Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Tác giả thơ''Hà Nội mùa vắng những cơn mưa'' lánh đời về núi sống



Thoại Hà thực hiện
(Nguồn VNN)
Một lần ly hôn, vài lần trắng tay, sau 21 năm làm thơ, viết báo ở Sài Gòn - Hà Nội, Bùi Thanh Tuấn quay về vùng núi B'Lao lấy vợ an cư.

- Là tác giả đã thành danh, vừa qua anh vẫn gửi tác phẩm dự thisáng tác thơ đầu tiên trên Facebook. Cảm xúc của anh ra sao khi bài thơ "Tôi với đời đã tha thứ cho nhau" đoạt giải khuyến khích?
- Thú thật, trước lúc quyết định gửi bài tôi đã đắn đo rất nhiều. Nhìn vào danh sách ban giám khảo toàn nhà thơ uy tín nhưng đa số họ đều là những người tôi quen biết, thậm chí thân thiết. Nếu đánh rớt tôi thì họ không nỡ, mà cho tôi giải thưởng dù nhỏ hay lớn đều góp phần làm cuộc thi… thất bại. Từng phụ trách chương trình thơ trên truyền hình, cũng chấm thi nhiều lần nên tôi hiểu yếu tố thành công của một cuộc thi là phải phát hiện ra những nhân tố mới. Tôi nhận giải khuyến khích mà thực sự vui trong lòng vì đó chỉ là cái cớ để tôi được gặp lại anh em bạn bè sau nhiều ngày lên núi quy ẩn.
Bùi Thanh Tuấn (trái) và tác giả Sâm Cầm - Người đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác thơ trên Facebook vừa diễn ra ở TP HCM.
Bùi Thanh Tuấn (trái) và tác giả Sâm Cầm -Người đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác thơ trên Facebook vừa diễn ra ở TP HCM.
- Điều gì khiến anh từ một nhà báo sống trong môi trường năng động như TP HCM lại lui về phố núi B’Lao (Lâm Đồng), sống những ngày yên lặng?
- Câu hỏi này thật khó nói hết trong… vài nốt nhạc. Tôi nuôi dưỡng ý định hồi cố hương từ khoảng 10 năm trước. Đó là một thôi thúc mãnh liệt.
Bởi tôi nhận ra sau 21 năm sống ở Sài Gòn và phiêu du qua nhiều nơi chốn, những vinh quang đắng cay nếm trải như vậy cũng đủ rồi, phải về thôi, về thôi… “Phố núi ấy có mẹ già mong đợi, tiếng gõ đêm thảng thốt phút nguyện cầu”.
Đến lúc tôi phải mạnh mẽ dứt bỏ hết để về với cha mẹ tôi nay đã già yếu, về với phố núi ấu thơ tôi và sống một cuộc sống yên bình.
- Từ cảm hứng nào anh sáng tác bài thơ "Tôi với đời đã tha thứ cho nhau"?
Về bài thơ đoạt giải, đó là một câu chuyện có thật về đời mình mà tôi kể lại bằng thơ. Tôi muốn nói với người yêu dấu của tôi rằng, “Ở tận cùng của tuyệt vọng cô đơn, tôi với đời đã cùng nhau tha thứ”, với mong ước người ấy hiểu hơn về ý nghĩa hạnh phúc mà trở về. Thế nên lời nhắc nhở được nói trong bài thơ rằng: “Biệt ly nào cũng về chốn không nhau”.
Những câu đề từ của Trịnh Công Sơn trong một bài viết của ông:: “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá”?" đã ám ảnh tôi rất nhiều. Chính ý này của Trịnh Công Sơn ảnh hưởng đến tinh thần bài thơ tôi viết, vì tôi thấy mình trong những điều ông nói.
Bùi Thanh Tuấn trong một lần đến Pháp.
Bùi Thanh Tuấn trong một lần đến Pháp.
- Những ngày đầu quay về quê hương, xa rời sự ồn ào của đô thị lớn nhất nước, cảm giác của anh ra sao?
- Đó là cảm giác hạnh phúc. Cả một đại gia đình 70 người giang tay đón tôi vào lòng như đứa con xa quê mải mê chơi nay trở về cố quận. Tôi đặt niềm vui vào mảnh vườn, cải tạo lại cho đẹp và trồng trọt các loại rau quả, cà phê, hoa kiểng, nuôi chim, làm vườn… Tôi nghĩ mình đã tìm lại được bản thể đúng nghĩa và nhờ thế tôi viết được nhiều hơn. Tôi hài lòng với cuộc sống của mình hiện tại.
- Bài thơ "Chia tay người Hà Nội" của anh được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc thành ca khúc "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" thành công vang dội và được khán giả yêu thích. Từ thành công này, những năm 1996-1997 anh được xem như nhà thơ trẻ giàu nhất TP HCM thời bấy giờ. Nhưng sau đó, anh liên tục vấp phải những khó khăn, phá sản, đổ vỡ. Anh nói gì về cuộc đời mình?
- Thành công đến sớm cũng là một bài học đời dạy mình. Dường như tôi chỉ muốn quên đi hết ngày hôm qua mình là ai, từng là gì, làm được gì, đau khổ hân hoan ra sao, "lên voi xuống chó" thế nào… Tôi chỉ giữ đúng niềm hãnh diện là mình luôn đã là chính mình, trung thành với một con người mơ mộng nhưng trần trụi vốn có, tôi đã kiếm được tiền nhiều nhưng cũng bằng cách lương thiện và cũng đã sống những ngày “xuống chó” một cách kiêu hùng. Nếu có nợ, tôi chỉ nợ ân tình. Đời tôi thế mà lại vui!
Tôi chưa qua hết đời người nên tôi không khẳng định được đời mình thành công hay thất bại.
- Mỗi khi rơi xuống đáy cùng của tuyệt vọng, làm sao anh có thể đứng dậy bước tiếp, và để tâm hồn vẫn còn có thể rung cảm lên những vần thơ?
- Nhiều lần chẳng còn gì trong tay, tôi vẫn tự đứng lên. Thói quen tự lập và sống một mình trong nhiều năm khiến tôi trở nên tàn nhẫn với bản thân và cũng yêu mình ghê gớm. Chính vì phức tạp như vậy nên ai yêu tôi dù mê đắm đến đâu cũng than rằng chẳng thể hiểu tôi. Còn thơ, đó mới là người tình chung thủy nhất. Lúc tôi buồn hay vui, thơ cũng có mặt và cất lời. Trái tim tôi, nói như nhà thơ Đặng Ngọc Khoa (giờ anh đã mất) là chẳng ngừng đập bao giờ.
- Sau cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, hiện tại, điều gì khiến anh vẫn tin tưởng vào hôn nhân và lập gia đình mới?
- 7 năm sau ly dị, tôi mới tiếp tục lập gia đình. Tôi lấy một cô gái Tây Bắc, dân tộc Mường nhưng có ăn học và địa vị cao trong xã hội. Trong chuyến làm phim cuối cùng của tôi, chúng tôi gặp nhau và 3 tháng sau thành vợ thành chồng. Cả hai đều từ bỏ hết để lên núi xây dựng “giấc mơ Chapi”. Buổi đầu cũng có nhiều trắc trở, nhưng tôi tin chuyện trăm năm là định mệnh. Đến bây giờ cô ấy vẫn bên cạnh tôi, chia sẻ với tôi từng tâm huyết trong cuộc sống.
- Anh vừa thành lập “B’lao thi xã” ở quê hương mình. Từ ý tưởng nào anh gầy dựng hoạt động này?
- Cách đây hơn tuần lễ, tôi khai trương Lão Bộc quán và trong đó có B’Lao Thi xã. Lão Bộc quán nằm bên cạnh một đồi chè bạt ngàn, heo hút và lộng gió nhưng chỉ cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 500 m trên đường vô thác Dambri. Tôi gửi gắm vào đó tất cả những giấc mơ thời trai trẻ, thuở chập chững bước vào nghiệp văn chương. Rằng một ngày mình sẽ về đây mở hội quán, ở đó có khung cảnh thơ mộng, những người yêu thơ, hội họa và âm nhạc sẽ đến tụ tập đàn ca sáo thổi, ở đó những tác giả, tác phẩm được giới thiệu cho nhau… và rồi, “cái gì kết lại mới thành tinh tú” (ý thơ Hàn Mặc Tử), tôi bán cơm tấm, bưng cà phê, rửa chén, như đúng nghĩa một Lão Bộc thực sự (Lão Bộc là bút danh của tôi mà nói lái lại cũng là Bảo Lộc, quê hương). Ở đây, ước mơ của tôi là chỉ cần đủ tiền để sống, và có không gian chơi văn nghệ. Vợ tôi cũng hiểu nên đỡ đần.
bui-thanh-tuan-2-1375416008_500x0.jpg
Sau nhiều thăng trầm trong cuộc sống, nam tác giả bỏ phố về quê.
- Thơ ca có vai trò như thế nào với anh?
- Thơ là người tình chung thủy, nó sẽ đi với tôi đến cuối cuộc đời.
- Bao giờ anh ra tập thơ mới?
- Hiện tôi đã chuẩn bị sẵn 3 bản thảo có thể in ngay: Hạnh phúc chỉ là lời nói dốiTứ tuyệt tình và Tứ tuyệt cà chớn, nhưng chờ bán cơm tấm kiếm đủ tiền mới in được.
- Về núi rồi, anh theo dõi hoạt động văn chương trong nước thế nào?
- Tôi vẫn đọc báo mỗi ngày. Về núi nhưng không để mình lạc hậu. Thời buổi công nghệ thông tin mà. Tôi vẫn nắm được hoạt động văn chương trong và ngoài nước. Ở B’Lao Thi xã của tôi luôn có sách, báo và internet wifi để tôi và bạn bè tôi tiếp cận thông tin nhanh hơn.
Tôi với đời đã tha thứ cho nhau
Ngày bắt đầu vào lúc tờ mờ sáng
Lũ chim còn đang trú sương đêm
Ở đây cỏ cây hoa trái thật hiền
Và trong lòng đã nguôi cơn bão lớn

Tôi chào đón một phúc âm buổi sớm
Tia nắng đầu tiên rọi xuống tâm hồn:
"Ở tận cùng của tuyệt vọng cô đơn
Tôi với đời đã cùng nhau tha thứ" (*)

Tôi với người đã cùng nhau cất giữ
Trang giấy thơm những dấu vết ái tình
Giữa đời chơ vơ cây đứng một mình
Vẫn bật mầm xanh sau cơn mưa ruồng rẫy

Ta vẫn đứng bên đời nhau thế đấy
Biệt ly nào cũng về chốn không nhau
Xếp lại tàn tro yêu lại từ đầu?
Không, tất cả vẫn chỉ vàng son đó!

* Ý của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: