Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Máy tính cá nhân tương lai: đeo vào mắt?

Lần cuối cùng Microsoft khiến mọi người ấn tượng về sản phẩm công nghệ là khi nào? Đã quá lâu cái tên này bị chìm dưới cái bóng Apple, Samsung, Google hay Facebook... Nhưng mới đây HoloLens của Microsoft làm người ta giật mình về thế hệ tương lai của máy tính cá nhân. 
HoloLens - một dạng kính đeo
Cho đến giờ, các cuộc phiêu lưu của Microsoft vào thế giới phần cứng như với Nokia để phát triển Windows phone, phát triển tablet với Surface (sau khi Apple và các hãng khác kiếm bộn từ máy tính bảng) đều phải ngả mũ trước đối thủ.
Surface Pro 3 được đánh giá khá cao nhưng vì chậm chân, hệ thống sản phẩm hỗ trợ phát triển quá chậm, thị trường đã ổn định và Surface thất bại. Microsoft vẫn không mệt mỏi và mới đây đã khiến dân công nghệ phải nhắc đến khi trình diễn sản phẩm mới có tên HoloLens - một dạng kính đeo công nghệ được giới công nghệ đánh giá có thể là tương lai của máy tính cá nhân.
Khi đeo lên, HoloLens trông rất giống kính trượt tuyết. Người đeo vẫn nhìn thấy khung cảnh xung quanh mình, đồng thời nhìn thấy các nút điều khiển ở dạng ba chiều: nút bấm, các đường kẻ, hình ảnh, cũng như hình ảnh game Minecraft mà Microsoft cho thử nghiệm trên máy. Các thiết bị có thể “xuất hiện” mỗi lần người dùng ra lệnh bằng giọng nói hoặc cử chỉ.
Trong cuộc trình diễn đó, Microsoft cho một số lượng nhỏ phóng viên được thử nghiệm trong khoảng thời gian ngắn. Cuộc trình diễn được kiểm soát rất cẩn trọng. Tất cả thiết bị ghi hình đều bị cấm.
Trong một cảnh của game Minecraft được thử trong phòng khách thật, người của Microsoft nói với phóng viên chọn chiếc búa ảo (trong game) và bắt đầu đập chiếc bàn cà phê trong phòng. Nói cách khác là sử dụng thiết bị digital (số) để tương tác với đồ vật thật.
Phóng viên đã thử và bất ngờ với những gì trước mắt: chiếc bàn cà phê thật vỡ tan ra thành từng mảnh (trên màn ảnh của HoloLens) rồi không còn nữa. HoloLens đã tự động “xóa” chiếc bàn ra khỏi màn hình nhìn của người dùng.
Tương tác “thực” và “ảo”
Trong ví dụ khác, Microsoft cho sử dụng phiên bản game Minecraft, người chơi thấy cả các nhân vật và các vật cản trong game được dựng hết lên trong một khán phòng “thực”. Chỉ bằng vài cử chỉ đơn giản, người chơi có thể tạo vết hổng to trên chiếc bàn trong phòng. Điểm đáng chú ý ở đây chính là khả năng tương tác giữa “thực” và “ảo” của HoloLens.
Giới công nghệ từ lâu đã nói nhiều về công nghệ “thực tại ảo” nhưng ứng dụng của công nghệ này đến nay vẫn còn vô cùng hạn chế. Microsoft rõ ràng quyết tìm hướng để có thể tương tác với hologram (công nghệ tạo hình ảnh 3D).
Ngoài Minecraft, tập đoàn này cho người thử sử dụng ba phần mềm khác. Một là gọi điện thoại bằng Skype. Phóng viên sử dụng thiết bị này gọi cho một người thợ điện. Người này chỉ dẫn phóng viên cách lắp một công tắc đèn. Người thợ điện này nhìn thấy được các cảnh trước mắt của người dùng và có thể vẽ các đồ thị để hướng dẫn người dùng.
Trong một thí nghiệm khác mà Microsoft kết hợp với phòng thí nghiệm của NASA, người dùng thấy mình đi vào không gian của sao Hỏa từ hình ảnh được xe tự vận hành chụp hình. Ở đây người dùng thấy màn hình máy tính trong căn phòng ảo với hình ảnh bản đồ của sao Hỏa. Khi người dùng nhấn vào một điểm trên màn hình máy tính, cùng lúc ở không gian ảo hiện ra lá cờ và vị trí vừa được nhấn vào.
Phần mềm thứ ba, Microsoft cho thử HoloStudio, cho phép những người không chuyên thiết kế các đồ vật 3D rồi gửi các thiết kế này tới máy in 3D để in ra.
Cảnh game Minecraft trong khung cảnh một phòng khách thật
Microsoft
Những điểm yếu
HoloLens vẫn có nhiều điểm yếu. Thiết bị này không cho độ phân giải cao và một số phóng viên nói thỉnh thoảng tương tác ở đó hơi “chán”. Nhưng độ nét của thiết bị đủ để tạo ra hình ảnh của “thực tại ảo”.
Microsoft đến giờ vẫn chưa tiết lộ nhiều về khả năng hệ thống của HoloLens sẽ tương tác thế nào trong môi trường thực - cuộc trình diễn của Microsoft được kiểm soát và điều khiển rất chặt. Ngoài ra, có thể thấy phần cứng được tiết lộ cho công chúng mới chỉ là sản phẩm mẫu - có cục pin lớn và một đầu nối máy với một máy tính để tương tác - trong khi sản phẩm thực được hi vọng sẽ chỉ đơn thuần là một chiếc kính đeo.
Theo phóng viên của New York Times, điểm yếu chính của HoloLens là cơ chế sử dụng cử chỉ của thiết bị này.
Ví dụ khi lựa chọn một nút hay đồ vật nào đó, người dùng sẽ nhìn về hướng nhất định rồi bấm tay vào không gian. Nhưng sẽ có một độ trễ từ lúc bấm cho đến khi máy nhận được lệnh này. Đồng thời, vẫn rất khó để chỉ chính xác vào các đồ vật trên màn hình HoloLens.
Thị trường đông đảo
Với HoloLens, Microsoft bước vào lĩnh vực đang ngày càng đông đảo: kết hợp giữa thực và ảo. Microsoft không phải là công ty duy nhất lúc này đang tập trung phát triển thiết bị đeo 3D. Facebook năm ngoái đã mua một trong những nhà phát triển thiết bị đeo “thực tại ảo” nổi tiếng nhất Oculus VR với giá 2 tỉ USD. Samsung và Sony giờ cũng đang phát triển thiết bị đeo của riêng mình.
Tất cả công ty này tuy vậy đều nhấn mạnh vào khía cạnh “ảo” với tầm nhìn của người dùng là trong không gian tưởng tượng 3D, cắt rời hoàn toàn với thực tế bên ngoài.
Giao diện HoloLens khi người dùng đeo kính
Một số ứng dụng của HoloLens có cả yếu tố thực - ảo song song. Thiết bị này cũng hiển thị cái được gọi là “thực tại tăng cường” (AR - augmented reality) khi cho thêm hình ảnh 3D vào thế giới thực xung quanh của người đeo thiết bị. Kính nhìn của HoloLens có chức năng nhìn thấu bình thường để người dùng có thể tiếp tục xem hình ảnh của thế giới xung quanh.
Vào tháng 10-2014, Google đã đầu tư 542 triệu USD vào Công ty Magic Leap để tiếp tục phát triển công nghệ AR của mình.
Hiện tại, ngay lập tức đã có những so sánh giữa HoloLens và Google Glass - sản phẩm giống chiếc “kính đeo máy tính” từng được bán với số lượng nhỏ rồi chính thức chấm dứt từ hôm 15-1 (Google nói để tập trung vào các phiên bản khác). Cả hai đều có những tương đồng: đều cố kết hợp giữa yếu tố ảo và đời sống thực bên ngoài.
Nhưng trong khi thiết bị của Google gói gọn trên màn hình nhỏ trên kính và không che khuất tầm nhìn của người dùng, HoloLens đưa người dùng vào không gian ảo sâu hơn. Google Glass có tham vọng trở thành vật thay thế cho điện thoại, giúp cung cấp thông tin ngay tức khắc, còn HoloLens dường như có vẻ nhắm tới thay thế máy tính cá nhân nhiều hơn - với một cách dùng hoàn toàn khác.
Matt Rosoff của Business Insider thì nói “là lần thứ hai trong vòng hai tháng qua tôi cảm thấy mình đang nhìn thấy tương lai”. Lần đầu theo ông là bản mới nhất Oculus Rift, thiết bị “thực tại ảo” của Facebook và lần thứ hai là HoloLens của Microsoft.
Dù giống nhau, cả hai có những sự khác biệt. Oculus Rift là “thực tại ảo” hoàn toàn với các hình ảnh ảo kín xung quanh người dùng - không thể thấy thực tại xung quanh. HoloLens là “thực tại tăng cường” (AR) khi hình ảnh “ảo” được tạo thêm và chồng lên các vật dụng thực xung quanh.
Dù vậy, đến giờ HoloLens vẫn chỉ là sản phẩm mẫu và có thể sẽ còn những cải tiến trước khi được công bố chính thức. Những hào hứng của Microsoft cũng vẫn cần sự cẩn trọng. Đến giờ HoloLens mới dừng ở mức là sản phẩm demo. Chưa ai biết thời điểm nào Microsoft có thể tung sản phẩm này ra thị trường.
Khoảng năm 2009-2010, Microsoft từng quảng cáo thiết bị cảm ứng Kinect cho Xbox với ý tưởng cũng đầy hấp dẫn nhưng cho đến giờ, dự án này thành tựu rất hạn chế và hầu như không thể hiện được những gì như video quảng cáo của Microsoft khi đó.
Dù vậy, HoloLens về mặt ý tưởng được cho là bước đột phá mà Microsoft có thể tạo ra khi liên tục lỡ bước trong khoảng 10 năm gần đây: luôn phản ứng chậm trước các xu thế công nghệ mới từ cloud-computer (máy tính đám mây), công nghệ tìm kiếm Internet hay thế giới di động. Microsoft luôn chậm chân trong cuộc đua về phần cứng với Apple, Google hay các tập đoàn công nghệ khác.
Carolina Milanesi, nhà phân tích của Kantar Worldpanel ComTech - một hãng nghiên cứu công nghệ, đánh giá đây là hướng đi nhằm tạo thị trường mới cho Microsoft.
Còn Mark Bolas, giáo sư về nghệ thuật hình ảnh ở ĐH Nam California (USC) và là chuyên gia về AR, ca ngợi hướng đi này của Microsoft. “Câu hỏi hiện nay là khi nào chúng ta có thể kết hợp thế giới thực và thế giới ảo một cách hoàn hảo, và nếu làm được thì chúng ta sẽ làm gì với nó? - ông nêu vấn đề - Đến giờ chưa ai có câu trả lời cả”.
James L. McQuivey, nhà phân tích của Forrester Research, dự đoán công nghệ này sẽ có ảnh hưởng ghê gớm đối với thị trường. “Nếu thành công - ông nói - HoloLens sẽ tạo đột phá về cách tương tác với máy y như cách sử dụng chuột trong những năm 1990 hay ứng dụng màn hình chạm cảm ứng mà iPhone từng tạo ra hồi năm 2007”.            
THANH TUẤN



























































































































































































































Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: