Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

100 ngày Sống trên đảo Hoàng Sa (phần I) Dư Mỹ


Dư Mỹ
Mong muốn của cậu vợ tôi – ông Trần Huỳnh Mính và anh bạn Đồ Xuân Trúc –người cùng học trường chùa Bà Mụ và ở cùng xóm với tôi sau
Chùa Phật Học Hội An từ những năm 1952-1953.Mong muốn của hai người là được tôi viết kể về những ngày sống trên đảo Hoàng Sa vào thời điểm tôi làm đảo trưởng để góp mặt với tờ đặc san xuân Quảng Nam-Đà Nẳng với chủ đề :Hoàng Sa-Phần đất quê hương .
   Tôi đã được đọc những bài viết về Hoàng Sa trên các báo .Hầu hết viết về tài liệu lịch sử chủ quyền đảo Hoàng Sa,về tài nguyên hải sản và khoáng sản của đảo Hoàng Sa ,về cuộc hải chiên đẩm máu anh dũng của hải quân Việt Nam Cộng Hòa với bọn cướp đảo Trung Cọng vào ngày 20/1/1974 nhưng chưa được đọc (hoặc chưa ai viết)về cuộc sống của những người lính chiến được giao nhiệm vụ trấn thủ đảo Hoàng Sa .
   Vào những năm1966 – 1967 ,lúc bấy giờ tình hình chiến sự ở chiến trường Quảng Nam chưa đến thời kỳ ác liệt cho nên việc tự nguyện đi Hoàng Sa là điều rất hiếm .Hầu hết những người trong chúng tôi là những người bị phạt đưa đi – tuy nhiên cũng có người bị chỉ định vì chuyên môn như hiệu thính viên ,y tá ,truyền tin và cũng có một số ít người tự nguyện .Riêng bản thân tôi ,sau khi cải vả dần đến xô xát với Đai đôi trưởng,tôi đã bị đưa về ty An Ninh QuânĐội của Tiểu khu để làm tự thuật và đã bị bút phê của Trung tá Tín –Tiểu Khu Trưởng T/K Quảng Nam
phạt đưa đi Hoàng Sa thay quân .
   Nhận công điện của P3/Tiểu Khu,tôi bắt đầu gom góp quân để thành lập trung đội Hoàng Sa ,quân số có 35 người bao gồm cả tôi là đảo trưởng .Trung đội Hoàng Sa qui tụ hầu hết những thành phần bị kỷ luật từ các đại đội tác chiến đưa về,mỗi đại đội từ 2 đến 3 người để tôi gom góp lại cho nên sau này anh em gọi đùa tôi là chúa đảo của trung đội trừng giới Hoàng Sa .
   Về tổ chức,trung đội được chia ra làm 3 tiểu đội trấn thủ 3 đảo chính gồm:
    -Đảo Hoàng Sa (Pattle) có 13 người gồm tôi là đảo trưởng,trung sĩ Huynh là hiệu thính viên đánh morce(liên lạc với Quân Đoàn bằng máy đánh tich tich te te )y tá Khôn và thêm 10 binh sĩ nữa .
    -Đảo Quang Hòa (Duncan)11 người do một Trung sĩ làm đảo trưởng .
    -Đảo Duy Mộng (Drummond) 11 người cũng do một Trung Sĩ làm đảo trưởng .
    Thời gian trấn thủ trên đảo HoàngSa  của chúng tôi là 3 tháng ,sau 3 tháng  sẽ có đợt khác thay quân
    Từ một trung đội trưởng tác chiến quen với những ngày cầm súng  hành quân lùng giặc ,nay trở thành một đảo trưởng không hề biết gì về đảo Hoàng Sa nên mọi việc đối với tôi thật ngỡ ngàng .Rất may mắn,tôi đã gặp được C/úy Hệ thuộc Đại đội Hành chánh Tiếp vận/TKQN-người phụ trách về tiếp liệu và hướng dẫn mua sắm những thực phẩm cần thiết để đủ ăn trong 3 tháng ở trên đảo mà không có tiếp tế .Tàu của hải quân chỉ chở chúng tôi đến đảo và sẽ trở lại chở chúng tôi về đất liền sau ba tháng trấn thủ(nếu điều kiện trời yên biển lặng không có bão) .Riêng  trung đội Hoàng Sa chúng tôi đã phải chịu trể thêm 10 ngày vì đợt thay quân cho chúng tôi bị cơn biển động  nên tàu của hải quân không ra đúng hẹn .Chính vì vậy cho nên tôi đã chọn tiêu đề cho những trang hồi ký này là :100 ngày sống trên đảo Hoàng Sa .(3tháng +10 ngày tàu trể )

Để có đủ thực phẩm tiêu dùng cho ba tháng sống trên đảo(ngoại trừ 3 tháng gạo cho mỗi người được nhận từ Đại đội HCTV)chúng tôi đã được nhận một tháng tiền lương để đi mua sắm đầy đủ những thực phẩm để được lâu ngày như thịt hộp,gia vị,mắm muối,dầu ăn v..v…Ngoài ra  chúng tôi còn mua thêm những thứ khác như thuốc lá ,lưỡi câu,sơn đỏ (dùng để đồ mộ bia trên đảo)lưới đánh cá và 35 con vịt sống cho mỗi người một con .
   Sau một hai ngày lang thang nấn ná tại Hội An để từ giã người yêu ,từ giã vợ con và bạn bè –ngày rời đất liền để ra hải đảo của chúng tôi cũng đã đến .Xe của TK/QN chuyên chở chúng tôi ra trú tạm tại trại tiếp liên Quân vận Đà Nẵng trên đường Độc Lập gần trường Sao Mai để chờ tàu .Chúng tôi ở đây một ngày và sau đó được chuyên chở tiếp ra quân cảng Tiên Sa để chuẩn bị lên tàu ra đảo Hoàng Sa .Tại đây tôi đã gặp được toán nhân viên khí tượng gồm  có năm người của sở khí tượng Đà Nằng . Họ cùng đi trên cùng con tàu với chúng tôi và cũng sẽ cùng trở về đất liền sau ba tháng làm việc tại đài khí tượng trên đảo Hoàng Sa
   Trong năm người nhân viên khí tượng,tôi lân la đến làm quen với bác Phong –một người Bắc di cư lớn tuổi –bác cho tôi biết là bác đã tình nguyện đi thế cho những người khác để làm việc trên đảo Hoàng Sa đã bốn đợt và đợt này là đợt thứ năm ,vì vậy sau này sống trên đảo bác đã cho tôi biết được nhiều chuyện về Hoàng Sa và một vài kinh nghiệm về câu các loại cá,cách bắt ốc gân,ốc nhảy ,ốc tai tượng v..v..
    Dù chỉ có năm người nhưng hành trang họ mang theo ra đảo thì lỉnh kỉnh đủ thứ .Khác với chúng tôi,ngoại trừ súng đạn cá nhân,trong chiếc ba-lô chỉ võn vẹn một hai bộ áo quần .Đặc biệt tôi thấy lạ hơn là một vài người lính trong chúng tôi mang theo những bao cát đựng đầy đất lấy từ quê nhà .Tôi hỏi họ và được trả lời là mang ra đảo để gối đầu ngủ vì ở ngoài đảo Hoàng Sa không có hơi đất dễ bị chứng phù thủng .
   Chiếc quân vận hạm mà tôi đọc được hai chữ Đống Đa màu trắng viết trên thân tàu đã cập vào bến cảng .Chúng tôi chuyển mọi thứ lên boong tàu và chia riêng rẽ ra ba phần cho ba đảo để khi đến Hoàng Sa dề bề di chuyển vào bờ .Cùng đi với chúng tôi đợt này còn có ba vị sĩ quan Công Binh thuộc Quân Đoàn I  -nghe đâu họ ra Hoàng Sa để khảo sát địa hình thiết lập sân bay cho loại phi cơ Ca-ri-bu –loại phi cơ chỉ cần phi đạo ngắn để cất và hạ cánh .
   Sau một hồi còi tàu dài để chào từ giả những người trên đất liền,con tàu từ từ rời cảng Tiên Sa và bắt đầu cuộc hải trình  hướng đến  Hoàng Sa .Tôi nhớ thời điểm đó là ba giờ  chiều vào một ngày cuối tháng sáu của năm 1967 .
   Hoàng hôn buông xuống .Con tàu vẫn nhẹ nhàng rẻ sóng ra khơi .Nước biển đã đổi màu đen sậm .Cảng Tiên Sa và thành phố Đà Nằng đã lùi lại đằng sau .Chúng tôi chỉ còn nhìn được những vệt sáng  của ánh điện để biết hướng đó là đất liền .Bây giờ ngồi trên boong tàu,bốn bề mênh mông là biển cả .Nhìn những khuôn mặt sạm nắng nhưng rạng rờ vui tươi của những người lính chiến lòng tôi cũng cảm thấy vui lây .Là những người quanh năm chỉ biết cầm súng lùng giặc,giờ đây không còn e ngại đến những mìn bẩy bãi chông hay sự sống chết thương tật ,đời lính chiến dễ ai có được một lần lênh đênh trên biển vừa ăn cơm chiều vừa ngắm sao trời và sóng nước như chúng tôi .
   Để khỏi bị nôn mửa,y tá Khôn đã cho tôi và Trung sĩ Huynh uống mỗi người một viên thuốc trừ say sóng,chính nhờ viên thuốc này mà tôi đã đủ sức vận chuyển thực phẩm cùng quân trang của những người lính đi cùng tôi vào bờ khi đến đảo vì hầu hết họ đều bị say sóng nằm la liêt.
Sau bừa cơm tối tự túc đầy thú vị của mỗi người,chúng tôi dần dần tìm vào giấc ngủ-giấc ngủ chập chờn cùng con tàu lênh đênh trên sóng nước mông mênh .
Nằm thao thức mãi không ngủ được,tôi ngồi dậy dựa mình vào boong tàu,đốt điếu thuốc và rít từng hơi dài nghĩ về buổi chia tay từ giã với Tuyết Mai –tên người yêu tôi-(bà xã tôi bây giờ) ngày hôm qua tại Đà Nẵng mà lòng dâng lên bao nỗi nhớ .Tôi lấy cuốn sổ tay mang theo ghi vội mấy câu thơ :
Tàu ra khơi anh mang theo nỗi nhớ
Gọi người tình giữa sóng nước mù
Em thành phố,anh miền xa hải đảo
Nhớ nhau xin soi mặt ánh trăng rằm .
Có phải chúng tôi cùng hẹn nhìn vào ánh trăng rằm mỗi tháng để cùng thấy nhau cho vơi đi bao nỗi nhớ nhung .
   Gió biển đêm lành lạnh .Một vài người lính cũng không ngủ được thức dậy dựa vào boong tàu hút thuốc,vài người thì nôn mữa vì không quen với những cái lắc chồng chềnh của con tàu .Sóng vẫn vỗ vào mạn tàu trên màn tối đen của mặt biển tôi chỉ nhìn thấy được những đốm sáng của chất lân tinh trên bọt sóng .Điếu thuốc cũng sắp tàn trên tay,tôi ghi vội thêm bốn câu thơ vào quyển sổ :
Khói quyện tơ sầu trên ngón tay
Chiến y năm tháng nặng vai gầy
Hành trang nửa mãnh trăng đầu súng
Đi mãi cho tròn nghĩa nước mây .
Sau này bốn câu thơ đó tôi đà viết bằng sơn đỏ lên bờ tường loang lỗ của tòa nhà trên đảo-nơi chúng tôi trú đóng .Khoảng cuối năm 1974,tình cờ trong một lần ngồi trò chuyện về Hoàng Sa,Trung úy Phạm Hy –đại đội trưởng của tiểu đoàn tôi –người đã bị Trung Cọng bắt làm tù binh trong trận đánh cướp đảo Hoàng Sa vào ngày 20 tháng 1 năm 1974 đã đọc lại cho tôi nghe bốn câu thơ đó Anh ta lúc bấy giờ cũng là đảo trưởng Hoàng Sa,anh nói anh em lính trên đảo rất thích bốn câu thơ đó mà không biết tác giả là ai .
Sau một đêm dài lênh đênh trên biển,trời bắt đầu hừng sáng báo hiệu cho chúng tôi một ngày mới .Réo gọi nhau thức dậy nhìn xem mặt trời mọc lên từ chân biển hướng đông .Như một chảo lửa đỏ từ từ nhô lên khỏi mặt biển,đẹp và cũng lạ lùng đối với chúng tôi .Mặt nước biển bây giờ đã đổi từ màu đen sậm sang màu xanh .Tôi nhìn đồng hồ bấy giờ đã là tám giờ sáng ,chúng tôi dùng điểm tâm. bằng những ổ bánh mì mua tại đất liền từ chiều hôm qua .Đứng trên boong tàu vừa ăn vừa nhìn những con cá chuồn vụt bay lên khỏi mặt biển khi con tàu chạy đến gần,xa xa là những con hải âu và nhạn biển đang chúi đầu bay  sà xuống để bắt mồi là những con cá con bơi gần mặt nước
Từ xa chúng tôi đã nhìn thấy phía trước mũi tàu hình ảnh lờ mờ của nhóm đảo Hoàng Sa .Lòng chúng tôi cũng rộn ràng mong tàu sớm cập bờ  .Và cuối cùng thì tàu cũng đã đến .Tôi nhìn đồng hồ kim chỉ đúng 11 giờ sáng ,như vậy chuyến hải hành của chúng tôi từ cảng Tiên Sa Đà Nẵng đến Hoàng Sa phải mất đến 20 giờ tàu chạy liên tục . Anh em lính trên tàu nhốn nháo chuẩn bị thu xếp mọi thứ để rời tàu .Con tàu chạy chậm lại  và vài người lính hải quân đang chuẩn bị thả neo .Tàu đậu ngoài mí sóng (từ của
anh em lính ở Hoàng Sa)nơi vùng nước sâu .Từ đây vào đến bờ để lên đảo khoảng cách xa hơn 100 mét,hải quân  phải hạ thuyền nhỏ có gắn động cơ để chuyển hành lý,thực phẩm và đưa chúng tôi lên bờ .Từ trên boong tàu nhìn vào đảo tôi đã thấy lố nhố những anh em lính đảo đợt trước chạy tới chạy lui trông có vẻ nôn nóng muốn sớm trở lại đất liền .
Toán chúng tôi có 13 người nhưng  đã mất hết tám người bị say sóng không còn làm gì được .Tôi,trung sĩ Huynh,y tá Khôn và thêm hai người lính nừa cố gắng vận chuyển mọi thứ xuống thuyền máy để di chuyển vào bờ .Chỗ chúng tôi chất quân trang và thực phẩm lên bờ  là một cầu tàu nhỏ xây bằng xi-măng chạy dài ra biển độ khoảng 50 mét .Trên cầu tàu có hai đường rây bằng sắt dùng để đẩy xe gòong (là một loại xe nhỏ bằng sắt có bốn bánh nhỏ giống như bánh xe lửa chạy trên đường rây dùng để chở phân  phốt-phát) Nhờ có chiếc xe này nên chúng tôi chuyển quân  trang và thực phẩm một cách dễ dàng từ cầu tàu vào đến tòa nhà chúng tôi trú đóng .   
Ba vị sĩ quan Công Binh cũng theo chúng tôi lên đảo .Tôi thì bận rộn đi nhận bàn giao còn ba vị sĩ quan công binh thì đi vòng quanh đảo để khảo sát địa hình .Chuẩn úy Bửu – tên người đảo trưởng tiền nhiệm –vội vã bàn giao cho tôi một vài thứ trên đảo để kịp thời gian ra thuyền  máy lên tàu .Tôi ký nhận một khẩu đại liên 50 đặt trên sân thượng tòa nhà,một máy phát điện đã bị gỉ sét vì hơi nước mặn không còn xử dụng được,ba tháng gạo dự trử cho mỗi người đã mục nát không ăn được,một sơ đồ phòng thủ trên đảo và một máy hiệu thính để hàng  ngày liên lạc với quân đoàn I . Nhiệm vụ chính của chúng tôi là trấn thủ trên đảo  để bảo vệ và xác định chủ quyền  của đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam Cộng Hòa đồng thời bảo vệ an ninh cho đài khí tượng .
Ký nhận bàn giao xong,tôi chưa kịp hỏi thêm được gì thì C/úy Bửu đã vội vàng lên thuyền máy ra tàu lớn .Con tàu nhổ neo và tiếp tục chạy đến thay quân cho  hai đảo  Duncan và Drummond .Khoảng ba giờ chiều cùng ngày tàu trở lại đảo Hoàng Sa thả neo đón ba vị sĩ quan công binh .Một hồi còi tàu dài vang lên cùng với những cái vẫy tay giả từ của anh em lính hải quân,con tàu từ từ rời đảo và hướng về phía đất liền .
Và .Chúng tôi thật sự bắt đầu  một cuộc sống mới – cuộc sống yên bình không có không khí chiến tranh,bốn bề xung quanh là trời nước xa  tít đến tận chân mây ,một nơi hoàn toàn xa rời cuộc chiến,đêm không còn nghe tiếng bom gầm đạn hú và thật sự  một  nơi vắng bóng đàn bà .
Sau khi ổn định được vài việc và phân chia công tác dọn dẹp ,nấu nướng cho anh em lính,tôi  cùng trung sĩ Huynh đi loanh quanh quan sát một vài nơi trên đảo .
Nơi trú ngụ của chúng tôi là một tòa nhà lớn xây rất kiên cố,có lẽ xây dựng từ lâu(có thể xây từ thời Pháp thuộc)nên trông rất cũ kỷ .Nhà xây cao,gồm một nhà lớn ở giữa và hai nhà ngang ở hai đầu dính vào nhau .Nơi hai nhà ngang có hai thang bằng sắt thẳng đứng để leo lên sân tầng thượng,tại đây có một tháp hải đăng nhỏ(không xử dụng)và chúng tôi đã đặt một khẩu đại liên 50 có thể xoay quanh bốn phía biển .Đứng trên tầng sân thượng chúng tôi có thể nhìn thấy lờ mờ ba cây dừa từ đảo Duncan khi thủy triều xuống .Chúng tôi cũng xử dụng sân thượng để phơi khô cá và ốc gân bắt được hàng ngày .Để báo hiệu cho máy bay biết đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa ,trên mặt bằng sân thượng có vẽ bằng sơn một lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ rất lớn .Nền nhà được lát bằng gạch hoa rất đẹp,tất cả các cửa sổ và cửa lớn đều không có,vì thế chúng tôi rất khốn khổ chịu cảnh ướt át và lạnh mỗi khi trên đảo bị gió bão .Dưới nền móng nhà là một tầng hầm lớn có đường ống dẫn từ  sân thượng xuống để chứa nước mưa xử dụng cho sinh hoạt hàng ngày .Những bức tường trong nhà thì loang lỗ viết đầy những tên tuổi ngày tháng  để lưu niệm của những người từng có mặt trên đảo .Tôi đọc được có người đã đến đây từ năm 1955,và chính trên bức tường này tôi đã viết bốn câu thơ như đã nói ở phần trước .
   Nhìn về phía bên trái của tòa nhà chúng tôi ở cách khoảng ba mươi mét là tòa nhà đài khí tượng Hoàng Sa .Nhà đẹp,khang trang ,đầy đủ cửa kính hai lớp .Phòng làm việc ,phòng truyền tin,phòng ngủ đều riêng biệt thứ tự .Dưới nền sàn nhà cũng là một hầm lớn chứa nước mưa dùng để nấu nướng ăn uống .Chúng tôi thường sang lấy nước tại đây về dùng vì nước sạch còn hầm chứa nước của tòa nhà chúng tôi ở thì đầy xác chuột chết và gián nổi lềnh bềnh .Chúng tôi không thể vớt bỏ chúng được vì chỉ có một ô vuông trống nhỏ trên sàn nhà đủ để thả gàu  xuống múc nước ..
Toán khí tượng gồm có năm người .Một người lo phụ trách công việc nấu ăn và giật nổ máy chạy điện còn bốn người kia là chuyên viên .Công việc của họ là cứ khoảng hai đến ba giờ là cho máy điện nổ bơm một bong bóng lớn màu đỏ xong thả bay lên không trung rồi dùng kính chuyên môn để đo tốc độ gió và biết hướng gió di chuyển .Họ cũng xử dụng một kính viễn vọng lớn để quan sát quanh đảo,tìm biết vùng nào có bảo  đang tập trung và di chuyển về hướng nào .Cứ khoảng hai đến ba giờ họ lại lặp lại công việc đó và báo cáo về đất liền ,vì vậy thời gian lội biển và đi câu cá của họ rất hiếm,khác với chúng tôi cả ngày cứ lang thang quanh đảo .
   Sống gần đài khí tượng chúng tôi cũng nhờ được họ báo cho biết mỗi khi có mưa sắp di chuyển về hướng đảo Hoàng Sa là chúng tôi mang ốc và cá đang phơi nắng vào .Đứng trên  tầng thượng tòa nhà chúng tôi ở,với mắt thường chúng tôi cũng có thể biết được hướng  nào có bảo đang tập trung .Vùng có bảo tập trung thì từ mặt biển lên không trung trông cả một vùng đen xám và u ám trong lúc xung quanh vùng đó trời vẫn nắng và trong sáng .
   Phía trước tòa nhà chúng tôi ở có một cái giếng còn tốt đầy nước nhìn rất trong nhưng lại không thể dùng để nấu nướng được mà chỉ dùng để tắm giặt .Nước hơi lờ lợ mặn,chúng tôi múc nấu thử thì nước sủi bọt và chuyển sang màu đục ngầu như nước vo gạo .Cạnh giếng là một cây dừa,vài cây ớt,vài đám rau sam và nhiều nhất là những bụi sả .Có lẽ nhờ có phân phốt-phát trên đảo nên những bụi sả phát triển và lan ra cả một vùng rộng đến vài mét .Nhờ có những bụi sả này mà chúng tôi có được một gia vị thơm để ướp vào thịt vít xào nấu ngon hơn .Từ cái giếng này chạy ra đến cầu tàu có hai đường rây để đẩy xe gòong chở phân và vận chuyển những vật liệu cần thiết .
   Bên kia đường rây là một nhà nguyện cho những người theo đạo Công Giáo .Nhà nguyện nhỏ ,tường xây bằng gạch và lợp tôn .Tôi bước vào trong chỉ thấy còn lại một cây thánh giá bằng gỗ treo trên tường trông có vẻ hoang tàn không có người lui tới .Tôi đã cho hai người lính có đạo Công Giáo dọn quét sạch sẽ .Thời gian sau hai người lính này cùng bác Phong bên khí tượng thường vào đây cầu nguyện cho sự bình an của họ trên đảo .Cách nhà nguyện không xa là ba bốn nhà làm bằng tôn khá lớn,đây là cơ sở chế biến phân phốt-phát để chở về đất liền .Tôi nghe bác Phong nói lại cơ sở này là của bà Nhu,sau cuộc đảo chánh lật đổ Tổng thống Diệm năm 1963 thì cơ sở này ngưng hoạt động,toán công nhân chế biên phân phốt-phát ở đây suýt đói vì bị bỏ quên .sau nhiều lần nhờ truyền tin bên đài khí tượng cầu cứu,tàu hải quân đã ra chở họ về đất liền .Quan sát bên trong những căn nhà này tôi thấy còn bỏ lại một cổ máy xay nghiền phân phốt-phát đã gỉ sét,vài ba bao phân lở dỡ .
   Sau khi đi loanh quanh quan sát khu vực gần tòa nhà chúng tôi ở, tôi rũ trung sĩ Huynh cùng tôi đi dạo một vòng quanh đảo .Để ra được bãi cát chạy quanh đảo,chúng tôi có được ba con đường mòn đi xuyên qua rừng cây ráy biển (là một loại cây cao độ  hai đến ba mét,thân mềm và xốp,lá nhỏ mọc chi chít trên cát,nhờ  những cành khô của loại cây này mà chúng tôi có đủ chất đốt để nấu nướng trong suốt thời gian sinh sống  trên đảo) và cây nhàu(loại cây này nghe nói rễ và vỏ cây  có thể dùng  nấu  nước làm trà chửa bệnh gì đó) ngoại trừ con đường chính từ cầu tàu  theo đường rây dẫn vào đến giếng nước .Xung quanh đảo có được  ba pháo đài phòng thủ,nhỏ,xây bằng xi-măng có lỗ châu mai hướng ra  phía biển .Đi vòng quanh hơn nửa đảo vễ phía bên trái,chúng tôi thấy một ngôi miếu xưa xây bằng gạch và vôi, mái  lợp ngói âm dương tọa lạc trên bãi cát cao xung quanh bao phủ bởi những cây nhàu và cây ráy biển .
   Theo lời bác Phong bên đài khí tượng thì ngôi miếu này  được xây dựng từ thời vua Gia Long khi chính vua đã thân hành ngự giá đến đảo Hoàng Sa  khoảng vào năm 1816 .Ngôi miếu được gọi là Miếu Bà vì bên trong nơi bàn thờ chính thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (một vị nữ thần ban sự bình an và cứu những người  đi biển gặp nạn )hai bên bàn thờ là hai câu liễn đỏ viết bằng chữ Hán .Ngôi miếu  được anh em lính những đợt trước quét dọn sạch sẽ và  cúng bái đầy đủ vào những ngày  rằm và mồng một mỗi tháng .Phía sau ngôi miếu là một nghĩa địa nhỏ có khoảng hơn mười ngôi mộ,có hai ngôi mộ có bia bằng chữ Hán,số còn lại là mộ đắp bằng cát không có bia .Nghe bác Phong nói lại những ngôi mộ này  là mộ của những người đi đánh cá bị bão đánh chìm và trôi dạt vào đảo,được những người trên đảo chôn cất .Tuy bác Phong là người theo đạo Công Giáo nhưng bác nói với tôi ngôi Miếu Bà này rất linh thiêng,đêm tối đi dạo biển một mình bác không dám đi ngang  qua đây .Những người lính  đợt trước chúng tôi cũng nói vậy,họ kể lại một cách vội vã trước khi ra tàu trở về đất liền là từ cầu tàu họ đã nhìn thấy một khối lửa đỏ như quả cầu  bay xẹt trên mặt biển  từ đảo Cam Tuyền qua đến Miếu Bà rồi tắt lịm,họ còn dặn dò chúng tôi nếu thấy thì không được quở (tiếng địa phương Quảng Nam có nghĩa là không được kêu,không được hỏi ,không được chỉ chỏ khi nhìn thấy một sự cố gì đó có vẻ ma quái,linh thiêng,nếu không sẽ bị điên hoăc bị bệnh )Chính vì vậy cho nên nhiều người trong chúng tôi thường đến đây thắp nhang cúng vái trong những ngày rằm và mồng một mỗi tháng để cầu xin được bình an và sức khỏe trong suốt thời gian sống trên đảo .
   Bãi biển trước Miếu Bà phần lớn là cát,rất ít san hô và bông đá biển (là tảng đá có hình dáng tròn,dẹp,có dộ dày từ hai đến ba tất ,màu vàng nhạt,trên và xung quanh tảng đá có nhiều con hàu biển bám vào, .dưới tảng đá có nhiều hang nhỏ để cho những con cá mú bông sinh sống,chúng tôi có thể dùng gậy nạy  lên khỏi mặt cát ) .Nước sâu và trong vắt nhìn tận đáy .Chính tại bãi biển này ,chúng tôi đã bắt được nhiều ốc nhảy để lấy ruột phơi khô đem về đất liền .
   Đối diện với Miếu Bà qua một khoảng cách biển nước sâu,xa từ ba đến bốn km về phía tây nam là đảo Cam Tuyền (Robert)Chính con tàu đưa chúng tôi ra đảo đã chạy kẹp vào giữa hai đảo Hoàng Sa và Cam Tuyền, đây là một đảo nhỏ có diện tích khoảng 1,5 km vuông  có nhiều phốt-phát,không có quân trú đóng .Từ đảo Hoàng Sa nhìn sang chúng tôi thấy được những tảng đá lớn nhỏ chen với bờ cát bao quanh đảo .Có thể gọi đây là quê hương của những đàn hải âu và nhạn biển .Hầu hết chúng qui tụ về đảo này vào những buổi chiều tối hoặc những lúc biển bị bão tố
Tiếp tục đi theo bãi biển từ Miếu Bà đến một khoảng cách xa nữa thì chúng tôi gặp được cầu tàu-nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân lên đảo .Từ cầu tàu ra đến mí sóng –nơi tàu lớn đậu-có một đường nước sâu khoảng hai đến ba mét không có san hô,nước trong có thể nhìn thấy được những con cá nhỏ bơi dưới đáy .Chính tại đây tôi đã câu được hai con cá mập lớn và cũng là nơi anh  em lính chúng tôi thường tụ tập lại để câu cá ban đêm .
   Đứng trên cầu tàu nhìn chếch về hướng tây bắc,chúng tôi thấy được xác một chiếc tàu lớn bị chìm ,đứng trơ vơ giữa bãi san hô gần mí sóng cách chỗ chúng tôi đứng chừng 200 mét .Bác Phong cho tôi biết chiếc tàu này là tàu chở phân phốt phát về đất liền bị bỏ lại sau năm 1963 .Trên boong tàu gỉ sét là nơi tụ hội của các loài chim biển như bồ nông,nhạn biển ,hải âu .
Tôi đã tốn hết 30 phút để đi giáp một vòng quanh đảo quan sát toàn cảnh khu vực đảo từ bờ cát ra đến mí sóng .Tôi ước đoán đảo Hoàng Sa có diện tích chừng 3,5 đến 4 km vuông .Phần đảo nhô lên khỏi mặt nước biển chừng 1,5 km vuông gồm có những tảng đá lớn nhỏ,bờ cát vàng bao quanh cùng với những cây nhàu  và cây ráy biển mọc chi chít .Phần này cao hơn mặt nước biển độ 5 mét có bãi cát chạy lài xuống đến bờ nước .Từ bờ nước ra đến mí sóng là những rặng san hô đủ màu sắc và bông đá biển bao quanh đảo ngoại trừ bãi trước Miếu Bà thì rất ít san hô .Những bãi san hô này mọc lan xa ra tận mí sóng đến cả trăm mét có bãi xa đến hơn hai trăm mét .Hầu hết san hô và bông đá biển đều  nằm chìm dưới mặt nước .
   Với mắt thường không cần dùng đến kính lặn biển ,chúng tôi cũng có thể thấy rỏ được  những màu xanh tím  đỏ vàng cam trắng của những nhánh san hô .Xen kẽ vào những nhánh san hô,những con cá nhỏ đủ màu sắc bơi lội và rỉa mồi là những sinh vật li ti bám trên san hô và bông đá biển .(San hô là loài động vật xoang  trùng sống thành từng bãi ở bờ biển,cơ thể có bộ xương bằng chất khoáng  kết thành khối theo hình gạc hưu)Tôi bẻ thử một nhánh san hô màu xanh đem lên khỏi mặt nước biển để phơi nắng độ 15 phút,san hô từ từ khô dần và chuyển sang màu trắng như vôi .Vì vậy chất phốt-phát trên đảo là do sự tác dụng của phân chim lên chất vôi của san hô tạo nên .Giữa những rặng san hô tôi cũng thấy được những khoảng cát rộng hơn một sân bóng rổ,chính tại những vũng cát trũng này anh em lính chúng tôi đã rượt bắt những con cá chúc đầu khi thủy triều rút xuống .
   Về hai đảo Quang Hòa (Duncan)và Duy Mộng (Drummond)thì tôi không được nhìn thấy vì tàu hải quân thay quân cho đảo Hoàng Sa (Pattle)trước tiên,sau đó mới đến đảo Duncan và cuối cùng là Drummond .Sau hơn ba tháng trú đóng trên đảo Hoàng Sa,ngày trở lại đất liền,đứng trên boong tàu tôi mới nhìn thấy được hai đảo này và theo lời kể lại của anh em lính đóng trên hai đảo cùng với sự quan sát được của tôi thì: đảo Duncan gồm có một đảo lớn nối liền với một đảo nhỏ bằng một giải cát chạy dài,nhô lên khỏi mặt nước biển độ bốn mét có nhiều tảng đá lớn nhỏ  và bãi cát vàng bao quanh .Trên đảo có ngôi nhà bằng tôn cho anh em lính ở ,ba cây dừa cùng những bụi cây ráy biển .Đảo Drummond thì cũng vậy nhưng lại có được một con lạch nhỏ sâu chạy gần sát bờ .
   Vào thời điểm tôi ra thay quân cho đảo Hoàng Sa năm 1967, tôi không hề nghe ai nói (kể cả bác Phong bên đài khí tượng )về tên đảo Phú Lâm .Trên biên bản ký nhận bàn giao chỉ  có những tên đảo Hoàng Sa (do tôi làm đảo trưởng )và hai đảo Duncan và Drummond do hai trung sĩ làm đảo trưởng .Năm 1974,Tr/úy Phạm Hy (Đại đội trưởng của tiểu đoàn tôi) kể lại với tôi là Trung Cọng đã cho quân đổ bộ lên đảo Cam Tuyền (Robert) trước rồi sau đó mới chiếm tiếp đảo Hoàng Sa và bắt toàn bộ anh em trên đảo làm tù binh chở về đảo Hải Nam 
   Với sự kiện tranh giành xác định chủ quyền của đảo Hoàng Sa hiện thời giữa CS Việt Nam và Trung Cọng thì tôi nghĩ tên gọi đảo Phú Lâm (tên gọi hiện tại)  có phải  là tên của đảo Hoàng Sa do tôi trấn đóng năm 1967 ?
(còn tiếp)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: