Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Nhà văn Nguyễn Quang Hà: Mắt không dùng khúc xạ để nhìn nhau


 Tượng đài liệt sĩ Đại đội Ngô Gia Tự được nhà văn Nguyễn Quang Hà
dựng thờ trong sân vườn nhà ông



LÊ TRUNG VIỆT

NVTPHCM- Thỉnh thoảng tôi phải dừng bút, khi ông nói rằng cái này cháu đừng đưa vào bài báo nhé. Sự thật thường nằm khuất lấp trong bóng tối, ở đời cái ác vốn nhiều hơn cái thiện, nên ngoài pháp luật, người ta cần đến chữ nghĩa để phơi bày nó, mà đã chạm đến chữ nghĩa thì lắm điều tế vi…

Sản nghiệp văn chương ông đồ sộ, nhưng ông là con người của những điểm nóng với chất báo chí hừng hực, dù rằng các tiểu thuyết Con nợ, Vùng lõm, Thời tôi mặc áo lính… từng làm nóng văn đàn. Bây giờ về Huế, hỏi chuyện ông cựu bí thư tỉnh ủy khai man lý lịch anh hùng, thiên hạ đều bảo: hỏi nhà văn Nguyễn Quang Hà, là rõ.

“Năm 1967 mình xung phong đi bộ đội, 1969 về xây dựng phong trào xã Phong An - xã của ông Mãn bây giờ - lúc đó ông Mãn mới là giao liên, biết nhau từ đó. Khi ông Mãn được phong Anh hùng, một bữa mình về Phong An giỗ một liệt sĩ, anh em cựu chiến binh nói: Mi không viết thì ai viết bây giờ? Mình nói mọi người tập hợp tư liệu rồi mình viết Về lại Phong Điền, từ đó cựu chiến binh bắt đầu khiếu kiện lên trung ương”.

Chuyện sau đó, thiên hạ chắc đã rõ, rằng những người nông dân một thời cầm súng kia đã bị dọa giết, ngay cả ông trưởng tộc của ông Mãn cũng bị nắn gân bởi đã cả gan kiện cựu bí thư tỉnh ủy. Liền sau đó, ông Hà viết thêm mấy bài nữa. Chuyện ông Mãn bị truất bỏ danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, là chưa từng có tiền lệ ở xứ mình. Để làm được việc này, ông và các cựu chiến binh đất Phong Điền đã vượt qua bao nhiêu lớp phòng thủ, khó hơn một trận công đồn.

Ở đây tôi xin nói lại với một đồng nghiệp trong một tranh luận, khi anh cho rằng, thắng thì có thắng nhưng không vẻ vang, bởi tại sao không viết khi ông Mãn còn đương nhiệm? Có hai lẽ, là biết ông Mãn giả dối, nhưng báo chí cần chứng cứ. Nhân chứng còn đó, mà chừng đó thì đâu có đủ, phải lấy được bản kê khai thành tích của ông Mãn. Ông Hà lấy được. Còn con đường nào để tờ giấy giả dối kinh thiên động địa kia đến tay ông, đó là chuyện ly kỳ.

Lẽ thứ hai, là ông Mãn ăn lộc nước, quyền to, giàu có, đứng trên hơn một triệu dân Thừa Thiên-Huế, nói toàn lời vàng ý ngọc, nhưng khi về hưu, ông lộ ra là giả dối, thì sao im lặng được. Mặc dù vậy, thắng ông Mãn đâu phải dễ dàng. Tất nhiên bạn cũng như bao đồng nghiệp, dư luận, thảy đều gật là ông Hà dũng cảm. Tôi thì nói với ông Hà, là đương đầu phen này, chấp nhận tuẫn nạn, bởi thua là ông chết, mà khả năng thua thì nhiều.

Đó là một người luôn đi đến tận cùng của sự thật. Một nhà nghiên cứu văn học ở Huế nói với tôi như thế khi đánh giá về ông. “Văn giới xứ mình, từ 60 tuổi trở đi hoặc gác bút, hoặc làm… thiền sư, chỉ nói điều minh triết, răn đời, lấy chữ nhàn làm bè bạn, có đâu như chú rước toàn thị phi, xông vào hòn tên mũi đạn”.

Tôi nói điều này, bởi ông đã 73 tuổi, bảy lần đại phẫu trong và ngoài nước, đại tràng bị cắt hết vì chứng ung thư. Hình như ông thoát chết vì “đức thắng số”. “Đại đội Ngô Gia Tự của mình 155 anh em, chết hết 122 người. Có lần ở Phong Điền, một bà già vì cứu mình đang nằm dưới hầm, đã chấp nhận bị giặc tra tấn, chúng nó lấy tấm tôn quấn bà lại và đốt hai đầu cho nóng dần, bà quyết không khai, khi giặc đi rồi, mình mở nắp hầm lên, bà chết, thịt dính vào tôn… Biết bao nhiêu trường hợp như thế.

Mình nợ đồng đội và dân, nên mình viết. Viết để trả nợ, như một mệnh lệnh, mình không nghĩ để lại hậu thế những áng văn hay, nhưng mình phải làm phận sự của người lính-nhà văn còn sống với chuyện hôm qua và hôm nay”.

Tôi có đọc một luận văn thạc sĩ về tiểu thuyết chiến tranh của ông. Tác giả luận văn không hề chạm đến một chữ mà tôi cho rằng đây là điều khó bỏ qua: nỗi buồn. Khi đối diện với sự thật cay đắng và giải quyết nó, cái đọng cuối cùng chính là nỗi buồn mênh mông, dù rằng thế giới mỹ cảm, hình tượng văn học, tình huống truyện, chi tiết hàm ngôn lẫn hiển ngôn trong tác phẩm của ông, thường không nhắc đến nỗi buồn, mà chỉ có những đối thoại và thông tin với những nhu cầu riết róng cần phải giải quyết cả trong thời chiến lẫn thời bình. Ông gật.

Vẫn lợn cợn trong tôi ý nghĩ, sao chỉ mỗi ông lên tiếng trong khi đó là đề tài “hot”, ăn khách, dẫu biết là các tòa soạn vẫn ngại, ông không viết, nói như dân gian là “có chết ai đâu”, “êm êm rứa” mà qua cầu. Tôi nhớ ngược lại một thời tạp chí Sông Hương in bài ký Luận chứng về một tâm hồn đa cảm, làm nổi sóng dư luận ở Huế, viết về cái nghèo, nạn quan liêu, nỗi đau khổ của dân Phong Sơn-Phong Điền, mà nhức nhối nhất là sự uất ức, có lẽ phải dùng từ này, của ông, về việc những người dân một thời đổi máu mình nuôi cán bộ, lại bị chính quyền dối lừa, hứa hão, sống trong cơ cực, đói nghèo. Ông viết thẳng tay, vạch mặt chỉ tên cụ thể lãnh đạo huyện.
Nhà văn Nguyễn Quang Hà và vợ - Võ Thị Quỳnh

Đất Phong Điền nuôi ông trong chiến tranh, như duyên tiền định, bám riết cho mãi đến giờ với chuyện ông Hồ Xuân Mãn làm hồ sơ giả, cũng kê khai từ Phong Điền, nên tôi bật câu hỏi: “Sứ mệnh nhà văn hiện nay là gì?”. “Phải viết về xã hội này, nỗi đau của nhân dân. Nhà nước đang nợ dân”. Tiểu thuyết Con nợ của ông đưa in, sáu nhà xuất bản đều… lắc, bởi sợ, đến Nhà xuất bản Hội Nhà văn, họ nói ai chứ ông Hà viết thì in ngay. Ông đã được bảo chứng bằng chính uy tín của mình.

“Tại sao nhiều người không dám viết?”. “Nhà văn không ngại đụng chạm, nhưng viết thì không ai in, rồi cũng phải có tiền để sống chứ”. Tôi nhớ nhà văn Bùi Ngọc Tấn nói: “Văn chương ăn nhau ở cái cốt lõi, ấy là cái sự thật. Sự thật rành rành mà viết không thật được, ấy là vì cái lòng mình vẫn chưa thành thật. Hay nói huỵch toẹt ra là còn giả dối, sợ hãi”. Ông Hà dám đương đầu và đi tìm sự thật để phơi bày, bởi ông mang nguyên cả dũng khí của người lính vào sinh ra tử trong chiến tranh đi vào thời bình, qua năm tháng, máu can trường ấy không cạn, không phai.

Tín nghĩa. Có lẽ nên dùng từ này để nói về văn-chất trong ông. Ông có gì mất không? “Đời cầm bút thì không có gì để mất. Thời mình làm Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, báo bán được lắm. Nhà văn hãy đứng về điều đúng”. Chút tự hào hiếm hoi lộ ra ở ông. “Các nhà văn hiện giờ đang ở đâu?”. “Đang lửng lơ, chưa mạnh dạn viết”. “Vì thế sẽ không có gì phải phân bua khi người ta nói rằng văn học, nhà văn nước mình, giờ như… bị chìm đi”.

“Nhà văn thiếu chỗ dựa để tránh đòn roi. Đây là điều đau đớn cho người viết. Như chuyện đó, sai rành rành vậy mà ông Mãn vẫn kiện, nhưng chỗ báo in mấy bài mình viết họ không sợ, để rồi ngày hôm sau khi tòa soạn nhận được đơn của ông, là có quyết định của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang”. “Có lẽ chú cô đơn…?”. “Không, mình đứng về lẽ phải và nhân dân mà. Mình không sợ gì cả, không sợ trả thù, chỉ lo tỉnh không phát triển được”.

Nếu ai đó biết đoạn đời buồn tủi của ông thuở vào đời rồi ra lính, hẳn sẽ ưu tư với nỗi âu lo có vẻ “bao đồng” trên. Đậu đại học mà không được đi học, vì vướng lý lịch gia đình. Tan tiếng súng, trở về cố hương nơi đất Bắc, thì người vợ ở quê chẳng chung tình. Ông đã vượt lên chính mình, hành xử tha thiết với cuộc đời, như một giáo sư văn học ở Huế nói: Nguyễn Quang Hà viết bằng tấm lòng chân thật, không vụ lợi, cay cú ăn thua, một đời cầm bút xông vào giông bão, chỉ vì nhân dân, không trang viết nào lộ chuyện thù hằn cá nhân, chua chát số phận mình.

Cô Quỳnh nói: “Anh thay áo mà chụp ảnh chứ”. Tôi chưa kịp xua tay thì ông đã lên tiếng: “Thôi, thế này cũng được”. Nắng đã đứng nơi góc sân, cười trên mấy giò lan rừng, gãy khúc long lanh ngũ sắc tạt xuống tượng đại đội Ngô Gia Tự thẳng đứng như lời thề của người lính trước giờ xung trận. Tượng thờ ông lập ra để hàng ngày thắp nhang cho đồng đội mà máu xương đã tan vào đất.

Cô Quỳnh hẳn sẽ khổ nhiều với ông? “Không - cô cười như mặc nhiên chấp nhận một thái độ sống, một cách hành xử, quan niệm đạo đức, thẩm mỹ hằng có ở nhà văn - Mình làm vợ cũng lo, nhưng mình tin không gì có thể bước qua được sự thật. Đây là vụ cam go nhất. Mà cũng quen rồi, cách đây 15 năm ổng chống tiêu cực, họ ném lời đe dọa vào cửa, cựu chiến binh đến nhà, mang theo đá, nói: góp thêm đá cho anh chiến đấu, rồi cũng nhờ anh em liệt sĩ đại đội Ngô Gia Tự phù hộ nữa”… Tôi nhớ thơ ông có câu “Đường chân thật như bị băm nát - Khi mắt dùng khúc xạ để nhìn nhau”. Nhưng, ông lại nhìn thẳng…



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: