Trong bài báo ngày 16.3.2015, từ các ảnh vệ tinh mới nhất của DigitalGlobe và Airbus Defense and Space, Mediumcho hay Trung Quốc đang cải tạo đất và xây đảo nhân tạo để biến những nơi này thành các cơ sở quân sự, nằm trong chiến lược củng cố yêu sách chủ quyền Biển Đông. Các căn cứ này có khả năng sẽ khắc phục các hạn chế đối với hoạt động của quân đội Trung Quốc so với quân đội các nước trong khu vực, và để hỗ trợ việc giám sát và thực thi việc giao thông hàng không trong trường hợp Trung Quốc áp đặt vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.
Đá Chữ Thập, nằm cách Trung Quốc hơn 1.000 km, nay đang dần hình thành một căn cứ hải và không quân hỗn hợp lớn hơn bất cứ đảo nào ở Trường Sa. Cảng đang xây đủ sức cho các tàu hải quân cỡ lớn của Trung Quốc ghé vào, còn đường băng dài 3,3 km đủ cho các máy bay chiến đấu và hỗ trợ của nước này cất và hạ cánh. Căn cứ này sẽ giúp máy bay và tàu của Hải quân Trung Quốc rút ngắn thời gian đến eo biển Malacca trong trường hợp phong toả eo biển chiến lược này.
Cảng mới xây tại Đá Chữ Thập (bây giờ là một hòn đảo nhân tạo) có thể tiếp cận nhanh đến các vùng nước sâu (sâu đến 2.000 mét chỉ cách bờ vài km), tốt hơn cho tàu ngầm so với vùng nước nông xung quanh căn cứ của hải quân Trung Quốc tại đảo Hải Nam.
Các vùng nước sâu gần với 8 bãi đá mà Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo này cũng là vùng nước hoạt động hữu hiệu cho tàu ngầm của hải quân các nước khác (như Mỹ, Việt Nam, Singapore, Nhật Bản). Hải quân Trung Quốc dự kiến có thể sẽ sử dụng các căn cứ mới ở đây để triển khai các thiết bị dò âm thanh dưới đáy biển cũng như để hỗ trợ các biện pháp giám sát hàng hải, hàng không và chống tàu ngầm.
Anh Sơn
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét