Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Cục gạch

                                                  
                                                                    Truyện ngắn của Hồng Giang

Nỗ vừa ở “trại văn” về. Cần phải nói rõ hơn, đó là “trại văn” chứ không phải trại vải. Càng không phải là “trại hát trầu văn” như một vài nơi trong nước đang làm. Không có đàn ca sáo thổi. Không có quả ngọt hoa thơm. Bên hồ nước rộng và đẹp chỉ có vài chục văn nhân, thơ sĩ hàng ngày âm thầm sáng tạo. Sản phầm của họ hay hay không, có “để đời” được hay không, lại không phải câu chuyện của truyện ngắn này.
Hắn chỉ tạm ghi nhận ba điều gọi là “ấn tượng” trong chuyến đi này. Thứ nhất anh khâm phục lòng quyết tâm và nỗ lực của con người cách đây mấy mươi năm. Không biết ai là người nghĩ ra đầu tiên và sau đấy hàng nghìn con người đã làm cách nào khiến một con suối nhỏ cong queo thành một hồ chứa nước rộng lớn? Vừa làm nơi chứa nước phục vụ thủy lợi, vừa thả cá lại vừa làm điểm du lịch được đánh dấu trên bản đồ. Người ta còn gọi đó là vùng lá phổi cho kinh đô chỉ cách nó mươi chục cây số.
Thứ hai hôm “thả thủy” trên mặt hồ, Nỗ phát hiện ra một ngôi chùa đang xây thờ Phật quy mô khá hấp dẫn. Người ta kể rằng khởi thủy chỗ đó ngày xưa chỉ có ngôi chùa nhỏ lợp bằng lá tranh, trước mặt có tảng đá không cao lắm có hình người.
Thứ ba trong trại văn kỳ kỳ này có một nhà thơ tương đối đặc biệt. Hầu hết các bài thơ của ông ta là thuộc dòng “thơ nói”, cực gai góc.  Người như Nỗ từng quen với các thể loại thơ, nghe xong vẫn tởn da gà! Và đặc biệt nhất có một em mảnh mai nhưng giọng văn sắc nhọn, gay gắt trái hẳn với vẻ bề ngoài dìu dịu, ít nói của em.
Chỉ cần ba ấn tượng thế thôi, với Nỗ chuyến đi này đã có kết quả giá trị rồi.
Anh định sớm mai sẽ cùng một thơ sĩ nữa thuê tắc xi để về nhà. Đột nhiên có một cú điện thoại của một bạn vàng quen từ thủa hàn vi gọi đến. Không hiểu có chuyện gì, anh ta bảo: “ Tôi xin lỗi là không trực tiếp đến chỗ đón ông được. Nhưng tôi cần ông giúp tôi một việc. Ông về Hà Nội ngay chiều nay. Khoảng bảy giờ tối ở nhà hàng “ Cá heo”, kề ngay Bờ Hồ”. Hỏi có việc gì? Bạn vàng bảo “Cứ về sẽ nói sau”. Ừ thì về!
Nhưng về bằng cách nào? Ở cái thành phố dở hơi này, xe cộ đâu có dễ. Xe cộ ở mãi tận ngoài gần quốc lộ. Từ đây ra đấy mười mấy cây, chả nhẽ đi bộ. Cần xe ôm cũng phải có số điện thoại, không cũng tèo.
Đang lúng túng, gặp ngay em Dịu Dàng. Em ấy bảo lát nữa em ý có xe người nhà đến đón ra Hà Nội. Quen em ý từ ấy lâu, giờ mới biết em con nhà khá giả. Đi “trại văn” cũng có xế hộp đưa đi đón về. Chả giống mình, chuyên “vận động tự do” dù vào nam ra bắc thế nào cũng kệ. Cứ đại xa, xe lớn mà tìm. Kể cũng ngượng. Làm giai sống trong trời đất hễ có chuyện. lại phải nhờ vả phái “chân yếu tay mềm” thế này không ngại có mà đầu bằng cục gạch hay sao?
Nhưng bạn nhờ chuyện gấp, muối mặt mà làm, không có lựa chọn nào hay hơn. Thôi thì đi.
Em vui tính. Chuyện ở tòa soạn của em em kể cho mình nghe. Mình vỡ ra vài chuyện. Thì ra ở đâu chuyện bất kể hội gì, kể cả “hội nuôi lươn” của mình, cũng đều na ná giống nhau. Đều tanh và lắm khi khá buồn cười, khá ly kì một cách dở người giông giống nhau. Mình bảo em: “ Chuyện anh em mình nói với nhau thì được. Nói ra ngoài mất quan điểm”. Em chột dạ: “Vâng”.
Thành ra lúc chia tay, không khí như trầm hẳn. Cái đầu cục gạch của mình thật vô duyên. Em ý còn trẻ, nhưng đâu phải trẻ người non dạ? Chuyện không phải nông nổi mà nói. Em ý tin mình. Mình lại nói câu vô duyên vừa rồi. Thật chả ra làm sao! Em ấy chưa bị hâm, hay mắc “bệnh sợ” kinh niên. Cần gì phải “Cảnh báo” bằng một câu thừa như thế?
**

Người như Nỗ đến nơi như thế này là rất hiếm khi. Hắn ta đi lạc mất một lúc mới tới nơi hẹn. Thoạt đầu nỗ đoán nhà hàng “Cá heo” theo bạn nói “dưới cột đồng hồ” là chỗ máy kem Thủy Tạ năm xưa nâng cấp.
Cứ làm như quen lắm rồi, Nỗ bấm thang máy lên tầng năm.
Nhân viên nhìn cái vẻ bề ngoài chẳng giống ai, chắc đoán Nỗ là kiểu trí thức giả cầy, hay học giả lẫn tính thế nào đấy hay đến đây uống cà phê, ngắm cảnh phố phường hoạt động về đêm.
Cái phong thái dạn dĩ khác người ấy của Nỗ chỉ làm cho các nhân viên trẻ của nhà hàng khẽ mỉm cười ý nhị mà không nỡ hỏi anh là ai? Đến đây có việc gì?
Hỏi một kẻ như vậy là dễ rách việc bởi kẻ đó có thể luôn coi trời như vung, chữ nghĩa hẳn là chẳng thiếu. Lại sẵn vốn liếng kinh nghiệm vạ vật trường đời.
Gần như chẳng ai hỏi gì. Không ai quan tâm đến hắn và hắn cũng chẳng để ý đến ai.
Nhưng lên đến nơi Nỗ mới biết mình nhầm. hắn lại thản nhiên như không quay lộn lại.

Thì ra nhà hàng “cá heo” không phải chỗ nào khác, đối diện ngay bên kia đường. Chỗ một thời là nơi bán hàng cung cấp theo bìa, một nhánh của cửa hàng Tông Đản chuyên phục vụ cán bộ cao cấp. Thời buổi kinh tế thị trường, nó không cần đến nữa, được hóa giá, thành công ty cổ phần.
Vẫn nhà hàng ẩm thực. Khách cả tây lẫn ta chen vai thích cánh. Phía sau xe bốn chỗ xếp từng dãy dài.
Vị trí độc đáo này, bài trí sang trọng, nhưng cửa hàng không được rộng rãi như các nơi khác trong thành phố. Khách đến đây phần nhiều bặt thiệp, ít ồn ào như nhà hàng Nỗ đến nhầm chỗ vừa rồi.
Bạn vàng đang ngồi cùng mấy vị nữa, hai đàn ông và một thiếu phụ không còn trẻ. Họ đang đọc và nghe một bài thơ của thiếu phụ kia.



( Còn nữa.. )

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: