Giấy gì cũng giữ mà bảo cải cách hành chính cho dân!
- Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phê dự thảo luật Hộ tịch là "cải lương", khi một lần nữa trình Thường vụ mà chưa được chuẩn bị kỹ, khái niệm hộ tịch, hộ khẩu rắc rối thêm chứ không giảm.
Sau khi nghe tờ trình dự thảo luật chiều 13/8 của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường và báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý, các thành viên UB Thường vụ QH liên tục đặt câu hỏi.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thấy vướng mắc lớn nhất hiện nay là công dân phải mang theo mình quá nhiều giấy tờ, liệu luật ra có giảm được bất cập này.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thì thấy một loạt khái niệm hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh thư, hộ chiếu... "hình như rắc rối thêm chứ không giảm". Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đọc dự thảo cũng thấy thêm thủ tục, chi phí, nhân sự.
Có luật Hộ tịch liệu giảm được bao nhiêu giấy, bớt được bao nhiêu cửa? Ảnh chỉ mang tính minh họa: Minh Thăng |
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển băn khoăn liệu luật ra có gây thêm phiền phức cho dân, họ có cần những giấy tờ như khai sinh, đăng ký kết hôn hay mọi thông tin đã có trong sổ hộ tịch, việc giao hết công tác hộ tịch cho cấp xã có làm tăng thêm biên chế và gánh nặng cho ngân sách?
Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng QH Đào Trọng Thi thì lo dân đi đâu, làm gì cũng phải về xã để cập nhật những thông tin hộ tịch.
Chỉ ra đây đều là những câu hỏi mà lần trình cuối năm 2012 không trả lời được nên dự thảo luật này bị gác lại, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn phê là "cải lương". Ông Hùng không hài lòng cho rằng dự thảo luật chưa đủ điều kiện trình UB Thường vụ QH xem xét chứ chưa nói đến việc trình QH thảo luận cuối năm nay.
"Cơ quan soạn thảo đưa ra điểm gì cơ quan thẩm tra cũng bác hết, giấy tờ cái gì cũng giữ lại mà bảo là cải cách hành chính cho dân", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng gay gắt.
Ví dụ, UB Pháp luật thấy dự thảo luậtchưa giải quyết thỏa đáng mối quan hệ "hộ tịch" - "hộ khẩu" vốn bất cập nhiều năm nay; đề nghịgiữ nguyênsổ hộ tịch là sổ giấy như hiện nay; cho đến khi hoàn thành đề án cấp mã số định danh cho tất cả công dân vào năm 2020 thì các loại giấy tờ như chứng minh thư, hộ khẩu, hộ chiếu vẫn giữ nguyên...
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tỏ ra rất lạc quan khi nói đến tương lai năm2020 mỗi người dân đều có một mã số định danh cá nhân: con số duy nhất mang theo suốt đời, gắn trên mọi giấy tờ tùy thân, mỗi người chỉ còn một cái thẻ công dân dân điện tử thay thế tất cả các giấy tờ khác, không cần lo sao chụp công chứng, các cơ quan nhà nước tự đối chiếu thông tin khi cần...
Tuy nhiên, câu chuyện đó chưa đủ thuyết phục khi mà đề án này thậm chí còn chưa làm thí điểm. "Ngay bây giờ, dân đang phải mang theo bao nhiêu giấy tờ, làm thủ tục hành chính phải đi mấy cửa, luật ra liệu giảm được bao nhiêu giấy, bớt được bao nhiêu cửa?", Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề.
Bộ Tư pháp cho biết hiện mỗi công dân có thể sở hữu khoảng 20 loại giấy tờ khác nhau nhưkhai sinh,chứng nhận kết hôn,hộ khẩu,thẻBHYT,chứng minh thư, hộ chiếu,sổBHXH,giấy phép lái xe…
"Dự kiến mấy luật sắp tới còn đẻ thêm giấy tờ nữa như thẻ căn cước, lý lịch tư pháp..., dân mới nghe thôi đã thấy sợ rồi, có mỗi chuyện chứng minh thư nhân dân phải có tên bố mẹ họ đã phản ứng ầm ầm", Chủ tịch QH nói. "Sau này không biết thế nào chứ giờ có việc gì cũng phải về quê để ghi sổ hộ tịch để còn lưu cả trăm năm, họ không làm đâu".
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhận định lần trình này, Bộ Tư pháp vẫn chưa trả lời được các câu hỏi của lần trước, những tranh luận thậm chí còn gay gắt hơn. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng còn nói thẳng: "Thuyết phục mình tôi còn chưa được làm sao thuyết phục được 500 đại biểu, cứ thế này mà đưa ra QH thì đại biểu 'băm' cho nát".
"Bây giờ các vị phải rà soát lại, nghĩ hết lẽ để cho dân bớt khổ, xem dân cần những giấy tờ gì để giải quyết các việc hành chính, Nhà nước cần những giấy tờ gì để quản lý công dân, hai yêu cầu này phải gặp nhau, làm sao mỗi người dân chỉ phải mang một hai giấy tờ thôi", ông Nguyễn Sinh Hùng nói.
Do dự thảo chưa thuyết phục, cũng như hiệu lực dự kiến là năm 2016 còn nhiều thời gian chuẩn bị, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện luật Hộ tịch để trình ra đầu năm sau.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu quán triệt nguyên tắc mà Bác Hồ đã nhắc nhở: Cái gì có lợi cho dân thì nhỏ cũng làm, cái gì không có lợi, làm phiền dân thì nhỏ cũng không làm.
- Chung Hoàng
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét