Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Bài học lịch sử:



HẠ KIỆT VƯƠNG - HÔN QUÂN CUỐI ĐỜI NHÀ HẠ 
(
1818-1766 trước Công Nguyên)  
Vua Kiệt họ Tự tên Quý, là một đại hôn quân cuối đời nhà Hạ, vóc người cao lớn, giỏi võ khỏe mạnh, nhưng lại đam mê tửu sắc, sủng ái Muội Hỷ, bỏ phế việc triều chính. Vì làm vui lòng Muội Hỷ, Kiệt đã cho xây Dao Đài bằng bảy báu, vàng ngọc lấp lánh, trên cây treo thịt khô, dưới đất đào ao rượu, mỹ nữ chơi đùa trong đó, ngưỡng lên có thể ăn thịt, cúi xuống có thể uống rượu, ngày đêm đắm chìm trong tửu sắc. Trung thần khuyên can rằng:  “Háo sắc là gốc mất nước”. Vua Kiệt nói :“Trẫm nghe trong hàng thứ dân, người nam thì có bổn phận, người nữ có chỗ trở về, ăn no mặc ấm, ra vào cùng xe, phu phụ theo nhau. Trẫm làm vua của một nước, cùng với Muội Hỷ vui chơi, có gì là háo sắc?” Rồi tự cho mình giống như vầng mặt trời. Cho nên dân gian có câu : “Thời nhật hạt tang, dư cập nhữ hài vong” (Mặt trời kia lúc nào mất, ta sẽ chết theo ngươi). Về sau bị Thành Thang tiêu diệt lưu đày về Nam Sào, tự thiêu mà chết.
 
Lời bình:
   Quốc gia sắp thịnh,
          Ắt có điềm lành.
          Vận nước sắp hết,
          Yêu nghiệt tung hoành.
          Kiệt sủng Muội Hỷ,
          Bỏ việc triều Đình,
          Hoang dâm vô độ,
          Dẫn đến diệt vong.

    Lại nói kệ rằng:
          Hôn quân mất nước Hạ Kiệt Vương,
          Lưu luyến quên về say cảnh mộng,
          Tuy có sức mạnh khó thi thố,
          Lại không trí huệ trị triều cương,
          Rừng thịt rượu ao mãi vui chơi,
          Đài ngọc múa ca quên ngày tháng,
          Làm con nối nghiệp nhà họ Vũ,
          Đến đây giang sơn chốc tiêu vong.
Giảng theo văn Bạch Thoại:
          Hôm nay nói về vị hôn quân đầu tiên ở Trung Hoa. Sao gọi là hôn quân? Vua Kiệt được ở địa vị thiên tử cao quí, lẽ ra  có giang san rộng lớn, có tông miếu để cúng tế, có con cháu để nối nghiệp. Thế nhưng hôn quân này tuy có giang san nhưng không làm cho giang san giàu mạnh; tuy ở địa vị thiên tử tôn quí cũng không xứng là một thiên tử, tông miếu thì không được cúng tế, con cháu cũng không có để nối nghiệp. Vì sao? Bởi rằng vua Kiệt ngu muội, không hiểu được về thiên hạ là "Người có đức mới giữ được, người thiếu đức khó mà giữ được" -  Kẻ có đức thì được trời phò trợ, được người thuận theo; kẻ thiếu đức thì trời không phò trợ, người chẳng thuận theo, chỉ để giang san mất đi.
Hạ Kiệt Vương, họ Tự, tên Quý. Chữ quý này là chữ Quý trong “Nhâm Quý Thủy” (壬癸水), lấy đi chữ “thiên” (天) phía dưới của chữ quý, thay thế chữ “thị” (示) vào, chính là chữ  “tế” (祭). Với cái tên này không tốt lắm, nếu theo Nhâm Quý Thủy mà bàn, Nhâm Thủy là dương thủy, Quý Thủy là âm thủy. Cho nên Kiệt  tuy giỏi võ mạnh khỏe, nhưng không có học vấn gì, thân thể rất cao to, giống con trâu đần độn; trâu thì hung hăng mạnh khỏe, thân thể cũng rất to, nhưng mà rất đần độn.
Lúc Kiệt làm hoàng đế, lơ là quốc gia đại sự, chỉ biết ăn chơi hoan lạc, ra sức hưởng thụ mà chẳng quan tâm đến việc triều chính, hoang dâm vô độ, lại còn chiều chuộng Muội Hỷ quá mức. Cho nên nói người nữ là đầu mối gây ra tai họa,  làm nghiêng thành mất nước. Không chỉ người nữ là đầu mối gây ra tai họa, người nam cũng là đầu mối gây ra tai họa; nếu chỉ nói người nữ là đầu mối gây ra tai họa thì trong xã hội trọng nữ quyền thời nay người ta sẽ nói là không công bằng rồi, cho nên tôi nói người nam cũng là đầu mối gây ra tai họa. Mối họa này ở hai phương diện, người nữ ở phương diện lộn xộn, giả như người nam không lộn xộn cũng không thể trở thành đầu mối gây ra tai họa, cũng đều là cả hai hợp lại, mới biết có những vấn đề này phát sanh. Người ta nói rằng Muội Hỷ tuy rất đẹp, nhưng suốt từ sáng đến tối trên gương mặt không hề có nụ cười, chỉ khi nghe tiếng xé lụa, mới lộ vẻ tươi cười; xé lụa chính là đem tơ lụa ra dùng tay xé, Muội Hỷ vừa nghe tiếng xé lụa thì liền vui vẻ; cho nên vua Hạ Kiệt liền hạ lệnh mỗi ngày chở vô số vải lụa đến để xé cho Muội Hỷ nghe, để có được một nụ cười của Muội Hỷ.
Giảng đến đây, tôi lại nhớ đến một câu chuyện ở vùng Đông Bắc của tôi. Đây là một chuyện có thật, là một câu chuyện về hại người. Vùng Đông Bắc có trạm Đa Hoan, trạm Đa Hoan cách chỗ của tôi ở khoảng chừng mười tám dặm đường; ở đó có một người tên là Minh Ngũ. Tiền của Minh Ngũ có không biết là bao nhiêu, từ Bắc Kinh đến nhà Minh Ngũ hơn một ngàn năm trăm dặm đường, trước kia ông đi xe ngựa, không như bây giờ có xe hơi, xe buýt, xe lửa, máy bay, thì chẳng có gì đáng để nói. Từ Bắc Kinh đến nhà Minh Ngũ một ngàn năm trăm dặm đường, trên suốt quang đường đi Minh Ngũ không uống nước giếng của người khác, khắp nơi trên đường đều uống nước giếng của mình, dọc đường đều là đất của Minh Ngũ. Quí vị thử nghĩ như thế có bao nhiêu thôn trang, có bao nhiêu cái giếng? Số tiên ông có là bao nhiêu!  
Ông ta nhờ vào đâu mà phát tài thế? Đông Bắc là vùng sản xuất nhân sâm, nhân sâm nặng bảy lượng gọi là sâm, tám lượng gọi là bảo, trên tám lượng chính là bảo rồi. Minh Ngũ cùng người anh em kết nghĩa cùng lên núi đi phóng sơn. Phóng sơn ở đây có nghĩa là cầm cây gậy tỏa long, đầu trên cây gậy tỏa long không biết có để phía trên bao nhiêu đồng tiền xanh, vừa nhìn thấy nhân sâm liền la to “Gậy đập!”. Nhân sâm liền kêu gậy đập, nếu như quí vị không la lên như thế, nhân sâm liền ẩn đi; quí vị la lên như vầy giống như niệm thần chú, khống chế thần thông biến hóa của nó, nó biến không được. Cho nên người đi phóng sơn đều hiểu, tay cầm cây gậy tỏa long, vừa thấy nhân sâm, liền lấy gậy dộng mạnh xuống đất phát ra tiếng rồi la to “gậy đập”, mọi người đều hướng mắt nhìn đến chỗ đó, thì nhân sâm chạy không thoát. Người ta bảo rằng nếu quí vị không la lên như thế, thì nó sẽ bỏ chạy, quí vị sẽ không bắt được nó, đặt biệt là nhân sâm loại bảo (quý).
Minh Ngũ và người anh em kết nghĩa hai người đi phóng sơn, đi như thế đã được mấy năm. Có một lần, họ cùng đi phóng sơn, và lần này thì đào được đúng là nhân sâm loại bảo; bảy lượng gọi là sâm , tám lượng gọi là bảo, nhân sâm lần này e nặng hơn mười sáu lượng (một cân). Minh Ngũ vừa thấy được, liền nghĩ đây là loại rất đáng giá, nếu như ta chia cho người anh em kết nghĩa một phần, thế thì ta được không phải là ít đi sao? Thế rồi hai người cùng đi bộ về nhà, đi đến khe núi hiểm trở, Minh Ngũ liền đẩy tay xô người anh em kết nghĩa xuống khe núi làm thân xác nát tan. Do đó mà Minh Ngũ được của báu này, là dùng một mạng người đổi lấy, nhưng mạng người này không phải do tự nguyện, cho nên từ đó nãy sinh ra một luồng khí oán hận.
Cầm củ nhân sâm trong tay, Minh Ngũ muốn đi qua cửa thành Sơn Hải để dâng báu vật ấy cho vua; nhưng sợ nếu như đến cửa thành Sơn Hải, bị người ta đóng cửa kiểm tra, e rằng sẽ bị tịch thu, không thể đưa đến nơi Hoàng Đế được. Vì thế ông ta liền nghĩ ra một cách. Ông ta nghĩ ra cách gì đây? Minh Ngũ đã mua một cổ quan tài, đem củ nhân sâm để trong quan tài, nói là đưa linh cửu xác cha của mình đi về. Lúc Đến cửa thành Sơn Hải, nơi đó kiểm tra cũng rất nghiêm ngặt, nên đã yêu cầu : “Dù là xác người chúng tôi cũng phải xem thử.” Minh Ngũ bấy giờ vô cùng kinh sợ, toàn thân run rẫy. Lính gác bật nắp quan tài ra, quí vị thử đoán xem sự tình sẽ như thế nào? Củ nhân sâm này quả nhiên đã biến thành một ông già râu bạc, nằm trong quan tài. Điều kỳ diệu chính là ở chỗ này! Bởi vì nó là báu vật mà, Minh Ngũ muốn nó thế nào, nó sẽ thành ra thế ấy. Nhờ vậy mà Minh Ngũ lẫn được vào trong thành.
Đến được hoàng cung, Minh Ngũ vào cung dâng báu vật lên hoàng đế, hoàng đế mới hỏi ông ta: “Vật quý báu này của ngươi muốn đổi lại bao nhiêu tiền?” Đây là vật quý vô giá, lúc đó Minh Ngũ cũng không biết phải nói giá tiền là bao nhiêu mới phải; thế là ông ta chẳng biết làm sao, liền nằm xuống đất, hoàng đế bèn nói: “Ồ, ý ngươi là muốn một thảng à!” Vì thế vua cho mở kho, bạc trong kho liền tràn ra ngoài, số bạc tràn ra ngoài thuộc về Minh Ngũ, số còn lại bên trong kho là của vua. Cứ thảng một lần thế này thì biết bao nhiêu là tiền. Thế là Minh Ngũ liền đem số bạc này đi dọc đường mua đất hết; cho nên từ Bắc Kinh đến nhà ông ta, đất dọc đường đều là của Minh Ngũ, không có đất của người khác, mắc rẻ gì ông ta đều mua. Vì có nhiều tiền rồi nên được mọi người tôn xưng là Ông Minh Ngũ
Ông Minh Ngũ xây nhà, nhà của ông xây vào bên trong phải đi qua có đến năm dãy nhà; cách xây nhà của vùng Đông Bắc thời xưa đều có móng cột bằng đá để nâng các cột nhà. Quí vị thử đoán xem ông ta lấy gì làm móng cột? Chính là dùng bạc đấy, bạc Ông ta dùng tiền  có giác ( cẩn ) ngọc, dùng từng miếng bạc, để làm tảng đá kê chân trụ nhà. Lại nói đến chuyện đúc gạch, bên dưới mỗi viên gạch đều có bốn đồng tiền lớn, trước thời nhà Thanh tiền đồng rất có giá trị, nhưng gạch dùng để xây nhà cho Minh Ngũ thì được làm như thế. Điều này cho thấy ông ta là người rất mực giàu có.  Đợi đến lúc nhà cửa sắp xây xong , thì vợ ông ta cũng có thai sắp sanh, Minh Ngũ chợt nhìn thấy người anh em kết nghĩa bị mình xô xuống khe núi từ cửa cổng bước vào. Tay đang cầm điếu xì gà lớn, vừa nhìn thấy người anh em kết nghĩa đến, lần nầy Minh Ngũ biết là chuyện xấu rồi, liền bước ra đón, nhưng vừa đi đến sân nhìn, thì không thấy nữa!
Kết quả như thế nào đây? Trong nhà vợ ông liền sanh con trai, người trong nhà đến báo:  “Ông ơi đại hỷ rồi! Phu nhân đã sanh được một thiếu gia.” Minh Ngũ liền biết rằng: “Ồ ! Là đến đòi nợ đây rồi !” Minh Ngũ biết đây là người anh em kết nghĩa đã đến đầu thai, nhưng cũng không có cách gì, cũng không thể đem nó giết chết, liền nuôi dưỡng nó. Đứa bé này vừa sinh ra thì đã khóc, khóc không nín, chỉ thích nghe gì quí vị biết không? Nó chỉ muốn nghe tiếng đồ đạc bị đập vỡ, ví như cái chén vừa rớt xuống một tiếng lảng rảng vở tan, nó liền ha hả cười, không khóc nữa. Bất cứ món đồ nào vỡ thì nó cười, không vỡ thì nó khóc, từ lúc chào đời cho đến mãi về sau này đều là như vậy, giống như Muội Hỷ thích nghe tiếng xé vải. Đây đều là có nhân quả nghiệp oán ở bên trong, cho nên mới như vậy! Muội Hỷ cũng là đến báo thù Hạ Kiệt Vương, Hạ Kiệt Vương cũng chấp nhận, và ngoan ngoãn trả nợ, cho nên mới như vậy.
Con trai của Minh Ngũ tên là gì quí vị biết không? Nó tên là Tam Thành, có ý là nói nó chỉ cần lấy lại ba phần trăm món nợ cũ là được rồi, về sau Tam Thành lớn lên thì đánh bạc, hút thuốc phiện. Đánh bạc phải có vật thế chấp, chỉ một lúc mà Tam Thành đã đặt hết mấy cái giếng; một giếng xem như là một thôn, mấy cái giếng chính là mấy thôn, đánh bạc kiểu như thế. Khi đánh hắn cứ đứng đó lo hút thuốc phiện, cũng chẳng thèm nhìn; người ta mà nói: “Cậu Tam ơi! Thua rồi” hắn trả lời: “Tốt quá ! Tốt quá!" Người ta mà bảo: "Tam gia ơi, lần này thì cậu thắng rồi nhé." thì hắn liền quát ngay "Mẹ nó, thắng rồi sao chứ!". Cứ như thế này thì quí vị xem đây không phải là con phá nhà thì là gì nữa?
Do đây mà thấy được nhân quả báo ứng dù nhỏ như lông tơ cũng không sai sót, ai giúp ai, ai phá hoại ai, thì có nhất định. Cũng giống như một người chẳng nên trò trống gì như tôi đây, quí vị cùng đều đến giúp đỡ người chẳng nên trò trống này; lại có người còn thích nghe tôi nói chuyện. Thực ra, những gì tôi nói đều là nước lạnh hầm cải trắng, nhạt nhẽo không mùi vị, quí vị nào mà muốn nghe tôi nói chuyện, đều đã bị lừa rồi đó. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, quí vị có thể nói đều là đến trả nợ tôi, đại khái trước đây tôi từng cho quí vị ăn đồ ngon, và từng nói:“Các bạn đừng kén ăn nhé.” Cho nên tôi nói pháp, dù cho nói hay nói dở, các bạn vẫn ngồi đây kiên nhẫn nghe. Hạ Kiệt Vương cũng vì thiếu nợ Muội Hỷ, cho nên vừa rồi cư sĩ Môn Lão chẳng phải nói: “Muội Hỷ là âm kim, Hạ Kiệt Vương là âm mộc, kim khắc mộc.” Quí vị xem, đã lâu như thế, sự tình đã mấy ngàn năm trước, Muội Hỷ vẫn còn như thấy gan phổi của mình vậy, còn biết vua Kiệt là “kim nên khắc mộc, không thể giàu được”, cho nên làm đến thiên tử cũng nghèo. Đây chính vì Kiệt quá chiều chuộng Muội Hỷ, không lo triều chính. Để được Muội Hỷ vui lòng, đã xây Dao Đài bảy báu lấp lánh; rồi trên cây treo thịt khô, dưới đất đào ao rượu, để mỹ nữ vui đùa trong đó, như vậy thì đầu vừa ngẩng lên  thì ăn thịt được, thân vừa cuối xuống lại uống rượu được, Hạ Kiệt sớm tối đắm chìm vào tửu sắc, ngày ngày hoang dâm không biết tự chế, ở nơi đó mãi vui chơi như vậy.
Lúc bấy giờ cũng có trung thần can gián vua Kiệt rằng ham mê nơi tửu sắc là hành vi hại thân mất nước; vua cũng rất thông minh, nói: “Ta nghe nói thường trong trăm họ, người nam thì có bổn phận của mình, người nữ có chỗ trở về của mình, mặc ấm ăn no, ra vào trên cùng cổ xe, chồng vợ bên nhau. Ta chỉ là cùng Muội Hỷ âu yếm, cũng không phải là quá nhiều người nữ, đây có gì là hoang dâm? Uống tí rượu tính làm gì?” Hạ Kiệt ngụy biện như thế. Còn tự cho mình như vầng mặt trời, cho nên lúc đó mới có ca dao: “Lúc nào mặt trời này mới suy vong nhỉ? Bọn ta đều mong ngươi cùng đến chỗ chết.
Kết quả nước mất về Thương Thang.
Thương Thang tên là Lý, ông đem việc thiên hạ làm trọng trách, nên giành lấy chủ quyền thay nhà Hạ. Thương Thang đày Vua Hạ Kiệt đi Nam Sào, kết quả là vua Kiệt đã tự thiêu chết ở đó. Cho nên đầu tiên nói Hạ Kiệt Vương và vị hòa thượng Việt Nam gần giống nhau, vị hòa thượng Việt Nam cũng là tự thiêu mà chết; nhưng kia là hòa thượng, còn vua Hạ Kiệt là hoàng đế, đem ra so sánh lẽ ra thân phận một hoàng đế phải quan trọng một chút. Vị hòa thượng Việt Nam đã chết, về sau đã phải khiến nhiều hòa thượng khác cũng theo đó tự thiêu mà chết, đây đại khái đều là cộng nghiệp chăng? Do cọng nghiệp nên chiêu cảm ra vậy! 

Lời bình
Quốc gia sắp thịnh, ắt có điềm lành:   Lúc quốc gia sắp hưng thịnh, sẽ có các tướng điềm lành. Điềm lành chính là may mắn thuận lợi, thí như cổ tú song hợp, phụng hoàng lai triều.
Vận nước sắp hết,  yêu nghiệt tung hành:  Khi vận nước sắp mất, yêu nghiệt đều hiện ra, không yêu nghiệt này đến, thì cũng có yêu nghiệt kia hiện ra.
Kiệt sủng Muội Hỷ, không lo triều cương: Vua Hạ Kiệt sủng ái Muội Hỷ không lo đại sự quốc gia.
Hoang dâm vô đạo, dẫn đến diệt vong: Bởi vì hoang dâm không biết dừng, cho nên dẫn đến diệt vong, tự thiêu chết.
 
 
Lại nói kệ rằng
 
Hôn quân mất nước Hạ Kiệt hoàng,  lưu luyến quên về say mê cảnh mộng:  Dưới dòng không quay lại gọi là lưu, trên dòng không chảy gọi là liên; từ hưởng thụ không nhàm gọi là hoang, vui lâu không chán gọi là vong. Quên về chính là không biết đường trở về, mỗi ngày đều uống say sưa.
Tuy có sức mạnh khó thi thố, lại không trí huệ trị triều cương:    Hạ Kiệt tuy cao to và có sức lực, cũng không có chỗ dùng cho sức lực ấy, lại không có trí huệ để xử lý kỷ cương triều đình, đại sự quốc gia.
Rừng thịt rượu ao mãi vui chơi, đài ngọc múa ca quên ngày tháng:   Hạ Kiệt cho treo thịt khô trên cây, dưới đất thì cho đào ao rượu, dùng thất bảo xây đài ngọc, vàng ngọc rực rỡ, ở đó chỉ biết vui chơi, đã đến ngày nào, lúc nào, Hạ Kiệt đều quên.
          Làm con nối nghiệp nhà họ Vũ, Đến đây giang sơn chốc bỗng tiêu vong:  Vua Vũ nhà Hạ truyền ngôi cho con tên Khải, vua Vũ là một minh quân, nhưng truyền đến đời vua Kiệt đến đây thì hết, đến đây Kiệt đã làm hỏng hết cả sự nghiệp đế vương. Đây phải nói là đứa con phá nhà, đem cả giang sơn mà hủy hoại hết.
 
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng ngày 18 tháng 9, năm 1987.
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: