Chuyện ngông cuồng chỉ có ở Việt Nam!
Giữa một nền kinh tế khập khễnh, xã hội tràn ngập tham nhũng, văn hóa ngày một suy đồi thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn không từ bỏ thói chơi ngông. Suy cho cùng thì họ cũng chỉ phục vụ cho bản chất cuồng của đại bộ phận người giàu Việt Nam, bằng chứng là Công ty TNHH MTV Đầu tư Bất động sản Phúc Sơn vừa quyết định đầu tư 1,492.7 tỷ đồng vào 118ha tại tỉnh Vĩnh Phúc để xây một nghĩa trang mà theo họ là "hiện đại bậc nhất Đông Nam Á". Tôi cũng chả hiểu chỉ với 1,265,000đ/m2 thì bằng cách nào người ta dám mạnh miệng nói cái nghĩa trang này hiện đại nhất Đông Nam Á, cái này không khác gì dối người sống lừa người chết.
Sống thì thua kém thiên hạ mọi mặt, nhưng chết thì lại nhất quyết "hơn chị, hơn em". Ngẫm lại, nó rất hợp với tư duy đốt vàng mã trong dân chúng, nhất là khi lòng tin vào xã hội ngày càng suy giảm, thậm chí chả tin cả bản thân mình, thì việc đặt tất cả vào mê tín cũng là dễ hiểu. Tết vừa rồi, người ta còn nấu một tô "hủ tiếu Sa Đéc" to nhất để được có tên trong "Kỷ lục Việt Nam", sau đó đổ đi mà đến độ chó cũng chê không thèm ăn.
Doanh nghiệp có thể vì giới ngông mà ngông theo để trục lợi, chỉ có điều nhà nước cũng không kém cạnh khi hạ quyết tâm phá kỷ lục thế giới bằng cách kêu gọi xây một tháp truyền hình cao nhất thế giới. Cần lưu ý rằng, tháp truyền hình cao nhất thế giới hiện nay là Skytree Tower ở Nhật - quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu. Skytree Tower khánh thành năm 2012 với tổng giá trị đầu tư hơn 800 triệu USD, nghĩa là Việt Nam cũng phải bỏ ra tầm tầm ấy để thỏa mãn sự ngông cuồng của mình, trong khi bệnh viện và trường học vẫn là nỗi đau của toàn dân hàng chục năm qua do xuống cấp và thiếu thốn. Tháp truyền hình là một thuật ngữ mang tính biểu tượng từ thế kỷ trước do sử dụng công nghệ phát sóng analogue, hiện nay với công nghệ kỹ thuật số thì người ta không cần sử dụng tháp cao để truyền sóng nữa, vậy nên chắc chắn cái tháp mà chính phủ Việt Nam đang hướng đến sẽ không hề phục vụ cho nhu cầu phát sóng.
Có một câu nói: "Chỉ mất 3 năm để làm giàu, nhưng phải mất 3 đời để học cách tiêu tiền đúng cách."
Thiết nghĩ, một nước nghèo trong nhóm nghèo nhất thế giới như Việt Nam thì cả quan chức chính phủ lẫn người dân nên thận trọng dành 3 thế hệ mà học cách tiêu tiền, dù rằng 30 năm nữa chúng ta cũng không thể gọi là giàu. "Cơm có thịt" - là một hoạt động thiện nguyện không mệt mỏi của những con người Việt Nam có lương tri dành cho trẻ em nghèo vẫn hun hút ngày kết thúc, cái hình ảnh đối lập "Tháp truyền hình cao nhất thế giới" hay "Nghĩa trang hiện đại nhất Đông Nam Á" chỉ khoét sâu thêm vào những nỗi đau nhức nhối của xã hội Việt Nam ngày nay, cũng như biến hình ảnh đất nước chúng ta thành hài hước và thậm chí là ngu ngốc trước cộng đồng thế giới.
Kẻ nghèo nhất thế giới sẵn sàng dốc túi xây nhà cao hơn nhà của người giàu thứ nhì thế giới chỉ vì một kỷ lục - chuyện ngông cuồng này chỉ có ở Việt Nam mà thôi!
Theo Ô Ăn Quan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét