Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

NGƯỜI XƠ XÁC VÌ THƠ


Trong bài thơ “Phỏng vấn Thạch Quỳ” tôi có viết: Nếu được tái sinh xin lại làm thi sĩ / Để được tự do xơ xác vì thơ. Thực ra thì nhà thơ Thạch Quỳ ở Vinh chưa xơ xác mấy vì thơ . Trong số bạn thơ của tôi, có lẽ nhà thơ Lê Đình Ty ở Đồng Hới là người “xơ xác vì thơ” nhất. Lê Đình Ty làm thơ từ những ngày học lớp bảy trường làng, khi anh mới 16 tuổi (1963). Năm 1964, tôi lên học cấp ba ở trường huyện, chúng tôi phải học sơ tán ở làng Cổ Liễu, Liên Thủy. Trong lớp học cấp 3 Lệ Thủy của tôi hồi ấy có rất nhiều bạn học giỏi văn như Lê Đình Ty, Đỗ Hữu Lời ( nhà thơ Đỗ Hoàng), Trần Văn Hải (nhà thơ Hải Kỳ), Lâm Thị Mỹ Dạ, Phạm Hữu Xướng,Trần Khởi, Nguyễn Minh Hoàng… Ở lớp tôi hồi đó, Lê Đình Ty là chủ soái thơ. Lê Đình Ty người làng Xuân Hồi, Liên Thủy lúc đó đã viết được cả tập thơ tình chép tay nắn nót trong vở học trò. Sau này Ty “bật mí” là hồi đó viết rất nhiều thơ để “tặng” Lâm Thị Mỹ Dạ, người bạn gái xinh đẹp cùng học cấp hai, mà đến giờ vẫn giữ không dám gửi ! Có lần trong lớp học, không biết Lê Đình Ty kiếm đâu được cuốn “Yêu nhau nên biết” dịch của Trung Quốc, bọn con trai chuyền tay nhau đọc. Từ đó thằng nào cũng thích làm thơ tình. Ở lớp, ngoài tờ báo tường của Chi đoàn, chúng tôi tổ chức tờ báo tường riêng của “tổ văn lớp”. Tôi làm bài thơ “ Quê mẹ” theo “kiểu thơ” Tố Hữu, viết về Đại đội pháo binh Ngư Thủy quê tôi bắn cháy tàu chiến Mỹ. Khi bài thơ được dán lên báo tường, ngay ngày hôm sau Lê Đình Ty đã có bài “ phê bình” khen hết lời. Nào là “ tư tưởng lớn”, “ hình tượng đẹp”…. Rồi Ty kết luận rất đúng “mốt” của “nhà phê bình” thời thượng bấy giờ:”Anh sẽ tiến xa hơn nữa trên con đường thơ ca !”. Bài “phê bình” dài mấy gang tay dán lên báo tường được cả lớp chen nhau đọc.

Sống và viết sôi nổi từ thời ấy, nhưng Lê Đình Ty lại vô cùng lận dận trên con đường thơ ca. Đang học dở cấp ba, Ty nhập ngũ vào ngành công an. Anh được đi học một khóa nhiếp ảnh pháp y. Nhưng rồi Ty lại say mê chụp ảnh nghệ thuật, nên phải chuyển ra khỏi ngành công an, về công tác tại ngành văn hóa. Lê Đình Ty sống nhiều năm ở Huế. Anh là tay máy bậc 7, chuyện đi dạy nghề và chấm tay nghề cho thợ nhiếp ảnh của tỉnh Bình Trị Thiên hàng năm. Anh nghệ sĩ nhiếp ảnh có hạng của hiệu ảnh Phú Xuân bên chân cầu Trường Tiền hồi chung tỉnh Bình Trị Thiên. Anh có bức ảnh nghệ thuật Hồn rừng được tặng Huy chương Bạc của Hội nghệ sĩ nghiếp ảnh Việt Nam năm 1996. Giỏi nghề ảnh như thế dễ làm giàu lắm, nhưng Lê Đình Ty thì : Nợ cơm áo níu còng lưng bóng xế / Bao nỗi niềm gửi dấu trang thơ… Bởi mỗi lần gặp bạn bè, gặp người đẹp thì có bao nhiêu phim anh bấm bằng hết, rồi thức suốt đêm, lui cui tráng ảnh để kịp sáng mai đem tặng người đẹp , cùng với những bài thơ nóng hổi ở túi ngực bên trái ! Có lần, hồi Ty đang quản lý hiệu ảnh nhà nước trên đường Trần Hưng Đạo, Huế. Một đêm mưa, tôi, Hải Kỳ, Đỗ Hoàng, Mai Văn Hoan đến phòng ảnh của Ty ( cũng là chỗ trọ) đọc thơ với nhiều người đẹp sinh viên. Ty bốc lên đẩy giàn máy ảnh của hiệu ra chụp. Khi mọi người đã lui rồi, tôi và Ty ở lại để rửa ảnh cho đến 2 giờ sáng, cho kịp sáng mai tặng các nàng. Hồi đó làm gì có Mililap như bây giờ. Muốn in ảnh phải pha thuốc, rồi nhúng từng cái phim vào. Chờ ảnh hiện lên, tráng qua tráng về, khi rõ nét mới đưa ra sấy dưới ngọn đèn điện 500 oát. Khổ thế mà say lắm, chăm chỉ lắm ! Vì thế nên người ta chụp ảnh ai cũng giàu , xây nhà mua xe, chỉ riêng Lê Đình Ty càng chụp ảnh càng nghèo rớt mùng tơi ! Vợ chồng đã sắm đủ loại máy ảnh xịn của Nhật, rồi sắm cả buồng tối để in sang ảnh ở nhà mình. Nhưng , do chụp ảnh ba phần tặng một phần lấy tiền nên sinh lỗ lã . Thế là anh bán dần máy móc, chỉ còn giữ lại cái máy ảnh cũ kỹ để chụp chơi.

Thơ phú còn làm anh bị tai họa thập tử nhất sinh bởi một con quỷ đội lốt người tình ! Năm 1983, Lê Đình Ty được Công ty nhiếp ảnh Bình Trị Thiên cử ra làm Trưởng hiệu ảnh quốc doanh tại chợ Tréo, huyện Lệ Ninh ( cũ) . Một người con gái trắng trẻo, đã có chồng, do yêu thơ Ty, phục tài chụp ảnh của Ty, đã đem lòng thương trộm . Thi sĩ say thơ, say người đẹp bị hớp phải bùa mê. Bên bờ sông Kiến Giang ấy, Lê Đình Ty đã làm tặng nàng nhiều bài thơ tình lửa cháy. Thế rồi chồng nàng phát hiện ra . Anh ta bắt vợ phải “thể hiện lòng chung thủy”. Thế là nàng đã đang tâm vô tận Huế mua một lọ a-xit . Rồi một đêm “nàng” hẹn Lê Đình Ty gặp nhau tại chỗ hay gặp nhau là bờ mương An Xá. Con quỷ đã tạt a xít vào mặt người mà trước đó mình đã yêu nồng thắm. Lê Đình Ty bị cháy xém mặt mày, phải điều trị khắp nơi mấy năm trời mới lành vết thương. Nhưng khuôn mặt thì thành sẹo. Đó là “cái sẹo thơ” oan nghiệt mà anh phải mang suốt đời. Từ đó, bao nhiêu tiền của đều chi cho việc chữa bệnh. Lành vết thương cơ quan xét cho anh về hưu non. Thời điểm đầu năm 2005, lương anh tháng chỉ 320 ngàn đồng . Nhà đã nghèo, lại nghèo thêm . Tôi ốm đau chẳng làm gì được / Vợ một mình chạy bảy miệng ăn, nên anh đau xót khi nghe con gái nhỏ năm sáu tuổi ra đường ngồi bán nước, báo tin “vui” cho bạn bè : Giữa trưa hè dầm dề áo ướt / Được hai đồng, mừng rỡ con khoe… Trong bài thơ “Cảnh nhà” , cảnh tượng còn thương cảm hơn : Vợ trực về nhịn đói / Lo chạy bữa ngày mai… Bà vợ phải vừa đi làm việc nhà nước, về trồng rau, nuôi heo gà, đi hái củi bán mới trang trải đủ chi tiêu tằn tiện của gia đình.

Cái thời khốn khó ấy, bạn bè cũng chẳng khá hơn. Có mấy đứa bạn thân cùng trường huyện xưa đang làm thơ ở Huế thì đứa nào cũng đeo đuổi thơ phú, đứa nào cũng nghèo , lấy ai cậy giúp ! Bài thơ “ Cùng cảnh”, tặng Hải Kỳ kể chuyện Hải Kỳ đi học đại học sư phạm ở Huế, vợ ốm cần phải ra Đồng Hới thăm vợ , mà chẳng có đồng dính túi. Lê Đình Ty đến thăm bạn, tui cũng chỉ “đầy gió túi căng phồng”. Cuối cùng hai đứa bèn quyết định “ Liều một chuyến nhảy tàu !” Thật xót xa và đồng cảm !

May mà Lê Đình Ty có người vợ tuyệt vời. Một người vợ Tám Cám, rất mực thương chồng, thương con, nên bao nhiêu nỗi đau đớn, túng bấn đều được hóa giải !. Y sĩ điều trị Nguyễn Thị Thêm vợ Lê Đình Ty làm việc ở Phòng khám Cán bộ Đồng Hới, mặc cho thiên hạ dèm pha, em đã tận tình chữa trị, chăm sóc chồng . Thêm nhiều lần vay mượn tiền bạc đưa chồng ra Hà Nội vá da mặt. Những ngày đó, có lần tôi từ Huế ra thăm Ty. Anh ngồi trong một khung màn để che ruồi như cái lồng bàn , vì vết thương đang sưng tấy . Chồng bị nạn vì thơ, người làm thơ như tôi là những kẻ “tòng phạm” đến nhà phải “ghét” mới đúng. Thế mà Thêm vẫn tươi cười pha nước mời, rồi bảo tôi “Anh ngồi chơi nói chuyện với anh Ty, em ra đây một lát về ngay”. Thì ra nàng lẻn đi mua đĩa mồi, xị rượu mang về, bảo tôi: ”Anh Ngô Minh ngồi chơi uống rượu, đọc thơ cho anh Ty nghe, anh ấy đang thèm thơ lắm đấy !”. Chao ôi, một tình yêu, một tấm lòng. Cao hơn, một tầm văn hóa bao dung mênh mông!

Sau tai nạn ấy, Lê Đình Ty không thể đi làm cơ quan được, phải về hưu mất sức hai trăm ngàn đồng một tháng. Đến nay, qua mấy lần tăng, lương hưu của Ty cũng chỉ 680 ngàn đồng ! Con thì ba đứa đang nhỏ, nên gia đình càng khó khăn hơn . Nhưng anh vẫn không bỏ thơ . Hình như thơ đến với anh còn nồng nàn hơn trước . Tuy muộn mằn so với bạn bè cùng lứa nhưng đến nay anh đã xuất bản được 6 tập thơ, trong đó có tập Tôi về áo ướt được tái bản. Tập thơ Khoảng vắng ( 1995) của Lê Đình Ty được Giải thưởng Lưu Trọng Lư ( Quảng Bình) lần thứ nhất ( 1991- 1995)…. Anh còn có hai tập thơ thiếu nhi “ Gió ở đâu “ ( 1998) và truyện thơ “ Huyền thoại Bàu Tró” ( 1999) được bạn đọc đánh giá cao. Đó là sự kỳ lạ của khả năng vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của con người. Tôi kể lan man như vậy để muốn nói một điều : Đối với Lê Đình Ty thơ chính nghiệp chướng, là định mệnh không thể chối bỏ : Đây, câu thơ / Giọt máu / Câu thơ đẫm đầy nước mắt …Riêng đối với tôi, mỗi bài thơ của Lê Đình Ty là sự trổ bông của một trái tim đau đớn một đời đập vì yêu, vì sự tốt lành của cuộc sống !

Hội Văn nghệ Quảng Bình bảo Lê Đình Ty làm đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam. Ty xứng đáng lắm, nhưng ham thơ, ham rong chơi, cứ quên không làm đơn. Mới đây Ty làm cái đơn và gửi vào Huế nhờ bạn là tôi và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là bạn thân ký giới thiệu vào hội để kỷ niệm bạn bè. Mỹ Dạ bận đi họp ‘Hội nghị phụ nữ tiêu biểu’’ ở Hà Nội . Hoàng Phủ Ngọc Tường hỏi, đơn ai thế. Tôi bảo đơn xin vào Hội Nhà văn của Lê Đình Ty, gửi vào nhờ Dạ ký ‘’. Hoàng Phủ bảo tôi : ‘’ Lê Đình Ty mới là nhà thơ thực sự, hắn sống chết vì thơ . Đem đây mình ký thay Mỹ Dạ’’. Thế là ông Tường liệt nằm một chỗ, lật nghiêng người ghi ‘’Đề nghị kết nạp ’ rồi ký tên, chữ cong queo, võng xuống như nỗi đa mang. Tôi mang ra Đồng Hới cho Ty, Ty cầm tờ giấy có chữ ký Hoàng Phủ reo lên :’’ Được Hoàng Phủ Ngọc Tường ký giới thiệu như ri là sướng lắm rồi. Như là một lần vô Hội rồi… »
Xuất bản được tập thơ thơ bây giờ thật không dễ. Sau khi có giấy phép, còn phải vượt qua chặng “đầu tiên” là tiền đâu. Để in tập thơ “ Lời hạt”, Lê Đình Ty phải thế chấp “thẻ đỏ ”nhà , mới vay được 3 triệu tiền ngân hàng để in thơ ! In xong thơ là gửi tặng bạn bè, lại phải một lần tốn phí bưu điện, rồi lại còng lưng làm vườn, nuôi gà, lợn, nuôi cả cá rô phi đơn tính để trả nợ thơ. Tập thơ Lời hạt gồm những bài thơ viết trong những tháng ngày anh bị “tại nạn tình yêu” đến thay đổi hình hài, trong lúc cảnh nhà túng bấn . Đó là những suy nghĩ về đời và thơ, về số phận và tình yêu của con người đã vào tuổi tri thiên mệnh. Đó là tâm sự riêng của đời anh. Tai ương, khốn khổ và day dứt tình đời, tình người. Thương cho kiếp người phù du khát vọng, thương cho những đứa con xa luôn đau đáu một làng quê, thương bóng hình mẹ già côi cút vô ra nơi cõi nhớ, thương những người tình với nỗi buồn làm hành trang còn lại… Thơ là sự chiêm nghiệm, là một cuộc trở về từ trong cõi lãng du phiền muộn, cầm lên những mất mát và soi tận cõi lòng :…Ai sau rèm cấm xa xôi / Nhớ người áo ướt dưới trời đem hong?

Thời “di động”, Lê Đình Ty nghèo, thèm lắm mà không làm sao có “con dế” cầm tay để gọi bạn bè. Thương bạn , nhà văn Nguyễn Thế Tường bán rẻ cho Ty một cái Samsung có hai trăm bạc. Lúc đầu Ty chỉ dám mua loại card chỉ để nghe, không gọi được. Những khi có tiền nhờ nghề làm mi, in ấn sách cho các tác giả, Ty mua cái card trăm ngàn, thế là hứng lên gọi ai cũng đọc thơ qua di động. Chỉ ba bốn bài thơ đã hết nửa tiền card. Thế rồi lần ấy Ty say, ngã xe, con dế biến đi đâu mất, phải nhịn gọi ba tháng trời. Tôi ra Đồng Hới, thấy bạn mà thương , tôi liền nghĩ ra một kế : Chỉ có mấy trăm trong túi, nhưng tôi dẫn Lê Đình Ty đi thăm bạn bè, gặp ai tôi cũng bảo :” Ty mất điện thoại rồi, tớ ủng hộ nó ba trăm, cậu cho thêm một ít nữa cho nó mua cái điện thoại cũ kẻo tội”. Thế mà ngày đó hai đứa kiếm được triệu tư bạc. Chiều hai đứa lại vênh vang ra của hàng viễn thông mua dế…

Buồn quá, nhưng xem ra tất cả vẫn còn. Một người “sau rèm cấm”, tấm “áo ướt”, và người tình trắng tay đang đem hong lại niềm yêu mến cũ … Ty say thơ đến độ, vào cuộc rượu nào ban đầu cũng rất gìn giữ, chối từ, nhưng khi đã đọc vài bài thơ thì “rượu như lửa tôi uống tràn thay nước” ( Phùng Quán). Thế là Ty say. Vì say, trong năm năm qua, Ty đã sáu lần ngã xe máy rồi. Khi thì gảy xương vai, khi thì bươu đầu, mẻ trán. Nhưng may toàn vết thương nhẹ, nằm nhà vợ điều trị năm bữa nửa tháng lại lang thang. Có lần tan cuộc rượu, đang lẽ về nhà theo hương núi, thì Ty lại lao xe ra vùng cát Hải Thành mé biển giữa trưa hè “chang chàng cồn cát nắng trưa Quảng Bình”. Xe lủi vào ụ cát bên đường, Ty ngã bắn người ra nằm phơi trên cát bỏng. May nhờ có người đi qua, nhận ra nhà thơ, liền gọi taxi đưa về nhà, chứ để đến chiều chắc đã thành “Khô Ty” rồi ! Có lẽ Ty đã quá xơ xác vì thơ, nên bây giờ thơ đã cứu Ty chăng ?

Vâng, trong bài đồng dao miền Trung kể về mẹ gà đẻ ấp mười quả trứng, cả mười đều bị hiểm họa và rủi ro số phận, nhưng: Chớ than phận khó ai ơi / Còn da lông mọc ,còn chồi nảy cây… Mất mà được .Đó là cái lý sinh tồn mà chỉ nghệ thuật mới nói lên được, nhờ cái tâm lớn của nghệ sĩ ! Cái còn lại ấy, cõi lòng ấy chính là sợi chỉ xuyên suốt thơ Lê Đình Ty. Không mà có, ấy là khi cõi lòng còn chan chứa !

Bây giờ anh vẫn yêu si mê như thế. Vẫn làm thơ như thế. Anh đi lên Hồ An Mã miền Trung Du Lệ Thủy, anh ra tận Minh Hóa theo tiếng gọi của con tim. Di rong chơi suốt ngày. Để rồi cuộc rượu vui nào anh cũng có thơ mới đọc cho bạn bè làm thức nhấm…Ôi, thời bây giờ, ai cũng lo kiếm tiền làm nhà, cho con đi du học. Người sống nghèo với chất thi sĩ lãng tử nồng nàn như Lê Đình Ty hiếm hoi lắm . Nhờ những cuộc say ấy, năm 2007, Lê Đình Ty cho ra mắt tập thơ Gửi cùng ngọn gió, với chất thi sĩ tang bồng : Ngồi buồn bấm chữ mà chơi / Gửi người người có ngậm ngùi cùng ta…

Thương lắm, bạn của tôi ơi..

Huế 2003- 2007
VĨ THANH
Khi tôi đang chuẩn bị để đưa bản thảo tập tiểu luận QUÊ QUÁN CỦA THƠ này đi nhà in, thì nhà văn Hữu Phương và bạn bè Đồng Hới báo một tin đau đớn : Nhà thơ Lê Đình Ty đi rồi ! Chao ơi, sao lại thế này. Sao bao nhiêu khổ đau trên đời đều đổ lên đầu một người thế này. Nhà thơ Lê Đình Ty đã mất trong một vụ tai nạn giao thông ở Đồng Hới, Quảng Bình, chiều ngày 13- 6- 2013, hưởng thọ 67 tuổi. Ngày đưa anh xuống huyệt là ngày sinh nhật anh 8-5 âm lịch, lúc 3 giừo chiều ngày 15-6-2013.

         Chỉ mới vài ngày trước, Lê Đình Ty điện thoại cười nói sảng khoái, báo tin cho tôi cho tôi : Bây giờ mình là người hạnh phúc nhất. Ngô Minh biết không, mình đang yêu trên Facebook si mê như những ngày trai trẻ.Cuộc sống thật kỳ diệu. Đêm nào cũng thức đến một hai gờ sáng để làm thơ tình. Lê Đình Ty vừa được NXB Thuận Hóa ký giấy phép in tập thơ CÓ VÀ KHÔNG. Thế là tập thơ đã không được bàn tay anh chăm chút nữa rồi.  Năm 1983, Lê Đình Ty cũng say với thơ tình và tại nạn đã đến, nhưng anh đã thoát nạn. Năm nay, 67 tuổi anh lại say tình. Đó là cái nòi thi sĩ. Nhưng sao Trời Đất bạc ác, không để anh được hưởng những ngày hạnh phúc hiếm hoi, mà bắt anh rời cõi tạm sớm thế ?

          Lại nhớ thơ Lê Đình Ty như một lời tiên tri xa xót : Tôi giờ ở xứ biệt tăm/Quê hương vời vợi đăm đăm chân trời/ Mẹ cha cát bụi xa xôi/Tôi còn nắng gió lưng đồi quạnh hiu…Mới đó là Lê Đình Ty đã  ở xứ biệt tăm, ở với nắng gió lưng đồi quạnh hưu, thật không hiểu nổi. Không thể hiểu nổi cái phận người đen bạc…

 

                                                                                                   Huế, 23-6-2013

                                                                                            NGÔ MINH

 



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: