Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Quan hệ Mỹ – Trung – Thái Lan sau đảo chính



Nguồn: Shawn W. Crispin, “Thai Coup Alienates US Giving China New Opening,” Yale Global, 05/03/2015.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
13634015949609
Trong các cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản, ma túy, và khủng bố trên toàn cầu của Mỹ, Thái Lan là một đối tác chiến lược không thể thiếu. Nhưng rõ ràng là quan hệ hai nước gần đây đã suy giảm mạnh khi vào tháng 1, Bộ Ngoại giao Thái Lan triệu tập Đại sứ Mỹ ở Bangkok để bày tỏ thái độ không hài lòng về những phát ngôn mang tính chỉ trích của Bộ Ngoại giao Mỹ đối với chính quyền quân sự nước này. Khi những đồng minh lâu đời của Thái Lan trở nên xa cách, Trung Quốc đã tiến đến để lấp đầy khoảng trống bằng những lời đề nghị chiến lược và kinh tế nhằm chống lại chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ.
Lời khiển trách chính thức của Thái Lan bắt nguồn từ bài phát biểu hôm 26/1 của ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. Trong bài phát biểu tại một trường đại học ở Bangkok, Russel đã nêu lên những lo ngại về sự thiếu “toàn diện” trong cái mà chính quyền quân sự Thái Lan gọi là nỗ lực cải cách chính trị và việc họ duy trì thiết quân luật hơn 8 tháng sau khi cướp chính quyền trong một cuộc đảo chính làm tạm ngừng nền dân chủ.
Mỹ đã đưa ra những lời phê bình nhất quán kể từ khi chỉ huy quân đội khi đó, giờ là Thủ tướng, Đại tướng Prayuth Chan-ocha lật đổ chính phủ dân cử của Yingluck Shinawatra hồi tháng 5 năm 2014. Prayuth đã cam kết sẽ khôi phục nền dân chủ sau khi thông qua hiến pháp mới và cải cách sâu rộng. Những người chỉ trích, vốn phải im lặng dưới hệ thống thiết quân luật, xem quá trình này như một màn kịch nhằm duy trì vai trò chính trị của quân đội.
Trong khi cuộc đảo chính của Prayuth được tổ chức trên danh nghĩa là nhằm khôi phục sự ổn định sau các cuộc biểu tình chống chính phủ trên đường phố gây suy yếu đất nước, nhiều nhà ngoại giao tại Bangkok nhận định rằng ẩn sau đó là một chương trình nghị sự nhằm đảm bảo rằng các tướng bảo hoàng chứ không phải những người ủng hộ chính quyền sẽ nắm quyền trong quá trình truyền ngôi tế nhị của vị vua ốm yếu Bhumibol Adulyadej, 87 tuổi, cho một trong hai người thừa kế chính thức của ông là Thái tử Maha Vajiralongkorn và Công chúa Sirindhorn.
Đăng quang năm 1946 và được đa số dân chúng kính trọng, việc Quốc vương Bhumibol qua đời được dự đoán là sẽ làm suy giảm ảnh hưởng bao trùm của chế độ quân chủ trong xã hội Thái Lan. Các nhóm chính trị đối lập đã tìm mọi cách để lấp đầy khoảng trống này, góp phần tạo nên một thập niên hỗn loạn đặc trưng bởi những cuộc biểu tình đường phố và đàn áp an ninh diễn ra luân phiên. Quân đội công khai bày tỏ thái độ trung lập, nhưng vai trò tối quan trọng của nó trong việc bảo vệ nhà vua lại gắn liền với một hoàng gia mong muốn duy trì sức mạnh và đặc quyền của mình sau khi Bhumibol qua đời.
Washington vẫn duy trì cách tiếp cận mà một nhà ngoại giao Mỹ từng mô tả là “can dự nhưng không hoan nghênh” (“engage not embrace”), một sự thay đổi chính sách được dẫn đầu bởi Đại sứ Mỹ sắp hết nhiệm kỳ Kristie Kenney, người ban đầu từ chối gặp gỡ những người tiến hành cuộc đảo chính. Các quan chức Thái Lan đã bác bỏ những lời chỉ trích cuộc đảo chính cùng việc đàn áp tự do ngôn luận và hội họp, nhưng những ồn ào sau bài phát biểu của Russel, bao gồm việc phái viên cấp cao này ám chỉ rằng thủ tục buộc tội Yingluck tại Hội đồng Lập pháp Quốc gia Thái Lan (tức Quốc hội) vốn do quân đội chi phối mang tính chính trị nhiều hơn là pháp lý, đã chỉ ra rằng mối quan hệ Mỹ – Thái đang trên đà tan vỡ.
Prayuth nói với các phóng viên rằng Russel đã dựa vào thông tin “một chiều” để đánh giá chính trường Thái Lan và ông cảm thấy “tiếc” khi người bạn lâu năm này lại “hiểu lầm” bối cảnh đất nước. Những bình luận này tương đồng với quan điểm của phía hoàng gia vốn ủng hộ cuộc đảo chính, trong khi có thể nhận thấy Washington đứng về phe Yingluck và người anh trai tỷ phú tự lưu vong của bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Cả hai phe đối đầu chính trị ở Thái Lan đều tuyên bố đấu tranh cho dân chủ. Và cả hai đều chứng tỏ khuynh hướng độc tài và lạm quyền trong khi cầm quyền.
Mặt khác, Trung Quốc không đưa ra phản đối nào mà luồn lách qua các dòng chảy chính trị khéo léo hơn so với những tuyên bố gây chia rẽ của Washington. Ít ngày sau khi công khai quở trách Russel, Prayuth đã tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan), cuộc gặp mới nhất trong số các cuộc gặp gỡ song phương cấp cao kể từ sau cuộc đảo chính. Một trong những lời đề nghị của ông Thường là mở rộng những cuộc tập trận chung mới ra đời giữa hai bên, bao gồm cả diễn tập không quân.
Được khởi xướng từ năm 2010, những cuộc tập trận chung Trung – Thái thường mang tính biểu tượng hơn là có giá trị thực tế. Nhưng lời đề nghị của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy quan hệ chiến lược giữa hai nước đã lợi dụng những căng thẳng sau quyết định hạ cấp cuộc tập trận Hổ mang Vàng (Cobra Gold) năm nay của Washington, cuộc tập trận lớn nhất vùng, được tổ chức hàng năm tại Thái Lan kể từ năm 1981. Để trừng phạt cuộc đảo chính, Washington đã giới hạn cuộc diễn tập năm nay chỉ bao gồm các sứ mệnh nhân đạo và giảm quy mô lực lượng hải quân tham gia của họ khoảng 20%. Một số nhà phân tích dự đoán cuộc tập trận 2016 có thể bị hủy bỏ nếu Thái Lan không có kế hoạch cho các cuộc bầu cử mới.
Cuộc diễn tập bị cắt giảm đúng lúc Bộ Quốc phòng Thái Lan đang xem xét một thỏa thuận cho phép Trung Quốc đứng đầu một dự án trị giá hàng tỷ đô la nhằm hiện đại hóa căn cứ hải quân Sattahip trên Vịnh Thái Lan. Panitan Wattanayagorn, chuyên gia an ninh và cố vấn hàng đầu cho Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan, nhận định rằng việc cho phép hải quân Trung Quốc tiếp cận Sattahip sẽ giúp “tái cân bằng” những đặc quyền mà Mỹ từ lâu đã nắm giữ tại sân bay U-Tapao, được sử dụng để tổ chức các chiến dịch ném bom trong Chiến tranh Việt Nam và gần đây hơn là tiếp nhiên liệu cho các máy bay quân sự trên đường quá cảnh đến Afghanistan và Iraq.
Việc Thái Lan hiệu chỉnh lại chiến lược của nó có thể có những tác động sâu sắc đến cán cân quyền lực khu vực. Đề xuất mới của Bộ Giao thông vận tải Thái Lan nhằm chuyển đổi U-Tapao thành sân bay thương mại, nếu được chấp thuận, có khả năng sẽ chấm dứt hoặc hạn chế việc quân đội Mỹ tiếp cận các đường băng của sân bay này. Sự hiện diện của hải quân Trung Quốc trong Vịnh Thái Lan khi đó sẽ làm thay đổi các xung lực tại hai chiến trường hàng hải quan trọng bằng cách cho Trung Quốc một tuyến phòng vệ ở phía Nam biển Đông và một điểm huyệt mới trong cuộc cạnh tranh mới nổi với Ấn Độ trên Ấn Độ Dương.
Chưa chắc Thái Lan, vốn nổi tiếng vì luôn khôn ngoan trong việc điều chỉnh quan hệ với các cường quốc, đã hoàn toàn nghiêng về phía Trung Quốc. Một thế hệ cũ những người lính vẫn có ảnh hưởng, hiện thân là cựu thủ tướng, chỉ huy quân đội và cố vấn hàng đầu của hoàng gia Prem Tinsulanonda, người nhắc lại vai trò quan trọng của Mỹ trong việc đẩy lui cuộc cách mạng cộng sản do Trung Quốc hậu thuẫn nhằm lật đổ chế độ quân chủ của Thái Lan trong những năm 1960-1970 và giữ chân những kẻ xâm lược Việt Nam trong một khoảng cách an toàn ở Campuchia suốt những năm 1980.
Đội ngũ của Prayuth ít chịu ơn những kỷ niệm thời Chiến tranh Lạnh đó và họ xem sự trỗi dậy của Trung Quốc là một cơ hội về kinh tế hơn là một mối đe dọa chiến lược. Trong chuyến thăm Thái Lan tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã ký một thỏa thuận trị giá 12,2 tỷ đô la Mỹ nhằm xây dựng và tài trợ cho một tuyến đường sắt Bắc-Nam nối thành phố Côn Minh của Trung Quốc với Bangkok và bờ biển công nghiệp ở phía Đông Thái Lan. Các cố vấn kinh tế của Prayuth xem cơ sở hạ tầng là rất cần thiết để Thái Lan trở thành trung tâm thương mại và giao thông của Cộng đồng Kinh tế ASEAN sắp hình thành. Trong năm 2013, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan, chiếm khoảng 14% tổng kim ngạch thương mại của nước này.
Tuy nhiên, các tướng lĩnh cầm quyền của Thái Lan cũng nhận thức được những rủi ro của việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc, thể hiện qua sự suy giảm ưu thế đàm phán trong những thỏa thuận viện trợ đổi lấy nhượng bộ (“aid-for-concession”) của Bắc Kinh với các nước láng giềng Campuchia, Lào, và Myanmar. Các quan chức Thái Lan đã nổi giận với những điều kiện mà Trung Quốc đề xuất để xây dựng tuyến đường sắt nói trên, bao gồm việc Trung Quốc sẽ quản lý việc vận hành tuyến đường, có quyền phát triển đất đai dọc theo tuyến đường dài 870 km này, và được hưởng lãi suất 4% cho các khoản vay liên quan.
Ngoài ra còn có rủi ro chính trị khi tuyến đường sắt tạo thuận lợi cho sự di cư nhanh chóng từ Trung Quốc sang Thái Lan trong khi việc người Trung Quốc tăng cường mua bất động sản ở đất nước này đang ngày càng trở nên nhạy cảm.
Chính sách xoay trục của Obama đã đánh vào những lo ngại trong khu vực về tham vọng bá quyền của Trung Quốc, đặc biệt là giữa các quốc gia Đông Nam Á với các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông. Thái Lan không có tuyên bố gì trong các tranh chấp hàng hải này. Trong khi chính sách ngăn chặn không mấy kín đáo của Obama đã xây dựng được những cầu nối chiến lược tới các chế độ chuyên chế ở Myanmar và Việt Nam, và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với quân đội vốn bị cáo buộc lạm quyền của Philippines, thì sự xa lánh của các tướng lĩnh Thái Lan lại mở đường cho Trung Quốc để chống lại những tiến bộ của Mỹ trong khu vực và mở ra một đường chia cắt địa lý xuyên qua vòng vây (của Mỹ) đối với nước này.
Lập trường rõ ràng của Mỹ về dân chủ và nhân quyền cuối cùng có thể có tác dụng ngược lại. Lời hứa khôi phục dân chủ một cách nhanh chóng sau cuộc đảo chính của Prayuth đã được đưa ra một phần nhằm xoa dịu Mỹ và châu Âu, những đối tác kinh tế và chiến lược quan trọng nhất trong truyền thống của Thái Lan. Vị cựu chỉ huy quân đội đã dời các cuộc bầu cử ban đầu từ năm 2015 sang năm 2016. Bởi Trung Quốc đã đem đến một nguồn thương mại và an ninh phong phú thay thế, áp lực của phương Tây lên các tướng cầm quyền về cuộc bầu cử mới sẽ bị giảm sút trong khi họ cân nhắc những chi phí và lợi ích ngoại giao của việc duy trì quyền lực cho đến khi cuộc kế vị ngai vàng hoàn tất.
Shawn W. Crispin là cây bút chuyên viết về chính trị Thái Lan trong hơn 16 năm qua trên các báo và tạp chí như Far Eastern Economic ReviewWall Street Journal, và Asia Times Online.
Bản dịch này được đăng tải lần đầu trên nghiencuuquocte.net.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: