Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

LƯỢC THUẬT CUỐN MAO TRẠCH ĐÔNG - NGÀN NĂM CÔNG TỘI



nguồn sách ebook: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn1ntn1n4n31n343tq83a3q3m3237nvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1


Sáu mươi năm trước Mao đã thắng trong một cuộc chiến “da thịt tàn nhau”, đuổi Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan. Người dân Trung Quốc được dạy đấy là công lao. Nhưng, rồi nhiều người trong số họ cay đắng nhận
ra đó là ngày Mao bắt đầu biến Đại Lục thành địa ngục. Sau đây là những thông tin lấy từ cuốn Mao Trạch Đông – Ngàn năm công tội, được viết bởi một nhà nghiên cứu và giảng dạy tại Học viện Quân sự cấp cao Trung Quốc, Đại tá Tân Tử Lăng.

Đại tá Tân Tử Lăng viết: “Mọi sai lầm lớn của Mao như giết hại công thần, gây bè phái trong đảng, bám chặt lấy chế độ lãnh đạo suốt đời và gia đình trị, dung túng phe đảng Giang Thanh, đều thuộc thuật cầm quyền của vua chúa”. Nhưng, cho dù lịch sử Trung Hoa có không ít hôn quân, có lẽ không một thiết chế nào trước đó cho phép một con người có thể táng tận như Mao tồn tại. Tháng 8-1958 khi cả nước mới chỉ sản xuất được 4,5 triệu tấn thép, Mao ra lệnh năm ấy phải nâng sản lượng thép lên 11 triệu tấn. Mao nói: “Phải chuyên chế, phải kết hợp giữa Karl Marx và Tần Thuỷ Hoàng”. Có lẽ không có nhà lãnh đạo quốc gia nào như Mao, ra lệnh “gom phế liệu và tháo dỡ cả đường sắt để đúc thép nhằm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng”.

Cho dù các con số sắt thép làm ra chỉ là những báo cáo dối trá, việc huy động những người khoẻ mạnh đi làm “gang thép” đã khiến cho thóc lúa hư hỏng ngoài đồng không có người thu hoạch. Ở huyện Tỉnh Nghiên, Tứ Xuyên, năm 1959, vào lúc đói kém nhất, bình quân mỗi ngày một người chỉ được phân phối 100 gam lương thực; cứ 8 người dân, có một người chết đói. Sau gang thép, Mao phát động cao trào “đại tiến vọt” lần hai. Ngày 3-9-1958, Mao tuyên bố: “Sản lượng lương thực có thể tăng lên 370 triệu tấn, gấp 2 lần năm ngoái. Nếu năm 1959 lại tăng gấp 2 lần thì sản lượng lương thực sẽ là 750 triệu tấn”. Khi các địa phươngbáo lên sản lượng lương thực không những tăng mà còn xấu hơn, Mao sợ bẽ mặt bèn cho rằng ‘lương thực bị giấu bớt” rồi hăm: “Phải tiến hành một đợt giáo dục kiên quyết”. Để quán triệt tinh thần kiên quyết của Mao, Khu ủy Tín Dương, tỉnh Hà Nam tập họp 6.000 người để đấu tố 60 người “giấu bớt lương thực” không nộp cho nhà nước. Nhưng, chính những người đi dự hôm ấy cũng đang không có lương ăn, một người chết đói tại chỗ, 19 người chết trên đường về nhà. Trên tinh thần ấy, tỉnh Hà Nam dù thu hoạch 9,75 triệu tấn vẫn báo cáo lên 22,5 triệu tấn. Năm 1959, trên toàn quốc, theo báo cáo: 270 triệu tấn lương thực, thực tế chỉ có 170 triệu tấn; năm 1960 giảm còn 143 triệu tấn.

Theo Đại tá Tân Tử Lăng, mùa xuân 1960 nạn đói tràn lan, có làng 80 ngày người dân không có một hạt gạo vào bụng, vậy mà Bí thư Khu ủy Tín Dương vẫn lên giọng: “Không phải thiếu lương thực, 90% là vấn đề tư tưởng”. Trước đó, khi Bí thư Tỉnh ủy An Huy Trương Khải Phong cho giải tán 4.000 nhà ăn tập thể vì không còn lương thực, Mao phê vào báo cáo: “Trương Khải Phong đứng trên lập trường giai cấp tư sản, mưu toan phá hoại nền chuyên chính vô sản”. Khu ủy Tín Dương sau đó lại càng “chuyên chính” hơn, phong tỏa, không cho dân chúng ra khỏi làng. Theo tài liệu do Bộ Chính trị Trung Quốc “giải mật” sau này, những năm ấy Tín Dương có hơn một triệu người chết đói. Trịnh Đại Quân, một cán bộ Ban Công tác nông thôn huyện Sùng Khánh kể rằng, một đội sản xuất có 82 hộ, chỉ trong một năm, từ tháng 12-1959 đến 11-1960 có 48 bé gái 7 tuổi trở xuống bị người lớn làm thịt, chiếm 90% số bé gái cùng độ tuổi. Trịnh Đại Quân kể, người ta phát hiện ra vụ ăn thịt trẻ em đầu tiên do toán điều tra nhìn thấy “một làn khói mỏng tỏa ra từ mái nhà bần nông Mạc Nhị Oa”. Họ bao vây, vu hồi, rồi đồng loạt nhảy vào: “Nhà Nhị Oa 8 nhân khẩu, đã chết đói 2, nhưng chỉ còn lại 5. Bé gái Thụ Tài đang bị luộc trong nồi. Trong lúc tổ tuần tra tìm dây trói can phạm, Nhị Oa và mấy đứa con lao vào cướp thịt Thụ Tài nhai ngấu nghiến”. Nạn ăn thịt trẻ con sau đó còn lan ra: “Kẻ nhẫn tâm thì ăn thịt con ngay tại nhà mình. Kẻ mềm yếu hơn thì gạt nước mắt đổi con với hàng xóm”…

Nạn đói có thể không tới mức như vậy nếu như tháng 6-1959 mặc dù tình hình lương thực giảm, Mao vẫn quyết định xuất khẩu 4,19 triệu tấn để lấy vàng và đô la. Theo số liệu chính thức do Bộ Chính trị Trung Quốc giải mật tháng 9-2005, sau 4 năm Mao phát động “cao trào xã hội chủ nghĩa ở nông thôn” có tới 37,55 triệu người chết đói.

Nhưng, “đói” chưa phải là bi kịch lớn nhất của người Trung Quốc. Ngày 30-4-1957, Mao gặp đại diện trí thức, động viên góp ý cho Đảng, giúp sửa chữa sai lầm. Mục tiêu của Mao là dùng đại hội này để xác lập vị trí lãnh đạo tư tưởng của mình trong giới trí thức, nhưng tình hình diễn biến không như Mao trông đợi. La Long Cơ, Bộ trưởng Lâm Nghiệp, lãnh tụ của giới trí thức từ Âu – Mỹ trở về phát biểu rằng: “Tiểu trí thức chủ nghĩa Marx-Lenin lãnh đạo đại trí thức của giai cấp tiểu tư sản là người mù chỉ đường cho người sáng mắt”. Mao nổi giận. Một mặt vẫn cho thảo luận để “dụ rắn ra khỏi hang”. Một mặt, dựng lên “Vụ án chống đảng”. Theo thống kê của Trung Quốc, có 552.877 trí thức là nạn nhân của “vụ án” do Mao lập ra này.

Nhưng, Cách mạng văn hóa mới là trung tâm của địa ngục. Cuộc Cách mạng do những thanh niên bị kích động được gọi là Hồng vệ binh, chỉ riêng hạ tuần tháng 8-1966, khi mới bắt đầu, “nội thành Bắc Kinh đã có hàng ngàn người bị đập chết tươi. Nhiều người khi ấy được chứng kiến những cuộc tắm máu, những kiểu giết người man rợ thời Trung cổ”. Cả nước có 10 triệu gia đình bị lục soát. Sinh viên sư phạm Bắc Kinh kéo về Sơn Đông “san bằng” mộ Khổng Tử. Lăng mộ Hạng Vũ, Gia Cát Lượng, Ngô Thừa Ân… cũng bị đập phá. Ngay đến một người bạn chiến đấu của Mao, đang là Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, ông Lưu Thiếu Kỳ, cũng bị Mao bỏ mặc cho Hồng vệ binh tàn sát. Năm ấy ông Lưu đã 69 tuổi, tay bị thương khi cùng Mao chiến tranh, tận mắt chứng kiến vợ là Vương Quang Mỹ bị bắt giam; ba người con đang tuổi đi học bị đưa vào trường thẩm tra; bé út 6 tuổi phải theo bảo mẫu ra khỏi Trung Nam Hải. Ông Lưu, bị giam ngay trong phòng Chủ tịch nước, với 7 cái răng còn lại, cơm ăn thì thường là thiu, ông bị tiêu chảy, lại không thể thay quần áo, trong phòng hôi nồng. Đã thế, ngày nào cũng bị đấu tố, hạ nhục rồi bị lưu đày cho đến khi chết đau đớn hơn cả một kẻ ăn mày. Cuộc Cách mạng văn hóa kéo dài 10 năm đã lấy thêm sinh mạng của gần 20 triệu người dân Trung Quốc.


Đại tá Tân Tử Lăng giải thích: Thoạt đầu Mao làm “đại tiến vọt” để đưa Trung Quốc vượt qua các nước phương Tây hòng làm ‘lãnh tụ thế giới”. Khi thất bại, dẫn tới cái chết của hàng chục triệu dân thì Mao lại làm tất cả mọi việc để hòng che đậy những sai lầm ấy. Đại tá cho rằng: “Không có sai lầm của đại tiến vọt thì không có đại cách mạng văn hóa để bức hại Lưu Thiếu Kỳ, gạt bỏ Lâm Bưu, phế truất Đặng Tiểu Bình…nhằm đưa Giang Thanh lên nắm quyền”. Theo Đại tá: “ Mao truyền ngôi cho Giang Thanh là bất đắc dĩ. Nhưng, Mao cần có hai thế hệ: Giang Thanh và Mao Viễn Tân, đủ để viết lại lịch sử, chối phắt trách nhiệm làm 37,55 triệu người chết đói”.


Cuốn sách mô tả rất chi tiết những mưu mô của Mao. Nhưng, Đại tá Tân Tử Lăng cho rằng nếu như người dân có tiếng nói, các thiết chế đảng và nhà nước có tiếng nói, những người có lương tri nói lên sự thật với Mao không bị quy kết là “chống Đảng” thì Mao không thể gây ra những tội ác đau thương cho nhân dân, cho đồng chí của mình như thế. Thật cay đắng khi theo Đại tá Tân tử Lăng, chỉ khi “vị cứu tinh” chết đi nhân dân Trung Quốc mới có đường để sống. Những cải cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đặng Tiểu Bình khởi xướng là thực hiện lại một phần những gì mà người dân Trung Hoa đã có từ trước ngày 1-10-1949. Đại tá Tân Tử Lăng lý giải: “Chỉ cần trả lại quyền lợi và tự do cho nhân dân, tự họ sẽ lựa chọn con đường phát triển và sáng tạo tương lai xán lạn”.


Cuốn sách được xuất bản tháng 7-2007 và tái bản tháng 6-2008 tại Hong Kong, nhưng đã gây chú ý đặc biệt và gây tranh cãi trong người dân Đại lục. Có lẽ vẫn có những người dân Trung Quốc ngưỡng mộ Mao; có lẽ vì hơn 60 năm qua họ đã được dạy Mao là người vĩ đại; có lẽ họ không muốn phủ nhận chính họ vì một thời họ đã tôn sùng Mao, đã trở thành Hồng vệ binh gây nhiều tội ác. Nhưng, có lẽ, cũng có nhiều người Trung Quốc tự hỏi, nếu như không có ngày 1-10-1949, Trung Quốc có phải trải qua 3 thập kỷ địa ngục như vậy không. Lịch sử không có chữ “nếu”, cho dù có ai đó đang nghiên cứu về con đường mà Việt Nam lẽ ra đã đi nếu như Mao không nắm quyền kể từ năm 1949.


Thông tấn xã Việt Nam đã cho dịch và xuất bản cho các cơ quan, đơn vị cuốn sách của Đại tá Tân Tử Lăng. Mục tiêu của Thông tấn xã Việt Nam thường không phải kinh doanh.

Huy Đức điểm sách


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: