“Kẻ sĩ” là chữ ông Hai Chí (Võ Trần Chí, cố Bí thư Thành ủy TP.HCM), nhận xét về các thành viên nhóm Thứ Sáu, trong đó có chuyên viên kinh tế Huỳnh Bửu Sơn.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự sinh nhật lần thứ 15 của nhóm Thứ Sáu. Luật gia Nguyễn Ngọc Bích (ngồi), cùng ông Phan Chánh Dưỡng (đứng bìa trái), ông Huỳnh Bửu Sơn (bìa phải). Ảnh T.L
Trước sự kiện lịch sử 30.4.1975 chừng tuần lễ, một người bạn nói với ông Sơn rằng “tình hình rất nghiêm trọng, nếu mày muốn đi thì đi cùng tao, nhưng chỉ mình mày thôi vì chỉ còn hai chỗ”. Gia đình giữ chân ông ở lại. Cha mẹ. Anh em. Vợ trẻ. Con thơ. Thâm tâm, ông chỉ mong không có đổ máu như những tin đồn. Rồi mọi việc sẽ trở lại bình thường. Chiến tranh kết thúc. Lẽ tự nhiên, đất nước vào cuộc kiến thiết. “Tôi sẵn sàng là một bàn tay nhỏ nhoi của hàng chục triệu cánh tay Việt Nam làm việc đó”, ông Sơn hồi tưởng. Chung tay góp sức không dễ. Ðấy là một quá trình bền bỉ, đòi hỏi sự kham nhẫn.
Sau khi được tạm cho về trong đợt cải tạo tập trung vào cuối tháng 5.1975, ông quay lại nhiệm sở là ngân hàng Quốc gia Việt Nam và được học tập cải tạo ngắn hạn tại đó. Lương 63 đồng. Cuộc sống thiếu thốn. Tù túng. Ði làm cũng như không. Ông không được giao việc. Ngày trôi tuột qua ngày. Vô nghĩa. Ðầu giờ sáng, ông ghé chỗ làm ký tên điểm danh rồi bỏ ra sân quần vợt. Ðánh tới trưa. Có khi thông sang chiều. Như tự thiêu đốt mình. Mưa cũng không bỏ. Tháng ngày dầm dãi khiến ông đổ bệnh. Trận cúm “rút” của ông 13kg.
“Tôi đánh giá cao những ý kiến đóng góp của anh em về nhiều lãnh vực trong suốt những năm qua, không phải vì tất cả ý kiến đó đều mới mẻ, đứng đắn, khả thi. Có ý kiến, xét trên quan điểm tổng thể tầm quốc gia, chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tình hình nước ta... nhưng tất cả đều xuất phát từ mong mỏi khát khao đưa đất nước vượt lên. Hơn nữa, đều là kết quả của công trình lao động trí tuệ công quả, trong khi cuộc sống và công việc thường nhật của anh em còn không ít khó khăn” (trích thư cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi nhóm Thứ Sáu ngày 1.11.2001).
Thứ Sáu thực ra không phải tên nhóm. Tiền thân của nó là nhóm nghiên cứu chuyên đề quận 5 của công ty Cholimex, chủ yếu là trí thức từng làm việc dưới chế độ cũ. Sau này mở rộng ra không phân biệt trí thức cũ mới gì hết, rồi thường họp vào chiều thứ sáu hằng tuần nên “chết“ tên luôn. Không giấy phép. Không tổ chức. Không nội quy. Không trụ sở. Không ai lãnh đạo ai. Không hưởng lương. Không ràng buộc - ai đến thì đến, ai đi thì đi. Những cái không mang lại nhiều cái có. Có anh em. Có gặp gỡ hằng tuần. Có bàn bạc về những vấn đề của đất nước. Có cùng tâm tư, băn khoăn, trăn trở, lo âu cho vận mệnh và tương lai đất nước. “Chúng tôi mỗi người mỗi ý, cãi nhau không khác gì Ðào Cốc Lục Tiên, sáu anh em ngộ nghĩnh, trong Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung” - ông Sơn nói về “chỗ dựa tinh thần”. Tư tưởng tự do bay nhảy. Chẳng ai độc quyền chân lý. Nhờ vậy, tri thức lan tỏa, thẩm thấu. Ông Phan Chánh Dưỡng thừa nhận nhóm Thứ Sáu là “trường kinh tế học đặc biệt nhất”, nơi ông tiếp cận những khái niệm đầu tiên về kinh tế. Văn phòng của Cholimex - công ty mà ông Dưỡng được bổ nhiệm làm phó giám đốc - cũng chính là cái nôi quần anh náu mình. Bữa xôm, hơn hai chục người tham gia, không đủ ghế ngồi. Thỉnh thoảng, một số chức sắc cũng ghé lại, như ông Hai Chí, ông Trần Bạch Ðằng, ông Năm Nghị (Phạm Chánh Trực), ông Tư Sang (Trương Tấn Sang), ông Ba Châu (Lữ Minh Châu - nguyên tổng giám đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam)... Lúc quạnh, chỉ vài ba người. “Nhớ nhất là anh Phan Tường Vân, tiến sĩ kinh tế, đạp xe lọc cọc mười mấy cây số, đội mưa đến họp mà cả phòng chỉ có anh, anh Lâm Võ Hoàng và tôi. Tội chị bếp Cholimex nấu bữa cơm thịnh soạn cho mười mấy người”, ông Sơn kể.
Cố giáo sư Ðặng Phong, tác giả cuốn Tư duy kinh tế Việt Nam: 1975-1989 dùng từ “vỡ trận” khi đề cập đến cuộc cải cách giá - lương - tiền năm 1985. Nền kinh tế rơi vào vòng xoáy hỗn loạn. Sang năm 1986, lạm phát ba con số (774%). Kinh tế chỉ huy bất lực mở ra cơ hội cho trí thức cất lên tiếng nói. Lãnh đạo thành ủy đề nghị nhóm Thứ Sáu góp ý giải pháp. Nhóm nghiên cứu được thành lập. Ông Sơn làm chủ nhiệm đề tài. Tháng 3.1987, cùng với hai thành viên khác của nhóm là Phan Chánh Dưỡng và Trần Bá Tước, ông Sơn bay ra Hà Nội, trình bày đề cương khắc phục những hậu quả nặng nề từ cuộc cải cách giá - lương - tiền. Ðấy cũng là lần đầu tiên ông Sơn diện kiến ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), lúc ấy giữ cương vị phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Sau phần mở đầu không thật sự trôi chảy vì xúc động, ông lấy lại bình tĩnh, đầu óc sáng suốt, trình bày mạch lạc. Dồn. Nén. Nổ. Xả. Như muốn trút hết những nỗi niềm tâm sự tích chứa bấy lâu. Bài thuyết trình nhận được sự đồng cảm của nhiều chuyên viên Bắc hà. Ông nói trúng những điều họ nghĩ. Chỉ có điều họ chưa mạnh dạn nói ra. Rủi ro “chệch hướng” có lẽ đã đi vào tiềm thức.
Lần thứ hai trở lại Hà Nội, ông Sơn mang theo bản dự thảo pháp lệnh Ngân hàng, làm cơ sở để hai nhóm chuyên gia nghiên cứu, thảo luận. Nhóm một do ông Phan Văn Tiệm, chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước chủ trì. Nhóm hai là ngân hàng Nhà nước, phụ trách là ông Cao Sĩ Kiêm. Bản dự thảo được lấy ý kiến của nhiều ngành, nhiều giới, có cả sự tham vấn của ngân hàng nước ngoài và quỹ Tiền tệ Quốc tế trước khi ban hành.
Hai pháp lệnh là văn bản pháp quy, tạo xung lực quyết định cho sự phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam từ đó đến nay. Xây dựng hệ thống ngân hàng hai cấp. Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ dự trữ tối thiểu bắt buộc và tái chiết khấu để điều chỉnh khối tiền tệ thay cho biện pháp quản lý tiền mặt thô sơ và cứng nhắc trước đây. Mở rộng hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động. Tổ chức thị trường tiền tệ liên ngân hàng. Tổ chức thanh tra ngân hàng, phát triển hợp tác xã tín dụng. Thay đổi danh xưng người đứng đầu ngân hàng Nhà nước và mạnh dạn thành lập hội đồng quản trị ngân hàng Nhà nước. Những đổi mới pháp lý có ý nghĩa đột phá mạnh mẽ tạo nên những thay đổi tiến bộ cho ngành ngân hàng Việt Nam, tương hợp với hệ thống ngân hàng trên toàn thế giới.
So với bản dự thảo ban đầu, nội dung pháp lệnh rất khác, cả từ ngữ, lẫn nội dung cho phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông Sơn thừa nhận nội dung văn bản pháp luật này chưa đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo chuyên gia ngân hàng cũng như cá nhân ông. Ngân hàng Nhà nước cần được giao quyền chủ động nhiều hơn trong việc xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ, nhưng phải giảm bớt can thiệp vào tổ chức nhân sự và điều hành vào các ngân hàng quốc doanh, điều kiện quan trọng để xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hai khối quốc doanh và thương mại cổ phần... thậm chí nên đổi tên thành ngân hàng Trung ương Việt Nam, hay ngân hàng Quốc gia Việt Nam nhằm khẳng định vị trí của nó đối với nền kinh tế. Một người bạn thâm giao nhiều năm sát cánh cùng ông Sơn là chuyên gia kinh tế Lâm Võ Hoàng tự trào rằng những người soạn thảo mong ước sinh ra đứa con thông minh, lớn lên làm kỹ sư, bác sĩ. Mộng chưa thành. Tạm hài lòng vì dù sao cũng đẻ được đứa con trai nối dõi.
Thời bao cấp trước Ðổi mới: xếp hàng, chợ trời, tem phiếu... Ảnh T.L
Là người chấp bút dự thảo ban đầu nhưng với ông Sơn, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới chính là cha đẻ của hai pháp lệnh ngân hàng đầu tiên. “Không có ông sẽ không có đổi mới ngân hàng, không có pháp lệnh”, ông khẳng định.
Ông Sơn không quá lời. Thiếu sự tiếp sức của cánh tay quyền lực, kẻ sĩ cũng đành thúc thủ. Nhìn lại lịch sử xã hội phong kiến, cơ hội để người hiền thi thố là khi gặp được minh quân. Ðêm trước Ðổi mới, nền kinh tế bên bờ vực sụp đổ đặt những nhà lãnh đạo đất nước vào tình thế buộc phải lựa chọn. Bắt trúng bệnh. Kê sẵn toa. “Nói thật những gì mình biết, còn có được nghe hay không, được thực hiện hay không thì tùy duyên. Trung ngôn thường nghịch nhĩ. Người lãnh đạo biết nghe lời thẳng không có nhiều”, ông Sơn nói về nguyên tắc hành động của nhóm Thứ Sáu.
Giai đoạn 1987-1997 là khoảng thời gian ông Sơn sung sức nhất, đóng góp được nhiều nhất. Ðây cũng chính là thập niên ông Sáu Dân giữ trọng trách, từ Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến Thủ tướng. Ông Sơn cũng là thành viên tổ tư vấn của người đứng đầu Chính phủ về cải cách hành chính và cải cách kinh tế. Nhà báo Trần Trọng Thức nhận xét: “Sơn làm việc như xả thân”. Trong bài giới thiệu tập sách 25 năm theo dòng kinh tế Việt Nam, ông Thức ghi lại lời bộc bạch của tác giả: “Tôi bị ông thu hút bởi đức độ, một trái tim bao dung nhân hậu, lòng yêu nước yêu dân sâu đậm và một sự minh triết đáng kinh ngạc”.
Ba thập niên kể từ cuộc Ðổi mới lần thứ nhất, đâu đó đã có ý kiến đòi hỏi một cuộc Ðổi mới lần hai. Những trục trặc của nền kinh tế phơi lộ dần kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Huỳnh Bửu Sơn vẫn không nguôi trăn trở về thời cuộc, nhưng dường như chỉ có thân hữu ở một vài tòa soạn thuyết phục được ông viết bài. Tâm thế rất khác so với cái thời “có nhu cầu phải viết thì viết, giống như con gà mắc đẻ thì phải đẻ trứng. Ðẻ được trứng là tốt rồi, còn đẻ ở đâu cũng không hay. Trứng đẻ ra bị mai một trong bờ bụi hay được mang đi ấp, bỏ vào nồi luộc ăn cũng chẳng màng hay tiếc gì”, ông Sơn mượn lời một người bạn.
Ngô Tường Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét