Chúng ta có một cuốn sách tuyệt vời về một nhà văn – Kẻ ích kỷ lãng mạn(L’égoïste romantique) của anh chàng Frédéric Beigbeder. Khi chiều nay đọc lại nó lần thứ bốn ngàn bảy trăm chín mươi tư, tôi nghĩ nếu khéo léo thay một số chữ, chúng ta cũng sẽ có một phiên bản tuyệt vời không kém dành cho dịch giả: “Tôi chỉ thích đọc, dịch, và làm tình. Vì thế với tôi một căn hộ nhỏ là đủ để sống, với điều kiện nó có một giá sách, một máy vi tính, và một cái giường.”
Những đoạn dưới đây trích từ Frédéric Beigbeder (2013). Kẻ ích kỷ lãng mạn. Dịch giả Phùng Hồng Minh. Nhã Nam & NXB Văn học. Tôi sẽ đánh dấu những chỗ tôi sửa bằng màu hạt dẻ:
- Các nhà xuất bản không đọc sách: họ chỉ xuất bản chúng.
Các nhà phê bình không đọc sách: họ chỉ giở lướt qua chúng.
Các độc giả không đọc sách: họ chỉ mua chúng.
Kết luận: chẳng ai đọc sách cả, trừ các nhà văn (và dịch giả của các nhà văn). - Tôi không biết mình là ai, nhưng tôi biết điều mình muốn làm: một dịch giả không biết mình là ai.
- Sao tôi lại cứ nghĩ mình muốn là người vô song cơ chứ! Tôi có muốn làm người vô song đâu; mọi người ai cũng vô song cả. Tôi muốn làm người bề trên. Tôi phải thừa nhận như thế mặc dù điều đó nghe thật thảm thiết. Tôi làm mình trở nên cồng kềnh, cái Tôi căng phồng trong tôi làm tôi căng phồng, nhưng tôi là một kẻ kiêu kỳ tự phụ. Phải thừa nhận điều này: mọi dịch giả đều kiêu căng tự phụ đến nực cười, ngay cả khi anh ta không nói gì về bản thân mình.
- Nhưng ta làm gì ở đây cơ chứ? Về Paris thôi. “Có hai loại dịch giả: những con lợn bất tài và những con lợn hữu tài.” Marcel Reich-Ranicki là Bernard Pivot của Đức (cả ông nữa, ông cũng vừa về hưu).
- Gustave Flaubert, khi không thể dịch, vào tháng Mười một năm 1862: “Tôi ngu ngốc và rỗng tuếch như một cái hũ không chứa bia.”
- Dịch giả đúng là như vậy khi không dịch: một cái hũ không chứa bia, một cây bút không chứa mực, một cái ô tô không chứa xăng. Một món đồ vô dụng và cồng kềnh, một công cụ chẳng dùng để làm gì nhưng dù sao vẫn phải bảo trì. Chẳng có gì u uất hơn một dịch giả đang cơn bí. Anh ta thật nhu nhược và tự phụ, anh ta chỉ biết ngủ quên trên vinh quang, anh ta chỉ còn được chia ở thời quá khứ chưa hoàn thành.
- Chẳng có gì dễ hơn việc trở thành dịch giả: chỉ cần trả lời “dịch giả” với tất cả những ai hỏi xem bạn làm nghề gì là đủ.
(Nghĩ cho kỹ thì dù sao cũng phải rất can đảm.) - Ta dịch truyện ngắn khi ta không có thời gian dịch tiểu thuyết. Ta dịch thời luận khi ta không có thời gian dịch truyện ngắn. Và khi người ta thậm chí còn không có thời gian dịch thời luận thì người ta dịch nhật ký.
- Được hỏi: “Tại sao ông dịch?” Beckett trả lời: “Chỉ giỏi làm việc đó” (câu trả lời khiêm nhường một cách giả tạo). García Márquez nói: “Để bạn bè yêu tôi” (tôi thích câu này hơn). Còn tôi: “Vì tôi đã chán ngấy cảnh không dịch dọt gì rồi”.
- Cuộc đời tôi là một vở kịch câm trong đó dịch là lối thoát duy nhất.
- Tôi thật may: sự lười biếng của tôi khiến các tác phẩm tôi dịch trở nên hiếm hoi.
- Ở Zurich, một người hâm mộ nhận ra dịch giả của James Joyce trong một quán cà phê.
– Liệu tôi có thể hôn tay người đã dịch Ulysses được không?
Dịch giả của Joyce đã trả lời:
– Không, vì bàn tay ấy còn làm nhiều thứ khác nữa. - Trên chiếc máy bay đưa tôi quay trở lại Paris, một nữ tiếp viên của hãng Hàng không Pháp nhận ra tôi:
– Anh là dịch giả, đúng không ạ?
– Vâng… (đỏ mặt vì hài lòng).
– Tôi xin lỗi nhưng… anh tên là gì ạ?
– Oscar Dufresne… (trắng bệch vì thất vọng).
– Tôi nhớ rồi! Tôi từng thấy anh trên chương trình của Fogiel!
– Vâng, tôi đến đó cách đây lâu lắm rồi… (xanh lét vì giận dữ).
– Thật tiếc, tôi chưa đọc cái gì anh dịch cả.
Vậy đấy, đây là cách một kẻ tiểu nhân tự phụ thấy mình bị hạ nhục, thấy mình bị đặt lại vào đúng vị trí của mình như thể trước đó anh ta đã huênh hoang gì ấy trong khi anh ta thậm chí còn chưa nhấn chuông gọi tiếp viên. - Khi căng thẳng thần kinh ở tuổi ba mươi ba, tôi chẳng nói cho bất cứ ai biết cả: tôi đã dịch một cuốn sách, nghĩa là rốt cuộc tôi nói cho cả thế giới biết chuyện ấy.
- Dịch một cuốn sách toàn dùng những từ thật đắt. Và bán nó với cái giá ngất ngưởng.
- Người ta bảo tôi: Angot dịch có nhịp điệu. Có nghĩa dịch điều xuẩn ngốc một lần thì là dịch điều xuẩn ngốc. Dịch điều xuẩn ngốc hai lần thì là một phép lặp. Và tiếp tục đến chục lần thì đúng là có nhịp điệu thật.
- Một gã ngăn tôi lại trên phố để nói với tôi là tôi đã dịch ra những thứ thật xinh xẻo. Tôi cảm ơn gã và đi dược vài bước thì tôi suy nghĩ rồi tự nhủ rằng toàn bộ vấn đề của tôi nằm ở đó: nếu tôi đã dịch ra những thứ thật xinh thì bao giờ tôi mới dịch ra những thứ thật đẹp?
- Bí mật của tôi ư? Tôi giả vờ dịch và, theo cái đà ấy, tôi dịch thật.
- “Chưa bao giờ lại có một kẻ nghèo khó có thể dịch nổi các cuốn tiểu thuyết của Henry James.”
James Joyce bảo vệ tôi. - Dù là dịch gì đi nữa thì cũng ích lợi gì chứ? Kiệt tác đời tớ chính là các con tớ rồi. Chẳng bao giờ có cuốn sách, đĩa nhạc hay bộ phim nào sánh được với vẻ đẹp của chúng cả. Chẳng bao giờ có bức họa nào mang đến cho tớ nhiều ngạc nhiên như vậy.
Tôi còn cần nói gì nữa chứ?
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét