FB Vu Kim Hanh
Chặt lia chặt lịa, chỉ mấy ngày họ đã đẩy người Hà Nội vào cơn ác mộng kinh hoàng khi nhiều con phố đã ngỗn ngang đất, trơ trụi trời. Và họ đã đạt con số hạ chặt được 500 cây. Giải thích: là do nhà tài trợ thúc hối quá. Nhà tài trợ là ai mà sai được cả đội ngũ những người “đầy tớ” đang sống bằng tiền thuế của dân phải răm rắp làm theo ý họ? Đây, danh sách các nhà tài trợ, theo tư liệu từ FB, báo cáo của Sở Xây Dựng Hà Nội: Tập đoàn Vincom, Ngân hàng VP bank, CT CP TM Công nghệ Bình Minh, CT CP TV ĐT XD Hà Thành, CATP Hà Nội…
Đứng đầu danh sách, dĩ nhiên, số tiền tài trợ chắc phải đáng kể nhất trong 70 tỉ là Vincom. Tôi nhớ đến Phạm Nhật Vượng. Và cũng nhớ đến một đoạn trả lời phỏng vấn của ông Vượng, đăng trên vnexpress.net đầu tháng 3-2013:” Tôi mơ ước biến đường phố Hà Nội và Sài Gòn giống như Singapore hay Hong Kong (Trung Quốc). Nếu có thể thực hiện, thì kể cả có mất tiền tỷ, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc. Tôi muốn để lại thứ gì đó cho thế hệ sau. Còn tiền thì dù sao cũng chẳng thể mang theo khi đã chết”.
Thật là oan nghiệt khi giấc mơ ấy bây giờ được hiện thực hóa bằng hành động thúc giục xóa sạch cảnh quan thiên nhiên Hà Nội. Để làm cho đường phố Hà Nội được giống như đường sá Singapore?
Chỉ là một sự đối nghịch khủng khiếp từ hình thức đến nội dung. Ai đã đến Singapore đều thấy ngay từ cảnh quan của phi trường đã là một vườn cây xanh khổng lồ. Đi qua mọi con đường, qua phố xá, vào ngay trung tâm thành phố , đều là cây xanh thống lĩnh, Singapore thực sự là thành phố vườn.
Singapore được vậy không từ những ước mơ bay bổng. Đọc chiến lược phủ xanh thành phố, qui hoạch thành phố của người Sing, tôi phục người Sing sát đất về sự sáng suốt, tầm nhìn ngay từ những thập niện 60, những ngày đầu khởi dựng đất nước của họ. Phải xây dựng những lá phổi xanh bao quanh hàng loạt công trình kính và bê tông . Thành phố xanh cũng thể hiện bản sắc và giá trị của một đô thị văn minh đúng chuẩn thời đại. Và giải pháp chính là đề cao vai trò của công đồng, luật hóa nhiều giải pháp đảm bảo cho cộng đồng tham gia cùng nhà nước quản lý, bảo vệ cây xanh.
Dẫu sao, ông Vượng cũng chỉ là một nhà kinh doanh. Nhà kinh doanh thì mục đích chính của người ta là lợi nhuận. Nhiều khi bỏ vài chục tỉ, người ta đã cân đo chán chê với món lợi hàng trăm, hàng nghìn tỉ lấy lại. Và không ít khi, lợi ích của họ là đối kháng với cộng đồng. Ai, cái gì đối thoại với họ? Bây giờ, họ chỉ hài long thấy môi trường đầu tư thật tốt đẹp vì ý muốn nào của họ cũng được chính quyền đáp ứng.
Cái đau của mình là họ tha hồ “chém gió” muốn biến đường phố Hà Nội, Sài Gòn thành ra giống như đường phố Singapore, và họ hành động hoàn toàn ngược lại mà không có luật pháp, đạo đức nào ngăn cản được họ, thâm chí, còn luôn sẵn có những cánh tay nối dài của nhà nước chạy theo chiều chuộng họ.
Lại nhớ câu hỏi của một doanh nhân khi chúng tôi ngồi ở cà phê Continental Đồng Khởi , ông Vượng nói với Forbes: sau khi bán tòa nhà Vincom Center A ở trung tâm TPHCM giá 9.823 tỉ, với phương châm, hễ xây xong, được giá là tôi bán, để có thêm lợi nhuận lại tiếp tục xây dựng những công trình khác, vậy thì liệu một ngày không xa, các đại gia Trung Quốc dư tiền, mua thật hời, mua hết mọi công trình của Vingroup? Sao không nhỉ? Và chẳng bao lâu, đường xá, phố phường của chúng ta đều trong tay con cháu “ông Tập” hết, thì mọi thành phố sẽ ra sao và dân mình đi đâu?
Thời buổi kinh tế thị trường, đó là một thực tế chẳng ai làm gì được, ngay cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng chẳng làm gì được. Mấy ngày nay, tràn ngập chuyện chặt cây trên FB, ta thấy hàng trăm câu hỏi, giữa Thủ đô họ còn chặt sạch bách nhiều tuyến phố, đốn trụi hàng loạt cổ thụ vậy thì ở tận những cánh rừng đầu nguồn xa xôi, ai cản được họ?
Thật vậy, đồng tiền có vẻ đang ngày càng chứng tỏ sức mạnh vô địch vô song của nó. Khi mà luật pháp và đạo đức không có vai trò thực sự thì thật là đáng lo khi mỗi ngày cứ xuất hiện những chuyện động trời: Chặt sạch cổ thụ Hà Nội chưa xong thì đã đến lấp sông Đồng Nai làm khu đô thị!
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét