Đây là câu hỏi thực ra đã đặt ra bao lâu nay, từ đời này sang đời khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác… Nhưng chưa bao giờ có một câu trả lời chính thống, nhất là trên cơ sở khoa học. Bởi người ta không lý giải được hiện tượng được coi là “năng lực siêu nhiên”, khả năng tiềm tàng ở một số người này bằng phương pháp khoa học mà chỉ có thể khái quát bằng sự việc, hiện tượng.
Ở Việt Nam cũng vậy!
Trước hết phải hiểu thế nào là giác quan thứ 6? Bên cạnh 5 giác quan mà người nào cũng có và được cụ thể hóa thành những bộ phận trên cơ thể con người là: mắt (thị giác), tai (thính giác), mũi (khướu giác), lưỡi (vị giác), bàn tay (cảm giác) thì giác quan thứ 6 ngược lại hoàn toàn không thể nhìn ra được theo kiểu “người trần mắt thịt”.
Nó hoàn toàn vô hình và rất hiếm người có. Nhưng khi người ta có giác quan thứ 6 thì những gì họ đoán thường không sai. Họ có thể dự đoán trên mọi lĩnh vực, song dễ nói ra nhất, “đời thường” nhất, đồng thời có thể coi là thế mạnh của họ là dự đoán cuộc đời của một người khác.
GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng, người dày công tìm hiểu về vấn đề này cũng đồng tình như vậy và cho biết, ông đã gặp những người có khả năng đặc biệt ấy. Đó là một người quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, không quan tâm gì đến đời sống tâm linh, ngay cả việc thắp hương khấn vái ông bà tổ tiên, vợ ông ấy cũng là người chính.
Vậy mà, tự nhiên sau một trận ốm thập tử nhất sinh, bỗng nhiên ông ấy có khả năng “đọc” vanh vách về cuộc đời người khác, đặc biệt đối với những người sắp có “biến”, dù “biến” đó là tốt hay xấu. Khi gặp những người này, tự nhiên ông cứ nói ra miệng hay chính xác hơn là miệng ông cứ nói ra như thể ông không kiểm soát nổi những gì mình nói.
Người ta tìm mọi cách để lý giải giác quan thứ 6 của con người bằng khoa học
Có lần, có người sau khi nghe ông nói về chuyện không hay sắp xảy ra với gia đình mình đã văng tục với ông. Nhưng khi sự việc xảy ra lại đến gặp ông xin lỗi rối rít và nhờ ông đoán thêm tương lai. Tất nhiên, với những người có “biến”, nếu gặp, không nhờ ông cũng nói. Còn những người chủ định nhờ ông dự đoán họ có thể gặp những việc gì, ông cũng nói nhưng sẽ không nhiều. Bởi ông bảo, sau mỗi lần như vậy, người ông mệt lắm, cơ thể bã ra, đầu óc căng thẳng như thể vừa làm một việc gì “lao tâm khổ tứ”.
Trong một lần về địa phương này, nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh cùng một nhà văn nổi tiếng cũng đến gặp ông vừa là để tìm hiểu vừa để “thử nghiệm” xem thế nào. Không ngờ, vừa nhìn thấy nhà văn, ông đã nói những chuyện mà chỉ nhà văn mới biết, mới chiêm nghiệm được. Ông Thịnh bảo: “Cụ thể chuyện gì thì tôi không thể kể ra đây. Nhưng chỉ biết rằng, nhà văn đó phục ông này “sát đất” về giác quan thứ 6 của ông”.
Cũng về người có giác quan thứ 6, ông Ngô Đức Thịnh kể, chỉ mới đây thôi, ông biết một công chức của ngành kiểm toán hẳn hoi, còn rất trẻ tuổi, cũng là người hoàn toàn xa lạ với chuyện tâm linh nhưng khả năng phán đoán tương lai có thể nói khiến người trong cuộc sởn gai ốc. Người bạn của ông là một ví dụ.
Trong lần đầu tiên đến chơi nhà bạn của ông Thịnh, vị công chức của ngành kiểm toán, dù biết có thể làm chủ nhà không vui nhưng với giác quan thứ 6, anh lo lắng báo gia đình sắp có chuyện chẳng lành và cụ thể đó còn là chuyện “cháy nhà chết người”. Mới đầu nghe, bạn ông Thịnh cũng ậm ừ cho qua chuyện vì coi là chuyện “qua đường”, chuyện “âm lịch” không thể tin được. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, lần lượt từng chuyện xảy ra với gia đình của bạn này khiến cả hai ông phải “lạnh gáy” vì không sai một lời so với sự báo trước kia.Theo ông Thịnh, những chuyện được báo trước như vậy của những người có giác quan thứ 6 có rất nhiều và đó thực sự là giác quan thứ 6, là khả năng tiềm tàng của con người. Bởi với những gì được chứng kiến và chiêm nghiệm, ông Thịnh cho rằng, giác quan ấy mặc dù không thể “vật chất” hóa nhưng lại cụ thể hóa qua những câu chuyện, sự việc của những người có giác quan thứ 6 nói ra. Mà giác quan ấy không thể giải thích nổi nó từ đâu ra, vì sao lại có. Nếu giải thích thì cách duy nhất chỉ là “trời phú”.
GS Ngô Đức Thịnh
Trên thế giới, nhiều nhà khoa học cũng đã nghiên cứu về giác quan thứ 6. Tuy nhiên, không có kết quả cụ thể, ngay cả khi họ đã kiểm tra sự khác nhau giữa não bộ của những người có khả năng đặc biệt này và người thường. Và kết quả là không có gì khác biệt. Cũng chính bởi vậy, những người có giác quan thứ 6 rất hiếm, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn những người có giác quan “na ná” thứ 6 theo ông Thịnh lại nhiều không đếm xuể. “Như hàng loạt các thầy bói đang kiếm tiền đầu năm chẳng hạn”, ông Thịnh vừa cười vừa nói.
Nhưng hiểu như thế nào là “na ná” giác quan thứ 6 thì ông Thịnh nhận định: “Nói dựa trên những gì nghe thấy, nhìn thấy… thì được coi là giác quan “na ná” thứ 6. Tất nhiên, để nói được như vậy cũng phải có chút nhạy cảm, chịu quan sát thì mới nói được. Song như thế cũng không được coi là giác quan thứ 6”. Giác quan thứ 6 phải hình thành từ trong vô thức và những người có giác quan ấy khi nói gì, đoán gì cũng từ trong vô thức mà ra.
Để phân biệt giữa những người có giác quan thứ 6 và những người có giác quan “na ná” thế, ông Thịnh cho rằng, đó chính là sự trục lợi. Nếu như người có giác quan thứ 6 không bao giờ lấy khả năng đặc biệt của mình để làm ăn thì những người “na ná” họ ngược lại, lại trục lợi bằng mọi cách, mọi nơi và càng nhiều càng tốt đối với những người nghe họ “phán”.
Do sự trục lợi này, chính những người có giác quan “na ná” thứ 6 đã làm nhiễu loạn, khiến mọi người hiểu sai lệch về khả năng đặc biệt của con người. Đồng thời tạo ra một “nạn” trong xã hội, ấy là mê tín dị đoan và buôn thần bán thánh trong sinh hoạt tín ngưỡng…Vậy tại sao với một “lực lượng hùng hậu” nói dựa như vậy trong xã hội, rất nhiều người muốn và thích nghe họ “bói”? Ông Thịnh cho rằng, vì bản chất của con người là muốn được nghe, được biết về tương lai của mình. “Ngay cả tôi cũng thích nghe”, ông Thịnh chia sẻ. Nhưng theo ông, quan trọng sau khi nghe điều ấy, phải biết xử lý những thông tin ấy như thế nào.
Ngay cả trước thông tin của người có giác quan thứ 6 “phát” ra. “Không nên “hiệu” ứng lập tức bằng cách xồn xồn hoặc quá lo lắng. Mà phải bình tĩnh, cân nhắc, suy xét để tìm ra giải pháp thích hợp nhất. Còn trong trường hợp không thể “cưỡng” lại được thì phải chấp nhận. Thế mới là người có bản lĩnh và hiểu biết”, ông khuyến cáo.
Những người có “giác quan thứ 6” nổi tiếng thế giới
Ingo Swann được biết đến với tư cách là người đặt nền móng cho việc khai thác năng lực nhìn từ xa (Remote Viewing). Swann có thể biết được một người đang ở đâu, miêu tả khá chính xác vị trí đó, hoặc nhìn xuyên qua một chiếc hộp đen từ bên ngoài một căn phòng đã niêm phong.
Tuy nhiên, bản thân Swann không coi mình là một người ngoại cảm, mà chỉ đơn thuần là một nhà khoa học nghiên cứu thế giới tinh thần của con người thông qua một lý thuyết mang tên là CRV (Coordinate Remote Viewing).
Jeffry R. Palmer ở Australia là chuyên gia trong việc xác định dấu vết của những người mất tích và đã giúp cảnh sát rất nhiều trong việc đi tìm lời giải cho các vụ án bí hiểm. Ông còn được mệnh danh là “thám tử ngoại cảm” (Psychic Detective).
Ông được báo chí thế giới đánh giá cao trong việc dự đoán chính xác hai thảm họa thiên nhiên là cơn bão Katrina ở Mỹ năm 2005, vụ sóng thần kinh hoàng năm 2004 ở Indonesia và một số quốc gia trong khu vực. Ông còn là cây bút nổi tiếng của các tạp chí hàng đầu như The New Age Journal, Current Living… về đề tài sử dụng sức mạnh tinh thần để chữa bệnh.
|
Xuân Bách
http://petrotimes.vn/news/vn/phong-su-dieu-tra/bi-mat-cua-giac-quan-thu-6.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét