Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Tư liệu:


ẤN TƯỢNG NHẬT TUẤN

Huy Thắng

            Trong những nhà văn tôi được quen biết, gần gũi, Nhật Tuấn là gương mặt để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng.

            Trước hết, anh là một nhà văn viết rất nhanh và khoẻ, có một số lượng tác phẩm đồ sộ vào loại hàng đầu ở nước ta trong những năm qua. Tôi đồ rằng, ngay chính Nhật Tuấn cũng không thể nhớ hết những tác phẩm của mình đã viết và xuất bản. Vài chục cuốn tiểu thuyết, truyện dài, hàng trăm truyện ngắn, nhiều kịch bản phim truyện và phim truyền hình,…những tác phẩm ký tên anh và bút danh khác.
         
   Thực ra Nhật Tuấn là “típ” người ham chơi. Anh kém khoản bia rượu, cũng không máu cờ bạc, đỏ đen. Thuốc lá say một thời rồi sợ bệnh, cũng bỏ. Nhưng có những đam mê quyến rũ tiêu tốn của anh khá nhiều sức lực, tiền bạc và thời gian, mà anh khó dứt bỏ.

            Nhật Tuấn quảng giao, lắm bạn bè. Ngoài những lúc buộc phải có mặt ở cơ quan họp hành, tiếp cộng tác viên theo lịch hẹn, hay đến nhà in sửa bản in cho những cuốn sách anh biên tập, thời gian còn lại anh dành cho bạn.

            Ngày mới từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh, anh chỉ có một thân một mình. Sức lực dồi dào nên anh có thể thường xuyên trò chuyện với bạn thâu đêm suốt sáng. ấy vậy mà sách anh viết vẫn xuất bản đều đều. Thoàng không để ý ít lâu, rẽ qua các hiệu sách, sạp báo thế nào cũng lại trông thấy một cuốn mới của Nhật Tuấn. Vào những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, sách của Nhật Tuấn ra đều đều và bán chạy lắm. Sau này anh viết có chậm hơn.

            Ban đầu tôi thắc mắc không biết Nhật Tuấn nghĩ rồi viết vào  những lúc nào, nhưng khi từ Hà Nội vào, có dịp cùng ăn, cùng ngủ với anh một phòng hồi anh còn ở tạm tại chi nhánh Nhà xuất bản Văn học đường Nam Kỳ khởi nghĩa gần cầu Công lý, tôi mới rõ ra. Anh có thể viết bất cứ lúc nào, ở đâu. Nếu ban ngày bận thì lấy đêm thay, nhiều khi viết qua đêm. Những lúc tôi vào chơi, anh bận rộn với tôi suốt ngày. Và cũng không chỉ mình tôi, khá nhiều bạn bè thân thiết từ thủa hàn vi Hà Nội mà tôi biết như hoạ sĩ Trịnh Tú, hoạ sĩ kiêm nhà thơ Chu Hoạch, nhà thơ Phạm Đình Ân, nhà văn Dương Thu Hương, nhà báo Phạm Thanh Hà, nhà văn Nguyễn Khắc Phục từ Nha Trang vào, anh cũng bận rộn thế. Phòng anh ở lúc nào cũng ồn ã tiếng bè bạn.

            Một lần hai đứa đi chơi về đã khuya, tôi nói anh đi nằm nhưng anh bảo tôi cứ ngủ trước. Khi tôi thoải mái nằm trên giường thì anh đi tắm và sau đó cứ cái quần đùi, cởi trần anh tới chiếc máy chữ nhỏ xíu kiểu cổ mua lại với giá rẻ, xếp các tờ “pơ luya” ố vàng đan xen các lượt giấy than ngay ngắn bằng bặn rồi kẹp vào máy và anh bắt đầu gõ liên tục.

            Tiếng lóc cóc kiểu mổ cò của anh ban đầu làm tôi không ngủ được, nhưng rồi mệt tôi thiếp đi lúc nào không biết. Gần sáng tôi có lúc chợt thì vẫn thấy ánh đèn và tiếng máy chữ gõ lóc cóc. Cho đến sáng bạch, tôi tỉnh giấc trở dậy thì mới thấy anh đi nằm. Trên bàn viết cạnh chiếc máy chữ là cả một xấp bản thảo anh đánh máy đêm qua, dễ có đến mấy chục trang.

            Tôi biết, mỗi nhà văn có một cách làm việc riêng, nhất là khi viết truyện dài hay tiểu thuyết. Có người trước khi viết thường làm bản đề cương khá chi tiết, chia thành từng chương, hồi, mỗi nhân vật lại kèm theo một bản “lý lịch” tỉ mỉ. Nhật Tuấn thì ngược lại. Hình như anh không có thói quen sắp xếp chuẩn bị nhiều trước khi viết. Tất nhiên, không phải anh không có ý đồ, dự tính trong đầu nhưng chỉ khi ngồi vào bàn trước chiếc máy chữ anh mới vừa nghĩ vừa đánh máy. Rồi câu chuyện và các nhân vật dẫn dắt mạch suy nghĩ của anh, có khi hoàn toàn lái đi theo một hướng khác hẳn. Anh dường như không viết nháp và rất ít khi sửa chữa. Bản thảo đánh máy xong so với bản được in gần như không khác nhau là mấy.
           
Sức viết của Nhật Tuấn thật đáng phục. Ham chơi, ham vui  nhưng khi làm việc anh cần mẫn y như người đi cày vào vụ. Chỉ khác người đi cày thì làm việc bằng chân tay và làm vào ban ngày còn anh thì ngược lại.

            Nhật Tuấn viết như một nhu cầu tự thân. Nhiều người khi thành danh, có nhà cao, cửa rộng, thường thoả mãn, dễ sinh ra lười nhác. Sắp vào tuổi 70, Nhật Tuấn vẫn cần cù viết. Ngay cả những ngày mới đây thôi, lang thang trên đất Mỹ, anh cũng đâu có buông bút. Trên tuần báo Văn nghệ vẫn thấp thoáng truyện ngắn Nhật Tuấn. Trên đất khách quê người anh vẫn viết về những kỷ niệm tốt đẹp của bạn bè văn chương thời bao cấp và viết về những con người lao động vất vả nơi quê nhà.

            Tên anh đã được nhiều bạn đọc biết đến. Tiền anh cũng đã dư dả. Nhưng anh vẫn viết. Anh viết vì một niềm đau đáu đam mê, một thôi thúc  từ con tim trước nhân tình thế thái. Vì thế, truyện anh viết, khi đọc lên luôn làm ta khắc khoải.

            Tôi có cảm giác, bất cứ một cái tên nào đó, một con người nào đó dù chỉ lướt đi qua anh cũng có thể dễ dàng sau đó trở thành những nhân vật, những câu chuyện hoặc chi tiết trong tác phẩm của anh. Nhật Tuấn viết thật dễ dàng, cứ như mọi thứ đã có sẵn trong túi áo, chỉ cần anh mất công lấy ra là thành. Nhiều khi cái tên của nhân vật anh cũng lấy từ tên một người bạn nào đó. Những sự việc từ trong các mối quan hệ, có khi là bạn bè, có khi là cơ quan, thậm chí gia đình,… có thể lập tức hoá thân vào ngay trong tác phẩm của anh. Tất nhiên đó hoàn toàn chỉ là cái cớ để anh sáng tạo nhưng đôi khi cũng gây ra những thắc mắc phiền phức. Có người còn khẳng định rằng có những truyện anh viết nhằm nói xấu người này, ám chỉ người kia mà anh không ưa hoặc có điều gì đó đã làm anh tức giận. Vực này có lẽ phải hỏi chính Nhật Tuấn thì mới rõ hư thực.

            Vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, bút danh Nhật Tuấn xuất hiện trên tuần báo Văn nghệ cùng với một loạt những người viết trẻ cũng xuất thân công nhân sản xuất như Nguyễn Mạnh Tuấn, Tô Ngọc Hiến, Lưu Nghiệp Quỳnh, Tùng Điển,…Từ mái nhà văn học sang trọng ấy, tên của các anh đã dần dần được khẳng định.

             Riêng với Nhật Tuấn thì như một phát hiện khi một loạt truyện ngắn của anh được in trên báo rồi sau đó được phát liên tục vào mỗi đêm trong chương trình Đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam. Hẳn đến hôm nay, mấy chục năm qua đi nhưng rất nhiều bạn đọc có tuổi, trung niên và cao niên vẫn không thể quên các truyện ngắn của Nhật Tuấn ngày ấy. Những câu chuyện nhẹ nhàng, độc đáo, đầy ăm ắp tình người.

            Sau khi chuyển vào sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, Nhật Tuấn càng viết khoẻ. Những truyện của anh tuy vẫn còn nguyên cái trong trẻo, tình cảm nhưng ít nhiều đã thay đổi so với trước, dữ dội và quyết liệt hơn. Các nhân vật đã mở rộng, xô bồ hơn. Nếu trước là những cô gái trẻ mới học ra trường đầy trong trắng, ngây thơ, những anh công nhân cần cù, chân thật, những ông giám đốc tốt tính nhưng vô dụng,.. thì giờ đây có thêm cả  những ả cave lọc lõi, những cô gái miệt vườn ra thành phố mơ ước đổi đời nhanh chóng bằng cách chỉ cần xách túi lên máy bay đi làm dâu xứ người, hoặc những anh phu hồ, những gã cò mồi, mánh mung,… Anh cũng thật sắc sảo, tinh tế trong các chi tiết mô tả những cảnh yêu đương, làm tình, những mưu mô xảo quyệt toan tính triệt hạ nhau để giành quyền lực, lợi nhuận,…

            Một dạo Nhật Tuấn viết truyện vụ án cũng ấn tượng. Có đầu nậu sách lặn lội bay từ Hà Nội vào tìm anh để đặt mua cả chục ngàn cuốn mỗi loại, kiểu như Sư tử biển, Gặp gỡ ở Cỏ may,… Một số người cũng giầu lên vì các vụ áp phe sách của anh.

            Trong lĩnh vực tiểu thuyết Nhật Tuấn viết khá nhiều. Có truyện anh viết hay nhưng thật tình không ít truyện không gây được tiếng vang. Nhiều cuốn còn dễ dãi, dù ít nhiều có dấu ấn của riêng anh. Tuy vậy Nhật Tuấn cũng để lại cho văn học Việt Nam một tác phẩm để đời “Đi về nơi hoang dã”, xuất bản năm 1988 và sau đó được tái bản nhiều lần, cả trong nước và nước ngoài.

            Nhà văn Trần Hoài Dương cho rằng với tiểu thuyết này, Nhật Tuấn có công lớn là đã đưa được tư tưởng thời đại vào tác phẩm của mình, điều mà văn học nước ta luôn luôn thiếu.

            Nhưng có điều lạ, số phận cuốn sách như bị chìm khuất. Những nhà nghiên cứu, phê bình tuy nói rất nhiều đến những thành tựu văn học trong thời kỳ đổi mới nhưng gần như không nhắc đến “Đi về nơi hoang dã”. Để mãi gần 20 năm sau, nhà văn Văn Chinh mới có một bài viết dài trên báo Văn nghệ nói về cuốn tiểu thuyết này.

             Văn Chinh viết: “Đặt tiểu thuyết “Đi về nơi hoang dã” trong thành tựu 20 năm đổi mới của văn xuôi Việt, tôi thấy nó là một trong mấy cái đỉnh nhô lên khỏi nền chung đã không ngừng cao lên. Không có tên trên bản đồ tiểu thuyết với những” “Thời xa vắng”, “Nỗi buồn chiến tranh”, “Bến không chồng”, “Mảnh đất lắm người nhiều ma”,… nhưng tôi thấy “Đi về nơi hoang dã” là tiểu thuyết hay hơn cả so với các cuốn trên. Nó đã là một chỉnh thể nghệ thuật. Cái mới mà tác giả đóng góp cho văn xuôi làm diện mạo cổ điển chợt lung linh sáng.”.

            Những nhận xét, đánh giá thẳng thắn, táo bạo, khách quan đầy trách nhiệm của Văn Chinh không phải không gây nên dư luận. Có những phản ứng khác nhau, để rồi người ta tìm đọc và có những cái nhìn chính xác, công bằng hơn về cuốn tiểu thuyết này.

            Nhật Tuấn luôn tự coi mình là người của đường phố, tức người của mọi người. Giàu hay nghèo, sang hay hèn, tên tuổi hay bình thường, quan chức hay kẻ khốn cùng,…anh đều có thể quan hệ một cách thoải mái, bình đẳng. Qua đó anh có nhiều chất liệu thực tế để viết về mọi con người, mọi cuộc đời.
           
Anh viết tưng tửng, khách quan nhưng người đọc nhận biết được thái độ của anh, hoặc cảm thông,hoặc thương yêu hay căm ghét, khinh bỉ. Anh không mang cái tôi chủ quan để áp đặt mà người đọc sẽ tự nhận biết bởi vì anh như đã hoá thân vào các nhân vật anh viết chứ không phải như một người xa lạ, đứng ngoài.

            ở ta, nhà văn nói chung thường nghèo. Nhưng một vài trường hợp, điển hình như Nhật Tuấn thì ngược lại, anh sống được bằng nghề văn. Khi có tiền anh cũng là tay chịu chơi. Anh là người luôn đi tiên phong trong việc mua sắm các trang thiết bị hiện đại như dàn âm thanh nổi, máy vi tính xịn, mua đất, xây biệt thự, mua nhà. Một dạo, giới văn nghệ ồn lên vì có những nhà văn đã mua được ô tô riêng. Thì trong đó cũng có cả Nhật Tuấn. Anh sử dụng những đồng tiền kiếm được một cách thoải mái bằng chính tài năng, trí tuệ và sức lao động của mình khác hẳn những kẻ buôn gian, bán lậu, những quan chức biến chất, ăn cắp tiền mồ hôi xương máu của người dân để tiêu pha vô tội vạ.

            Nhật Tuấn là người thẳng thắn cả với chính bản thân. Như anh tự thú nhận, không giấu giếm, không che đậy rằng mình là kẻ ba lăng nhăng, yêu đương dắt dây.

            Anh sống thế nào thì phơi bày , nói ra thế nấy, không rao giảng đạo đức giả. Với những người đã là vợ chính thức thì hẳn anh còn nhớ nhưng tôi chắc những mối tình với những người đàn bà, những người con gái đã từng đi qua đời anh dù lâu hay mau anh có lẽ không thể nhớ hết.

            Với những mối tình đã trải qua của Nhật Tuấn, có người lên án, phê phán ngay trước mặt và cả nói lén sau lưng anh. Nói rằng anh lăng nhăng không sai nhưng tất cả, có lẽ năng lực yêu đương ở nơi anh quá mạnh. Con người tưởng cứng rắn vậy mà trái tim lại thật mỏng manh, yếu đuối. Gặp người con gái nào anh cũng thấy những nét đẹp, những vẻ đáng yêu của họ. Và có lẽ chính họ mới là người đã chinh phục anh. Tuy có thể mê đắm đến vật vã đau khổ nhưng khi đã khám phá hết những bí ẩn nơi nhau thì thường Nhật Tuấn là người bỏ chạy trước. Nếu trách anh thì có lẽ anh là ngườiquá tự tin, quá kiêu hãnh, luôn muốn chiếm đoạt một cách vội vàng, cảm tính, tham lam và ích kỷ để sau những phút mặn nồng là một sự vỡ vụn, ân hận, gây đau khổ không chỉ ở một phía.

Những người đàn bà đi qua đời Nhật Tuấn dù ngắn hay dài, lý do tan vỡ có thể từ phía này hay phía khác nhưng ít nhiều bao giờ cũng để lại trong lòng Nhật Tuấn những ám ảnh.

Và vì thế, Nhật Tuấn đã phải trả giá không nhỏ cho rất nhiều những mối tình đã lần lượt đi qua đời anh.
Nó làm hao phí không chỉ sức lực và thời gian, nếu không, trong bộ nhớ chiếc máy tính cá nhân của anh còn chật thêm không biết bao nhiêu trang viết nữa. Và chắc chắn, nếu không, độc giả cả nước sẽ còn được đọc thêm biết bao Trang 17 hoặc Đi về nơi hoang dã khác nữa.

Nhưng cũng có ai đó nói rằng, nếu Nhật Tuấn không sống như thế thì làm sao anh có thể hiểu và viết nên Những mảnh tình đã vỡ xúc động và chân thành đến thế.

Một nét đáng chú ý nữa là không như các nhà văn lớp đàn anh hoặc lớp nhà văn cùng trang lứa thường có những giá sách chật cứng, ngăn nắp trong nhà còn Nhật Tuấn hầu như không có nhiều sách. Anh để đâu tôi không tiện hỏi nhưng những nơi anh đã ở mà tôi có dịp qua lại, từ căn phòng tại chi nhánh xuất bản văn học, sau này anh chuyển về Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận rồi chuyển tới Nguyễn Kiệm,…tôi có chú ý nhưng đều không thấy  hoặc có cũng chỉ chỏng trơ vài ba cuốn. Ngay sách của anh viết ra tôi có cảm giác anh cũng không lưu giữ. Tôi nhớ, hồi đầu năm 1990, gặp tôi, anh hỏi:

-Cậu còn giữ được cuốn “Đi về nơi hoang dã” mình tặng cậu không”
Tôi gật đầu hỏi lại “Để làm gì?”.

Tuấn bảo:“Mình đang định cho tái bản nhưng tìm mãi không còn cuốn nào ở nhà. Cậu cho mình mượn lại. In xong mình xin gửi trả gấp đôi”. Tuấn nói vui vậy nhưng sau mỗi lần tái bản cuốn sách, anh đều gửi tặng tôi và tôi đã giữ tất cả những sách Nhật Tuấn tặng như một kỷ niệm.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: