Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Thơ thời mắc dịch..

 Năng Tiến
Giữa đường gặp cảnh bất bằng chẳng tha.
Lục Vân Tiên
Thành ngữ “người trông xa ma trông gần” không hẳn lúc nào cũng đúng nhưng (chắc chắn) là không sai với trường hợp của …  Bùi Minh Quốc. Khi còn trẻ, ông thi sĩ này đã viết những câu thơ rất bốc:
Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy
Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường.
Lúc về già, chả hiểu sao, cha nội ngang nhiên (và ngang xương) chuyển hướng:
Tuổi sáu mươi khi nghĩa đời đã thấy
Thì gian nan biết mấy cũng lên phường.
Tôi càng lớn tuổi càng đâm ra sính thơ nên mỗi lúc một thêm ái mộ Bùi Minh Quốc. Sự mến mộ này – tiếc thay – tôi đã không giữ được luôn, và cũng không giữ được lâu. Chỉ cần đối ẩm với nhà thơ (đôi lần) là tôi ớn chè đậu cho tới Tết, hoặc – không chừng – dám cho tới… chết luôn. Đúng là người trông xa ma trông gần!
Vì nghe tiếng thi sĩ cũng là một tay hảo hán (và hảo tửu) nên ngay khi ông ấy vừa bước chân đến California, tôi đã lật đật mang rượu nồng thịt béo ra mời. Tưởng sao? Thằng chả lắc đầu quầy quậy:
- Tớ chỉ ăn rau, và rau muống only, chứ thịt thà cá mú thì xin miễn.
- Sao kỳ vậy cha nội. Bắc Kỳ vừa vừa thôi chớ Bắc Kỳ  dữ vậy ai chịu được?
- Vấn đề không phải là Bắc Kỳ hay Nam Kỳ mà là rau muống giồng ở Việt Nam bây giờ đều bị phun thuốc tùm lum, ăn vào chắc chết (chết chắc) mà tớ lại hẩu cái món này nên phải lặn lội sang tận  Hoa Kỳ để ăn rau muống cho nó lành, và cho nó sướng. Cậu hiểu ra chưa?
Tuy chỉ gắp rau muống (thôi) nhưng rượu thì thằng chả vẫn cứ nốc tì tì. Chai Remy Martin loại 350 ml mới đâu chừng hơn nửa tiếng đã không còn một giọt. Không mua thêm chai nữa thì kỳ mà mua xong lại tiếc. Cạn ly đầy rồi lại đầy ly cạn. Chả mấy chốc cái chai kế tiếp cũng cạn khô. Gặp “con rồng Đà Lạt” này thì e nước Hồ Xuân Hương phải biến thành rượu Cognac (chắc) mới đủ đô?
Thi sĩ uống rất đẹp, và rất ngọt nhưng lại phun ra toàn những câu thơ (vô cùng) cay đắng:
Tôi hỏi công chúa: Thạch Sanh đi đâu?
Công chúa lầu bầu trả lời: Không biết!
Tôi hỏi Nguyệt Nga: Vân Tiên đi đâu?
Nguyệt Nga âu sầu: Hình như đã chết!
Tôi hỏi cave. Cave cười ngất…
Chợt nhận ra mình giữa quán Lý Thông.
Hết thơ người rồi lại đến thơ mình:
Bao nghẹn uất Nguyệt Nga xé trời kêu chẳng thấu
Giữa chợ đời biệt dạng Lục Vân Tiên
Hảo hớn bận giang hồ quán nhậu
Thi nhau bốc phét để quên hèn.
Giời ạ, tưởng đâu gặp được người thơ để ngâm nga đôi câu:
Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi…
cho thoả lòng mong ước, chứ tiếng Nguyệt Nga “xé trời kêu chẳng thấu” thì có gì hay mà bầy ra trên bàn rượu khiến cho cuộc nhậu (bỗng) hoá mất vui đi. Cái thứ  người bỏ chạy trong cơn quốc biến, nước mất thân mình yên mà suốt cả đời không làm nên trò trống gì hết trơn hết trọi, chỉ ba hoa “bốc phét để quên hèn” như tôi – tất nhiên – không ưa những câu thơ vừa ghi của Nguyễn Trọng Tạo hay Bùi Minh Quốc. Gặp gỡ giao du với mấy chả làm chi cho nó thêm phiền!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: