Số tiền 1.052 tỉ đồng Quỹ BHXH do CNLĐ đóng góp coi như mất trắng. Ảnh: H.Q
Chỉ gói gọn trong 60 phút, tuy nhiên phiên họp về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2013 của Ủy ban Các vấn đề xã hội (CVĐXH) của Quốc hội (QH) cuối ngày 24.4, trở nên nóng bỏng trước thực tế 1.052 tỉ đồng tiền BHXH coi như mất trắng! "Căng" đến mức mà ĐBQH Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) đặt vấn đề về sự công bằng: “Tại sao NLĐ không đóng BHXH thì đòi xử lý hình sự, trong khi chúng ta lấy tiền của họ cho vay và làm thất thoát thì lại không ai chịu trách nhiệm?”.
“Nợ ở cấp độ 5” - coi như mất!
Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền trình bày bản báo cáo với la liệt các con số, Phó Chủ nhiệm Ủy ban CVĐXH của QH Bùi Sĩ Lợi đề cập ngay tới số nợ 700 tỉ đồng mà BHXH VN đã cho Cty cho thuê tài chính 2 (TC2) vay. TGĐ BHXH VN Nguyễn Thị Minh giải trình, đại ý: Về số nợ chỉ được biết là cơ quan điều tra đang làm. Số 700 tỉ đồng là số gốc, còn tổng số thì không chính xác lắm. Bà Minh nói cần phải có hội đồng thẩm định xem số tiền thực chất thất thoát đi bao nhiêu mới có thể xử lý. “Trước mắt chúng tôi chưa có ý kiến gì” - bà Minh nói.
Phát biểu về vấn đề này, đại diện Kiểm toán Nhà nước giải trình thêm rằng: 785,5 tỉ đồng chỉ là số gốc tiền BHXH đã cho vay. Tính lãi, đến cuối năm 2012 đã là 264,6 tỉ đồng. Con số mà kiểm toán kiến nghị xử lý là 1.052 tỉ. Chưa tính đến bây giờ, số nợ thực tế đã tăng lên rất nhiều.
“Đến giờ chúng tôi cơ bản đánh giá khả năng thu hồi nợ là “nợ ở cấp độ 5”, là coi như mất” - đại diện Kiểm toán Nhà nước nói. Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Cơ quan điều tra (CQĐT) tiến hành làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật. Và “Hồ sơ đã được chuyển CQĐT từ cuối tháng 12.2012”.
Ngay sau phát biểu của TGĐ BHXH VN và báo cáo của đại diện Kiểm toán Nhà nước, ĐBQH Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) chất vấn ngay, rất quyết liệt về tình trạng “cho vay thương mại, làm dự án thủy điện, giờ không thu hồi được thì ai chịu trách nhiệm?”, và việc "lấy tiền BHXH cho vay và làm thất thoát thì lại không ai chịu trách nhiệm?”. Ông kêu gọi Ủy ban CVĐXH của QH cũng như các vị ĐBQH “phải có ý kiến” trước “trách nhiệm mà dân giao cho chúng ta”.
Nợ đọng BHXH trở nên nhức nhối
Theo báo cáo của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, năm 2013, đã tiến hành khởi kiện đòi BHXH 2.460 đơn vị với số tiền 1.248 tỉ đồng, tuy nhiên, số tiền thu hồi chỉ 28,7%. Trước thực tế này, Phó Chủ nhiệm ủy ban Đỗ Mạnh Hùng nêu vấn đề, hiện nợ BHXH có nhiều con số. “Lúc 8.000, lúc 11.000 tỉ đồng. Báo cáo nói khởi kiện hơn 2.000 DN với số tiền chỉ hơn 1.000 tỉ đồng. Phần này so với 8 hay 11 ngàn vẫn là thấp. Khoản chênh còn lại có xác định được không?". Theo ông Hùng, chính mức phạt thấp so với lãi suất ngân hàng, đang khiến vấn đề nợ đọng BHXH đã trở thành nhức nhối.
Riêng đối với vấn đề quản lý Quỹ BHXH, đại diện Kiểm toán Nhà nước xin “phát biểu thêm” rằng, BHXH nên chú trọng quản lý ứng dụng công nghệ thông tin. Ngay sau đó, ông công bố những con số chi phí quản lý BHXH đáng giật mình: Từ năm 2007 - 2013, chi phí quản lý tăng gấp 5 lần. Số tuyệt đối năm 2007 là 815 tỉ đồng, trong khi đến năm 2013 đã lên tới 3.718 tỉ - xấp xỉ 3% tổng nguồn thu.
Còn ĐBQH Nguyễn Tấn Tuân thì nhấn mạnh tới con số trong chính báo cáo giải trình rằng: Chi phí bộ máy quản lý năm 2013 đã tăng 24% trong khi Chính phủ đang kêu gọi tiết kiệm chi thường xuyên 10% với mọi đơn vị. “Các đồng chí có chế định riêng hay sao? - ông nói gay gắt - 3% (chi phí quản lý) trước đây chúng tôi không đồng ý, giờ cũng đã 3% rồi, mà tiền này là tiền của người LĐ".
Tiền BHXH của công nhân lao động đóng góp đang bị thất thoát. Ảnh: H.Q |
Giải trình sau đó, TGĐ BHXH Nguyễn Thị Minh dẫn số liệu nước ngoài từ Philippines, Costa Rica, Ghana, Hy Lạp... để chứng minh chi phí quản lý 3% không phải là cao. Riêng đối với con số 24,7% chi phí bộ máy, bà Minh nói có khuyết điểm do báo cáo viết chưa chính xác, bởi con số 24,7% này gồm nhiều khoản chi chứ không phải toàn bộ chỉ là chi phí bộ máy!
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban CVĐXH của QH Trương Thị Mai một lần nữa nhắc lại thực tế nhức nhối chuyện nợ đọng BHXH: “Khi kiện ra tòa thì thắng lợi luôn thuộc về NLĐ, vì nợ thì phải trả thôi. Nhưng thu (được tiền) thì bất khả thi thì chẳng giải quyết được vấn đề. Mà đây là số tiền vài chục ngàn tỉ đồng mỗi năm”. Bà cũng đề nghị BHXH VN đẩy mạnh hiện đại hóa, chẳng hạn “Hợp đồng với ngành thuế để thu, hoặc phối hợp với bưu điện để chi trả lương hưu, thay vì tổ chức 4.000 đại lý”, và “chi phí quản lý cũng cần tính toán để hợp lý hơn”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét