Trong tập Thơ bất tận vần vè dân gian, tôi có viết:
dĩ vãng chưa xa vời
tìm thời gian đã mất
có dễ như là chơi
khăm ai hay chơi chật
Trích dẫn khổ thơ trên, bởi vì Hàn Lâm Viện Thụy Điển có nhắc tới chuyện đi tìm thời gian đã mất trong các tác phẩm của ông Patrick Modiano. Từ tập truyện ngắn xa xưa Vang bóng một thời (của Nguyễn Tuân) tới những quyển hồi ký mới đây, và không chỉ riêng hồi ký mà thôi, đó là chưa kể các tác giả ngoại quốc, ta có thể nói rằng đa số các cuốn truyện, cuốn sách, thậm chí tập thơ đã được viết ra, đều là những thứ-kiểu-cách đi tìm thời gian đã mất, của riêng mỗi tác giả.
Bây giờ xin trở lại với cái giải Nobel Văn Chương còn nóng hổi của năm... rồi.
Bizarre! Kỳ cục!
Compliqué! Phức tạp!
Difficile! Khó hiểu!
Đó là những tính từ đã không ngớt xuất phát từ cửa miệng, và thường xuyên xuất hiện trong tác phẩm của tác giả Patrick Modiano, và đã được chính nhà văn tuyên bố với báo chí khi nghe tin mình là người được chọn.
“[Cha là người Ý, mẹ là người Pháp], sinh năm 1945, Patrick Modiano, là một trong các nhà văn tài ba thuộc thế hệ của ông. Khám phá quá khứ, ông biết làm sống lại một cách vô cùng chính xác cái không khí, cũng như các chi tiết về những nơi chốn và những thời kỳ quá vãng, chẳng hạn như Paris thời Đức chiếm đóng, trong tác phẩm đầu tay Quảng trường ngôi sao, xuất bản năm 1968. Với tác phẩm Catherine Certitude, ông đưa độc giả vào cái thế giới êm đềm của một bé gái mang một cái tên kỳ cục, Catherine Certitude, kể lại thời thơ ấu của em ở trong khu phố Gare du Nord (Ga Bắc) tại Paris trong những năm 60.” [Lời giới thiệu của tiệm sách mạng Amazone fr.]
Khi hay tin Patrick Modiano đoạt giải Nobel, ông Antoine Gallimard, chủ nhân nhà xuất danh tiếng, đã tuyên bố với báo chí:
“Tháng sáu năm 1967, Jean Cau [cựu thơ ký của Sartre] đã giới thiệu cuốn truyện đầu tay của Patrick Modiano, Quảng trường ngôi sao (La place de l’étoile), được xuất bản năm sau, như sau đây: “Người thanh niên viết cuốn sách này chỉ mới 21 tuổi. Và, với cú thử nghiệm đầu tiên, anh đã cho ra đời một cuốn sách, theo thiển ý của tôi, nhiều hơn là một hứa hẹn. Tôi nghĩ là bạn đang cầm trên tay tác phẩm của một nhà văn của hiện tại và của tương lai. Đối với tôi, Patrick Modiano là một nhà văn đại diện cho văn chương trong sự thể hiện huy hoàng nhất của nó, tách khỏi các mốt, những trào lưu tư tưởng và những sự thủ cựu. Vì vậy ông ta tự ghi tên mình vào lịch sử của một nhà xuất bản đã được nâng lên bởi tinh thần độc lập ngay từ lúc ra đời. Tác phẩm của ông tiếp tục, trong một thời đại khác và ở những nơi khác, sự đi tìm thời gian đã mất và tìm lý lịch mà Proust từng dấn thân. Cách tiếp cận và phong cách của ông, lạ thường và bền bỉ, cũng tùy thuộc vào sự điều tra, theo phong cách của một Simenon, một Chandler, hay Queneau của Một mùa đông khắc nghiệt(Un rude hiver). Riêng đối với một nhà xuất bản như chúng tôi, giải Nobel này là một khuyến khích đáng kể để đeo đuổi một chính sách khi lựa chọn tác giả cho thư mục. Modiano đã tập trung toàn bộ tác phẩm của ông vào Paris trong Thế chiến thứ 2, mô tả sức nặng của những dữ kiện bi thảm vào một thời điểm khó khăn trên số phận của những nhân vật bình thường.”
Tổng thống François Hollande:
“Xin chúc mừng Patrick Modiano, giải Nobel này vinh danh một tác phẩm khám phá những tinh tế của trí nhớ và mức độ phức tạp của lý lịch.”
Tại sao Proust và các nhà văn tiểu thuyết trinh thám Simenon, Chandler, và cuốn truyện của Raymond Queneau được nhắc tới? Bởi lẽ trong các cuốn truyện của Modiano đều có điều tra, tìm kiếm quá khứ các nhân vật, và Modiano — hay người kể chuyện — đã đóng vai ông cò Maigret, nhà thám tử Marlowe. Nhắc tên Proust, vì Modiano cũng đi tìm thời gian đã mất, của chính mình, và của các nhân vật, thường hoàn toàn xa lạ với tác giả hay với người kể chuyện.
Thời gian đã mất, hay quá khứ của cậu bé Marcel, rồi của chàng trai Marcel đã có thật, với đầy đủ chi tiết, dù đã bị thời gian chôn vùi nhưng vẫn còn nguyên. Khi đi tìm thời gian đã mất, khi hồi tưởng lại quá khứ, Proust chỉ cần một dụng cụ để khai quật: trí nhớ vô thức (mémoire involontaire).
Quá khứ của Modiano và các nhân vật của ông thì chỉ là những mảnh vụn rải rác đó đây, do vậy Modiano hay người kể chuyện phải đóng vai thám tử để truy lùng, lắp ghép chúng lại với nhau. Đó là sự khác biệt giữa Proust và Modiano.
Trong lời giới thiệu cho bản dịch C’est tout (Vậy thôi) cuốn truyện cuối cùng của nhà văn Marguerite Duras, tôi có đặt ra câu hỏi về một vài giải thưởng Nobel Văn Chương tôi nghĩ là chưa thật xứng đáng. Dù sao thì cái giải thưởng này cũng rất cần thiết cho mọi người cầm bút. Patrick Modiano được vinh danh và trao tặng hơn 11 triệu đô-la để thoải mái dưỡng già tôi thành thật chúc mừng ông ta.
Một nhà văn lãnh giải thưởng văn chương danh tiếng nhứt và nhiều xu nhứt, tất nhiên không thiếu những bài viết, những lời ca ngợi của truyền thông, báo chí, của các nhà phê bình, và của độc giả. Do vậy, thay vì trích dẫn những lời ngợi ca đó, tôi chọn lược dịch những lời chê bai ông Modiano của không ít những độc giả đã viết lời còm trên Amazon.fr.
Một độc giả đọc xong một tác phẩm của Modiano thành thật khen tặng:
“Nhan đề Trong quán cà phê của tuổi trẻ đã mất khiến người đọc cười khúc khích vì nó rất ư là... Modiano. Kết quả là một cuốn truyện gây thất vọng. Tuy nhiên đôi khi Modiano cũng nhắm trúng đích, như khi ông viết: ‘Tôi thích đi ngược lên đại lộ Champs Élysées trong buổi tối mùa xuân. Con đại lộ này giờ đây không còn nữa, nhưng ban đêm nó vẫn gây được ảo giác chiêm bao’.”
Một độc giả khác:
“Nhiều âm thanh nhưng không đưa chúng ta tới đâu cả. Người ta có thể là một nhà văn lớn nhưng cho ra đời một cuốn truyện nhạt nhẽo, không có chiều sâu thực sự. Đây là trường hợp của cuốn sách này. Trong quán cà phê của tuổi trẻ đã mất chỉ mang đến cho tôi sự thất vọng. Các nhân vật trong truyện có vẻ như chỉ bay lướt trên câu chuyện của họ. Người đọc đâm ra chán. Đáng tiếc.”
Một độc giả thứ ba viết về cuốn Hoa điêu tàn (Fleurs de ruine):
“Một vài năm trước tôi không hồ hởi với Villa triste, nhưng vì sự phổ biến của tác giả này, tôi quyết trở lại. Thử nghiệm mới cũng không thuyết phục. Sự mô tả những địa điểm rất nhàm chán, và việc gây ấn tượng chiếm phần quan trọng của sách. Một số đoạn văn đẹp, nhưng chìm trong cái có vẻ như là sự lấp đầy hơn là văn chương.”
Một độc giả thứ tư kết thúc lời còm về cuốn truyện Những thiếu niên anh dũng, như sau:
“Đại khái thì đó là câu chuyện về sự gặp gỡ bởi nhân vật chính — cuộc gặp gỡ chắc chắn đã do Modiano ngẫu hứng — giữa vài người bạn nội trú cũ vài năm sau cuộc đời học sinh. Thế nhưng các thiếu niên này dù có “anh dũng”, họ cũng không gây được sự chú ý nơi người đọc, trong khi những mẩu chuyện cỏn con nối đuôi nhau rất khó tạo thành một cuốn truyện”.
Tôi chưa đọc tác phẩm nào của Patrick Modiano khi viết những dòng này, dù đã có đặt mua vài cuốn, nhưng vẫn chưa mở ra. Khi hay tin Modiano đoạt giải Nobel, tôi tò mò săn tin, tìm đọc thêm về ông, rồi bị cuốn hút bởi những cuốn truyện không nhiều trang của ông. Dưới đây là những lời giới thiệu cho mỗi cuốn truyện có bán trên Amazon.fr, in trên bìa sau. Tôi thấy chúng ngồ ngộ, tựa như những bài thơ văn xuôi, hay những truyện cực ngắn, nên tôi tuyển dịch cho những ai chưa đọc Modiano có thể mơ mộng vài phút về mỗi tác phẩm “kỳ cục”, “phức tạp”, “khó hiểu” của nhà văn này.
Quảng trường ngôi sao - La Place de l’étoile, 210 tr., Gallimard, 1968. Giải thưởng Fénéon năm 1969.
Vào tháng sáu năm 1942, một viên sĩ quan Đức tiến về phía một thanh niên và hỏi: “Xin lỗi ông, quảng trường ngôi sao ở nơi nào?”
Gã thanh niên chỉ vào mé trái trên ngực anh ta.[*]
----------
[*]Hitler bắt người Do Thái phải mang ngôi sao sáu cánh trên ngực.
Tuần đêm - La ronde de nuit, 152 tr., Gallimard, 1969.
Làm cách nào để trở thành một tên phản bội, làm cách nào để không trở thành một tên phản bội? Đó là câu hỏi mà nhân vật chính của truyện, tự đặt ra cho mình, vì hắn vừa làm việc cho Sở mật thám Pháp theo Đức, vừa tham gia một nhóm kháng chiến. Sự tìm hiểu trong âu lo đó sẽ đưa hắn tới sự tuẫn tiết, lối thoát duy nhứt. Với cuốn truyện gây kinh ngạc này, dịu dàng và tàn bạo, Modiano muốn tìm cách trừ tà một quá khứ mà ông không hề sống. Modiano đánh thức những người chết và để cho họ dấn bước theo tiếng nhạc hổn hển, trong một cuộc tuần đêm phi thường.
Những đại lộ vòng đai - Les boulevard de ceinture, 183 tr., Gallimard, 1972, Giải Thưởng Lớn của của Hàn lâm viện Pháp.
Người kể chuyện đi tìm cha. Hắn đang ở trong một ngôi làng cạnh mé rừng Fontainebleau, trong thời Chiếm đóng, giữa những kẻ có hành vi mờ ám. Người cha đó là ai? Buôn lậu? Một người Do Thái đương bị truy lùng? Tại sao ông đương sống giữa những kẻ đó? Người kể chuyện sẽ săn đuổi cho tới cùng người cha như một bóng ma đó. Với âu yếm.
Ngôi biệt thự buồn - Villa triste, 208 tr., Gallimard, 1975
Khi họ còn ngụ trong ngôi biệt thự buồn Yvonne và Victor cố nén làm những cử động. Nhưng người ta cảm thấy ngay rằng sự thanh thản đó chỉ là sự tự dối lòng. Nhiều năm sau, người kể chuyện quay về hiện trường, trở lại thành phố suối nước nóng, và gợi lại, từng hồi, sự hoài niệm sáng suốt về dĩ vãng và mối tình với Yvonne, những kẻ đã vây quanh họ, những hành động ngông cuồng của Meinthe, cái bóng ma của quá khứ đó hướng dẫn chúng ta qua những con đường thiu thiu ngủ của hôm nay... Nhưng cái vụt hiện về trước tiên là nỗi lo âu không thể giải thích của Victor, mà chàng đã hy vọng có thể xoa dịu bớt khi trở lại sống trong cái thành phố có suối nước nóng xa xăm, gần biên giới Thụy Sĩ. Modiano sử dụng một ngôn ngữ êm xuôi cho cuốn truyện của ông, có rải rác vài khẩu hiệu châm biếm, để tạo một vẻ nghiêm trang, và mặc dù vậy, vẫn nhẹ nhàng. Nhờ sự cân bằng khéo léo đó, ông phát họa những nét tạo dáng một người đi tìm những điểm mốc để nâng đỡ ký ức, hệt như kẻ đó thời trẻ đã tìm kiếm gốc rễ và lý lịch của mình. Và nếu như những kẻ đi nghỉ mát vào thời đó, kỳ khôi và giả tạo, dù không thật hoàn toàn đáng ghét, có thể là do sự bí ẩn bao trùm một tính cách khó chạm tới cái mùa hè xa xôi đó. [Sana Tang-Léopold Wauters]
Sổ gia đình - Livret de famille, 214 tr., Gallimard, 1977.
Mười bốn câu chuyện trong đó tiểu sử trộn chung với những kỷ niệm tưởng tượng. Tác giả có thể vẽ ra một buổi tối của cựu vua Farouk hay hình ảnh cha mình bị mật vụ Gestapo truy lùng, những bước đầu vào nghề của mẹ, vũ nữ trong một hí viện ở thành phố Anvers, những nhân vật mập mờ xung quanh cặp vợ chồng, tuổi thiếu niên của mình, và cuối cùng là vài bức tranh về tổ ấm của mình. Tất cả những thứ đó dần dần tạo ra một “cuốn sổ gia đình”.
Phố của những cửa tiệm âm u - Rue des boutiques obscure, 251 tr, Gallimard, 1978.
Ai đã xui khiến một gã tên Guy Roland, nhân viên của một hãng điều tra do một ông bá tước gốc Baltique điều hành, đi tìm tông tích của một kẻ xa lạ đã biệt tích từ nhiều năm trước? Nhu cầu tìm lại chính cái tôi của hắn sau nhiều năm mất trí? Trong thời gian tìm tòi, hắn đã thu thập được những mảnh đời của một kẻ có thể lại là chính hắn. Dù sao thì cuối cùng hắn cũng đã hòa mình vào cá nhân của kẻ xa lạ ấy. Như trong một vòng ngựa gỗ quay tít đến chóng mặt, cuối cùng và lần lượt xuất hiện những kẻ duy nhứt — những nhân chứng thời tuổi trẻ của Pedro Mc Evoy — có thể nhận diện được kẻ đã mất tích: Denise Coudreuse, Freddie Howard de Luz, Gay Orlow, Dédé Wildmer, Scouffi, Rubirosa, Sonachitzé, và vài người khác nữa, với những tên họ và những sổ thông hành phức tạp, khiến cho cuốn truyện có thể hóa thành sự xâm nhập của những linh hồn lang thang vào một cuốn truyện trinh thám.
Những thiếu niên anh dũng - De si braves garçons, 185 tr., Gallimard, 1982.
Ở gần Paris, trung học Valvert, mang biệt danh Tòa Lâu Đài vì khu vườn của nó, những dãy nhà phụ và khu rừng của nó, có những học sinh nội trú là “những thiếu niên anh dũng” ít nhiều bị chính gia đình mình bỏ rơi — những kẻ giàu có hay đã suy sụp, bất an, công dân của thế giới, bị tình nghi. Đám con trai này vừa lo học vừa kết bạn, hoặc giữa chúng nó với nhau, hoặc với các giáo sư cũng ngoạn mục như chúng nó. Rồi cuộc đời phân tán mọi người. Hai mươi năm trôi qua. Nhờ trí nhớ sắc bén và sự tò mò, người kể chuyện — có thể chính là Modiano — tái tạo lại không khí của những ngày xưa, vừa thử mở một cuộc điều tra về những gì thời gian đã để lại trên những người bạn cũ. Những kỷ niệm đó không ngừng nối kết với hiện tại, theo một thực tế làm bằng chiêm bao và hoài niệm.
Những ngày chủ nhật của tháng tám - Dimanches d’août, 160 tr., Gallimard, 1986.
Tại sao người kể chuyển đã rời bỏ bờ sông Marne với Sylvia để tới lẩn trốn trong thành phố Nice? Vật cứng rắn và bền vững duy nhứt của cuộc đời họ, và có thể có ảnh hưởng tai hại, viên kim cương Sao Nam của họ từ đâu đến? Diễn viên Aimos được ngưỡng mộ đã chết vì nguyên do nào? Cặp vợ chồng Neal là ai, và tại sao từ ngôi biệt thự đổ nát của họ, họ quan tâm đến Sylvia, đến người kể chuyện, và viên kim cương Sao Nam? Và Sylvia? Có phải nàng đã từng là vợ của Villecourt? Và Villecourt? Cả hắn nữa, hắn tới Nice để làm gì, trong lúc suy sụp? Xuyên qua những bí ẩn đan chéo đó, một cuốn truyện tình hiện ra, thắm đượm nét duyên dáng ám ảnh mãi độc giả.
Catherine Certitude, 68 tr., Gallimard, 1988.
Giống như cha mình Catherine mang mắt kiếng. Và như mẹ đang sống tại New York, nó muốn trở thành một vũ công thượng hạng. Bị buộc phải gỡ kiếng xuống khi khiêu vũ, Catherine phát hiện sự ích lợi có thể sống trong hai thế giới khác biệt: thế giới thật, như nó thấy khi đeo kiếng, và cái thế giới êm dịu, mờ mờ và không gồ ghề khi nó lấy mắt kiếng xuống. Một thế giới trong đó nó khiêu vũ như trong mộng.
Tuần trăng mật - Voyage de noces, 157 tr., Gallimard, 1990.
Tôi bắt gặp lại mẩu báo cũ cắt để dành từ mùa đông khi Ingrid gặp Rigaud. Ingrid đã trao nó cho tôi trong lần cuối cùng tôi gặp cô. Trong bữa ăn tối hôm đó, cô bắt đầu kể lại trọn thời kỳ đó, và cô đã lấy trong xách tay ra cái ví da cá sấu, và từ trong ví đó lấy ra mẩu báo cẩn thận xếp gấp đôi, cô đã cất giữ trong suốt những năm qua. Tôi còn nhớ lúc đó cô đã ngưng nói và cái nhìn của cô trông khá buồn cười, như thể cô muốn trao cho tôi cái gánh nặng mang từ lâu, hoặc là cô đã suy đoán rằng tôi cũng sẽ tìm cô. Đó là một mẩu tin nhỏ giữa những mẩu tin khác, tìm việc làm, giao dịch bất động sản và thương mại: Tìm một cô gái, Ingrid Teyrsen, mười sáu tuổi, cao một thước sáu mươi, khuôn mặt trái xoan, mắt xám, áo choàng nâu thể thao, áo ấm xanh lợt, váy nón màu nâu non, giày thể thao đen. Xin gởi các chỉ dẫn tới Ông Teyrsen, 39 kép, đại lộ Ormano, Paris.
Hoa điêu tàn - Fleurs de ruine, 142 tr., Gallimard, 1991.
24 tháng tư 1933. Một cặp vợ chồng trẻ tự tử trong căn hộ của họ ở Paris vì những lý do bí ẩn. Trong đêm đó họ có gặp hai người đàn bà, hai người đàn ông, có tới một vũ trường, có đi vào một ngôi nhà có gắn chiếc thang máy màu đỏ. Ba mươi năm đã trôi qua. Người kể chuyện tự chất vấn về chuyện của họ mà một vài nhân vật hình như hắn có gặp. Cuộc chất vấn mà, do vọng âm, gợi ra những chất vấn khác. Những bóng ma thấp thoáng, những giải thích chẳng bao giờ tới. Những bóng hình, những tên họ, bị thời gian cuốn mất hút. Paris, Paris nữa, nhứt là Paris. Đã mất, được truy tầm, được tái hiện.
Từ nơi xa nhứt của lãng quên - Du plus loin de l’oubli, 180 tr., Gallimard, 1995.
Tôi có thể trộn các giấy tờ, như một bộ bài, và tôi có thể để chúng trên mặt bàn. Như vậy hả, cuộc đời hiện tại của tôi à? Thảy đều giới hạn đối với tôi, trong khoảng hai mươi cái tên và địa chỉ rải rác mà tôi là sợi dây liên lạc duy nhứt? Và tại sao những ngưới này thay vì những kẻ khác? Tôi có điều gì chung, tôi, với những cái tên đó và những nơi đó? Tôi đã ở trong một giấc mộng mà người ta biết rằng mình có thể tỉnh dậy bất cứ lúc nào, khi những hiểm nguy đe dọa bạn. Nếu tôi quyết định, tôi rời cái bàn này và thảy sẽ tách rời ra, thảy sẽ biến mất trong cõi hư vô. Chỉ còn lại chiếc va-li thiếc và vài miếng giấy vụn ghi những cái tên và những nơi chốn vô nghĩa đối với bất cứ ai.
Dora Bruder, 145 tr., Gallimard, 1997.
Tôi luôn luôn không hiểu con bé [Do Thái] đó nó đã làm gì trong những ngày ấy, nó đã ẩn núp ở nơi nào, và với ai trong những đêm mùa đông trong cuộc trốn nhà lần đầu tiên, và trong suốt vài tuần lễ của mùa xuân khi nó tẩu thoát một lần nữa. Đó là sự bí mật của đời nó. Một bí mật nghèo nàn và quý báu —mà những tên đao phủ, những mật lịnh, những lực lượng của thời chiếm đóng, Trại Giam, trại lính, trại tập trung, Lịch Sử, thời gian, tất cả những gì khiến chúng ta trở thành nhơ nhớp và hủy diệt chúng ta — đã không thể cướp giựt được.
Trong quán cà phê của thời tuổi trẻ đã mất - Dans le café de la jeunesse perdue, 176 tr., Gallimard, 2007.
Trong ngày hôm nay, có khi tôi vẫn nghe, buổi tối, một giọng nói gọi tên tôi, ngoài phố. Một giọng khàn. Kéo dài các âm tiết mà tôi có thể nhận ra ngay: giọng nói của Louki. Tôi quay lại nhưng không thấy ai. Không chỉ trong buổi tối, mà cả trong cái rỗng của những buổi trưa mà bạn không biết rõ mình đương ở trong năm nào. Thảy sẽ bắt đầu lại như trước. Những ngày đó, những đêm đó, những chỗ đó, những cuộc gặp gỡ đó. Sự Luân Hồi bất tận.
Con Bé Bijou - La Petite Bijou, 176 tr., Gallimard, 2001.
Khi tôi lên bảy, người ta gọi tôi là Con Bé Bijou (Con Bé Nữ Trang). Hắn đã mỉm cười. Chắc hẳn là hắn thấy cách gọi tên như vậy là dễ thương và âu yếm đối với một bé gái. Hắn cũng vậy, mẹ hắn cũng có đặt cho hắn một biệt danh để thỏ thẻ vào tai hắn, trước khi ôm hôn hắn. Patoche. Pinky. Poulou.
“Hổng phải như ông tưởng đâu, tôi đã bảo hắn. Với tôi, đó là một cái tên nghệ sĩ”.
Phả hệ - Un pedigree, 144 tr., Galliard, 2004.
Tôi viết những dòng này như người ta thảo một bản hợp đồng hay một tờ khai lý lịch, với tài liệu và chắc hẳn là để kết thúc một cuộc đời không phải của tôi. Những biến cố tôi sẽ nhắc nhở lại cho đến năm hai mươi mốt tuổi, tôi đã sống chúng qua sự trong suốt — phương pháp gồm có màn diễu hành cảnh trí ở phía sau trong khi các diễn viên đứng im trên một sàn quay phim ở phim trường. Tôi muốn diễn tả lại cảm giác mà nhiều người đã cảm thấy trước tôi: tất cả những cuộc diễu hành qua sự trong suốt và tôi vẫn chưa sống cuộc đời tôi vào thuở đó.
Chân trời - L’horizon, 176 tr., Gallimard 2010
Hắn bước trên con lộ Dieffenbachstrasse. Một cơn mưa trút xuống, một cơn mưa mùa hè mà sức mạnh vơi dần trong khi hắn bước dưới hàng cây để tránh mưa. Trong nhiều năm, hắn đã nghĩ rằng Margaret đã qua đời. Không có lý do, không, không có lý do nào cả. Mặc dù năm mà chúng tôi sanh ra, cả hai đứa chúng tôi, khi mà cái thành phố này, từ trên cao nhìn xuống, chỉ là một đống gạch vụn đổ nát, những cây lilas vẫn trổ hoa giữa khung cảnh điêu tàn, ở nơi cuối của những khu vườn.
Cỏ của những đêm - L’ herbe des nuits, 169 tr., Gallimard, 2012.
“Anh sẽ nói gì nếu tôi đã giết chết một người?”
Tôi tưởng nàng nói đùa hay nàng đã đặt ra câu hỏi đó với tôi vì những cuốn tiểu thuyết trinh thám nàng có thói quen đọc. Vả lại, đó là những cuốn sách duy nhứt nàng đọc. Có thể trong một trong những cuốn truyện đó một phụ nữ đã đặt ra câu hỏi đó với người chồng chưa cưới.
“Tôi sẽ nói gì à? Chẳng nói gì cả.”
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét