Khi một đất nước vắng bóng nghệ thuật!
Chắc hẳn nhiều người cũng đang tự hỏi tại sao đạo đức con người và văn hóa dân tộc đang đi xuống chạm đáy như vậy? Một xã hội trọng vật chất, với ảo tưởng rằng cái gì không thể mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền! Đó là một câu nói đùa phổ biến, nhưng nó phản ánh hiện thực đầy chua xót.
Nhưng làm sao để con người không quá thiên lệch về vật chất? Chỉ có cách là kéo lại bằng thứ gọi là nghệ thuật, thuộc về tâm hồn, gần gũi với tâm linh. Không có nghệ thuật, tâm hồn rất khó để có niềm tin. Bởi vì nó chẳng biết tin vào cái gì cả! Và khi đã không có niềm tin vào những thứ vô hình như vậy, nó liền quay sang tin vào những thứ có khả năng bày ra ngay trước mắt: TIỀN!
Thật không khó để thấy các bộ phim giải trí, hời hợt được chiếu nhan nhản khắp các kênh truyền hình, hết kênh này tới kênh nọ, hết phim này tới phim kia. Họ không thấy chán! Thực sự họ không chán cốt truyện nhạt phèo đó, bởi vì họ chưa chán tiền. Cứ có phim để chiếu, trích một số cho chi phí bôi trơn, rồi thì tiền cứ tiếp tục chảy vào túi. Vậy tại sao phải đầu tư làm một phim ra hồn cho tốn thì giờ?
Không chỉ có phim, show truyền hình, âm nhạc, thậm chí quảng cáo cũng chẳng có gì đáng để xem. Show truyền hình giả tạo, âm nhạc với ngôn từ dễ dãi chẳng có gì hơn là nhạc xập xình, quảng cáo đầy rẫy những phụ nữ mướt mát đi nhỏng nhảnh trên màn ảnh. Một phô diễn của một cái gì đó nông cạn, đến nỗi mà, thậm chí không đạt được chức năng “giải trí”.
Người ta không có niềm tin nữa! Truyền hình không có niềm tin gì sâu sắc gửi cho người xem, chẳng có nhân vật nào với nhân cách lớn làm người khác phải động lòng trắc ẩn. Tôn giáo cũng mai một bởi rất nhiều những “tấm gương” nổi tiếng. Đó là chưa nói đến việc đi chùa, đi nhà thờ lại dần trở thành một hoạt động phong trào. Họ nào biết, Chúa hay Phật, thánh thần chẳng bao giờ xuất hiện ở những nơi ồn ào, náo nhiệt đó.
Nhưng không chỉ có truyền hình. Mạng lưới internet cũng bị ô nhiễm trầm trọng. Các hiệu sách cũng bị lợi nhuận hóa. Đầy rẫy những cây bút tầm thường dễ dàng “phù một phát”, nổi tiếng! Tôi đã từng thử cố gắng đọc xem họ nói gì, nhưng rồi những con chữ cứ kéo nhau loãng dần trong trí óc. Tất cả tác phẩm “dễ nuốt” hay “hot” ở nhà sách đa số được trưng bầy trước mắt người xem. Còn những quyển sách hay, thì hầu như không tái bản, mà nếu có tái bản cũng nằm ở góc kẹt đầy bụi bám nào đó. Nhưng nếu kiến thức chỉ là thứ đọc một phát hiểu ngay thì còn có ai trên đời này cần phải động não, để thấy rằng mình còn tồn tại?
Nói vậy không có nghĩa là xã hội xung quanh ta hiện nay chẳng còn gì hết. Còn chứ! Đương nhiên còn! Nhưng bao nhiêu phần trăm? Ta đâu thể nói mình thiện nếu lòng trắc ẩn chỉ xuất hiện khi thấy máu chảy thành dòng?
Có lẽ rất nhiều trí thức hiện nay đều thừa nhận là: Giá trị của xã hội đã bị đảo ngược. Không phải xuống dốc, cũng không phải đang đảo ngược, mà là đã bị đảo ngược.
Khi nghệ thuật vắng bóng, cảm xúc con người bị mờ nhạt, chai sạn dần. Chẳng có gì là bất tử cả, nên con người cũng không phải là ngoại lệ. Cây thiếu nước thì chết, tâm hồn con người thiếu cảm xúc cũng chắc chắn trở nên vô hồn. Và người ta cứ sống với sự vô hồn đó, bước đi mà không biết mình đang làm gì, thậm chí va quẹt người xung quanh không hay, vừa giẫm phải ai cũng chẳng biết.
Rất tiếc, cảm xúc không phải là thứ để nói bằng lý lẽ. Nhưng mọi người xung quanh luôn áp lực nhau bởi lý lẽ, phải trái. Như thế này là không được, như thế kia là không xong. Ai cũng biết một điều rằng: Lý lẽ là khô khan, lý lẽ là nhàm chán. Vì chẳng phải từ xưa ông bà ta đã có câu: “Hợp lý, hợp tình” hay sao? Nói đúng lý lẽ chỉ làm người ta chịu thua một lúc, nhưng làm cho họ cảm phục bằng xúc cảm, họ sẽ phục cả đời.
Nhưng chúng ta quên rồi! Dân mất lòng tin vào chính phủ, cha mẹ mất niềm tin vào sự lựa chọn của con cái, bạn bè mất niềm tin vào lẫn nhau, vợ chồng đánh nhau như cơm bữa là chuyện không hề hiếm thấy…
Hàng ngày, tôi nhìn thấy con người ta như vậy đó. Họ chẳng bao giờ sống hết mình, hay chỉ một lần hoàn toàn tin vào ai đó, mà thật ra, chính là tin vào bản năng của chính họ. Mọi người cứ rụt rè với nhau, nghi ngại và dè chừng. Tôi sẽ không để anh bắt bài tôi, tôi sẽ giữ lại chút niềm tin cho mình, tôi sẽ không bao giờ tin ai trọn vẹn nữa hết. Chúng ta cứ sống như thế, và bảo rằng: Đó là thực tại. Chúng ta dạy trẻ con theo cách đó: Đời không như là mơ. Và thế hệ đi trước lúc nào cũng bảo thế hệ đi sau là non kém, không hiểu đời.
Thực tại, chỉ đơn giản là tồn tại. Nếu 1 người trên đời này giữ nguyên lý tưởng của họ, thế giới sẽ có nghĩa là đã từng có lý tưởng đó tồn tại. Nhưng chúng ta lại quá dễ thay đổi lý tưởng của mình, bởi vì… bởi vì… chúng ta không có niềm tin.
Thế đấy! Khi một đất nước vắng bóng nghệ thuật, dân tộc sẽ mất lòng tin. Và khi mất lòng tin, xã hội này nghi hoặc lẫn nhau. Điều đó chắc là không dễ chịu chút nào, nhỉ?
Nghệ thuật có mặt ở khắp mọi nơi, không chỉ trong phim ảnh, văn học hay âm nhạc. Nghệ thuật tồn tại trong cảm xúc của loài người. Dĩ nhiên, loài người này, dân tộc này vẫn còn chút cảm xúc. Nhưng có thể, nó đang ở một dạng rất khác…
Lục Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét