Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Việt - Hán ngàn năm tương báo



Khi xem xét các yếu tố về văn hóa và tư tưởng thì sự ảnh hưởng cũng chỉ là tương đối,. Những yếu tố tương đồng hay dị biệt cần được đặt trong bối cảnh biến động của lịch sử. Vòng quay thịnh suy bĩ thái, tan rã hay hợp nhất  của quốc gia ước khoảng vài trăm năm, vòng quay tan rã hợp nhất của dân tộc ước khoảng vài ngàn năm đó gần như là sức mạnh của tạo hóa mà con người khó có thể cơ cầu. 

Khoảng đầu Thế Kỷ X, nhà Đường suy vi, các tiết độ sứ, thế lực quân phiệt cát cứ xưng Vương, xưng Đế (tức là chu kỳ tan rã của quốc gia). Ở phía Nam sông Trường Giang hình thành nên 10 tiểu quốc tương đối đập lập. Tuy nhiên cục diện Ngũ đại Thập quốc đã kết thúc vào kỷ nguyên thống trị của anh em Triệu Khuông Dẫn (nhà Tống),  duy chỉ có Tĩnh hải quân Tiết độ sứ, và phần đất của người Tây Hạ là cát cứ độc lập thành công, hình thành những nhà nước Phong kiến độc lập. 

Ngũ Đại - Thập Quốc trước khi Triệu Khuông Dẫn lên ngôi (960),
Tĩnh hải quân tiết độ sứ được chú thích là An Nam
Vì sao triều cống?
Quốc gia Đại Việt mà trước đó là Đại Cồ Việt thực chất chỉ là một mảnh vỡ nhỏ ở vùng cực Nam của Đế quốc Đại Đường. Bản thân họ Khúc - những người đặt nền móng đầu tiên cho việc thành lập quốc gia riêng của người Việt (905 - 930) ban đầu cũng chỉ xưng Tiết độ sứ (Chức vụ gần như là một thống đốc bang trong liên bang Trung hoa đế quốc vậy). Ba đời họ Khúc đều cố gắng hợp thức hóa địa vị thống trị của mình bằng cách dâng biểu cầu phong lên chính quyền trung ương Trung quốc.

Đó là cái tiền đề để từ đó về sau suốt hơn ngàn năm các vị đế vương của người Việt buộc phải triều cống Trung Hoa như một lời khẳng định cho tính chính danh của mình, hay của vương triều mình. Việc này chi phối trong dân gian đến nỗi nếu vị hoàng đế nào không thực hành việc dâng biểu cầu phong thì được coi như nhà thống trị phi pháp. Đương nhiên là đánh bại Trung Hoa thì dân gian sùng kính (Hợp tình) nhưng được sắc phong của Trung Hoa mới được coi là Hợp Pháp.

Bên cạnh các tham vọng chính trị, thì việc triều cống cũng đem lại những lợi ích kinh tế lớn lao. Trung Hoa từ Tống triều đến Minh, Thanh với vị thế là Đế quốc đã cho nhiều hơn nhận cống nạp. Sứ đoàn của Đại Việt đem đi thì ít mà nhận về thì nhiều, đó là chưa kể tới việc khai thông các thương điếm.
Con đường tơ lụa mà China là một đầu cầu - trung tâm sản xuất của Thế giới
Tức là hình thành nên một dòng thương mại đặc biệt là thương mại triều cống. 

Trung Hoa ngày đó là trung tâm sản xuất của thế giới, Trung tâm văn hóa văn minh, dù sức mạnh quân sự không phải là khi nào cũng vượt trội nhưng sức mạnh về kinh tế thì đủ hấp dẫn với bất cứ một quốc gia nào trong khu vực. Giao thương với Trung Hoa khi đó không khác gì việc buôn bán với nước Mỹ ngày nay mà muốn giao thương được thì phải triều cống, phải thỏa mãn tâm lý Trung Hoa. 

Tương đồng hay ảnh hưởng văn hóa tư tưởng
Trung Hoa với vị thế là trung tâm văn hóa - văn minh của Đông Bắc Á vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn mạnh. Nhiều quốc gia trong khu vực như Đại Việt (Đại Cồ Việt), Tây Hạ, Cao Ly và cả Nhật Bản nhìn thấy ở mô hình cai trị kiểu Trung Hoa khả năng bảo vệ khá bền vững chính thể do chính mình tạo dựng, xây dựng chế độ trung ương tập quyền, hay phát triển năng lực quân sự. Tất nhiên bên cạnh sự lựa chọn này còn có sự chi phối của truyền thống - đối với Việt Nam là một ngàn năm Bắc Thuộc với mô hình cai trị của phương Bắc đã thành thâm căn cố đế.

Nói cách khác, trong thời Trung đại mô hình cai trị kiểu Trung Hoa gần như là lựa chọn tối ưu nhất cho các các quốc gia xung quanh đế quốc này. Một kiểu đồng tâm về chính trị? Tất nhiên mỗi quốc gia sẽ có sự tiếp biến cho hợp với thực tế của mình. 

Trong khi Tống triều dần độc tôn Nho thuật thì Đại Việt lựa chọn Tam giáo đồng tôn hẳn bắt nguồn từ ý thức muốn tạo "ngoài trời còn có trời nữa" nhưng cũng có một điều khá lý thú đó là việc nhà Đường cũng có cách cư xử khá rộng rãi, khoáng đạt và trọng đãi cả ba tôn giáo Nho - Phật - Đạo, tức là thời kỳ Tam Đại Giáo. 

Mảnh vỡ của Đại Đế quốc Đường và chịu ảnh hưởng của văn hóa tư tưởng thời Đường chăng? Sau này nhà Nguyễn thống trị cũng cố gắng tạo ra một phong thái Minh ở Việt Nam bởi các vị quân chủ thời kỳ này cho rằng xã hội và văn hóa Minh tiến bộ hơn Thanh Triều vốn là tộc mọi rợ phương Bắc? 

Tuy nhiên nhìn sâu xa hơn về mặt tư tưởng triết học thì Việt - Hán ai chịu ảnh hưởng của ai vẫn còn là vấn đề để ngỏ và đòi hỏi những nghiên cứu chuyên sâu trên tinh thần cầu thị khoa học.

Việt - Hán ai chịu ảnh hưởng của ai?
Vấn đề này thực sự là đau đầu và nó chạm thẳng tới tâm thức dân tộc của hai phía. Tuy nhiên có một thực tế mà ta phải nhìn nhận rằng không gian văn hóa Bách Việt từng rất thịnh vượng ở Nam sông Trường Giang.

Trước thời Chu suy tàn khoảng ngàn năm thì Hoa - Hạ và sau này là Ân, Thương cũng chỉ là vài đốm nhỏ trên Trung lưu sông Hoàng Hà. Họ thuộc về Mongolit, trồng kê và chăn thả gia súc. Bách Việt ở phương Nam giỏi đi thuyền, trồng lúa nước, xây dựng làng xã. 

Từ đặc điểm là trồng lúa nước thì hình thành nên kết cấu xã hội kiểu làng xã và từ đó hình thành nên ứng xử xã hội. Cũng vì trống lúa nước nên việc quan sát thời tiết xem xét sự cân bằng âm, dương, nặng nhẹ ảnh hưởng rất lớn tới mùa vụ. Đó mới là khởi nguyên của Âm Dương, Ngũ Hành.
Hà Đồ - Lạc Thư thực chất là biến thiên, chuyển động liên kết và bài trừ của âm (trắng) dương (đen)
Cho nên Bát quái, hay Hà đồ - Lạc thư thực chất nó chỉ là việc thống kê kinh nghiệm quan trắc thời tiết, thuận theo tự nhiên thôi. Ngay cả cái kinh dịch khi xem kỹ các hào, tiết cũng thấy yếu tố lớn là thời tiết, dự đoán thời tiết chứ chẳng phải là cái gì quá triết học cao sang cả.

Thuận theo tự nhiên hình thành nhân sinh quan thuận theo tự nhiên mà sống tất yếu sẽ hình thành nên tư tưởng, học thuật tương tự. Âm Dương - Ngũ Hành, Hà Đồ - Lạc Thư hay kể cả Kinh Dịch sau này đáng được đặt nghi vấn đó là sản phẩm của Hoa Hạ hay tổng kết kinh nghiệm sống của dân phương Nam tức là Bách Việt? Mà Lạc Việt là một trong số những tộc đó.

Bách Việt phân rã thì phương Bắc mạnh lên. Bách Việt tách ra các mảnh vỡ như Sở, Ngô, Việt rồi cả Văn Lang, Âu Lạc, Mân Việt, Tây Âu, Nam Việt (Triệu Đà) thì phương Bắc ngàn nước thành trăm, trăm nước thành chục, chục nước thành bẩy rốt lại Tần Thủy Hoàng thống kế, Đại Hán hùng mạnh. Một phân rã một thống nhất tất yếu thắng thua đã định, việc cướp khống văn hóa là điều có thể sẩy ra.

Từ Hoa - Hạ đến Hán, Minh người Hán luôn luôn tìm cách tận diệt Bách Việt. Các triều đại nào của họ tiến về phương Nam dồn đẩy, chiếm đất của Bách Việt. Từ Nam Trường Giang làng xóm bạt ngàn, với ruộng lúa, vũ khúc lông chim người Việt bị đẩy xuống đến Lĩnh Nam (tức là miền Lưỡng Quảng) rồi co giữ lại ở vùng đất tương ứng với Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay. 

Trung Hoa tiến về phương Nam, tiêu diệt Việt tộc, tiêu hủy văn hóa. Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn nho, Mã Viện tiêu diệt trống đồng, sau này là cái họa từ Minh Thành Tổ. Mục tiêu tận diệt gốc tích văn hóa Việt đã thành một thứ truyền thống của China. Đến ngày nay thì cũng vậy thôi. Trăm năm là dài với một đời người nhưng lịch sử của dân tộc thì vài ngàn năm cũng chưa phải là nhiều, trong quãng thời gian vài ngàn năm đó luôn luôn có sự chi phối của vòng quay tuần hoàn bĩ cực thái lai mà tạo hóa an bài.

Ước khoảng bốn ngàn niên cho một chu trinh.

Bài của Sông Hàn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: