Phần 1: Ít đi để nhiều hơn (đã đăng trên TTCT từ năm ngoái với tên Châu Sa).
Rất nhiều năm trước, bộ phim Hoàng Phi Hồng đưa tên tuổi Từ Khắc và Lý Liên Kiệt lên đỉnh cao nhờ những pha đánh võ hoa mỹ trong với các nhân vật bay lượn rắc rối và quyến rũ trong không gian trong lúc thi triển võ công.
Cách đây vài năm, Từ Khắc và Lý Liên Kiệt trở lại với Long Môn Phi Giáp, đánh võ ít rườm rà hơn mà ra đòn lại hiệu quả hơn, cả trong phim và trong mắt khán giả. Nhân vật của Lý Liên Kiệt liên tục ra đòn vào tay hoặc chân đối thủ chỉ một tích tắc trước khi bọn này xuất chiêu.
Năm nay, nhân vật John Wick trong bộ phim cùng tên còn tiến xa hơn, không chỉ di chuyển đơn giản trong không gian hẹp để đánh vào chân hoặc tay đối thủ khiến bọn này thậm chí không thể rút súng, John Wick còn sử dụng cách bắn súng trong các phim của Ngô Vũ Sâm, di chuyển khôn khéo để áp sát đối phương rồi gí súng sát vào đầu mà bắn.
Phim là tác phẩm người ta bịa ra để khán giả mua vui mà cũng phải thuận theo xu hướng “đơn giản hơn mà hiệu quả hơn”. Thậm chí, truyện phim của John Wick còn đơn giản đến mức ngớ ngẩn, bộ phim chỉ có đánh và bắn nhau, cốt để thoả mãn tối đa một tiêu chí của người xem: coi đã con mắt.
Năm 2013 được coi là năm cuối cùng và là năm khó khăn nhất của cơn suy thoái. Sau những biến động bi đát, cuối năm mọi người ngậm ngùi rồi hy vọng, một hy vọng hồn hậu: qua những năm suy thoái thế này mới thấy những giá trị cốt lõi, bền vững cần phải quay lại. Năm 2014 và có thể là nhiều năm tới, kinh tế sẽ chỉ đi ngang, hoặc tăng trưởng rất là khiêm tốn. Những năm tháng tới đây sẽ là thời gian để xã hội tự thanh lọc những gì phù phiếm, những ăn xổi ở thì, để trở về với những giá trị bình dị,bền vững. Người ta sẽ chi tiêu ít đi và khôn ngoan hơn. Mua ít đi, dùng nhiều hơn. Dùng ít đi, hiệu quả cao lên.
Giống như khi đứng trước tủ sách gia đình lúc nào như quá tải, vào cái lúc thu nhập cá nhân không còn tươm tất như trước, bạn sẽ nhận ra nhiều cuốn sách phô trương, đắt tiền, nằm ềnh trên giá mấy năm rồi chưa đọc.Còn những cuốn sách đọc rất nhiều lần, hóa ra lại không nhiều và cũng chẳng nằm trên giá để khoe mẽ đôi khi chỉ với chính chủ nhân.
Giống như khi đứng trước tủ quần áo,
Giống như đứng trước tủ đĩa than, tủ giày…
Giống như…
Mấy chục năm bao cấp đóng cửa cố thủ với thế giới bên ngoài đã làm xói mòn niềm tin của con người vào những giá trị nhân văn căn bản. Mấy chục năm tiếp theo mở cửa làm kinh tế cả xã hội cố mà làm lấy được, cắm mặt vào tiền, chạy đua kiếm chác, mặc kệ nền nếp gia đình, đạo đức xã hội cho danh lợi tầm thường mà mạnh như lũ ống cuốn phăng đi hết. Càng kiếm nhiều càng thấy ít. Đánh quả càng xổi càng vui. Hình thức càng phô trương càng có lợi. Lạm phát học hàm, lạm phát học vị, lạm phát chức danh, rồi đến lúc lạm phát phong tước.
Mọi thứ dường như đã đến đỉnh của nó. Phất lên hết cỡ thì đến lúc phải xẹp đi. Mục rữa mãi ắt suy tàn. Những năm kinh tế đi ngang sẽ là cơ hội vàng để xã hội tự chữa bệnh cho mình, bớt phù phiếm đi mà thực chất hơn, bớt ăn xổi để bền vững hơn, bớt ở thì để có thêm nhân nghĩa, bớt ác tâm để có chỗ cho thiện tâm, bớt nói dối để thêm lời nói thật.
Nhưng trăm xây không bằng một phá. Với những gì đã phá mất rồi, phải cần rất lâu cái sự chững lại của phát triển kinh tế, để cả xã hội thanh tẩy lại chính mình.
Phần 2: Vài phim về sự “mắc kẹt” (127 hours, Gravity, Blue is the warmest color, Interstellar, Vĩnh Viễn)
Phim 127 hours (năm 2010) của Danny Boyle. Gần như từ đầu đến cuối, câu chuyện (bằng hình ảnh) chỉ diễn ra với một nhân vật. Và nhân vật này (bị tai nạn) mắc kẹt trong một khe đá rất là hẹp trong xa mạc. Cả một bộ phim mà gần như chỉ có một nhân vật và một không gian bé tí. Ấn tượng nhất của bộ phim này là âm thanh. Phải nhấn mạnh rất ấn tượng. Ấn tượng nhì là cậu nhân vật dùng một con dao rất tồi, cậu ấy chửi đại khái là mẹ cái đồ Tàu. Phụ đề tiếng Việt bỏ câu này.
Phim Gravity (2013) của đạo diễn không nhớ tên. Gần như từ đầu đến cuối, nhân vật nữ chính bị mắc kẹt trong vũ trụ bao la. Khác phim 127 hours, Gravity có thêm một nhân vật phụ rất đẹp giai. Ấn tượng nhất của phim này là diễn viên chính hơi già mà người ngon vãi.
Phim Blue is the warmest color (2013) của đạo diễn tên rất khó nhớ. Suốt gần 3 tiếng đồng hồ tay đạo diễn này cho khán giả mắc kẹt vào các khuôn mặt trên màn hình. Từ đầu đến cuối, trừ các đoạn làm tình mà bố cục và chuyển động đẹp dã man, thì khán giả hầu như chỉ được xem mặt các nhân vật. Thưởng thức diễn cảm trên các khuôn mặt, nghe thoại, và vài trường đoạn rên rỉ la hét. Thế mới biết bọn tây nó diễn tài thế nào. Có một đoạn nhân vật chính nhảy múa với đám trẻ con. Đám trẻ con khuôn mặt tươi tắn, nhân vật chính khuôn mặt diễn cảm có vẻ như cuộc sống này chả còn gì đáng để sống. Thoại của phim khá thú vị. Có đoạn thoại nói về cực khoái của phụ nữ mạnh hơn về cường độ so với đàn ông nên phụ nữ khó diễn tả thế giới thực hơn đàn ông. Về nhạc phim, phim này gần như không có nhạc.
Phim Interstellar (2014) của Nolan. Khác hẳn các phim trên, Interstellar nhét tình huống vào một sự mặc kẹt quái dị: mặc kẹt giữa hai thế giới có khung thời gian khác nhau. Một bêncó thời gian bình thường (như thế giới của chúng ta), một bên thời gian bị lực hấp dẫn làm chậm lại. Một bên ở trên giời, có lúc, 1 giờ trôi qua là thì ở hạ giới 7 năm qua mất. Nhân vật chính chiến đấu để thoát khỏi sự mắc kẹt thời gian này nhưng về cơ bản là bó tay. Mấu chốt cuối cùng, khi bị kẹt ở không gian 5 chiều (xạo ke, lẽ ra chết ở hố đen rồi), họ liên lạc được với nhau nhờ trọng lực xuyên qua các chiều không thời gian vô cùng khác biệt.
Phim Interstellar của Nolan trông thế thôi, chỉ được cái là tỏ ra nguy hiểm, về đẳng cấp kém phim Inception (cũng của Nolan). Inception nói về một trải nghiệm mà khán giả nào cũng đã từng trải qua: giấc mơ. Còn Interstellar nói về những cái hầu hết nhân loại chưa từng có trải nghiệm (chắc có ai đó có mà họ chưa nói ra hehehe). Ngay cả với Inception, bộ phim cũng kể về những nhân vật bị mắc kẹt trong những giấc mơ của mình.
Nhưng tại sao Nolan làm được những phim phức tạp và rối rắm như thế. Câu trả lời có thể là khán giả Mỹ xứng đáng với những bộ phim như vậy.
Phim Vĩnh Viễn.
Một thanh niên vì hoàn cảnh gia đình mà phải đi làm kiếm tiền. Anh chọn con đường xuất khẩu lao động qua Châu Âu. Ở Châu Âu làm nhiều nghề, thấy khó thành công, anh bèn chọn nghề làm cách mạng. Thấy ở quê chưa có món này, anh đánh hàng về quê.
Quả nhiên việc thành.
Cách mạng đang tốt lên ở quê, tuy chưa thành tựu lắm, thì anh qua đời. Các đồng sự của anh lo cho anh mồ yên mả đẹp. Bằng đá, rất to và chắc chắn.
Từ đó mắc kẹt mãi mãi.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét