Tầm chưa lớn, sao tác phẩm lớn được!
Đã mang tiếng nhà văn, trách nhiệm ý nghĩa nhất là phải tập trung sáng tác, phải thai nghén “mang nặng đẻ đau” những tác phẩm “lớn” cho đời, trừ khi “tầm vóc” năng lực của mình không đủ, không tới mà thôi…
Cà phê buổi sáng, anh nhà báo đương đại hỏi anh nhà văn đương đại:
- Hội nhà văn năm nào cũng rộn ràng “phát hiện” kết nạp những “hạt nhân” mới, thế mà vẫn “bế tắt” mãi, …chưa thấy, không thấy một tác phẩm nào được cho là lớn, …chưa thấy, không thấy một cây bút nào được cho là nổi bật xuất thần trên văn đàn?
Anh nhà văn cười thật to và hỏi ngược lại:
- Vậy cánh nhà báo các anh thì sao, lực lượng đông gấp mấy chục lần chúng tôi, mà có được bao nhiêu bài viết là thật sự nghiêm túc, là nên hồn nên dáng?
Anh nhà báo nhăn mặt quanh co:
- Thì anh biết rõ rồi còn gì, vấn đề ở báo chí là viết là phải lách, muốn tự do sáng tạo thì cũng phải trong khuôn khổ, muốn đi đến tận cùng sự thật cũng phải trong khuôn khổ…
Anh nhà văn nghe xong ôm bụng cười lăn cười lóc:
- Đấy, vấn đề cũng nằm ở chổ đấy ấy mà, thế anh còn hỏi “khó” bọn nhà văn tụi tôi làm gì nữa?
…
Thật ra, hai anh nhà báo, nhà văn trong câu chuyện đề cập ở trên đang “đổ thừa” cho “nguyên tắc” định hướng, định hướng văn chương, định hướng báo chí. Lý do đó có nhiều phần đúng, một tác phẩm báo chí bị cắt xén nhiều quá sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cái chất riêng, đến nội dung tâm tư của người viết muốn truyền tải đến bạn đọc. Một tác phẩm văn chương dù hay đến mấy nhưng đi đến đâu cũng bị nhà xuất bản lắc đầu, không cấp giấy phép… thì nó khó có thể tiếp cận, phổ cập đến công chúng.
Nhưng trong thời đại truyền thông mạng hiện nay, vấn đề tưởng chừng như khó khăn kia có thể được giải quyết một cách nhanh chóng dễ dàng, hãy “ném” đứa con tinh thần của mình lên internet nếu như những người cầm bút ấy thật sự muốn tác phẩm của mình đến với bạn đọc. Và hãy chờ, thời gian và bạn đọc sẽ khách quan công bằng “định đoạt” nó…
Xin không đề cập sâu đến lĩnh vực báo chí, xét riêng về văn học, một tác phẩm văn học lớn, xuất chúng sẽ trường tồn mãi theo thời gian và có sức ảnh hưởng lan tỏa lâu dài tiếp nối đến từng thế hệ người đọc. Nó phản ánh, tác động lớn đến xu hướng quan điểm xã hội đương đại hoặc là dự báo, dự đoán những viễn cảnh của… tương lai.
Để cho ra những tác phẩm để đời phụ thuộc chủ yếu vào cái “tôi”, cái “tầm” của người viết, nhưng để đánh giá cho đúng cái “tôi”, cái “tầm” ấy lại phải dựa vào chính tác phẩm của họ và sự chọn lọc có tính liên tục của thời gian.
Nhớ lại trước đây, khi còn ngồi ghế giảng đường, người viết được nghe một vị giáo sư giảng rằng “Một nhà văn, nhà thơ lớn thì yếu tố năng khiếu bẫm sinh, sự trau dồi, trải nghiệm là chưa đủ, điều quan trọng nhất là trong cuộc sống của họ có một nổi đau lớn, và chính nổi đau ấy ám ảnh, thôi thúc, làm động lực, làm nguồn cảm xúc vô tận… trong từng tuyệt tác của họ”. Nói đến đây, các bạn sinh viên vội hỏi lại “Thế thầy thì sao?”, vị giáo sư cười và lắc đầu “Cuộc đời của thầy bình yên quá, hạnh phúc quá các em ạ!”
Cuộc sống thực tế luôn mách bảo chúng ta là không nên khẳng định bất cứ một điều gì hết, nhưng hãy cứ coi lời của vị giáo sư ở trên như là một tư liệu để đối chiếu, tham khảo…
Giải thưởng văn học thì năm nào cũng có, từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Trại sáng tác năm nào cũng có, quy tụ rất nhiều những cây bút già, trẻ, gái, trai… khắp nơi trong cả nước. Nhưng cái chưa có, chưa xuất hiện là những “tác phẩm lớn”, vậy thì những tác phẩm đó đang nằm ở đâu?
Trong blog của mình, nhà văn Nguyễn Quang Lập mới đây có một lời kính báo “làm anh nhà văn luôn mồm nói về nhân nghĩa, về cái tâm, về sống vì dân viết vì dân vân vân và vân vân… vô lẽ lại đắp tai cài trốc trước lời kêu gọi khẩn thiết của tiền nhân? Thế thì hèn quá! Thế thì thà vứt bút đi về nhà ôm… vợ còn hơn suốt ngày ngửa mặt ngóng chờ giải thưởng nọ danh hiệu kia, không thèm biết đến dân tình khốn nạn thế nào, đất nước điêu đứng ra sao. Sống thế khác gì an phận làm con chó giữ nhà cho chủ, mong chờ chủ xón ra giải thưởng nọ danh hiệu kia để vui sướng vẫy đuôi liếm lấp”.
Tôn trọng quan điểm riêng tác giả, nhưng cái “trách nhiệm khai dân trí” ở trên hình như đâu chỉ dành riêng cho nhà văn, nó là trách nhiệm của mọi công dân, mọi thành phần trong xã hội. Còn đã mang tiếng nhà văn, trách nhiệm ý nghĩa nhất là phải tập trung sáng tác, phải thai nghén “mang nặng đẻ đau” nhưng tác phẩm “lớn” cho đời, trừ khi “tầm vóc” năng lực của mình không đủ, không tới mà thôi…
Cũng trong lời kính báo ở trên, người viết rất tâm đắc khi nhà văn Nguyễn Quang Lập trích dẫn câu nói của Cao Hạnh Kiện “sáng tạo văn học là một hoạt động đơn độc mà không một phong trào nào, một phe nhóm nào có thể giúp được, ngược lại nó rất dễ bị những thứ đó giết chết. Chỉ khi nhà văn là một cá nhân biệt lập, không thuộc về phe nhóm, trào lưu chính trị nào đó thì hắn mới tự do hoàn toàn”
Như vậy, nếu ai đó tin rằng nền văn học nước nhà hiện nay chưa có được những “tác phẩm lớn” thì có thể dùng những nguyên nhân ở trên để giải thích. Đó là vì nền văn chương định hướng, vì nhà văn chưa đủ tầm, vì nhà văn sung sướng hạnh phúc quá, vì nhà văn lo việc nước, khai dân trí, vì nhà văn ham giải thưởng, vì nhà văn tham gia phe nhóm, chính trị…
Riêng người viết thì có niềm tin rằng, biết đâu, những “tác phẩm lớn” đã và đang âm thầm ra đời từ những người thật sự yêu văn, yêu thích viết văn, họ có thể là những người không chuyên, những người vô danh, họ sáng tác vì cái tôi, vì niềm đam mê riêng, nổi niềm riêng của họ. Không cần phải báo chí, không cần phải hội đoàn, không cần phải nhà xuất bản, và nếu muốn, internet sẽ nối kết những tác phẩm của họ đến với công chúng. Rồi thời gian và công chúng sẽ là thước đo chính xác cho tác phẩm của họ.
Điều quan trọng nhất vẫn là không ngừng tư duy, không ngừng sáng tạo và hãy viết chúng ra…
MP
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét