Tây Nguyên: Tại sao phải là cây Mắc ca?
(Thời sự) - Tây Nguyên hiện có cây cà phê là cây công nghiệp quan trọng chủ lực số một, nhưng phần lớn đã già cỗi, đang đứng trước yêu cầu phải tái canh. Để nâng cao đời sống kinh tế xã hội, đảm bảo An ninh – Quốc phòng bền vững cho vùng đất chiến lược quan trọng này khi và chỉ khi phải thay đổi chiến lược kinh tế để đưa vùng đất này vươn lên thoát nghèo tiến tới phát triển kinh tế.
Bao đời nay vùng đất Tây Nguyên là khu vực khó khăn về kinh tế, đời sống vật chất khó khăn thiếu thốn và là một trong những điểm nóng an ninh của cả nước. Lợi dụng trình độ dân trí thấp, nghèo khó và sự nhẹ dạ cả tin của đồng bào, dân tộc thiểu số ít người, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, gây bất ổn an ninh trong khu vực, tạo bàn đạp phá hoại toàn bộ nền kinh tế – chính trị Việt Nam.
Phải nâng cao chất lượng đời sống kinh tế xã hội của người dân khu vực Tây Nguyên, đó cũng là mục tiêu và nổi trăn trở lớn nhất của biết bao nhiêu cấp lãnh đạo từ trước đến nay. Từ những vấn đề trăn trở trên, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã nghiên cứu tình hình thực tế, nắm bắt địa thế, tính toán lợi ích kinh tế cây mắc ca mang lại và quyết định mạnh mẽ: “Đưa cây mắc ca thành cây chiến lược tại khu vực Tây Nguyên”. Quyết sách phải làm một cuộc cách mạng kinh tế cho vùng đất này, để mỗi hộ dân đều tiếp cận vốn để trồng cây mắc ca thì cả Tây Nguyên sẽ được xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Hạt mắc ca là loại quả khô ngon nhất thế giới. Nó ngon hơn cả hạt điều, hạt hạnh nhân và hạt hồ đào. Mang giá trị dinh dưỡng cao, có thể ăn tươi hoặc chế biến thành nhiều sản phẩm như bánh kẹo, dầu ăn hay mỹ phẩm. Dầu và hạt mắc ca còn được sử dụng làm thực phẩm rất bổ dưỡng và được ưa chuộng. Giá cả mắc ca trên thị trường thế giới vẫn không ngừng tăng và là một trong những hàng nông sản đắt giá nhất hiện nay.
Ngay từ đầu năm 2002, đã có nghiên cứu và trồng thử nghiệm cây mắc ca (Macadamia) trên diện hẹp. Kết quả tại vùng đất Tây Nguyên khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp với cây sinh trưởng. Sau 2 năm, Viện Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tiến hành trồng khảo nghiệm cây mắc ca trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên như: Đắk Lắk, Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng.
Mặc dù cây mắc ca mới được trồng chưa lâu nhưng theo các báo cáo khoa học từ kết quả sau 10 năm thử nghiệm ở Tây nguyên thì cây mắc ca là kỳ vọng lớn nhất giúp nông dân Tây nguyên thoát nghèo.
Cây mắc ca trồng một lần cho thu hoạch từ 50 đến 60 năm, gấp đôi tuổi đời cây cafe. Một ha cây mắc ca vào thời điểm thu hoạch chính có thể cho năng suất khoảng 3 – 5 tấn hạt/ha/năm, với giá trung bình 50.000 đồng/kg thì giá trị thu được từ 150 – 250 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận khi trừ tất cả các chi phí ước tính vào khoảng 100 – 200 triệu đồng/ha/năm.
Nếu trồng xen cây mắc ca với cà phê thì năng suất thu được vào thời kỳ kinh doanh sẽ từ 1,2 – 1,5 tấn hạt/ha, giá trị thu được sẽ tăng thêm từ 60 – 80 triệu đồng, đồng thời còn tăng tính bền vững hơn cho vườn cà phê.
Hiện nay, Tây Nguyên với tổng diện tích cà phê là hơn 290 nghìn ha, nếu có thể sử dụng hết diện tích đất để trồng thành cụm rừng công nghiệp cây mắc ca xen kẽ cây cà phê thì chắc chắn lợi nhuận mang về cho người dân là rất lớn.
Theo tính toán của Vụ nông nghiệp – nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), do nhu cầu hạt mắc ca thế giới hiện gấp 4 lần tổng sản lượng và nguồn cung hạt mắc ca còn được dự báo phải mất hàng chục năm nữa mới đuổi kịp cầu khi cầu ngày càng mở rộng. Còn theo các nhà khoa học, trồng cây mắc ca đem lại lợi nhuận cao gấp 2 lần so với trồng chè, gấp 3 lần so với cây cà phê. Ông Martin Novak – chuyên gia trong ngành mắc ca Australia khẳng định, cây mắc ca có giá trị kinh tế cao, rất nhiều nước không thể trồng được loại cây này như vùng Tây Nguyên.
Có thể khẳng định lợi thế của cây mắc ca tại Tây Nguyên là rất lớn, khi vừa có thể trồng xen lẫn với cà phê, cao su, chè, vừa có thể trồng tập trung thành rừng công nghiệp. Thực tế, nhiều người dân đã trồng thuần hoặc trồng cây mắc ca xen cà phê được người dân đánh giá là thành công, cho thu nhập cao hơn và ổn định hơn nhiều lần so với cây cà phê thuần, do giống mắc ca chịu hạn tốt, ít tốn công chăm sóc và hiện chưa phát hiện sâu bệnh gây hại. Vậy nên phát triển cây mắc ca không chỉ là đòn bẩy giúp xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân vùng Tây Nguyên, đó cũng chính là nâng cao năng lực quốc phòng, đảm bảo ổn định an ninh – chính trị trong khu vực cũng như cả nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét