TT - Cách đây đúng 38 năm, tháng 1-1974, đúng vào dịp tết, Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc xâm chiếm. Từ đó đến nay, chưa bao giờ quần đảo Hoàng Sa bị lãng quên trong lòng người dân Việt.
Kỳ 1: Quãng đời đặc biệt
Kỳ 2: Mấy mươi năm nghẹn ngào
6/01/2012 09:40 GMT+7
Kỳ 3: Những ngày tháng không bao giờ quên
17/01/2012 09:14 GMT+7
TT - Cứ đến tháng giêng hằng năm là tôi không sao xua được cảm giác thẫn thờ mất mát, bởi những ký ức về vẻ đẹp hoang sơ của Hoàng Sa cũng như ký ức đau buồn khi chứng kiến Hoàng Sa bị rơi vào tay hải quân Trung Quốc vào ngày 19-1-1974.
Kỳ cuối: Tiếng chim cuốc Hoàng Sa
18/01/2012 07:02 GMT+7
TT - 38 năm đã trôi qua. 38 năm làm thay đổi bao nhiêu là sự việc. Nhưng trong tôi 38 năm như chỉ mới hôm qua.
Kỳ 1: Quãng đời đặc biệt
Ông Nguyễn Văn Thành - nhân viên thông tin truyền thông trên đảo Hoàng Sa - Ảnh tư liệu
Mãi đến nay, đã gần 40 năm qua mà trong ký ức tôi vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm vui buồn tại đảo Hoàng Sa. Bởi đó là quãng đời đặc biệt mà tôi đã từng sống và làm việc. Tôi đã từng sống trên đảo hai đợt, mỗi đợt hơn ba tháng.
Mãi đến nay, đã gần 40 năm qua mà trong ký ức tôi vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm vui buồn tại đảo Hoàng Sa. Bởi đó là quãng đời đặc biệt mà tôi đã từng sống và làm việc. Tôi đã từng sống trên đảo hai đợt, mỗi đợt hơn ba tháng.
Ký ức chuyến ra đảo đầu tiên làm tôi nhớ mãi. Phải thú thật là lúc nhận được lệnh đi đảo Hoàng Sa, tôi cũng lo sợ. Mặc dù trước đó có rất nhiều người đã đi, nhưng lần đầu tiên phải xa vợ con trong thời gian dài và không biết cuộc sống trên đảo thế nào.
Tôi còn nhớ thành phần ra đảo lúc đi khá đông, khoảng hơn 20 người kể cả bốn nhân viên khí tượng. Chúng tôi đến từ những vùng quê khác nhau của VN.
Chúng tôi tập trung tại Hội An, đi mua sắm vật dụng cá nhân cho mình, mua lương thực thực phẩm phục vụ cho đoàn cũng như một số vật nuôi, con giống để ra đảo tăng gia sản xuất như heo, gà, vịt, hạt rau muống, hạt đậu xanh...
Sau khi chuẩn bị xong, xe đưa chúng tôi ra Đà Nẵng để lên tàu và xuất phát ra đảo từ đó. Khi được lệnh lên tàu và khởi hành, anh em trên tàu mỗi người mỗi tâm trạng. Nhưng rồi ai cũng có cảm giác hân hoan vì lần đầu được lênh đênh trên mặt biển, để khám phá vùng đất thuộc lãnh hải của Tổ quốc mà mình chưa biết.
Theo kinh nghiệm, nếu thời tiết tốt thì thời gian ra đến đảo mất khoảng 21 tiếng. Tàu của chúng tôi khởi hành khoảng 14 giờ hoặc 15 giờ hôm trước thì hôm sau khoảng 10 giờ hoặc 11 giờ đến. Dù thủy triều cao hay thấp thì trong tàu luôn trang bị xuồng cao su để đưa người và vật dụng lên bờ.
Tại đảo có một chiếc cầu, tạm gọi là cầu cảng. Từ đầu cầu vào nhà ở khoảng 400-500m. Nếu nhớ không lầm thì ở phía bên phải của cầu có một chiếc tàu sắt đã gỉ sét. Nghe những người đi trước kể lại, đó là tàu của bà Ngô Đình Nhu ra đảo chở phân chim bị hỏng và bỏ lại.
Khi bước chân lên đảo tôi thấy ở cầu cảng có đường ray (hẹp hơn đường ray tàu hỏa) và năm chiếc xe rùa, không biết ai đã xây dựng và để lại nơi này. Tất cả anh em dùng những chiếc xe rùa này để di chuyển vật dụng, thức ăn, nước uống vào nhà. Hai bên đường vào nhà toàn là đá vôi, cây phốt phát, cây nhàu và một số cây lạ khác.
Nhà chúng tôi ở trên đảo được xây dựng rất kiên cố, bề dài khoảng 30-40m, bề ngang khoảng 20m. Nhà được ngăn thành bốn phòng: phía bên phải có một phòng để dùng làm nhà kho, một phòng cho binh sĩ ở, phía bên trái một phòng dành cho đảo trưởng và lính truyền tin, còn căn phòng rộng nhất dùng để sinh hoạt. Nhà rất kiên cố nhưng tất cả cửa lớn nhỏ đều đã hư hỏng vì thời gian nên mỗi khi có mưa gió rất cực khổ. Phía dưới nền nhà được đúc suốt dùng làm hầm chứa nước để dự trữ.
Phía trên trần nhà cũng đúc bêtông và được đặt hai khẩu súng đại liên 50 li, một khẩu đã hỏng và một khẩu còn dùng được. Tất cả vật dụng cũng như súng ống và đạn dược thì đảo trưởng cho lau chùi sạch sẽ vô dầu mỡ và cất vào kho. Ngoại trừ có ít lựu đạn đảo trưởng cất giữ để đánh bắt cá. Đây thật ra cũng là chủ ý của đảo trưởng, sợ anh em khi có xích mích, nóng giận mà sử dụng thì rất nguy hiểm.
Trước mặt nhà ở khoảng 150m có một nhà thờ Thiên Chúa giáo, trong có treo một cây thánh giá và tượng chúa Giêsu, thường những anh em có đạo hay đến cầu nguyện. Trước nhà thờ khoảng 50m có một cái giếng dùng được, bên cạnh có một cây dừa. Phía sau nhà ở có một con đường mòn nhỏ mà anh em thường ra đi dạo và đánh bắt cá. Phía bên phải có một cái miếu ở trong cũng thờ tự và cạnh bên có những ngôi mộ phần nhiều là vô danh.
Cạnh nhà chúng tôi ở khoảng 50m là nhà ở của anh em quan trắc khí tượng. Chúng tôi rất mến nhau, thường chia sẻ cho nhau những mẻ cá và anh em có gì ngon cũng đem cho chúng tôi.
Ấn tượng nhớ nhất của tôi là lần đầu dạo quanh đảo, khi đến cầu cảng nhìn xuống biển thấy rất nhiều cá bơi lội, tôi vội ném xuống một quả lựu đạn. Sau tiếng nổ, cả một vùng nước chuyển sang một màu đen sì, ba chúng tôi nhảy xuống bơi lặn mãi mà cũng chẳng tìm thấy con cá nào. Lúc đó tôi có phần run sợ, lạnh nổi cả da gà vì rõ ràng cá bung lên mặt nước rất nhiều. Sau này mới rõ đó là đàn mực đang bơi. Mực không có bong bóng nên không chết tức do tiếng nổ gây nên.
Với tôi, cuộc sống trên đảo khá nhàn rỗi. Ngoài giờ ấn định phải điện để liên lạc hằng ngày với tiểu khu Quảng Nam thì tôi, đảo trưởng cũng như những binh sĩ khác thường xuyên đi đánh bắt cá. Việc đánh bắt cá không chỉ để phục vụ các bữa ăn mà còn phơi khô để lúc về đất liền dùng làm quà. Khi đi ra đảo chúng tôi cũng có chuẩn bị lưới đánh cá. Lúc nước biển bắt đầu cạn, chúng tôi dùng lưới giăng ngang mí sóng (khúc cạn gần bờ) rồi từ trong bờ hè nhau đuổi ra là có cá bắt được. Nhưng khi gặp cá nhám thì chúng sẽ xé tung lưới mà đi.
Những lúc nước xuống nhiều thì chúng tôi lội đi bắt ốc gân, nhiều con rất lớn, có thể bằng chiếc nón. Chúng tôi dùng lưỡi lê xẻ ngay tại chỗ, chỉ lấy cái gân (phần của ốc dùng để khép và mở miệng) đem về xẻ ra phơi khô (còn ngon hơn khô mực) để mang về làm quà. Những lúc không làm gì thì chúng tôi tưới cây, những hạt giống mang theo gieo rất tốt, đậu xanh, rau muống, bí đỏ. Có những quả bí chỉ mới trồng khoảng ba tháng mà rất lớn, một người bê rất khó.
Thức ăn trên đảo qua những ngày đầu nào thịt gà, vịt, heo, đến lúc hết thì chỉ cá và rau cỏ trồng. Nhớ những lúc rau muống chưa kịp lên thì dùng cá nấu với lá ớt làm canh. Ban đêm chúng tôi chia từng tốp dạo quanh đảo tìm những con rùa biển (còn gọi là con vích) lên bãi cát để đẻ. Khi bắt được, chúng tôi lật ngửa nó ra để sáng hôm sau xẻ thịt. Thịt của nó rất ngon, cái thì ăn cái thì phơi khô, riêng trứng thì tròng đỏ đổ (chiên) làm chả, không thể luộc được vì tròng trắng của nó không bao giờ chín. Lúc chẳng biết làm gì thì người đánh đàn, kẻ đánh bài ăn thua nhau bằng thuốc lá hoặc khô cá.
Cuộc sống nhàn rỗi trên đảo khiến anh em buồn và nhớ nhà, thỉnh thoảng lại có một binh sĩ khóc suốt cả đêm liền.
Ký ức của tôi chỉ tạm tái hiện phần nào. Bởi lẽ hơn 40 năm rồi tôi không thể diễn tả hết những gì mình đã nhớ trong quãng thời gian sống trên đảo. Tôi mong sao Chính phủ đấu tranh để giành lại quần đảo Hoàng Sa, giành lấy chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.
NGUYỄN VĂN THÀNH
Kỳ 2: Mấy mươi năm nghẹn ngào
6/01/2012 09:40 GMT+7
TT - Lần đầu tiên tôi được ra công tác tại quần đảo Hoàng Sa là giữa mùa thu năm 1971.
Phóng to |
Quân đội Sài Gòn phòng thủ tại Hoàng Sa trước năm 1974 - Ảnh tư liệu |
Năm ấy tôi 19 tuổi. Chúng tôi lên tàu ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Khoảng 16g chiều hôm trước - tàu chạy luôn đêm, đến Hoàng Sa vào 6-7 giờ sáng hôm sau. Những người lên đảo đợt đó có lẽ tôi là người trẻ nhất. Có mặt ở nơi đây, tôi nhớ mãi đó là đợt 45.
Tôi ra đảo để đổi cho đợt 44 đã hết nhiệm vụ. Người đầu tiên tôi gặp là anh Tạ Song - y tá của đợt 44. Cũng như bao người khác mỗi lần công tác là ba tháng, nhưng có đợt hơn thế nữa vì biển động mạnh tàu không ra được để đổi. Tôi ra đảo với nhiệm vụ là y tá, chữa và cấp thuốc cho anh em gặp phải những chứng bệnh thông thường, còn bệnh nặng báo với đảo trưởng xin tàu chở về đất liền.
Phải nói rằng được công tác tại quần đảo Hoàng Sa là một vinh dự lớn đối với những người lính chúng tôi. Song cũng có ít nhiều lo lắng và băn khoăn. Không biết đến Hoàng Sa sẽ ra sao? Vì Hoàng Sa cách đất liền hàng trăm cây số mênh mông biển nước và ở đó những ba tháng.
Tàu đến quần đảo Hoàng Sa hạ neo ngoài khơi. Chúng tôi di chuyển vào đảo bằng thuyền cao su (bơm hơi) có gắn máy nổ. Khi thuyền cao su cập bến, đặt chân lên cầu tàu để đi vào đảo, tôi thật sững sờ khi thấy đường vào đảo hai bên san hô chất cao hơn đầu người, cộng vào đó dây leo bao che kín như vào một hang động. Tôi đứng lặng hồi lâu. Đến khi anh Tạ Song hỏi: ai là y tá đi theo tôi nhận bàn giao? Lúc ấy tôi mới lần bước theo anh.
Ngày đầu tiên sống trên đảo thấy thời gian trôi thật chậm. Nhớ gia đình, nhớ bạn bè, đất liền lắm vì hồi đó tôi quá trẻ. Sau thời gian ngắn cuộc sống vui vẻ và thoải mái hơn vì quen rồi.
Mỗi buổi sáng chúng tôi dậy rất sớm, rủ nhau đi tập thể dục. Nói cho oai vậy thôi chứ tập gì. Đi bộ quanh đảo để tìm những chiếc phao thủy tinh mà tàu đánh cá nước ngoài bị đứt trôi dạt vào đảo. Chúng tôi hay gọi là trái bóng, lấy cất sau này đem về đất liền cắt ra làm chậu nuôi cá cảnh. Hoặc tìm đường đi của mấy chú vích (rùa biển) để đêm lấy trứng về cải thiện bữa ăn.
Phóng to |
Bia chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa trước năm 1974 - Ảnh tư liệu |
Anh Hai Song về đất liền có để lại cho tôi một ít dụng cụ câu cá. Ban đêm thì câu ở cầu tàu, ban ngày lội ra bãi san hô câu. Với đồ nghề câu anh Hai Song để lại, tôi đã câu được con cá khế khoảng 15kg. Cá, ốc ở Hoàng Sa rất nhiều.
Hoàng Sa không có núi nên cây cối cũng không lớn lắm. Ngoài dừa, dương liễu, nhãn thì chẳng có cây nào lớn hơn thế. Vậy mà không nắng nóng lắm, chắc nhờ gió biển. Cũng ở đợt này năm ấy có cơn bão lớn đi ngang qua đảo, biển động mạnh, sóng cao như mái nhà.
Sau hai lần công tác ở đảo, điều mà tôi không quên được đó là hai lần công tác tôi đều gặp được ông Võ Vĩnh Hiệp - ông là người của nha khí tượng Sài Gòn đưa ra để làm công tác khí tượng. Ông là người bị dị tật bẩm sinh cả tay và chân, thế mà ông chơi rất hay nhiều loại đàn.
Ông đã dạy đàn cho tôi hai đợt như vậy. Sau khi bị Trung Quốc bắt ông được trao trả sau năm ngày, tôi đã nhờ ông báo tin cho gia đình tôi là tôi vẫn còn sống và bị giam giữ tại Trung Quốc.
Nếu như thống kê thì ông Hiệp đã sống và làm việc tại Hoàng Sa hơn 30 lần.
Khu đồn trú của lính địa phương quân VN trên đảo Hoàng Sa (ảnh chụp năm 1959) - Ảnh tư liệu |
Lần thứ hai tôi được ra đảo khoảng tháng 10-1973. Đợt ấy là đợt 54. Lần đi này tôi đã có kinh nghiệm hơn vì đã sống ở đây ba tháng rồi. Nên cuộc sống vui vẻ thoải mái hơn nhiều. Lẽ ra sau đợt công tác này tôi về sẽ cưới vợ, còn khoảng một tuần nữa là về thì bị Trung Quốc đem tàu chiến, binh lính đến chiếm đảo. Lúc ấy có cả đoàn giám sát thiết lập phi trường trên đảo bị kẹt lại, trong đó có một người Mỹ.
Mặc dù chúng tôi đã phân chia nhiệm vụ chiến đấu và giữ lấy đảo vì đảo là chủ quyền của chúng ta. Nhưng lính Trung Quốc đông quá cùng tàu chiến nhiều. Cuối cùng họ cũng chiếm được Hoàng Sa.
Tôi cùng 32 người khác bị bắt về đảo Hải Nam. Sang tàu khác thì có thêm 21 người lính hải quân bị bắt ở đảo khác. Họ đưa chúng tôi về cảng Quảng Châu, Trung Quốc, sau đó đưa chúng tôi về trại thu dung tù binh ở Quảng Châu bằng ôtô.
Ở đây khoảng một tháng, chúng tôi được trao trả cho Hồng thập tự quốc tế ở biên giới Thâm Quyến và Hong Kong. Và Hồng Thập tự quốc tế giao trả chúng tôi cho chính quyền Sài Gòn.
Lâu quá rồi tôi cũng không còn nhớ nhiều về Hoàng Sa, về quang cảnh trên đảo. Nhưng ngôi nhà nguyện, miễu Bà, cầu tàu, giếng nước... luôn ở trong tôi. Và đặc biệt là khu nghĩa trang với khoảng 50-60 ngôi mộ của những người đã sống và bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền cho đất nước.
Mới đó mà đã gần 40 năm - từ ngày chúng tôi bị bắt đến nay - không có người VN nào được đặt chân lên đảo Hoàng Sa nữa. Nghĩ mà thấy nghẹn ngào...
LÊ LAN
Kỳ 3: Những ngày tháng không bao giờ quên
17/01/2012 09:14 GMT+7
TT - Cứ đến tháng giêng hằng năm là tôi không sao xua được cảm giác thẫn thờ mất mát, bởi những ký ức về vẻ đẹp hoang sơ của Hoàng Sa cũng như ký ức đau buồn khi chứng kiến Hoàng Sa bị rơi vào tay hải quân Trung Quốc vào ngày 19-1-1974.
Mảng ký ức đó cứ lởn vởn trong đầu, như chỉ xảy ra vào hôm qua.
Phóng to |
Ông Nguyễn Văn Cúc (trái) và đồng đội ở Hoàng Sa năm 1973 - Ảnh tư liệu gia đình ông Cúc
|
Tôi có duyên với biển cả, với đại dương và cả với Hoàng Sa. Sinh ra trong một gia đình làm nghề đánh bắt cá, tuổi thơ của tôi gắn liền với biển. Nhưng khi lớn lên, tôi chọn một nghề không liên quan tới biển, vậy mà cuộc đời đưa đẩy tôi lại công tác tại quần đảo Hoàng Sa. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình may mắn được làm việc, được cống hiến sức trẻ tại mảnh đất thiêng liêng ấy và tôi muốn chia sẻ để mọi người được biết, để con cháu thế hệ mai sau luôn biết rằng Hoàng Sa vô cùng tươi đẹp là một phần của Tổ quốc Việt Nam, hãy ghi nhớ Hoàng Sa là của Việt Nam và hãy giành lại chủ quyền Hoàng Sa. Ước vọng lớn nhất của đời tôi là một lần nữa được đặt chân đến Hoàng Sa để lại được sống trong không khí mát lành của biển cả, xua tan cảm giác nhớ mong.
Tôi được điều đi Hoàng Sa để khảo sát, sửa chữa và xây thêm bể ngầm chứa nước mưa, lấy nước ngọt phục vụ cả quần đảo. Cả thảy tôi ra Hoàng Sa được ba lần. Lần đầu là đầu năm 1973. Lúc đó tôi chỉ ra hai ngày để khảo sát tình hình các bể chứa nước cũ, ước lượng nguyên vật liệu cần thiết để lần sau mang ra đảo. Lúc tàu gần đến đảo, tôi có cảm giác lâng lâng khó tả vì sắp đặt chân lên vùng đất thiêng liêng.
Ở trên đảo một ngày, tôi cùng năm người nữa đi tham quan đảo chim. Đây là cảnh tượng làm tôi thích thú và ngạc nhiên nhất khi ở Hoàng Sa. Trên đảo có vô số chim và con vích đẻ trứng, đặc biệt chúng không sợ sự xuất hiện của chúng tôi. Cảnh tượng hoang sơ với những hốc đá và nhiều chim biển làm chúng tôi cảm thấy thích thú.
Lần thứ hai tôi ra đảo là bắt tay vào sửa chữa, xây dựng các bể ngầm chứa nước ngọt. Các bể này xây từ thời Pháp thuộc. Khoảng 20 bể, mỗi bể chứa khoảng 1.000m3 nước, được xây ngầm xung quanh ngôi nhà để chứa nước mưa từ trên trần nhà đổ xuống. Đây là khoảng thời gian lâu nhất tôi ở Hoàng Sa. Ở trên đảo, một ngày trôi qua rất bình dị, sáng dậy tập thể dục sau đó ăn cơm rồi bắt tay vào làm việc. Công việc được phân chia cụ thể, rõ ràng cho từng người nên ai làm việc nấy, tới giờ ăn trưa, đi ngủ rồi làm tiếp. Buổi chiều khi công việc đã xong, tôi thường lang thang đi dạo xung quanh đảo và hay đến cầu tàu ngồi hóng gió. Đó là những lúc tôi nhớ nhà nhất. Khi tôi ở ngoài đảo thì vợ tôi mang thai đứa con thứ hai. Để quên đi nỗi nhớ nhà, thỉnh thoảng tôi cùng anh em chơi đá bóng hay đi câu cá, bắt ốc. Đó là thú vui chính của chúng tôi.
Phóng to |
Đào giếng nước ngọt trên đảo Hoàng Sa năm 1938 - Ảnh tư liệu |
Tôi không nghĩ lần thứ ba ra đảo để lấy mẫu đất, khảo sát thực địa, làm sân bay cũng là lần ra đảo cuối cùng. Khi đã lấy được mẫu đất, khảo sát xong thực địa chúng tôi lên tàu rời khỏi đảo về đất liền. Đang lênh đênh trên biển thì gặp tàu chiến của Trung Quốc. Họ áp sát tàu chúng tôi, buộc quay về lại đảo. Cảm giác bàng hoàng khi trực tiếp chứng kiến Hoàng Sa bị chiếm. Cảm giác đau đớn và xót xa khi thấy mảnh đất của Việt Nam rơi vào tay kẻ khác.
Sau một ngày bị bắt giữ trên đảo, lính Trung Quốc cho tàu nhỏ chở chúng tôi về đảo Hải Nam. Sau đó đưa chúng tôi lên tàu lớn về Quảng Châu - Quảng Đông (Trung Quốc). Chúng tôi ở đó cả tháng trời. Đó là lần đầu tiên tôi đón tết ở nơi đất lạ, cảm giác hờn tủi đau đớn khi ăn tết xa quê hương, vợ con, bên cạnh đó lại mang nỗi niềm chua xót khi Hoàng Sa bị chiếm giữ. Trung Quốc trao trả chúng tôi cho Hồng thập tự quốc tế tại Hong Kong. Tôi là một trong năm người đầu tiên được trao trả. Chúng tôi lên máy bay về sân bay Tân Sơn Nhất. Rồi về Đà Nẵng. Niềm vui được đoàn tụ cùng gia đình, được quay về quê hương đất nước cũng không thể xua tan nỗi buồn mất Hoàng Sa.
Tôi có đôi lời nhắn nhủ con cháu cũng như các thế hệ mai sau là cần phải hiểu rõ lịch sử của Hoàng Sa, về sự gian khổ, khó khăn đi khai phá giữ gìn Hoàng Sa của cha ông từ thời chúa Nguyễn. Luôn ghi nhớ Hoàng Sa là của Việt Nam. Bằng mọi giá phải lấy lại chủ quyền Hoàng Sa cho Việt Nam.
Vùng đất này chỉ trồng dương liễu và cây nhàu, rất khó có thể trồng được loại rau quả nào. Bên bãi trồng cây dương liễu có một cái miếu, có tượng đồng đen và xung quanh có khoảng 25 ngôi mộ được đắp bằng đất. Người trên đảo nói miếu đó rất linh thiêng. Nghe đâu năm 1968 có ông thuyền trưởng định đưa tượng đồng đen về chùa ở Đà Nẵng để thờ, nhưng khi chuẩn bị vào cúng thì chiếc thuyền cứ xoay vòng, không thể tiến về bến cảng. Ông thuyền trưởng thấy vậy đem tượng trở lại miếu. Tôi ăn tết ở ngoài đảo nên mồng 1 tết tôi có ra miếu để thắp hương.
Ở ngoài đảo sợ nhất là cảnh thiếu nước, chúng tôi sử dụng nước mưa, được chứa ở các bể ngầm xung quanh nhà khí tượng. Tôi đã chứng kiến ba lần bị thiếu nước, mỗi lần kéo dài khoảng 10 ngày. Khát quá nên chúng tôi lấy nước giếng lên để dùng, nhưng nước giếng chỉ uống được khi còn nóng, để nguội rất khó uống. Uống nước giếng này liên tục ba ngày sẽ bị đau bụng, nhưng thuốc men lại không có. Anh em lúc đó chia sẻ với nhau từng thìa đường, miếng sữa. Những lúc đó mới thấm được tình cảm của anh em xa nhà như thế nào.
|
__________
NGUYỄN VĂN CÚC
Kỳ cuối: Tiếng chim cuốc Hoàng Sa
18/01/2012 07:02 GMT+7
TT - 38 năm đã trôi qua. 38 năm làm thay đổi bao nhiêu là sự việc. Nhưng trong tôi 38 năm như chỉ mới hôm qua.
Những phụ nữ Việt Nam trên đảo Hoàng Sa (1940) - Ảnh tư liệu |
Khoảng tháng 10-1973, tôi cầm sự vụ lệnh về tiểu khu để nhận thuốc men đi đảo Hoàng Sa.
Tôi lúc đó tuổi đôi mươi. Không vướng bận vợ con, chút máu lãng tử trong người trỗi dậy. Hơn nữa nghe truyền thuyết kể rằng: “Ngày xưa triều đình lập đội Hoàng Sa. Khi đưa tiễn và đi giữ biển đảo quê hương, họ được xem như những anh hùng, một đi không trở lại”. Còn mình hôm nay tàu to, súng lớn có gì mà e sợ.
Chiều hôm đó chúng tôi có mặt tại cảng Tiên Sa. Chiếc tàu “Hương Giang 404” sừng sững uy nghi đang sẵn sàng vượt trùng khơi.
Tập kết lương thực, súng ống xuống tàu xong, tàu nhổ neo. Tạm biệt đất liền chúng tôi vượt biển đến Hoàng Sa.
Sau một đêm vật vã vì biển động mạnh, sáng hôm sau tàu đến đảo. Hải đảo Hoàng Sa như một dải cát vàng trải dài trong nắng sớm. Nước quanh đảo xanh như mạ non. Từng đợt sóng lăn tăn đuổi nhau vào bờ, tạo nên một không gian thanh bình yên ả.
Tôi thật sự choáng ngợp. Quê hương ta đẹp biết bao!
Bàn giao giữa hai toán quân xong, chúng tôi ở lại, anh em đợt trước về đất liền.
Mặt trời lặn xuống biển. Hoàng hôn vừa trùm lên đảo. Bỗng tiếng con chim cuốc trong rừng bàng kêu lên từng hồi, tạo cho cảnh kẻ ở người về buồn man mác. Tiếng cuốc kêu sao da diết nhớ thương.
Rồi thời gian cũng qua đi, chúng tôi thích nghi dần với cuộc sống của một cư dân trên đảo.
Chúng tôi chia thành năm tổ, mỗi tổ bảy người. Nhà ở thì có một tòa nhà đúc bêtông, có sân thượng và một vọng gác, trên đó có một khẩu súng 12,7 li, dưới nền nhà là hầm chứa nước mưa để uống. Kế bên tòa nhà của lính là đài khí tượng. Ngoài biển vào có một cầu tàu có đường ray để vận chuyển vào đảo và từ đảo ra tàu nhưng nay đã hư hoàn toàn.
Trên đảo cũng có nhà thờ và chùa nhưng đã hoang phế, chỉ có ngôi miếu là còn tươm tất. Đặc biệt trên đảo Hoàng Sa có một giếng nước ngọt mà các đảo khác không có.
Phóng to |
Bia chủ quyền Việt Nam do người Pháp dựng ở Hoàng Sa năm 1938. Trên bia có ghi rõ: Vương quốc Đại Nam 1816 - năm vua Gia Long bắt đầu thực thi chủ quyền của Việt Nam tại các đảo Hoàng Sa - Ảnh tư liệu |
Biển đảo hiền hòa và hào phóng. Cung cấp hải sản không thiếu một thứ gì! Nhưng cũng có lúc nổi cơn giận dữ, biển thét gào với những trận cuồng phong. Những đợt sóng cao như trái núi lừ lừ tiến vào đảo trông thật kinh hoàng, nhưng điều may mắn là Hoàng Sa chưa bao giờ ngập trong sóng biển.
Có một lần biển động, bão đến bất ngờ. Một tàu cá Trung Quốc không kịp vào bờ tránh bão nên đã tấp vào đảo ngay trong đêm. Bão mạnh dần, chiếc tàu cá bị đánh dạt mất giữa biển khơi.
Phương tiện không còn, gia đình ngư dân Trung Quốc kia lại trở thành cư dân bất đắc dĩ của đảo.
Mặc dù lương thực sử dụng đã được tính toán chi li, nhưng tình người trong cơn hoạn nạn, ai nỡ ăn no để nhìn người khác đang đói. Vậy là toàn đảo sẻ chia, cưu mang gia đình Trung Quốc kia cho đến ngày họ xin được tàu về lại quê hương.
Ngày chia tay họ cũng ôm hôn anh em trên đảo, ngôn ngữ bất đồng nhưng trong đôi mắt hiện lên bao sự quyến luyến và biết ơn những người Việt Nam.
Thế rồi những ngày tiếp theo đó, tàu Trung Quốc đến đánh bắt cá tại vùng biển đảo Hoàng Sa càng nhiều hơn. Khi tàu hải quân Việt Nam tuần tra thì họ chạy ra hải phận quốc tế, khi tàu hải quân đi rồi thì họ lại buông neo thả lưới quanh đảo.
Anh em trên đảo chỉ có nhiệm vụ giữ đảo, còn đẩy đuổi ngư dân nước ngoài xâm phạm lãnh hải thì phương tiện không có.
Ba tháng rồi cũng trôi qua, chiếc tàu “Chí Linh 11” đón chúng tôi về lại đất liền, buổi chiều di chuyển ra tàu, con chim cuốc trong rừng bàng lại kêu từng hồi, như nhắn nhủ hãy nhớ về lại với Hoàng Sa.
Tàu nhổ neo, chạy một vòng quanh đảo để chào từ biệt. Đâu biết rằng lần chia tay đó Hoàng Sa chỉ còn trong tưởng nhớ không nguôi. Nhớ đêm chia tay, anh em rủ nhau đốt lửa, thức cùng Hoàng Sa. Tiếng hạ uy cầm của chú Võ Vĩnh Hiệp bên đài khí tượng hòa cùng tiếng hát bên ánh lửa bập bùng. Giữa muôn trùng sóng gió tiếng hát vẫn cất cao như miệt mài, như nhắc nhủ: “Một ngàn năm... một trăm năm...”.
Chiều nay đi giữa quê lại nghe tiếng chim cuốc kêu. Bỗng bồi hồi nhớ đến con chim cuốc ngày nào trên đảo Hoàng
Sa. Chắc bây giờ chiều chiều nó vẫn gióng lên tiếng kêu thương khắc khoải hướng về đất liền với bao nỗi chờ mong.
Riêng tôi, khi nào Hoàng Sa còn nằm trong tay kẻ cậy mạnh hiếp yếu, thì tiếng con chim cuốc trong ta sẽ còn mãi kêu lên dù cho nhỏ đến giọt máu cuối cùng, hầu nhắc thế hệ mai sau rằng: “Ta phải về Hoàng Sa”.
Tháng 10-1969 nhận được sự vụ lệnh của đơn vị, tôi ra làm đảo trưởng Hoàng Sa cùng 35 người lính và bốn nhân viên khí tượng, với nhiệm vụ giữ an ninh đảo và bảo vệ chủ quyền đảo Hoàng Sa. Đồng thời liên lạc báo cáo tin tức về an ninh, thời tiết khí tượng về đất liền.
Mổ heo cúng đảo xong, sáng hôm sau tôi đi quan sát một vòng trên đảo. Không khí rất ấm áp và dễ chịu với những bãi cát mịn trắng phau. Khi ra bờ biển nhìn xung quanh, tôi thấy những đảo nhỏ phía xa xa. Và ngay tại bờ biển tôi thấy có một nghĩa địa chôn những người đã mất khi làm nhiệm vụ trên đảo. Kế nghĩa địa là miếu Bà. Trong miếu thờ Phật Quan Âm.
Trung tâm đảo có một tòa nhà chính và kế bên là nhà khí tượng. Tòa nhà chính do Pháp xây cất lúc nào trên đảo chúng tôi không biết. Nhưng tòa nhà rất chắc chắn với tường dày đến 2m để chống chọi lại những cơn bão. Khi trở về, tôi đã ghi lại trên đường theo thứ tự của những đợt ra quân giữ gìn đảo từ đợt 1 đến đợt 36 và tôi là đợt 37 (tháng 10-1969).
Mặc dù tháng 10 nhưng thời tiết ngoài đảo rất ấm áp. Mỗi ngày chúng tôi đi quan sát xung quanh đảo và báo cáo tin tức an ninh cùng thời tiết khí tượng về đất liền.
Sau hơn ba tháng trên đảo, đã đến ngày chúng tôi và bốn nhân viên khí tượng trở về đất liền để đợt mới ra thay.
Chúng tôi náo nức trở về đất liền và mang theo những luyến tiếc, những kỷ niệm vui buồn cùng Hoàng Sa - một quần đảo thân yêu của đất nước mà nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là phải tranh đấu mãi mãi.
NGUYỄN VĂN ĐỨC (nguyên đảo trưởng Hoàng Sa)
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét