Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Lãng quên “tượng đài văn hóa” Nguyễn Hiến Lê


Lãng quên “tượng đài văn hóa” Nguyễn Hiến Lê  
Chùa Phước Ân (Phước Ân tự) xã Vĩnh Thạnh, Lấp Vò - nơi học giả Nguyễn Hiến Lê an nghỉ vĩnh hằng. 

() - Số 190 - Thứ hai 19/08/2013 08:03 
Sau hơn 30 năm cầm bút, để lại cho đời 122 tác phẩm với nhiều thể loại, 250 bài báo và 23 đề tựa cho nhiều cây bút tên tuổi đương thời, cụ Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) được giới cầm bút tôn vinh là “Tượng đài văn hoá đọc”. Trớ trêu thay, sau tạ thế, ông đã bị một bộ phận người làm công tác quản lý ở một số tỉnh ĐBSCL đối xử lạnh lùng đến rớt nước mắt. 

Bụt nhà không thiêng
Học giả Nguyễn Hiến Lê và Đồng Tháp có mối lương duyên đặc biệt: Cụ bắt đầu văn nghiệp biên khảo và kết thúc cuộc đời tại đây. Thế nhưng, trái với công lao ông làm cho hàng triệu triệu lượt người trong và ngoài nước hiểu, biết và yêu thương vùng đất Đồng Tháp qua trước tác “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, Đồng Tháp lại lãng quên ông.

Tháng 7.2013, tức 14 năm sau khi di cốt của ông an nghỉ tại chùa Phước Ân (xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò), Đồng Tháp mới nhận ra mối lương duyên này. Phân hội trưởng Phân hội văn học (Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp) Hữu Nhân - tác giả của “Đôi điều quanh phần mộ của học giả Nguyễn Hiến Lê ở Đồng Tháp”, bài viết đầu tiên của Đồng Tháp về “sự hiện diện của cụ Lê” trên đất Sen Hồng - kể: “Tôi biết được mộ phần của cụ khoảng 3 tháng nay trong dịp rất tình cờ”.

Đầu tháng 5.2013, trong lần lang thang trên mạng, anh Nhân mới biết di cốt cụ Nguyễn Hiến Lê đang ở rạch Cai Bường. Sau chuyến đi đó, anh viết ngay bài báo với tất cả sự cảm phục tài năng và nhân cách của cụ, nhất là chuyện cụ công khai từ chối nhận Giải thưởng Văn chương toàn quốc (1967) và Giải Tuyên dương công trạng (Văn hóa - 1973) do chính quyền Sài Gòn trao tặng với lý do “dùng tiền ấy để giúp nạn nhân chiến tranh”. Nhiều vị lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thừa nhận, nhờ bài báo này mới biết đến sự hiện diện của cụ Nguyễn Hiến Lê với lý do lâu nay chưa có thông tin.

Tuy nhiên, đó chỉ là cách nói tránh thực tế có phần phũ phàng: Trong lúc mãi đến nay những người trong cuộc chưa tỏ, thì ngoài ngõ đã tường từ rất lâu. Điều này được chính anh Hữu Nhân ghi nhận ngay trong bài báo: “Theo lời của cô Út - người phụ nữ có 37 năm làm công quả ở chùa Phước Ân và hàng ngày nhang khói khu nghĩa trang trong khuôn viên nhà chùa - thì từ khi ông Nguyễn Hiến Lê được cải táng về đây, năm nào cũng có nhiều đoàn người từ khắp nơi đến viếng mộ. Có người đến do cảm phục tài năng văn chương của ông. Có người là học trò cũ. Cũng có người là thân nhân gia đình ông. Thậm chí có những đoàn khách đến chùa, mặc trên người chiếc áo sau lưng có in hình ông. Chỉ riêng từ hôm tết tới nay đã có hàng chục đoàn khách lên đến cả trăm người đến viếng phần mộ”.

Không chỉ có vậy, từ năm 2009 đã có nhiều người vì bức xúc sự thiếu quan tâm của cơ quan chức năng trong đầu tư đường sá, tôn vinh nơi an nghỉ của “một trong những học giả lớn của Việt Nam trong thế kỷ 20” đã viết báo và trực tiếp “gõ cửa” chính quyền địa phương. Ông Trương Vĩnh Khánh - đang sinh sống tại huyện Lấp Vò - cho biết cụ thể: “Ngay từ năm 2009, khi từ Bình Định vào đây sinh sống tôi đã biết và viếng mộ cụ Nguyễn Hiến Lê. Thấy đường sá chật hẹp và gồ ghề, tôi báo cáo lên lãnh đạo ở huyện Lấp Vò. Vì vậy nếu nói không biết, không có thông tin là khó chấp nhận”.

Đã trễ còn trầy trật

Mất 14 năm, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp mới biết di cốt cụ Nguyễn Hiến Lê an nghỉ trên vùng đất do mình quản lý qua một bài báo. Đó là sự chậm trễ không thể chối cãi. Nhưng trớ trêu thay, mãi đến nay nhiều lãnh đạo cơ quan hữu trách ở Đồng Tháp vẫn chưa có “phản ứng”. Thậm chí còn “cò kè bớt một thêm hai” với việc “khắc phục hậu quả”.  Khi chúng tôi đặt vấn đề: “Tới đây hội có dự tính gì về cụ Lê với tư cách nhà văn “duyên nợ đặc biệt” với Đồng Tháp”?

Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp Phạm Khiêm xin phép không trả lời với lý do: “Chờ anh em chuyên môn xem lại ông Nguyễn Hiến Lê đóng góp cụ thể thế nào rồi mới tính được”. Thậm chí, ngay cả cấp lãnh đạo cao hơn là Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp cũng lúng túng không kém khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Liệu có thể tôn vinh bằng hình thức dùng tên học giả đặt tên đường, tên trường...”?
Ông Trương Vĩnh Khánh bên bảo tháp lưu giữ di cốt học giả Nguyễn Hiến Lê.

Anh Nhân điện thoại cho lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ xin ý kiến thì nhận được câu trả lời: “Sắp tới sẽ xem xét... cụ thể”. Một lối phản ứng có phần quá xa lạ, thậm chí đi ngược với truyền thống tốt đẹp mà trước đó nhiều bậc tiền bối đất Sen Hồng đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” dệt nên “bản hùng ca bất tận” về lòng tôn kính những người có công với đất Đồng Tháp. Mà việc kiên trì bảo vệ, gìn giữ và tôn tạo di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trước nanh vuốt của quân thù trong 2 cuộc chiến tranh vệ quốc là minh chứng hùng hồn.

Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi lo hơn là đằng sau sự chậm trễ này đang manh nha nguy cơ hiểu sai sự thật bắt nguồn từ sự thiếu chính xác trong bài báo của Hữu Nhân. Hữu Nhân viết: “Ngày 28.5 Kỷ Mão (9.7.1999), an táng bà Nguyễn Thị Liệp xong thì hai ngày sau, di cốt của ông Nguyễn Hiến Lê được đưa từ Long Xuyên sang và đặt ngay phía trên phần mộ bà Liệp...”. Tuy nhiên theo anh Nguyễn Thành Chuẩn - người cháu từng giữ nhiệm vụ “tiểu đồng” cho cụ Lê lúc sinh thời - thì di cốt của ông được đưa đi và an táng cùng ngày với bà Liệp. Theo anh Chuẩn, bảo tháp này không chỉ là nơi an nghỉ của riêng cụ ông và cụ bà. “Toàn ngôi tháp có đến 10 di cốt. Cụ Liệp được chôn dưới đất, 9 di cốt còn lại được chia ra 2 hộc tháp. Trong đó di cốt của cụ Lê được đặt trong hộc bên dưới cùng với 4 anh, chị em bà Liệp...”.

“Đơn giản hoá” văn nghiệp

Thật ra đây không phải là lần đầu tiên học giả Nguyễn Hiến Lê bị hậu nhân hành xử... lạ. Sinh thời, học giả Giản Chi (1904-2005) đã đánh giá văn tài của Nguyễn Hiến Lê là “của hiếm”. Trong đôi liễng đề tặng cụ Hiến Lê (Hiến Lê nhơn huynh nhã chính), ông viết: “Thương mang học hải như kim / Hoạt bát văn tài hữu kỷ nhân” (tạm dịch: (Trong) biển học mênh mông ngày nay, nhân tài văn học (như huynh) được mấy người?). Vậy mà tại An Giang - nơi cụ làm rể gần một phần ba thế kỷ và sống trọn vẹn những năm cuối đời - đã “đơn giản hoá” văn nghiệp đồ sộ của cụ đến mức không thể đơn giản hơn được nữa.

Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT An Giang, người được giao nhiệm vụ chấp bút mục Văn học trong “Địa chí An Giang” (tập 2, 2007) - cho biết: “Nhận thấy văn nghiệp cụ Lê quá đồ sộ, nên dù cố gắng hết mức, tôi cũng chỉ có thể gói gọn trong 2 trang A4 với khoảng 1.000 từ”. Trong đó ông Hoài đã dành những câu chữ rất trang trọng: “Nguyễn Hiến Lê là một học giả được giới trí thức quý mến và kính trọng về tài hoa cũng như nhân cách. Ông lao động miệt mài, nghiêm túc, một tấm gương cho người cầm bút. Tác phẩm của ông được đại bộ phận công chúng đón nhận, được nhiều giải thưởng văn chương, là những đóng góp lớn cho đời sống xã hội, cho nền học thuật Việt Nam hiện đại”.

Thế nhưng đến khi in thành sách, người ta gần như đã vứt bỏ tất cả, và phần nói về cụ chỉ còn  đúng 64 từ... vô cảm: “Nguyễn Hiến Lê từ Bắc vào Nam, đến Long Xuyên nhận việc làm, đi khắp miền Tây Nam Bộ, bắt đầu viết ký sự, tiểu luận và dịch thuật. Sau đó ông về sống ở Sài Gòn một thời gian dài, dạy học và sáng tác; nhưng đến cuối đời ông trở lại An Giang, tiếp tục hoàn thành một số tác phẩm nữa”(trang 31). Nhiều người cầm bút đã xót xa gọi đó là cuộc “hạ bệ”, thậm chí là “hạ nhục” học giả Nguyễn Hiến Lê, bởi tập sách này lại dành khá nhiều đất cho nhiều cây bút mà tên tuổi và tác phẩm của họ không được nhiều bạn đọc biết đến”.

ĐBSCL đang là “vùng trũng” văn hoá nghệ thuật của cả nước, vậy mà người ta sẵn sàng “lãng quên”, sẵn sàng “hạ bệ” con người và văn nghiệp đồ sộ của cụ Nguyễn Hiến Lê. “Sau hàng loạt những sai lầm, giờ đến lúc chúng ta không được phép để xảy ra thêm những sai lầm nào nữa trong ứng xử với học giả Nguyễn Hiến Lê... Theo tôi, với tầm cỡ như cụ, cần có công trình kỷ niệm cấp quốc gia”... Chúng tôi xin mượn lời nhà thơ Trịnh Bửu Hoài để kết thúc bài viết này và xem đó cũng chính là tâm tư, tình cảm và kỳ vọng mà hàng triệu độc giả muốn đánh động đến lương tri người có trách nhiệm để sớm có công trình tôn vinh xứng tầm với học giả đáng kính: Nguyễn Hiến Lê.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: