Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Tin và tức:

Mục đích thật sự của Nghị định 72?

BBC Cập nhật: 09:43 GMT - thứ năm, 8 tháng 8, 2013
Một cà phê Internet ở Việt Nam
Một phần ba dân số Việt Nam hiện đang sử dụng Internet
Mục đích thật sự của Nghị định 72 vốn yêu cầu các cá nhân không được phép đăng lại thông tin từ các nguồn khác đang được diễn giải rất khác biệt.
Chính quyền thì cho rằng Nghị định này nhằm để chống lại sự vi phạm tác quyền tràn lan trên mạng do rất nhiều bài báo hay tác phẩm được người khác đăng lại trên trang của mình mà không xin phép.

Trong khi đó, những người chỉ trích thì cho rằng lý do này chỉ là bình phong để che đậy ý đồ thật sự của những người đưa ra nghị định này: đó là ngăn chặn việc lan truyền những thông tin không có lợi cho chính quyền.

‘BẢO VỆ BẢN QUYỀN’

Nghị định 72 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 15/7 sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/9 năm nay, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ trì nghị định.
Theo đó, bắt đầu từ thời hạn trên, các công dân mạng chỉ được phép đăng những thông tin cá nhân chứ không được đăng tải tin tức hay bài viết trên các trang cá nhân của mình.
Đáp lại sự bức xúc của dư luận sau khi Nghị định 72 được công bố, ông Hoàng Vĩnh Bảo, cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, đã khẳng định với báo chí trong nước rằng nghị định này chỉ nhằm để ‘đảm bảo bản quyền cho các cơ quan báo chí tránh việc vi phạm bản quyền đang nóng hiện nay’.
“Việc đăng tải nguyên văn những thông tin từ báo chí, trang tin điện tử khác, trang tin điện tử cá nhân không được làm,” ông Bảo được trang mạng VTC News dẫn lời nói.
"Điều tiên quyết, trang tin điện tử tổng hợp phải do tổ chức quản lý."
Hoàng Vĩnh Bảo, cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử
Trong buổi họp báo công bố nghị định trước đó hôm 31/7, ông Lê Nam Thắng, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng nói rõ rằng việc ‘tổng hợp’ thông tin từ các nguồn khác ‘liên quan đến vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ’.
“Nếu muốn trích dẫn, cần phải xin phép và được đồng ý,” ông Thắng được báo chí trong nước dẫn lời nói. Ông cũng nhắc đến một thực tế rằng có nhiều trang trên facebook có mục đích kinh doanh.
Ông Nguyễn Minh Thuyết, cựu đại biểu Quốc hội, thì nói với tờ Wall Street Journal của Mỹ rằng chính quyền nên ‘nói lại cho rõ’ mục đích thực sự của nghị định này mà ông cho rằng ‘không nhằm để hạn chế quyền chia sẻ thông tin’ mà chỉ để ‘ngăn chặn vi phạm bản quyền’.
Mới đây nhất, một thứ trưởng khác của Bộ Thông tin và Truyền thông là ông Đỗ Quý Doãn cũng phát biểu trên trang mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam rằng ‘nếu cá nhân biến trang thông tin điện tử của riêng mình thành nơi cung cấp thông tin tổng hợp, thì nó không còn là trang thông tin điện tử cá nhân nữa, mà đã trở thành trang thông tin điện tử tổng hợp’.

THỦ THUẬT TINH VI?

Khả thi không?


Để thực thi nghị định này, chính quyền sẽ cần phải giám sát các thông tin cập nhật của tất cả những người dùng mạng xã hội Việt Nam. Theo thống kê mới nhất thì Facebook có hơn 12 triệu thành viên ở Việt Nam còn Zing Me có khoảng 12 triệu người dùng.

Còn theo thống kê hồi đầu năm 2010 của Facebook thì số lượng các bài viết được chia sẻ trên mạng ở Việt Nam tăng hàng tháng và lên đến hàng tỷ. Nếu nghị định này đi vào cuộc sống thì có nghĩa là mạng xã hội ở Việt Nam chỉ được phép chia sẻ thông tin cá nhân, khiến cho số lượng người lên mạng sẽ giảm nghiêm trọng.

Tuy nhiên điều này chỉ xảy ra nếu nghị định này thực hiện được.

Steven Millwar, techniasia.com
Phát biểu trên của ông Doãn nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa ‘trang thông tin điện tử cá nhân’ và ‘trang thông tin điện tử tổng hợp’.
Đây cũng là một điểm sáng tạo được đưa vào nghị định: phân biệt rạch ròi các loại hình trang tin.
Theo đó, có năm loại hình: báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cá nhân và trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành.
Từ đó, Nghị định 72 yêu cầu phải chính danh: chỉ có báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp mới được phép tổng hợp thông tin, còn nếu đã mang danh là ‘trang thông tin điện tử cá nhân’ thì không được phép làm việc này.
“Trang tin điện tử tổng hợp phải chịu sự quản lý riêng và phải đầy đủ năng lực tài chính, nhân lực, kỹ thuật... mới được cấp phép là trang tin điện tử tổng hợp,” ông Hoàng Vĩnh Bảo nói cũng trên trang mạng VTC News.
“Điều tiên quyết, trang tin điện tử tổng hợp phải do tổ chức quản lý,” ông nói thêm.
Rõ ràng, ông Bảo khẳng định rằng nếu muốn tổng hợp thông tin thì phải đáp ứng đủ điều kiện, phải được Nhà nước cấp phép và nhất là phải là ‘của tổ chức’.
Điều này gợi nhớ một điều luật ở Việt Nam là cũng chỉ có tổ chức mới được phép xuất bản báo chí và không cho phép báo chí tư nhân.
Nghị định 72 sẽ là một công cụ nữa để chính quyền trấn áp các blogger?
Xét trên quan điểm ‘bảo vệ tác quyền’, có một thực tế là không chỉ ‘các trang thông tin điện tử cá nhân’ mà chính ‘các trang điện tử thông tin tổng hợp’ vẫn thường đăng tải y nguyên các bài viết từ những trang mạng khác mà không hề xin phép.
Ông Bảo cũng nói rằng Nghị định 72 cho phép chia sẻ thông tin mà không vi phạm bản quyền bằng cách ‘trích dẫn một đoạn hoặc viết lời bình luận rồi dẫn đường link để chỉ về trang gốc’.
Tuy nhiên, nếu đường liên kết đó dẫn về các trang mạng bị chính quyền phong tỏa thì người đọc sẽ khó lòng tiếp cận.
BBC đã cố gắng liên lạc với các ông Bảo, ông Thắng, ông Doãn và ông Thuyết để tìm hiểu thêm về nghị định này nhưng đều không được.
Cho đến giờ, các trang blog cá nhân và các mạng xã hội đã trở thành một nguồn thông tin quan trọng cho các công dân mạng ở Việt Nam. Đây là một hình thức hiệu quả để vượt qua sự kiểm duyệt, tờ Wall Street Journal nhận định.

‘HAI MẶT CỦA VẤN ĐỀ’

Trang mạng techinasia.com, vốn hay theo dõi vấn đề kiểm duyệt trên mạng ở Việt Nam, hôm 2/8 có đăng bài viết của tác giả Steven Millward nhận định rằng Nghị định 72 phản ánh ‘hai mặt của vấn đề’.
Mặt thứ nhất, theo tác giả này, là ‘báo chí Việt Nam phải vật lộn để cầm cự’ bởi vì ‘hành vi cắt dán bài viết của người khác tràn lan’ cho nên Nghị định 72 này là ‘một bước để có cách chế tài hiện tượng này’.
"Rõ ràng ra các quy định chế tài báo chí là tốt hơn là ra một lệnh cấm như thế này."
Steven Millward, techinasia.com
“Ngay cả những trang tin danh tiếng nhất ở Việt Nam cũng cắt dán và chỉ ghi là ‘từ ai ai đấy’ ở cuối bài và họ thấy việc ấy là bình thường,” bài báo viết, “Phần lớn các trường hợp, không hề có đường link (về bài gốc).”
“Điều này thật sự rất khó chịu đối với các cơ quan báo chí thật sự vốn bỏ không biết bao nhiêu tiền bạc và công sức để tìm kiếm và viết nên những bài báo đó để rồi không có được số lượng đọc tương xứng dẫn đến kết quả là nguồn thu quảng cáo không còn bao nhiêu.”
Tuy nhiên, Millward cũng nhận ra được ‘mặt thứ hai’ của Nghị định 72 này là để ‘hạn chế việc chia sẻ tin tức’ giữa các cá nhân.
Tác giả cho rằng nghị định này có thể được sử dụng để truy tố các cá nhân lan truyền những thông tin mà chính quyền cho rằng không phù hợp.
“Nó có thể được dùng là lý do bắt giữ thêm nhiều blogger nữa,” bài báo viết.
“Việt Nam dường như là tấn công vào mạng xã hội và việc chia sẻ thông tin giữa các cá nhân hơn là giải quyết cội nguồn của vấn đề: nạn ăn cắp bản quyền của các trang mạng lười biếng.”
“Rõ ràng ra các quy định chế tài báo chí là tốt hơn là ra một lệnh cấm như thế này.”
_________________

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: