Có nhiều người biện luận rằng giàu nghèo không phản ánh hạnh phúc của người dân, điều này có thể đúng một phần, nhưng liệu chúng ta có thể tồn tại và hạnh phúc một cách bền vững trong cảnh nghèo khó khi sống xung quanh những gã khổng lồ?
Gieo văn hóa tốt gặp tương lai đẹp
Một số nhà nghiên cứu văn hóa gần đây khi lên tiếng bảo vệ sự duy trì một số lễ hội dân gian như “chém lợn” hay “đập trâu” có xu hướng cho rằng các lễ hội trên là của làng này, địa phương nọ và đó là những nét văn hóa bản địa. Vì vậy việc bỏ, không bỏ hay cần thay đổi là do cộng đồng địa phương đó quyết định. Quan điểm này, xét về cách tiếp cận trong phát triển thì không sai, song xét trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự bùng nổ của thông tin và truyền thông của ngày hôm nay thì có vẻ chưa ổn.
Xưa kia, khi giao thông hạn chế, tính chất làng, xã còn nặng nề khiến cho ai biết việc người nấy và thường thì những lễ hội dân gian hay dừng lại trong một phạm vi hẹp cũng như ảnh hưởng của chúng giới hạn trong một cộng đồng mang tính đồng nhất về văn hóa, tín ngưỡng.
Ngày nay, chợ Viềng không còn chỉ là của người Nam Định, Hội Gióng không thuần túy chỉ dành cho dân Sóc Sơn và “khai ấn đền Trần” luôn có số khách “thập phương” áp đảo. Việc thực hành tín ngưỡng tại hầu hết các lễ hội dân gian đều khó tránh được chuyện “Quan trên ngó xuống, người ta trông vào”.
Xét cho cùng, đây cũng là điều tốt và có thể được xem như một dạng công cụ vừa giám sát (tránh biến tướng), vừa đánh giá (giúp kiểm soát và tiến tới loại bỏ những thứ được nhiều người cho là hủ tục).
Tôn trọng và thừa nhận truyền thống văn hóa, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của một cá nhân hay một cộng đồng là điều không phải bàn. Song đôi lúc cũng nên nhìn ra xung quanh xem những tập tục mà mình đang thực hành đó liệu có đang biến chúng ta – cả một cộng đồng lớn hơn, thành những kẻ dị biệt và cô độc trong xu thế phát triển.
Đất nước không thể phát triển trên một ốc đảo văn hóa, do vậy, việc lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức cho các lễ hội không những được coi là lạc hậu mà đôi lúc còn phản ánh nhân sinh quan của cộng đồng.
Niềm tin và những nỗi sợ
Trong hầu hết các lĩnh vực xã hội thì văn hóa luôn được xem là quan trọng nhất, vì các lĩnh vực khác đều đang được vận hành với mục đích làm cho cuộc sống tiến bộ, văn minh hơn mà những điều này không thể tồn tại được trong một môi trường văn hóa còn sơ khai và lạc hậu.
Do phần lớn nhân loại đều không trả lời được câu hỏi “chúng ta đến từ đâu, sẽ đi đâu và tại sao (mục đích) chúng ta lại có mặt trên cõi đời này”, nên tín ngưỡng, tôn giáo chính là công cụ khả dĩ giúp mọi người trả lời hay ít nhất có niềm tin là sẽ trả lời được câu hỏi này. Như vậy nếu có những hoạt động văn hóa nào đó không còn có tác dụng bổi bổ cho tầm hồn hay tinh thần của con người tại cộng đồng đó nữa, cũng như không phản ánh ước vọng của cộng đồng thì sự loại bỏ là rất nên làm.
Ví dụ, xưa kia dân số ít và tài nguyên còn nhiều nên các gia đình cần nhiều con cái nhằm tăng cường lưc lượng sản xuất. Ngày nay vơi 90 triệu dân, không thể nói là dân ta thiếu người. Và thực tế là nhà nước phải dành nhiều nỗ lực để kiềm chế sự gia tăng dân số quá nhanh trong mấy thập niên qua.
Dân ta ngày nay không còn ước vọng về sự “phồn thực” theo cách mà tổ tiên mong muốn nữa, vì vậy các lễ hội cũng nên cải tiến hay biến chuyển để phản ánh mong ước của công chúng hiện thời. Khi cái “đói” không còn là nỗi ám ảnh với đa phần dân chúng, cách thực hành văn hóa cũng nên được nhìn nhận lại để chắt lọc và phát triển những nét văn hóa thanh cao và tinh tế nhằm nâng tầm nhân sinh quan người Việt.
Lịch sử nhân loại cho thấy, khi một cộng đồng được thừa hưởng sự ưu ái của tự nhiên hay nhờ kỹ nghệ tốt và đạt đến hưng thịnh thì thường họ rất sợ sự thịnh vượng kia ngày nào đó sẽ ra đi.
Thay vì tiếp tục cố gắng để tiến lên thì phần nhiều họ bị nỗi sợ chi phối và tìm cách gìn giữ sự phồn thịnh của mình qua tâm linh. Xưa kia có mấy nơi huy hoàng bằng Inca ở châu Mỹ, Bangan hay Angkor ở Đông Nam Á hay Ai Cập ở châu Phi nơi người dân đã dành công sức xây dựng những đền đài miếu mạo nhằm cảm ơn ân huệ của Thượng Đế. Ngày nay chúng ta phần lớn biết đến những nơi này nhờ những thứ được gọi là “di sản” còn lại trong rất nhiều phế tích.
Sử gia người Mỹ, Will Durrant đã từng giải thích về sự đa dạng trong tôn giáo cũng như tính sâu sắc trong các triết lý (thiên về tín ngưỡng, tôn giáo) của người Ấn Độ. Theo ông, người Ấn có thể sâu sắc đến vậy vì trong khoảng 500 năm qua (trước khi nước này giành được độc lập từ người Anh), dân tộc này luôn bị các nước khác (Hồi giáo và sau này là thực dân Anh) xâm chiếm và đô hộ.
Do chìm đắm trong áp bức, người Ấn tìm cách giải tỏa sự phẫn uất qua con đường tâm linh và suy ngẫm tinh thần. Nhờ đó, họ phần nào giải tỏa được những khổ đau thực tại và nhân loại được chứng kiến tính đa dạng và sâu sắc trong triết lý của hơn một tỷ người Nam Á này.
Việc đi tìm sự che chở của các lực lượng siêu nhiên là dễ hiểu và không có gì đáng trách khi họ cảm thấy lo lắng hay rủi ro cho cuộc sống và những gì họ đang có nhưng không thể tìm thấy niềm tin hay cảm giác an toàn trong thực tại hoặc không thể đặt niềm tin vào các thiết chế.
Tuy nhiên cần nhìn nhận một thực tế rằng phần lớn các lễ hội và cách thực hành tín ngưỡng mà ta đang khôi phục có phần quá mức cần thiết ngay hôm nay, trừ một số lễ hội mang tầm quốc gia, đều là những thứ vốn rất được phổ biến trước 1945, khi đất nước còn trong bóng đêm nô lệ, khi người Pháp góp phần đưa các lễ hội này thành một nét văn hóa không thể thiếu với hai mục đích chính (i) tạo nên sự đa dạng về văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của các cộng đồng, địa phương – nhưng cũng chính là một hình thức tạo ra sự khác biệt nhằm làm giảm tinh thần đoàn kết của người Việt, và (ii) làm cho dân chúng say sưa với những vấn đề của thế giới tâm linh mà quên đi thực tại.
Khi câu chuyện năng suất lao động thấp nhất khu vực đang được cảnh báo. Khi nguy cơ tụt hậu là hiện hữu. Khi nợ công quốc gia đang sắp ở mức quan ngại còn thu nhập bình quân đầu người chỉ khiêm tốn ở mức 2.000 USD trên một đầu người thì rõ ràng bây giờ chưa phải lúc chúng ta có thể dành quá nhiều thời gian để ăn chơi tốn kém và lãng phí.
Có nhiều người biện luận rằng giàu nghèo không phản ánh hạnh phúc của người dân, điều này có thể đúng một phần, nhưng liệu chúng ta có thể tồn tại và hạnh phúc một cách bền vững trong cảnh nghèo khó khi sống xung quanh những gã khổng lồ.
Đất nước đang cần phải có được sự đồng lòng về nhiều phương diện để hướng tới xây dựng một tương lai tươi đẹp hơn. Muốn vậy, cần xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh và khỏe khoắn để nâng đỡ và thúc đẩy tiến trình phát triển.
Sẽ quá muộn nếu xã hội cứ vướng mãi vào vòng luẩn quẩn của sự chia rẽ vì các hủ tục. Gieo hành vi đẹp sẽ gặt hái tương lai tốt. Vì vậy cần xóa bỏ các hủ tục và những thực hành văn hóa không phù hợp.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét