguyên trong túi xách. Nếu rơi thì rơi cả
cục, chả nhẽ rơi mỗi hai triệu? Bọc tiền bên ngoài có sơi dây thun vẫn còn
nguyên không bị đứt, không thể rơi tiền ra như vậy được. Nó vội bấm điện thoại
về cho lão chủ. Lão bảo lão đưa đủ cơ mà! Nó rơm rớm nước mắt chạy về. Nghe nó
thuật lại, lão còn hỏi: “Có đúng cháu không lấy không?” Một hồi lão đưa thêm
hai triệu nữa cho nó sang nộp. Cử chỉ của lão rõ ràng là khang khác. Nó phân vân không
biết nó nhầm hay lão nhầm? Dù sao cũng tại nó lúc nhận tiền lão đưa không kiểm
lại. Nếu lão không nhầm, có dễ lão đưa thêm tiền để đi nộp lại không? Nhưng
nhận là mình nhầm đối với lão là chuyện không bao giờ. Không bao giờ có chuyện sếp
nhận mình sai trước mặt nhân viên, điều này như một tất yếu, khó thay đổi.
Đưa thêm cho nó rồi lão vẫn nói: “Cháu thử nhớ lại xem hay sang bên đó chỗ đông
người, rút ra rút vào, rơi ra không để ý?” Nói như vậy rõ ra là lão có ý kết
luận luôn rồi!
Về đến nhà bà cô rồi, đầu óc nó
vẫn rối bung lên, không hiểu sự việc xảy ra chiều hôm nay là ra sao nữa. Cũng
không hiểu tại sao lão cho nó nghỉ sớm hơn tất cả mọi ngày, kể từ khi nó đến
đây làm? Trong lúc chưa hết giờ làm buổi chiều, đang lúc đang đông khách. Hay
lão đang bực không muốn nó ở đấy cho thêm vướng mắt, hay có ngụ ý gì? Đang lúc
đầu óc đang rối tung lên như thế, được nghỉ sớm, nó mừng như chim sổ lồng. Nó
muốn được một mình cho đầu óc nhẹ đi, bớt căng thẳng, đang muốn đứt dây thần
kinh vào lúc này. Nó không biết mình lại thêm một sai lầm nữa, nó sẽ gặp phải
rắc rối vào buổi sáng hôm sau. Đáng lẽ phải bàn giao lại sổ ghi chép, tiền bán
hàng cho vợ lão rồi mới về..
Đêm ấy nó trằn trọc không sao
chợp được mắt.
Sao số nó vất vả thế không biết. Mấy chỗ làm rồi mà không chỗ nào đậu được lâu.
Gặp toàn điều ngang ngược không đâu.
Tại mình vụng về hay tại chủ khó khăn, tai ngược? Nó tự vấn, tự kiểm điểm bản
thân. Càng nghĩ nó càng không tìm ra câu trả lời.
Hay tại thời buổi khó khăn, công ăn việc làm khó tìm như mọi người hay nói với
nhau. Nhưng sao những đứa khác, cùng hoàn cảnh như nó vẫn kiếm được việc làm?
Có phải chúng gặp được người chủ bao dung, nhân đức, giàu tình người? Chưa khi
nào nó tự giận mình, giận thân giận đời như lúc này.
Không có lẽ mọi cánh cửa vào đời trước mặt sau lưng nó đều đóng lại cả sao?
Gian phòng nó ở, mọi khi là của một đứa em con bà cô vừa mất nửa năm trước. Đó
là căn phòng cửa sổ rất hẹp, thiếu ánh sáng và gió từ bên ngoài vào, dành riêng
cho đứa em mắc bệnh tâm thần của cô nó.
Lúc mới đến ở nó rất sợ. Một nỗi sợ hãi mơ hồ bởi nào đấy, cảm giác lạnh lẽo
của gian phòng tường để mộc không sơn, không quét vôi, xám xịt, lại áp mái này.
May là chưa đến mùa hè, chưa nóng bức, nhưng vẫn ngột ngạt khi khép cửa lại.
Nơi ăn chốn ở đối với nó đã lâu, không thành vấn đề, chịu mãi nó đã quen đi rồi.
Nhưng cái cảm giác lạnh lẽo ma quái của gian phòng này mất mấy tuần đầu nó mới
quên được dần dần. Phần vì làm việc căng thẳng, ngày cả mười tiếng đồng hồ, cơm
nước xong, tắm rửa qua quýt nó mệt, lăn ra ngủ. Đâu có thời gian để nghĩ và sợ
vớ vẩn bất cứ thứ gì.
Mãi đến gần sáng mệt quá nó mới thiếp đi. Nó thấy mình theo mẹ vào rừng hái
nấm. Đó là khu rừng rất lạ, cây cối chẳng giống những khu rừng nó từng qua.
Những con thú kỳ dị thấp thoáng sau lùm cây, nửa ngợm nửa người, không hẳn
giống người, cũng không phải thú. Nó ngác ngơ sợ hãi, nghoảnh lại đã không thấy
mẹ đâu nữa? Trước mặt nó là con suối
hung hãn đang cuồn cuộn chảy, chỉ có cây cầu bắc tạm bằng hai cây tre non èo
uột chả lấy gì làm chắc chắn. Cái cầu sơ sài tạm bợ ấy cứ đong đưa theo từng
đợt nước tràn về. Trời lại đang xậm dần, có thể đã quá chiều. Có đám mây dông
kỳ dị đang mỗi lúc che lấp dần khoảng rừng còn lại. Chợt phía bên kia thân hình
quái gở, to lớn kỳ dị của đứa em con bà cô hiện ra. Tay
nó cầm một cái khăn màu đỏ rực như lửa đang vẫy vẫy. Đứa em bị bệnh tâm thần do
hậu quả bất thành của ca mổ tim hiện ra rõ ràng như ngày nó còn sống. Cái mặt
nó to gấp đôi người mình thường nhưng mặt mũi dăn dúm táu hạu lại cả một đám,
nom rất hãi. Ngày nó còn sống mỗi lần tới nhà cô chơi nó cũng sờ sợ, hai hãi
rồi. Giờ gặp nó ở đây, nơi rừng sâu này cảm giác ấy như muốn nghẹt thở. Nó đứng
chờ hay làm gì ở đây? Nó hét lên sợ hãi, choàng tỉnh dậy, mồ hôi ra ướt đầm hai
bên thái dương, chỗ cổ áo và cả lòng hai bàn tay. Nó vừa trải qua một cơn ác
mộng chưa từng gặp bao giờ, kể từ ngày bước sang thì con gái.
Sáng hôm ấy nó không dám kể gì về giấc mơ vừa qua của nó. Chắc hẳn cô chú nó sẽ
rất đau lòng nếu nghe nó kể. Dù sao họ cũng đã nguôi ngoai về sự ra đi của đứa
con tật nguyền. Cha mẹ nào không đau
lòng khi mất một đứa con? Cho dù đứa con ấy khiếm khuyết, tàn tật thế nào đi
chăng nữa?
Nó lẳng lặng thu xếp đến chỗ làm. Cô chú nó cũng đang vội.
Họ đang vội cho kip chuyến xe tải đang gọi tấp tới bốc xi măng ở đâu đó. Cô nó
chỉ kịp dặn: “ Vợ chồng cô chú có khi trưa không ăn cơm nhà..” Rồi tất tưởi đèo
nhau trên cái Drem Tàu màu nâu xậm, mất gần hết chắn bùn, phóng vào thành phố.
Vừa chạy xe nó vừa nhớ lại hôm
đầu nó mới vào nhận việc. Một đứa bằng
tuổi nó làm Sốp hỏi: “ Chắc chị vào thay chị Mai nghỉ đẻ phải không?” Nó không
biết chị Mai là chị nào, nhưng vẫn gật đầu.
Làm được mấy ngày, thấy mấy đứa cùng làm thì thầm. Nó nghe câu được câu chăng
mỗi khi vợ chồng lão chủ vắng mặt, hay đi đâu đó. Chuyện rằng chị Mai mà đứa
kia nói cũng làm công việc như nó bây giờ. Ông chủ và nhà chị này lằng ngoằng
với nhau thế nào đó, bà vợ ghen. Ông ta thèm đứa con trai và cái thai của người
làm có thể ông ta là tác giả. Chị ta buộc phải thôi việc là do ý quyết của bà
vợ lực lưỡng của ông ta.
Nó chào, hai vợ chồng lão chủ
không nói gì. Lão đang chú mục vào cuốn sổ ghi chép, vợ lão tay vẫn cầm sệp
tiền nhìn nó như mới gặp lần đầu. Linh tính cho nó biết hai người vừa có cuộc
bàn luận gì đó về nó. Cử chỉ và cái nhìn của mụ vợ khiến nó nghĩ như thế.
Tạo hóa thường có sự sắp đặt vô lí về các cặp vợ chồng như thế. Lão chồng dáng
nho nhã, để tóc dài cặp như phái nữ phía sau kiểu lập dị của các nghệ sĩ muốn
thể hiện khác người. Mụ vợ phốp pháp tướng con nhà võ. Hai bắp tay mụ to chả
kém mấy cặp giò đang ở trong cái quần lửng quá đầu gối của chồng. Lão văn hoa
bao nhiêu thì mụ vợ thô thiển, cộc cằn bấy nhiêu.
Từ khi làm ở đây nó chưa bao giờ thấy vợ chồng nhà này cười nói vui vẻ với nhau
lấy một lần. Có lẽ họ gắn bó với nhau vì đồng tiền kiếm được ở cái tiệm này hơn là tình nghĩa ái ân. Cũng có thể vì hai
đứa con gái. Một đứa ục ịch y hệt mẹ, một đứa lẻo khẻo giống bố. Đó là sự công
bằng duy nhất trong sự cộng trừ zen di truyền từ hai người. Mọi khi nó cứ cố
hình dung ra khi về đến nhà họ sống với nhau ra sao? Nên hôm nay thấy họ ngồi gần nhau, có cùng vẻ
mặt, nó rất phân vân. Cái gì vừa làm nên sự hài hòa đột xuất này?
Nó không phải chờ đợi lâu khi mụ vợ gọi nó lại bảo:
- Tiền bán hàng hôm qua mày có mang về chỗ mày ở không?
Nó giật mình, sao bà ta lại hỏi mình như vậy?
Rõ ràng khi lão chủ bảo nó về nghỉ chiều hôm trước, có cả mụ đứng đấy,
nó đã đưa chùm chìa khóa quầy cùng sổ sách ghi chép rõ ràng, mụ không nói gì
cả. Cũng không kiểm tiền, sao bây giờ lại hỏi lại?
- Tiền bán hàng được bao nhiêu cháu đều ghi sổ và để trong hộc tủ, cô đã nhận
sao giờ còn hỏi cháu?
- Nhưng mày có bàn giao cho tao cụ thể đâu?
Nó choáng thật sự. Đúng là nó không bàn giao chi tiết thật. Không hiểu tại sao lúc đó nó lại làm như
vậy? Nguyên tắc tối thiểu về tài chính tại sao mình lại lú lẫn như vậy? Nhưng
mọi lần nó vẫn giao lại quầy và sổ sách như vậy có lần nào mụ chủ phải hỏi lại
đâu?
- Có thiếu nhiều không ạ?
Mụ chủ mặt tỉnh bơ, không nói không rằng bỏ vào gian hàng phía trong. Không khí nặng nề như sắp có cơn dông bão
tràn đến. Nó đứng ngây ra một lúc chưa hiểu ra sao.
Rõ ràng mụ đã không coi có nó còn đứng đấy, cũng không dặn dò nhắc nhở công
việc buổi sáng, như mọi khi.
Lão chủ từ nãy đến giờ lặng lẽ theo dõi, không nói câu nào. Bây giờ lão mới lên
tiếng:
- Cô kiểm tiền và xem sổ, thiếu mất năm trăm ngàn. Cháu có cầm số tiền này mà
không ghi sổ không?
- Dạ không. Cháu không cầm đồng nào. Bán được tiền hàng, thu của khách bao
nhiêu cháu đều ghi chép đầy đủ. Cháu cũng không cất riêng. Cửa hàng có gắn
camera, cô chú không tin cháu có thể mở xem lại để kiểm tra.
- Chú hỏi để xem mức thành thật của cháu. Ca me ra cháu biết là đã hỏng kiểm
tra cũng không tác dụng.
- Nhưng cháu không lấy số tiền đó. Nếu sơ suất bị thiếu, cháu sẽ xin bố mẹ cháu
đền cho chú.
- Với chú số tiền đó không lớn, chú không yêu cầu cháu phải hoàn trả. Nhưng chú
rất buồn từ khi cháu vào đây làm, tinh thần trách nhiệm của cháu không có. Đây
là lần thứ hai cháu làm thất thoát. Cháu mới làm, có thể kinh nghiệm non nớt,
sự cẩn thận, chu đáo còn thiếu..Kể cả điều này chú cũng có thể bỏ qua. Nhưng có
những cái chú dù muốn cũng không thể bỏ qua được. Cháu có biết đó là gì không?
Nó không biết là có chuyện gì nữa. Nhưng nó đoán lão chủ đang kiếm cớ cho mình
thôi việc. Một phần thu nhập gần đây thu không đủ chi các khoản thuế má, tiền
thuê nhân công, tiền thuê nhà. Điện, nước thứ gì cũng tăng. Hai là cô bồ cũ của
lão đã muốn đi làm trở lại. Bằng cách nào đó lão đã thuyết phục bà vợ la sát,
ục ịch củ mình chịu chấp nhận sự có mặt trở lại của chị ta.
Lão liệt kê những cái lão không thể bỏ qua được: Nào là đám tang bố vợ lão nó
không đến viếng. ( Lão quên mất rằng mấy ngày hôm đó lão phân công nó ở lại
trông quầy. Giờ có cãi lại cũng vô ích, nó thừa biết như vậy) Rồi cái đêm lão
gọi điện bảo nó đến trông nhà cho lão hôm đám tang ấy. Nó đã định đi, nhưng bà
cô bảo con gái không đi qua đêm ở nhà người khác. Với lại lão chủ này cũng
không phải người khả tín. Nó lưỡng lự rồi không đi..
Lão bảo nó “không biết đường ăn ở”.
Lão đang cần người nhưng phải là người chịu khó, ngoan ngoãn chứ không phải đứa
chểnh mảng, vô trách nhiệm như nó.
Giời ạ, với đồng lương chết đói lão trả cho nó mấy tháng nay, làm việc căng
thẳng thời gian đến mức ấy lão chưa bằng lòng, nó không biết nói thế nào bây
giờ. Nhưng nó biết trong bụng lão đang nghĩ gì.
Tất cả những việc lão vừa nói xem bề ngoài
đều đúng cả. Đúng một cách khốn nạn là đằng khác. Nhưng không phải là lý do
chính.
Điều lão ngấm ngầm chưa nói ra, nó linh cảm chắc chắn ngày nào đó nó sẽ xảy ra.
Dù lão không đuổi việc, nó cũng sẽ xin thôi làm.
Đây đâu phải là chỗ béo bở, tử tế gì?
Nó từ hôm ra trường đã chịu nhiều điều không như ý, vất vả, gian nan. Có lúc
tưởng chừng tuyệt vọng. Giờ có thêm lần thử thách nữa cũng chẳng sao!
Bạn bè nó cử nhân bằng ưu cả đấy, bây giờ cả đống ngồi không ăn bám bố mẹ. Có
đứa kiếm được việc thì toàn việc linh tinh. Đứa đi làm bảo vệ, gác cổng cơ
quan. Đứa chạy bàn cho hàng ăn, Đứa chạy chợ đêm hôm đầu đường, cuối phố, lem lem chả việc gì ra việc gì. Tuyệt không
có đứa nào nhờ vào được tấm bằng, xin được việc làm đúng với ngành đào tạo mình
theo học. Cuộc sống cứ như thể vô tình chối bỏ cả một lớp người trẻ tuổi ham
học. Ngày mai còn mờ mịt chưa biết ra sao nơi phía chân trời!
Nó chỉ buồn, không biết chiều nay
về nhà nói với bố mẹ thế nào. Con gái lớn tưng đây tuổi rồi vẫn phải để bố mẹ
lo lắng, nghĩ ngợi mãi sao?
Chiều hôm ấy nó về. Nó kể lại chuyện, vẻ mặt bố rất buồn. Một lúc bố mới bảo:
- Không làm việc này thì làm việc khác, đừng chán nản. Con người ta khi gặp khó
khăn mà buông xuôi là hỏng con ạ. Mà đâu phải mình con gặp chuyện éo le lúc này?
Khó khăn chung của cả nước, cùng lứa với mày.. Cánh cửa này đóng, sẽ là lúc mở
ra cánh cửa khác!
Nó biết bố nói vậy, nhưng trong bụng ông rất buồn. Chắc bố tự trách mình âm
thầm như mọi khi vì sự bất lực của mình không lo được cho con. Nhưng bố ơi, người như bố lo làm sao được cho
con vào lúc này, khi bố không có tiền và chẳng có chút quyền hành nào cả? Bố
chỉ là người người ta tỏ ra trân trọng bề ngoài, thực ra trong bụng người ta
không thích và có ý đề phòng?
Tối hôm đó ông bạn lớn tuổi hơn bố gọi điện đến. Ông là người giới thiệu nó vào
làm chỗ đó và là người tán dương triển vọng về sau này của nghề này. Ông kể lại tình tiết câu chuyện cho bố nó
nghe khác hẳn mhwmngx gì xảy ra và nó tận mắt chứng kiến. Chắc ông đã bị tác
động khi nghe qua lão chủ là chỗ quen biết cũ kể lại.
Trong trường hợp này người ta có
thể nói được gì? Chẳng lẽ ông ta khen ngợi nó và chê trách lão chủ hay sao? Ông
ta biết đâu những điểu lẩn khuất sau những sự việc vừa rồi?
Nghe xong, nét mặt bố rất buồn, nhưng bố vẫn gượng cười:
- Vâng, dù sao em cũng cám ơn bác. Con dại cái mang mà bác. Chỉ tiếc cháu bỏ
mất chỗ làm cũ về đây để gần nhà hơn, hóa ra lại thế này..
Đúng là nó dại thật. Nếu không dại, câu chuyện đã không xảy ra như thế. Nhưng
nếu bảo tiếc một chỗ làm như thế, tuy bây giờ tâm trạng chới với, chưa biết
ngày mai sẽ tìm việc gì, nó vẫn nghĩ rằng không.
Người đời có muôn vạn lí. Nhưng
cái lí để tồn tại phải chính đáng, không hổ thẹn với lương tâm, dù có gặp khó
khăn, trắc trở như thế nào.
Không lẽ trên đời này không có, không còn cái lí đơn giản như vậy sao?
=== =========
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét