Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Con cá dưới sông, công cua thầy cãi!


CÁC HỒNG VỆ BINH THỜI NAY

Ông tiến sĩ Thế Kỷ là quan chức trong ngành Văn hóa tư tưởng có lần lớn tiếng trên truyền hình quốc gia về các trang mạng cá nhân. Ông cho rằng các trang mạng ấy chỉ nên giới hạn ở các đề tài sở thích  ăn uống, tiêu dùng, sinh nhật, cưới hỏi v.v… Còn nói đến các vấn đề xã hội, động chạm đến người khác… thì phải rất thận trọng. Tất nhiên cứ theo ông thì hãy đánh vào các xác chết, những “bọn người xấu” kiểu như Đoàn Văn Vươn đã bị kết án, những quan chức đang ngồi sau song sắt hoặc như Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định (?), Lê Thị Công Nhân (?), các cựu sinh viên Uyên, Kha thôi. Còn thì luôn luôn ca ngợi Đảng ta anh minh, Bác Hồ vĩ đại, truyền thống của VN là chính nghĩa, hào hùng, nhân dân cần cù, dũng cảm, nhân nghĩa. Mỹ, ngụy ngày trước thì xấu xa, tàn bạo, ngày nay thì ngoan cố, cù nhầy, can thiệp thô bạo vào công việc nước khác.
Ôi dào, lòng vả cũng như lòng sung! Thời xưa dù dân có đói khổ cũng phải hát ca thiên hạ thái bình, dân chúng no đủ. Vì dưới ơn đức của Hoàng thượng thì sao dân chúng lại bị đói rách. Càng ngợi ca nhiều thì nô tài càng tài, càng nhiều bổng lộc. Thời nay liệu có khác không?
Vào các giờ giải lao, mình hay hỏi các cán bộ tuyên huấn có vị, có hàm, có danh, có chức. Xem ra chẳng ai trả lời được các câu hỏi của minh. Phần lớn cười trừ hoặc chặc lưỡi: trên bục phải thế chứ làm sao mà khác được!
Thế nhưng các vị này cho ra nhiều sản phẩm. Có sản phẩm ăn lương chỉ gào to trên các diễn đàn, các buổi học tập được bố trí chính thức. Ngoài bàn nhậu thì họ hì hì cười trừ, tự thưởng cho tài chém gió của mình. Chém gió chuyên nghiệp, hưởng lương kia mà? Còn thì không chối cãi được tính giả dối trong các bài diễn thuyết.
Cũng có sản phẩm không được hưởng lương, nhưng lại thấm nhuần các bài huấn thị, dạy bảo. Hạng sản phẩm này là các Hổng vệ binh loại I thời nay đang chém gió trên các diễn đàn mạng, không công khai tên tuổi của mình. Trường hợp công khai thì rất hy hữu,   Đông La là một thí dụ hiếm gặp. Dù sao cũng đáng tôn trọng.
Mình cũng không nhiều thời gian, khi tra cứu các vấn đề thì có đọc thấy Đông La, Thiếu Long texas và khá nhiều người khác trên các trang Vua làm báo, Nhân dân Việt Nam... Vua ở nước ta thời nay thì không làm báo đâu, chỉ có nô tài của Vua thì làm báo thôi. Còn “nhân dân Việt Nam” thì kinh thật! Những người chung quanh mình từ trình độ học vấn cấp hai cho đến các vị tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ các ngành lý luận, văn hóa tư tưởng chẳng thấy ai có suy nghĩ như “nhân dân Việt Nam” cả, mặc dù họ cũng nói na ná thế. Nhưng họ nghĩ, họ nói thầm, nói nhỏ khác xa so với điều họ nói lớn. “Cống hiến” của các cán bộ lý luận cũng rất lớn. Họ xuất xưởng (từ cái phân xưởng nào không biết?) khá nhiều Hồng vệ binh loại I.
Những người “bất đồng chính kiến” có học cũng như các nhà báo làm công  tác tuyên truyền hưởng lương dù sao cũng giống nhau ở chỗ có cái “tone” vừa phải. Còn những người phản ứng lại chế độ bằng giọng chửi bậy, chửi thề nhưng không thể viết bài, ngại đọc dài thì có phong cách ngang tầm với các Hồng vệ binh. Các Hồng vệ binh cũng chửi rủa những người “bất đồng chính kiến” bằng giọng của những bà buôn cá, mặc dù biết  những người “bất đồng chính kiến” có tuổi đời hơn cả bố mình, có chuyên môn sâu mà cả họ nhà mình cũng không bằng. Hãi quá!
Chẳng hạn các nhà lý luận như GS. Nguyễn Đăng Mạnh, GS. Tương Lai có chương I của đời họ giống như chương I của Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ. Nhưng sự phản ứng của họ không bõ bèn gì so với phản ứng của Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ. Thế mà họ bị các Hồng vệ binh hậu thế chửi rủa, thóa mạ còn trên tài cả các nhà chửi học hạng I là Trần Mạnh Hảo, Trần Nghi Hoàng. Ơi ông Trần Mạnh Hảo tài danh một thuở. Ông ngoa ngắt có hạng, nhưng có khi nào ông dám chửi mắng người tầm tuổi cha chú mình theo kiểu: “Đất nước mày buồn nhưng đất nước bố mày vui” chưa? Đấy Hồng vệ binh Việt nam đấy. Họ chửi mắng sỉ nhục người lớn tuổi không khác nào các “nòng cốt” trong các cuộc đấu tố Cải cách ruộng đất trước đây. Chỉ có điều những “nòng cốt” cải cách ruộng đất là những người nông dân nghèo khổ, thất học. Còn Hồng vệ binh (ngoại trừ Đông La có thời nghèo khó, Đông La không sống bằng đặc quyền đặc lợi) thì chắc hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, không nghèo khó và được ăn học theo thầy, theo trường tử tế.

Hồng phúc của đất nước đâu rồi? Sao mà lắm Hồng vệ binh thế?


Kính thưa bác Nguyễn Văn Đại

Hôm nay rất tình cờ em được biết trang của bác, và biết tại đây em đã được bác phong làm Hồng vệ binh và được ví với “nòng cốt”trong các cuộc đấu tố Cải cách ruộng đất trước đây :-). Ngoài ra bác cũng xếp em vào nhóm "chửi học đời mới", trên tài cả Trần Mạnh Hảo, người đời thường gọi là Hảo Chí Phèo. Hihi, bác đánh giá em cao quá. Thực ra kiểu nói này thì các còm sỹ trái chiều trong blog em họ nói hoài, em chả mấy bận tâm. Họ bảo em là HVB, là “dư luận viên” thì em bảo họ là “rận viên”, họ nói em ăn lương để viết, em cũng bảo họ ăn lương để viết, hehe. Em cứ đốp chát thế để họ tắt đài kiểu nói đó cho nhanh, chứ thực ra cái cách nói qua nói lại thế thật chả có ý nghĩa gì, chỉ là cho vui.

Nhưng với bác thì khác, phải thưa chuyện đàng hoàng chứ không thể nói với kiểu “ba chớp ba nhoáng” như với mấy còm sỹ nói trên được. Bởi em thấy bác nói điều đó một cách nghiêm túc, em thấy bác là một người nghiêm túc và vì thế bác đáng được tôn trọng.

Thoạt đầu em chỉ định trao đổi với bác bằng một comment trong bài viết của bác thôi, nhưng xét thấy nội dung có lẽ sẽ hơi dài, nên em viết thành một entry luôn. Nhân tiện cũng là để giới thiệu blog của bác với những người có ghé qua blog em. Bởi lẽ, mặc dù bác rõ là không hài lòng về những gì em viết ở blog, nhưng em vẫn thấy blog của bác là một blog nên đọc. Giờ em xin đi vào nội dung chính.

Một ví dụ điển hình để bác đưa ra làm dẫn chứng cho những kết luận về em là “Đất nước mày buồn nhưng đất nước bố mày vui” (thừa chữ “đất”). Em chắc là bác muốn nói tới entry  “nước mày buồn nhưng nước bố mày vui”.

Thưa bác Đại, em hiểu rằng một câu văn, một bài viết sẽ nhận được những cảm nhận và phản ứng khác nhau từ những người đọc khác nhau, nên cảm nhận của bác như thế về những bài viết của em cũng không làm em ngạc nhiên.

Tương tự như vậy, với những câu “thơ” như thế này :

Bầy sói tru ý thức hệ lang băm …
… Xin cứ tự do bán lương tâm cho chó
Vãi linh hồn vào thùng rác nhân dân

bác có thể cho là “tone” vừa phải, nhưng em lại thấy nó là tận cùng của sự đểu giả, tráo trở của người viết ra chúng, em thấy nó hỗn hơn nhiều lần việc chửi 1 người tầm tuổi cha mình nhưng nhân cách tồi bác ạ. Có lẽ bác là người hơi mô phạm nên chú trọng về hình thức hơn nội dung, gặp phải ngôn từ tục tĩu một chút là bác thấy phản cảm và giảm mất phần nào sự công tâm khi đi vào nội dung chăng ?!

Trong bài bác có viết : “Tôi chỉ sợ quân đê tiện, bọn cơ hội: gió chiều nào che chiều ấy, còn chức còn quyền thì ngợi ca chế độ. Hết chức hết quyền thì phê phán hệ tư tưởng, chê bỏ đường hướng lãnh đạo, phê phán tệ hối lộ tham nhũng v.v…”. Không biết cái mà em gọi là sự đểu giả tráo trở ấy nó có trùng với cái “đê tiện” mà bác vừa đề cập không? Em nghĩ là có. Em hiểu cái “sợ” của bác ở đây đồng nghĩa với “ghê tởm”, chứ không phải “run sợ”. Ghê tởm, nhưng bác chẳng những không lên tiếng, mà có người lên tiếng trước chúng thì bác lại không hài lòng? Và dù là với “quân đê tiện” thì vẫn cần có sự tôn trọng hả bác? Em thấy hơi khó hiểu chỗ này.

Ngày em còn nhỏ tầm 10, 12 tuổi, trong xóm em ở có một sự việc rất ghê gớm xảy ra. Một ông già 70 thường dụ dỗ để sàm sỡ một bé gái lên 8. Ba mẹ cháu bé bắt quả tang, gọi người làm chứng và chửi ông ta một trận xối xả, còn ông ta thì van xin trối chết để khỏi bị kiện. Vì cháu bé chưa bị sao, và ông lão kia cũng đã già nên ba mẹ cháu cuối cùng cũng tha cho ông ta. Tuy nhiên sau đó cả xóm từ lớn đến bé nói đến ông ta đều gọi bằng “thằng”, “thằng già mắc dịch”, “thằng già dê” .... Ông ta đi ngang qua ai cũng bị nhổ nước bọt, hoặc bị chửi bóng chửi gió. Ví dụ không sát lắm, nhưng cái chính là từ đó em hiểu được một điều rằng tuổi tác không phải là yếu tố để có được sự tôn trọng ở người khác.

Hồng vệ binh chém gió trên mạng” được bác nhắc đến như một mối đe dọa với những ai đó, thực ra cũng chỉ là trong trận chiến chữ nghĩa, ngôn từ với mục tiêu cuối cùng là nhận thức thôi bác ạ. Những “kẻ bị đấu tố” chả ai bị chụp cái nia vào cổ rồi quay vòng tròn, cũng chả ai bị xử bắn, ngược lại họ còn nhơn nhơn, ngày càng hung hăng, bất chấp lý lẽ, giở đủ chiêu trò mà phổ biến là bịa đặt, ăn vạ và vu khống. Họ cũng đấu tố, kết tội không chỉ từng cá nhân cụ thể mà cả nền tảng xã hội đang cần sự ổn định, chứ đâu phải cúi đầu chịu trận đâu bác. Bác không cần phải quá lo lắng cho họ như thế.

Bác bảo “Các Hồng vệ binh cũng chửi rủa những người “bất đồng chính kiến” bằng giọng của những bà buôn cá, mặc dù biết những người “bất đồng chính kiến” có tuổi đời hơn cả bố mình, có chuyên môn sâu mà cả họ nhà mình cũng không bằng”. Chuyện giọng điệu và vấn đề tuổi tác thì em đã có nói ở trên rồi. Còn cái ý về chuyên môn sâu không hiểu bác đưa vào để làm gì. Vấn đề ở đây là “chính kiến” cơ mà bác. Còn chuyên môn sâu của em là … cờ tướng bác ạ, bác có dám chắc cả họ nhà ông Huệ Chi, hay Trần Mạnh Hảo có người chơi cờ tướng giỏi hơn em không? Hihi.

Em đánh giá cao bác ở nhận định Hồng vệ binh là “sản phẩm không được hưởng lương, nhưng lại thấm nhuần các bài huấn thị, dạy bảo”, bác đã đứng trên những kẻ hễ thấy người nói khác mình thì quy chụp là “dư luận viên”, là “bút nô”, bác hiểu được rằng có những ý kiến phản biện lại các nhà “bất đồng chính kiến” một cách tự phát, tự giác. Nhưng buộc lòng em phải đánh giá thấp bác khi bác nói họ “thấm nhuần các bài huấn thị, dạy bảo” với giọng có vẻ mỉa mai, có ý xem họ như những cái máy ghi âm rồi phát lại. Sao bác lại đánh giá thấp những Hồng vệ binh có chính kiến khác với các “nhà bất đồng chính kiến” vậy bác? Bác nghĩ sao nếu em cũng nói các nhà “bất đồng chính kiến” là sản phẩm của các bài huấn thị, dạy bảo từ những nguồn khác với nguồn của các Hồng vệ binh? Là em nói “nếu” thôi, chứ em thì chả bao giờ nói thế đâu. Em cho rằng điều quan trọng là chính kiến của họ sai-đúng thế nào chiếu theo chính kiến của em thôi. 

Ở trên bác đã biết có những người phản biện các nhà “bất đồng chính kiến” không vì ăn lương, nhưng ở dưới bác lại nói về họ với một ý có chút “họ hàng” với lương, là đoạn này : “Hồng vệ binh (ngoại trừ Đông La có thời nghèo khó, Đông La không sống bằng đặc quyền đặc lợi) thì chắc hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, không nghèo khó và được ăn học theo thầy, theo trường tử tế”. Thực ra điều đó nếu có cũng là hợp lý thôi. Ai nói gì cũng xuất phát từ lợi ích của người ta cả, trừ các bậc Thánh nhân và vĩ nhân. Nhưng nói “đặc quyền đặc lợi” thì lại không hẳn đúng. Xin nói để bác biết rằng bằng vào những gì bác Đông La kể về bác ấy thì em (chính xác là gia đình em) từng trải qua thời nghèo khó hơn cả bác Đông La, trừ phi bác ấy “kể khổ” chưa hết. Em cũng chưa từng và không có cơ hội để hưởng đặc quyền đặc lợi nào của chế độ này, trừ khi những chính sách đổi mới của nhà nước sau thời bao cấp đã cho em và nhiều người khác có cơ hội làm ăn phát đạt, đời sống khấm khá hơn cũng được xem là “đặc quyền đặc lợi” so với những người có cùng cơ hội đó nhưng khai thác kém hơn vì nhiều lý do. Bác có thể không tin điều đó, nhưng em nói thế để nhắn nhủ với bác một điều rằng khi tranh luận liên quan đến nhận thức thì đừng bao giờ đưa vấn đề “bổng lộc”, hay “đặc quyền đặc lợi” ra như là một động lực của người đối thoại. Bác thừa biết có nhiều kẻ vừa hưởng bổng lộc, hưởng đặc quyền đặc lợi của chế độ này mà vẫn ra rả chửi chế độ đấy thôi, cho nên nói như thế vừa võ đoán, vừa không làm sáng tỏ được gì thêm về mặt nhận thức cả.

Thưa bác Đạt, theo Wikipedia, Hồng Vệ Binh là các thanh thiếu niênTrung Quốc được giáo dục tôn sùng chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông, bị Tứ nhân bang và Mao Trạch Đông sử dụng để thanh trừng bè phái, xúc phạm, đấu tốtra tấn, phá hoại và cướp đoạt tài sản, nhà cửa, bức tử, giết hại những cán bộ, đảng viên, tướng lĩnh và người dân tỏ ra thiếu tin tưởng hoặc bất đồng chính kiến với Mao Trạch Đông và phe trung thành với ông ta trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Như vậy dù là theo nghĩa bóng, là ví von thôi thì việc bác bảo em cùng một vài bloggers khác như bạn Thanh Tùng Nguyễn, bạn Thiếu Long Texas … là Hồng vệ binh thì đã thiếu chính xác lắm rồi, ít nhất là ở điểm chúng em không hại ai, không bị ai sử dụng cả, chúng em viết chỉ theo cảm xúc và nhận thức của chính mình. Những điểm khác biệt khác xin bác tự xem xét.

Tiện đây cũng mong bác xem lại chỗ bác xếp hai bạn Thanh Tung Nguyên với Thiếu Long Texas vào chung nhóm “chửi học đời mới” với em. Thôi thì em hay dùng từ tục tĩu, cách nói dân dã, tếu táo thì bị bác nói thế em đành phải chịu. Nhưng với hai bạn Thanh Tùng Nguyễn và bạn Thiếu Long Texas mà bác nói thế thì không đúng tẹo nào. Hai bạn đó viết bài rất hay, nghiêm túc và đầy tính trách nhiệm. Bạn Thanh Tùng Nguyễn đôi lúc còn dùng từ hơi mạnh, chứ bạn Thiếu Long Texas thì hết sức từ tốn, lý lẽ của các bạn ấy đưa ra rất thuyết phục, được nhiều người ngợi khen. Bạn Thiếu Long thậm chí còn không tán thành cách “chửi rận hơi dữ dội, gay gắt, hoặc như là vừa viết vừa cười châm biếm rận” (hình như bạn í đá xéo em hay sao ấy, hihi) và chủ trương cách vận động, cảm hóa tốt nhất là thuyết phục ôn hòa, đó là cách có hiệu quả nhất” cơ mà.

Về việc công khai hay không công khai danh tính của các blogger. Em không nghĩ việc này với bác cũng lại quan trọng đến thế. Điều quan trọng ở mỗi blog là nội dung của nó. Nếu có công khai mà toàn nói những điều xằng bậy, để bịa đặt, vu khống hại người thì có gì là hay ho. Còn không công khai mà nói điều hay lẽ phải thì cũng giống như một bài báo mà tác giả để bút danh thôi. Người ta chỉ quan tâm đến nội dung bài báo chứ đâu cần biết tác giả có bút danh kia là ai.Ngay lúc này đây khi đang thưa chuyện với bác, em cũng không hề bận tâm bác là ai, đang làm nghề gì, có học hàm, học vị, chức tước gì không. Em thưa chuyện hoàn toàn trên cơ sở những bài viết của bác, cái tên Nguyễn Văn Đại, cho dù không nhất thiết khác với tên thật thì với em vẫn chỉ như một bút danh mà thôi. Việc không công khai danh tính mà viết đàng hoàng còn thể hiện một điều là tác giả không cần sự nổi tiếng và thuyết phục người đọc bằng chính bài viết chứ cần hỗ trợ bởi danh tiếng, học hàm, học vị. Như em đây, có vài người nói em viết blog phê phán những người “nổi tiếng” để nổi tiếng theo, nhưng có ai biết Hòa Bình là ai đâu, vậy thì nổi tiếng để làm gì? Lúc đầu em không công khai danh tính chủ yếu để chọc vào cái tính tò mò của mọi người cho vui thôi, nay có thêm chuyện “viết để nổi tiếng” này nữa, đã thế em càng không công khai, hehe.

Bác kết thúc bài viết bằng một câu ta thán tưởng chừng thấu tận trời xanh : "Hồng phúc của đất nước đâu rồi? Sao mà lắm Hồng vệ binh thế?". Hehe, Hòa Bình, Thanh Tùng Nguyễn, Thiếu Long Texas ... là những phần tử nguy hiểm cho đất nước Việt Nam ta vậy sao?

Bác thử đặt vấn đề lại như thế này xem sao nhé : nếu cứ để cho các nhà “bất đồng chính kiến” như Sàm Chi Diện Lập Chênh Đằng Thụy Gió … mặc sức đấu tố mà không ai lên tiếng thì mọi sự sẽ ra sao? Em lại thấy lúc này đặt câu hỏi :  "Hồng phúc của đất nước đâu rồi?" mới là phù hợp bác ạ.  

Cuối cùng, dù sao bài viết này của bác cũng khiến em phải suy nghĩ, rằng có lẽ em nên cẩn trọng hơn, tiết chế hơn để tránh gây khó chịu cho người đọc, nhất là cho những người đồng tình với nội dung mà thấy phản cảm về hình thức diễn đạt. Nhưng thú thật với bác là nghĩ vậy chứ không biết em có làm được vậy không vì tính em vừa nóng vừa tếu, mà tếu quá, nóng quá thì đôi khi hay bị quá đà. Vì thế nên em không dám hứa. Có gì mong bác và mọi người bỏ quá cho. Hihi.

Nay kính bác.


Không có nhận xét nào: