Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

KIẾP BÈO




Cách đây không lâu lắm thành phố C. còn có một nhánh sông cắt ngang. Dù chỉ là một nhánh phụ của con sông cái nhưng vì chảy ngang qua thị thành, nó đã trở thành một nơi chốn thần tiên cho cả tuổi thơ lẫn những đôi lứa đang kỳ hò hẹn. Dọc theo bờ sông mọc đầy cây bần là bãi tắm tuyệt vời nhất cho những đứa trẻ trong thành phố những buổi chiều. Sau đó, một vài người đến cất những căn nhà lá nhỏ ngay trên mặt sông để làm nơi sinh sống. Họ là những người nghèo khổ, tha phương cầu thực chớ không phải là dân bản địa và vì không tiền mua đất, họ phải làm liều dù ai cũng biết rằng khu đất ấy là đất công.
Thế nhưng, thành phố dần phát triển, đất hẹp người đông, nhu cầu về chỗ ở ngày một cao đã làm cho mỗi tấc đấc trở thành tấc vàng thật sự. Vậy là những cái đầu thực dụng nhìn thấy nhánh sông chảy băng qua thành phố cùng với bãi bờ của nó cả một diện tích rộng nếu được lấp đầy. Cũng không khó gì lắm để ra đời dự án thổi cát từ sông cái lên lấp nhánh sông “không cần thiết” tạo ra một mặt bằng rộng dùng cho việc lập chợ, kinh doanh. Tuy có nhiều ý kiến khác nhau nhưng cũng không ai phản đối gì vì những người ngụ cư dọc theo hai bờ sông đều là dân sống bất hợp pháp. Tôi có một người bạn là kỹ sư xây dựng cũng được huy động vào đội ngũ tham gia công trình này.

* * *
Hưng kể, vì được chỉ đạo phải làm thật nhanh kể từ ngày có lịnh thi công, đội ngũ công nhân và kỹ sư gần như phải làm suốt ba ca. Có đêm, Hưng phải ngủ lại và một đêm kia, sau một chầu bia tối kéo dài tận khuya, anh thức dậy và thấy mình ngủ một mình trên võng buộc tạm vào lan can chiếc cầu mà họ dự tính sẽ giật sập trong tuần tới vì dòng sông bên dưới đang cạn dần.
 Chầu nhậu đã làm Hưng khát khô cổ và cảm thấy thèm thuốc nhưng trong túi không có sẵn hộp quẹt. Bỗng dưng Hưng nghe có tiềng thì thầm nho nhỏ như có ai đó đang trò chuyện. Anh dụi mắt, bước ra khỏi võng và vô cùng ngạc nhiên khi thấy nơi bến sông trước mặt, có một dãy ghe nhỏ che mui kín đang đậu. Từ những chiếc ghe nhỏ ấy, phát ra tiếng rì rầm và có cả ánh sáng yếu ớt của những chiếc đèn hột vịt. Dù rất ngạc nhiên vì nhánh sông ngoài kia đã gần như bị bít để thổi cát vào, những căn nhà dọc bờ sông đã giải tỏa và ghe xuồng không cách nào vào được đây nhưng không hiểu sao lúc ấy Hưng vẫn trỗi dậy, bước ra khỏi võng và đi lần xuống bến với ý nghĩ xin mồi thuốc.
Dưới bến có chừng năm bảy chiếc ghe đang neo đậu và hầu như tất cả đều chưa ngủ. Hưng bước tới chiếc ghe gần nhất và dưới ánh trăng anh nhìn thấy một ông cụ mặt bộ bà ba nâu, đầu chít khăn rằn đang ngồi đốt thuốc bên chiếc hỏa lò nhỏ le lói ánh than hồng. “Chào bác! Hưng cất tiếng”.
Ông cụ gật đầu đáp lại nhưng không hỏi gì với khách. Hưng bước đến gần hơn và nói: “Bác cho cháu mồi nhờ điếu thuốc... -Được, cậu cứ lên đây”. Ông già đã lên tiếng.
Hưng bước lên sạp phía mũi ghe, nói: “Cháu ngủ gần đây, nghe tiếng trò chuyện nên cháu mới...” “Được mà. Ngồi hút thuốc uống trà cho vui đi cậu. Gia đình chúng tôi cùng mấy bà con quanh đây sắp sửa dời đi nhưng còn đợi con nước”.
Rồi ông quay nhìn vô trong mui, lên tiếng: “Lục Bình, con đem thêm gói trà cho cha mời khách”.
Hưng hơi tò mò nhìn theo ánh mắt ông lão. Anh thấy bên trong khoang ghe được ngăn lại bằng một tấm màn vải kẻ ca rô mà người nhà quê ưa dùng. Từ trong ấy có một cô gái vén màn chui ra. Cô gái một tay cầm gói trà còn tay kia vén tóc lại cho gọn gàng và khẽ gật đầu chào khách. Hưng bàng hoàng. Dù ánh trăng không tỏ lắm nhưng anh cũng kịp nhận ra là cô gái quá đẹp. Bộ đồ bà ba màu xanh lá tuy rộng nhưng vẫn nhìn rõ một vóc dáng thanh thoát, rất ít gặp ở những cô gái con nhà thương hồ. Không hiểu sao Hưng lại chăm chú nhìn cô như vậy, thậm chí anh còn nhận thấy hình như gương mặt cô có một nét u buồn sâu kín. Khi cô lui vào trong khoang ghe, khuất sau tấm màn, Hưng nghe như có tiếng đối đáp nho nhỏ giữa cô gái cùng một người khác nữa.
Chiếc ấm trên hỏa lò bắt đầu sôi và ông lão nhắc ra, rót nước vào một chiếc ấm đất màu gan gà. Vẫn nghe thấy tiếng người thì thầm, Hưng đánh bạo hỏi: “Xóm ghe mình hôm nay thức khuya để dời đi đâu hả bác?
Mắt ông lão dường như tối lại: “Cả xóm đã bàn nhau nhưng chưa biết là sẽ đi đâu. Chúng tôi đã định cư đây bao đời rồi, giờ thật là khổ.”
Tiếng thì thầm trong khoang ghe bỗng chuyển thành tiếng nức nở, ông lão bảo Hưng: “Thôi, uống nước đi cháu. Chúng tôi cũng sắp sửa nhổ sào”.
Rồi ông quay vô, trầm giọng: “Chuẩn bị đi bà ơi. Ông hắng giọng, nói thêm. “Còn con Lục Bình, cha đã nói là phận mình bọt bèo thì mình đành phải chịu. Sao còn thương cảm hoài vậy!”
Không dằn lòng được nữa, Hưng hỏi: “Cô nhà có chuyện chi mà không vui vậy bác?” “À, Lục Bình là con gái út nhà tôi. Trước đây chúng tôi có hứa hôn với họ Hà. Thế nhưng gần đây không hiểu sao đất đai nhà cửa của dòng họ ấy bỗng bị mất sạch. Cha con ly tán, họ hàng thất lạc. Thằng con rể tương lai cũng bị vạ lây. Giờ đây, chúng tôi cũng phải ra đi. Chuyện nhơn duyên lỡ dở như vậy nên mấy ngày nay con Lục Bình nó khóc lóc hoài. Cả hai vợ chồng tôi khuyên can mấy cũng chưa nguôi”
Hưng rùng mình, uống vội ngụm nước rồi từ giã ông cụ. Khi anh bước lên bờ, dưới ánh trăng huyền hoặc, Hưng vẫn nhìn thấy cái thân hình nhỏ bé buồn bã của ông cụ in đậm trên nền của hàng cây và bên tai Hưng vẫn vang lên tiếng nức nở của người con gái...
Sáng hôm sau, Hưng giật mình tỉnh lại khi có người lay gọi. Anh bàng hoàng thấy mình nằm ngủ ngay trên thành cây cầu sắp sửa bị phá đi, cách xa chiếc võng của mình chừng mười mét. Anh chàng công nhân trẻ cười:
- Hồi đêm xỉn dữ hả anh Hưng? Về không tới võng mà...
Hưng ngồi dậy, anh tựa vào lan can cầu nhìn xuống dòng sông đang cạn. Dưới ấy, từng đám lục bình đang theo con nước đẩy đưa giạt dần về phía sông cái. Có một nhóm lục bình nhỏ còn vướng vào chân cầu vì nước đã cạn lắm. Hưng đi vòng xuống bến, gỡ cánh bèo và nhẹ nhàng đẩy nó ra xa, nhập vào đám lục bình lớn trước con mắt ngạc nhiên của người công nhân trẻ.
* * *
Chúng tôi ngồi bên nhau trong công viên bên bờ sông, trước mặt tôi những cánh bèo vẫn giạt từng đám trong cơn nước kiệt. Giọng Hưng bùi ngùi: “Sau đó mình xin chuyển công tác. Mình cảm thấy như có gì đó sai lầm, và như thể có lỗi với tuổi thơ của mình. Và còn một lý do nữa, đó là nỗi ám ảnh không nguôi về cái đêm nửa hư nửa thực ấy. Mình vẫn nhớ rất rõ cô gái ấy tên là Lục Bình, vẫn nhớ màu áo xanh cô ấy lay động dưới ánh trăng khi đem gói trà ra, và nhớ rất rõ ánh mắt buồn của ông cụ và cách nói chơn chất như người vùng quê cách đây cả vài chục năm. Nhớ tiếng nức nở của cô con gái cùng câu chuyện lạ lùng về dòng họ Hà bị xiêu tán, nó cũng giống như một lời cảnh tỉnh”.

Đêm đó khi chúng tôi trở về, Hưng chở tôi chạy ngang qua khu đô thị mới. Dòng sông xưa giờ đã mất tích. Chỗ chiếc cầu đá mà cách đây hai mươi năm chúng tôi còn thi nhau leo lên rồi nhảy ùm xuống dòng nước mát gần như không còn có thể nhận ra. Thay vào đó là những tiếng nhạc xập xình phát ra từ các quán cà phê mới đang thi nhau mở hết công suất.

(Trong tập Giữa Trần Gian và Địa Ngục- đã xuất bản 2008 và tái bản 2014)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: