"Nga quay lại Biển Đông, với Trung Quốc là họa chứ không phải phúc"
HỒNG THỦY
(GDVN) - Dụng ý thực sự của Putin không phải là bảo vệ hòa bình ổn định ở Biển Đông mà là chống Mỹ và mở rộng lợi ích của Nga ở khu vực.
Đài Phượng Hoàng ngày 20/3 dẫn lời Mã Đỉnh Thịnh, một nhà bình luận quân sự có tiếng ở Hồng Kông cho rằng Trung Quốc cần cảnh giác trước động thái Nga đang muốn quay trở lại Biển Đông. Ông Thịnh cho rằng máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga đương nhiên có thể tiếp dầu ven Biển Đông, nhưng khả năng lớn nhất là nên tiếp dầu ở vùng biển ngoài Đài Loan hay Philippines và bay thẳng tới đảo Guam mới có ý nghĩa.
Nếu máy bay chiến lược Nga tiến vào Biển Đông thì không cần phải tiếp dầu vì khoảng cách khá gần, nên một khi máy bay Nga có thể sử dụng căn cứ quân sự Cam Ranh của Việt Nam thì sẽ là một mối uy hiếp đối với Trung Quốc. Bởi lẽ Biển Đông đang là nơi cạnh tranh ảnh hưởng của Trung - Mỹ, nếu Nga được sử dụng căn cứ Cam Ranh của Việt Nam thì đó sẽ là nhân tố bất lợi lớn cho Bắc Kinh, vì Tu-95 có thể mang theo vũ khí hạt nhân.
Trước đó tờ Đa Chiều hôm 14/3 bình luận, việc Nga quay trở lại Biển Đông bề ngoài là giúp bạn bè, nhưng thực chất bên trong là để kiềm chế Trung Quốc, thậm chí có thể tạo ra những khó khăn mới trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông.
Tờ báo của người Hoa hải ngoại cho rằng, dụng ý thực sự của Putin không phải là bảo vệ hòa bình ổn định ở Biển Đông mà là chống Mỹ và mở rộng lợi ích của Nga ở khu vực. Một khi Mỹ và Nga hình thành xu thế đối kháng trên Biển Đông, không chỉ Trung Quốc khó "giải quyết vấn đề của mình", mà những phiền phức mới tạo ra càng thêm dầu vào lửa.
Đa Chiều cho rằng "Biển Đông vốn dĩ chẳng liên quan gì đến Nga", Moscow quay trở lại Biển Đông quyết không phải quyết sách tùy tiện, mà người Nga muốn bố trí chiến lược và lực lượng quân sự tại vùng biển này, điều đó khiến Trung Quốc phải nghĩ trước nghĩ sau mỗi khi định có hành động nào đó ở Biển Đông.
Nga đã nung nấu một chiến lược mới ở khu vực Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. Đa Chiều cho rằng người Nga chưa bao giờ thực sự từ bỏ Biển Đông, thậm chí còn cho rằng vai trò của họ ở Biển Đông cần phải được coi trọng. Nhiều người cho rằng trong lúc Trung - Mỹ cạnh tranh gay gắt ở Biển Đông, Nga nhảy vào cuộc có lợi cho Trung Quốc, nhưng thực tế không hề đơn giản như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét