Hiện nay ở Việt Nam, 3 quả chuông được coi là cổ nhất đó là chuông Thanh Mai, chuông Nhật Tảo và chuông Vân Bản. Mỗi chiếc chuông này mang những giá trị, phản ánh thời kỳ lịch sử khác nhau, song cả ba đều có số phận long đong.
Ly kỳ và huyễn hoặc nhất có lẽ phải kể đến chuông Vân Bản. Chuông Vân Bản có niên đại thời Trần, được làm vào thế kỷ XIII đã chiếm giữ “danh hiệu” quả chuông cổ nhất Việt Nam suốt từ năm 1958 cho đến năm 1986 - khi chuông Thanh Mai (niên đại 798) được phát hiện và “soán ngôi”.
Sau đó 1 năm, các nhà khoa học lại tiếp tục tìm thấy một quả chuông cổ khác tại Văn Chỉ, thôn Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Các nhà khoa học đã xác định chuông Nhật Tảo có niên đại 948. Hiện nay, hồng chung Vân Bản vẫn là quả chuông lâu đời thứ ba ở nước ta, sau chuông Thanh Mai và Nhật Tảo.
Tuy nhiên, đây là quả chuông được gắn với nhiều câu chuyện kỳ bí nhất. Tương truyền, hồng chung Vân Bản đã nhiều lần tuyệt tích dưới đáy biển rồi lại tự tìm đường trở lại. Tính ra thời gian chuông nằm dưới đáy biển còn nhiều hơn thời gian chuông được treo tại chùa.
Theo lời kể của các cụ cao niên ở Đồ Sơn - Hải Phòng, xưa kia chùa Vân Bản nằm sát biển, khi tháp chùa bị đổ nát, chuông lăn xuống bến Nò Hầu. Ít lâu sau, dân chúng tổ chức tìm kiếm thì phát hiện chuông đã theo dòng nước, di chuyển sang bến đò Họng cách đó khá xa.
Chuông Vân Bản có số phận ly kỳ nhất trong các chuông cổ ở Việt Nam |
Chuông được trục vớt rồi rước về chùa Nam gần đó, sau này chùa đổi tên là Vân Bản. Chùa Vân Bản là cái tên gắn liền với tháp Tường Long. Tháp Tường Long và chùa Vân Bản tọa lạc trên một trong 10 đỉnh cao liền nhau của Núi Rồng, quận Đồ Sơn, Hải Phòng; có độ cao 91,7m so với mặt nước biển.
Tưởng sau đó, mọi chuyện đã an bài, nhưng rồi chỉ được một thời gian, không hiểu vì lý do gì, chùa Vân Bản bị sập, quả chuông lại rơi xuống biển, cạnh chân núi Tháp. Đến thời Lê, người dân lại mò tìm và một lần nữa, chuông Vân Bản lại tái xuất. Nhưng lần xuất hiện này không được bao lâu, chiến tranh loạn lạc, chiếc chuông đồng quý giá một lần nữa ẩn thân trong sóng biển Đồ Sơn.
Bẵng đi cả thế kỷ, khi đất nước trở lại yên bình, đã từng có nhiều cuộc tìm kiếm chuông quý được tổ chức, nhưng không thấy manh mối gì. Những tường đến đây chuông Vân Bản đã kết thúc số phận và chìm sâu vào quên lãng thì một buổi sáng mùa hè năm 1958, trong lúc giăng lưới đánh cá ở khu vực bãi tắm 1 Đồ Sơn ngày nay ngư dân kéo phải một vật lạ, nặng, kéo cách gì lưới cũng không lên.
Những thợ lặn giỏi được phái xuống khảo sát và phát hiện trong tấm lưới là một quả chuông đồng khổng lồ. Ngư dân phát hiện được chuông quả quyết, bao năm nay thả lưới cũng ở khu vực này không có chuyện gì xảy ra, rõ là quả chuông đã tự lăn vào lưới. Khi chuông vớt lên, được sự nhận diện của các bô lão ở Đồ Sơn cùng giám định của các nhà khảo cổ học, đích thực đó là quả chuông chùa Vân Bản cổ xưa.
Tính cho đến nay, chuông Vân Bản đã ít nhất 3 lần vùi mình dưới đáy biển, lần gần đây nhất cũng kéo dài mấy trăm năm nhưng không hề hoen gỉ. Người dân ở Đồ Sơn và nhiều vùng xung quanh vẫn truyền rằng, quả chuông “thiêng” mỗi lần đất nước có nạn binh đao lại ẩn mình dưới biển bởi vậy vẫn giữ được nguyên trạng như ban đầu.
Ẩn mình trong kho của bảo tàng
Không ly kỳ như câu chuyện được thêu dệt quanh chiếc hồng chung Vân Bản nhưng chuông Thanh Mai lại có một số phận vô cùng hẩm hiu. Vào năm 1986, trong khi mở rộng mương nước khai thông thủy lợi ở địa phương, người dân thôn My Dương, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) bất ngờ đào được chiếc chuông cổ ở độ sâu 3,5m.
Dựa vào bài minh ghi trên thân chuông, các nhà Hán Nôm và khảo cổ học đã xác định quả chuông do hội Tuỳ Hỷ của người Hoa và người Việt đúc vào năm Mậu Dần, niên hiệu Trinh Nguyên thứ 14 (năm 798). Cũng thông qua bài minh, các nhà nghiên cứu cho rằng, thời kỳ xuất hiện quả chuông là thời kỳ Phật giáo khá phát thịnh trong cộng đồng người Việt.
Chỉ tiếc là chuông không ghi rõ được đúc ở chùa nào. Ngay lập tức ngành văn hóa Hà Tây lúc bấy giờ vào cuộc, quả chuông được đưa về lưu giữ cẩn thận trong… kho bảo quản của Bảo tàng Tổng hợp Hà Tây (cũ).
Nhiều giáo sư, nhà khoa học lịch sử đã kiến nghị không thể để một báu vật quý giá của quốc gia ở mãi trong kho chứa đồ. Vị trí của quả chuông xứng đáng phải ở bảo tàng của trung ương hay ít nhất cũng của Hà Nội. Tuy nhiên, ngay cả khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, quả chuông đồng cổ nhất của nước ta vẫn cứ nằm yên trong kho chứa đồ, cho tới khi Bảo tàng Hà Nội khánh thành vào năm 2010.
Vật vô giá treo ở cửa đình
Không ly kỳ như chuông Vân Bản, cũng không nằm trong kho của bảo tàng như chuông Thanh Mai, chuông Nhật Tảo từng treo nhiều năm trời ngoài cửa đình ở Đông Ngạc. Cũng may, chuông cổ không bị đánh cắp do thời bấy giờ chẳng ai biết giá trị thật sự của chiếc hồng chung này.
Được phát hiện bởi ông Phạm Văn Thắm, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm tại Văn Chỉ của làng, ngay sau đó quả chuông được người dân địa phương treo luôn tại sân Văn Chỉ. Mãi đến năm 1994 khi chính quyền xã Đông Ngạc làm hồ sơ công nhận di tích lịch sử, người dân nơi đây mới phát hiện, quả chuông đó có lịch sử lên tới hơn 1.000 năm.
Đình Làng Nhật Tảo nơi lưu giữ quả chuông quý |
Theo ông Đặng Văn Đường, thủ từ đình Nhật Tảo, trước đây, quả chuông vẫn được treo ở đình Nhật Tảo mà không ai biết giá trị lịch sử to lớn của nó. Vào năm 1952, giặc Pháp về thôn chiếm đình, bắt dân làng phải chuyển hết đồ thờ tự về Văn Chỉ, khi đó chuông bị di dời và được treo phía ngoài di tích này.
Trải qua hơn 20 năm chiến tranh, Văn Chỉ cũng như đình Nhật Tảo bị tàn phá nặng nề, tiền đường, trung đường và hậu cung đều không còn, không mấy ai để ý đến số phận chiếc chuông cổ. Thế là từ khi được phát hiện năm 1987 cho đến năm 1994, chuông Nhật Tảo vẫn phơi nắng phơi sương tại cửa Văn Chỉ vì bấy giờ, đình Nhật Tảo được sử dụng làm trường học.
Năm 1994, sau khi chính quyền huyện Từ Liêm cùng nhân dân địa phương đầu tư, xây dựng lại, đình Nhật Tảo mới chính thức thỉnh chuông về. Và cũng từ đấy, người dân mới biết chiếc chuông vẫn dùng để gõ hàng ngày ở Văn Chỉ có giá trị to lớn như thế nào.
Canh cánh nỗi lo
Nhưng cũng chính vì giá trị của chuông đã được nhiều người biết đến nên từ đó người dân địa phương lại canh cánh với nỗi lo bị mất đi bảo vật này. Ông Hoàng Đình Bảng, Trưởng Tiểu ban quản lý di tích đình, chùa Nhật Tảo chia sẻ, từ lúc biết quả chuông đồng có niên đại đến hơn 1.000 năm, Tiểu Ban quản lý di tích đình, chùa Nhật Tảo đã nghĩ ra nhiều biện pháp bảo vệ cũng như bảo quản báu vật này.
Thời gian đầu, chuông còn được chôn xuống dưới đất không để ai biết, nhưng sau do lo lắng chuông cổ bị hỏng, các ông đã bàn nhau đưa chuông lên để sau tấm bình phong treo ở nóc đình. Mỗi lần kiểm tra chuông, phải bắc thang dài lên, gỡ tấm bình phong xuống mới có thể lấy được chuông.
Chuông Thanh Mai đang được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử |
Giờ chiếc chuông cổ đã được di dời đến một nơi khác, an toàn hơn mà theo ông Bảng cho biết, muốn lấy được chuông nếu biết cách và có đủ 3 người thì cũng phải mất 2 tiếng mới đưa được chuông ra. Hơn nữa, chuông cũng được để cách mặt đất để chống ẩm và cứ 3 tháng lại được đưa ra ngoài lấy không khí của trời đất.
Cũng không thể trách sự vô tâm của người dân địa phương đối với quả chuông những năm về trước. Bởi, riêng việc xác định niên đại của chuông Nhật Tảo cũng xảy ra nhiều tranh cãi. Những tranh cãi nổ ra xung quanh bài minh được viết trên chuông năm Càn Hoà thứ 6. Nhưng nếu đem chiếu theo lịch sử nước ta, chưa bao giờ chúng ta có niên hiệu Càn Hòa.
Sau khi các nhà khoa học nghiên cứu một thời gian dài mới đưa ra quan điểm cuối cùng, Càn Hoà là niên hiệu của Lưu Thạnh, vua nước Nam Hán, đóng đô ở Quảng Châu. Trước đó 10 năm chính nước này đã đem quân xâm lược nước ta và đại bại trên sông Bạch Đằng. Từ đó có thể khẳng định tuy Ngô Quyền đã giành được độc lập nhưng vẫn chưa định niên hiệu, việc dùng niên hiệu của Nam Hán là bởi lý do như vậy.
Chính vì thế chuông Nhật Tảo càng có giá trị to lớn hơn, đây có thể coi là sử liệu chữ viết sớm nhất của thời kỳ tự chủ từ thế kỷ 10 của Việt Nam. Trong bài minh có nhắc đến năm Giáp Thìn (944) - đó cũng là năm Ngô Quyền mất.
Mặc dù có giá trị to lớn như vậy, thêm vào việc, đình Nhật Tảo đã từng xảy ra nhiều vụ mất trộm. Hầu hết cổ vật trong đình đều đã bị mất cắp. Hiện nay chỉ còn mỗi đôi chân đèn và chiếc chuông Nhật Tảo là còn giữ lại được. Và vị trí xứng đáng cho chiếc chuông nên chăng phải ở Bảo tàng Quốc gia, nơi có đủ điều kiện để bảo quản và đảm bảo an toàn cho chuông Nhật Tảo?
Đỗ Nguyễn - ANTĐ
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét