Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

TƯ LIỆU VH:



CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN ( KỲ 17)

               
                                              
            NHÀ THƠ HOÀNG CẦM
 
Tôi ở phố Ấu Triệu, nhà thơ Hoàng Cầm phố Lý Quốc Sư, cách nhau nửa con phố ngắn nhưng ít khi tôi mò sang quán rượu số 43 của ông. Gọi là quán cho sang, ngang dọc lối chừng 5-6 mét, mấy chiếc ghế gỗ, bàn nhỏ. Một lần nhà thơ Lê Xuân Đố cùng ca sĩ Trần Khánh ghé tôi rủ sang quán rượu Hoàng Cầm. Quán chỉ có hai người “phục vụ” : chị Yến , phu nhân Hoàng Cầm làm đồ nhậu lạc rang, thịt bò khô…nhà thơ “phụ trách “ rót rượu. Ngồi nhấm nháp chốc lát rồi cả bọn kéo nhau lên gác xép. Lê Xuân Đố bảo anh Hoàng Cầm đọc thơ. “ Em ơi buồn làm chi ? Anh đưa em về bên kia sông Đuống…”, nhà thơ đọc chưa hết nửa bài nước mắt đã ròng ròng. Chợt bên tai vang lên hồi chuông nhà thờ Lớn gọi con chiên lễ chiều. Trong này nỗi buồn sông Đuống , ngoài kia nô nức vây quanh tượng Đức mẹ Hòa Bình giữa sân nhà thờ Lớn. Tôi cũng không biết nên buồn hay vui ?  
Năm 1980 trước khi chuyển vào Sàigòn tôi ghé chào nhà thơ. Ông chép tặng tôi bài “U gì ?”. Rất tiếc tôi không còn giữ bản chép tay, đành trích theo Hoàng Hưng :
“Lỗ chỗ chín chậu nắng tóe mắt võng rách tụt cân đai yên ngựa què kéo đen ngòm cỗ xe bánh vuông (không thấy mui) sa lầy bãi sông thu bùn lũ ngược vẫy sen tàn (đi hoang ư) ngậm miệng nghỉm gió thốc lốc cung rê-ma-giơ quắt nhức ba cạnh nhung gai lì ái ân gì dài thon mười búp lóa kim cương trắng sữa đầu vú núi cao ngất lùm cỏ ngọt ước ao...”
Bài này đã vượt khỏi âm hưởng “kinh Bắc”, đậm chất avant-garde  như “ Ô mai” của Đặng Đình Hưng, “Ngàn lẻ một mùi hương “ của Dương Tường, “ Gốc gió”, “Con ngựa vào thành phố “ của Hoàng Hưng..
Năm 1982, một Việt kiều tên “Hùng Canada” ( sau nghe nói là nhà văn Nam Dao) về nước tính mang tập thơ “Về kinh Bắc “ ra hải ngoại , từ đó đẻ ra vụ án Về Kinh Bắc “lưu truyền văn hóa phẩm phản động”.
Tháng 8-1982 nhà thơ Hoàng Cầm bị bắt, 16 tháng sau mới được tha. Trong vụ này nhà thơ  vốn nhát sẵn lại thêm nàng tiên nâu hối thúc nên đã khai tuốt luốt , nhanh chóng nhận tội nói xấu chế độ và tỏ lòng ăn năn hối lỗi.
Sau khi ra tù được ít lâu, trên báo Tuổi Trẻ có đăng bài thơ của Hoàng Cầm với lời đề :” Kính tặng anh Phạm Hùng”, ông này lúc đó là Bộ trưởng Bộ nội vụ tức Bộ công an sau này.
Tôi không tin vào mắt mình, lập tức gọi điện cho nhà thơ Dương Tường :
“ Sao Hoàng Cầm lại tặng thơ cho kẻ đã ký lệnh bắt mình ?”
Dương Tường rền rĩ :
“ Thôi Tuấn ơi…cậu phải thông cảm với Hoàng Cầm…”
Thực ra người đọc cũng đã thông cảm với Hoàng  Cầm từ hồi đại hội văn nghệ tháng 8/1950 tại Việt Bắc, Đảng chủ trương đề cao kịch nói và loại trừ Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch thơ . Hưởng ứng chủ trương này, Hoàng Cầm đã đứng dậy, trịnh trọng bưng ghế ra đặt ở giữa hội trường, lấy ở trong túi ra sợi dây dài buộc tập kịch thơ, xong leo lên ghế đẩu, giơ tập thơ vừa mới bị trói chặt lên thật cao, tuyên bố:
- "Tôi xin treo cổ Kịch Thơ. Bắt đầu từ ngày hôm nay" (...)
Tất nhiên không phải ai cũng “thành khẩn” như Hoàng Cầm , nhiều văn nghệ sĩ  khác đã bỏ của chạy lấy người , âm thầm bái biệt cách mạng, "dinh tê" về Hànội như Phạm Duy, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Võ Phiến... sau này đều là cây bút trụ cột của miền Nam.
“Thông cảm với Hoàng Cầm” - tất nhiên là tôi hết sức “thông cảm” nhưng chắc thơ của ông thì…không, nó mang theo những dấu vết đó.
Năm 2005, tôi gặp nhà thơ Hoàng Cầm tại Đại hội nhà văn 7 ở Hội trường Ba Đình. Giờ nghỉ tôi đứng ngoài hành lang , chợt nhà thơ Hoàng Cầm ghé tới xin lửa. Sau này tôi cứ ân hận vì không tay bắt mặt mừng với ông.
Năm 2007 Hoàng Cầm nhận giải thưởng Nhà nước với tác phẩm :“ Bên kia sông Đuống (thơ 1993), Lá diêu bông (thơ 1993), 99 tình khúc (thơ 1995) với lời phát biểu :
Tôi cảm ơn Nhà nước vì về cuối đời được nhận giải thưởng xứng đáng của mình. Tôi chỉ thấy tiếc cho những anh đã qua đời như Trần Dần, Phùng Quán. Chỉ có gia đình các anh được nhận chứ bản thân các anh không được nhìn thấy.Giải thưởng đánh dấu một giai đoạn phát triển của văn nghệ, và đáng vui mừng, dù chậm. Tôi nghiệm rằng trong văn nghệ cái gì có giá trị thì có thể trong một thời gian bị vùi lấp hoặc bị hiểu nhầm nhưng rồi sự thật vẫn là sự thật….được Nhà nước trao giải tôi thấy yên tâm, không có gì phải ân hận với cuộc đời.”
 Thực ra trong vụ Nhân Văn Giai phẩm chẳng ai bị “hiểu nhầm” hết , trao giải thưởng cho họ trước hết là ghi nhận sự trở về với Đảng của những đứa con sau những "bước đường lầm lạc" (sic) . Lại cũng phải “thông cảm” với Hoàng Cầm, tuy vậy, không biết có phải vì thế vụ này ông nhà thơ  mất khá nhiều phiếu của một cộng đồng không nhỏ các fan hâm mộ ông.
Ca ngợi Hoàng Cầm có nhiều người, Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, trong tọa đàm ngày 22-4 tại Hà Nội về nhà thơ Hoàng Cầm nhân ngày giỗ đầu của ông (6-5-2010) bốc thơm :
Lê Đạt ra đi, Hoàng Cầm đã mất… nhưng vẫn còn lại đây con mắt thời gian nhìn xuyên lịch sử”
Xin hỏi ông Phạm Xuân Nguyên ,” con mắt thời gian nhìn xuyên lịch sử “ liệu có thấu những thảm cảnh trong cải cách ruộng đất, hợp  tác hóa nông nghiệp, tết Mậu Thân ở Huế …?
Một thời có người suy diễn “ lá diêu bông” là tự do sáng tác Đảng hứa hẹn cho văn nghệ sĩ mà tìm hoài không thấy. Thực ra Hoàng Cầm làm bài thơ này năm 1959 chỉ là nhớ về một chị Vinh ngày xưa ở quê nhà. Cái mẹo “vẽ rắn thêm chân” này không ngờ về sau được nhiều nhà phê bình sử dụng  bình thơ Hoàng Cầm.
Trong “Hồ sơ Nhân Văn Giai Phẩm” lưu tại RFI, nhà phê bình văn học Thụy Khuê đã bỏ ra rất nhiều công phu viết về Hoàng Cầm. Mặc dầu bà thừa nhận “ Kiều Loan, là vở kịch thơ hay nhất của Hoàng Cầm, của thời tiền chiến. Khởi thảo cuối xuân 1942 đến giữa năm 1943, đã tạm xong…”, nhưng khi phân tích tập thơ “Về kinh Bắc “ bà lại sử dụng nó như tác phẩm sáng tác sau thời Nhân Văn Giai phẩm.
Kiều Loan là kịch thơ viết về con gái một cựu thần Tây Sơn, đi tìm chồng là Vũ Văn Giỏi vốn theo Nguyễn Ánh,  tàn bạo càn quét những người chống lại nhà Nguyễn. Kiều Loan giả điên đến Phú Xuân, bị giam trong ngục rồi uống thuốc độc tự vẫn,trước khi chết, nàng chém người chồng phản bội….”
Có thể nói năm 1942, viết vở này Hoàng Cầm không mảy may “tiên tri” chuyện sau này để Thụy Khuê có thể liên hệ nó với thời cải cách ruộng đất :

“Thà giết oan trăm mạng lương dân
 Hơn để thoát một tên phản nghịch

Hoặc với phong trào Nhân Văn Giai Phẩm:

“Mà trước mắt, cuộc xoay vần thời thế
Gạt ra ngoài hầu hết bậc tài danh”
Cũng như vậy, không thể căn cứ căn cứ vào Kiều Loan để kết luận :
“Về Kinh Bắc là bản hùng ca bi tráng, vào đêm. Đêm của người thất trận, nhưng không thoái gót. Về Kinh Bắc là về đất mẹ Luy Lâu (Kinh Bắc), kinh đô văn hoá đầu tiên của nước Việt, để dâng sớ kể tội "triều đình" đàn áp tư tưởng, càn quét nhân tài. Nội dung ấy được giấu trong những câu thơ kín đáo, rồi lại đảo lộn thứ tự như sấm Trạng Trình. Đọc qua không thể hiểu. Hoàng Cầm trả lời mọi thanh trừng bức bách. Nhưng kẻ ra lệnh bắt Hoàng Cầm đã hiểu.”
hoặc :
Về Kinh Bắc lần này, là khúc tráng ca, xuyên sa mạc, của một hồn cọp dữ, gào thét những vấn nạn buổi đổi đời, "rực lửa Phong Châu", "Diêm Vương mở hội". Cọp về hỏi lại Luy Lâu đất tổ, hỏi Ba Vì, hỏi gái Cầu Lim, hỏi trai Yên Thế.Bởi Hoàng Cầm, người, có thể ngã ngựa, có thể van xin đảng tha tội. Nhưng Hoàng Cầm, thơ, chưa bao giờ khuất phục….”
hoặc :
Về đây là cáo ấn từ quan, về ẩn dật. Về đây còn là về mách mẹ, về khấn tổ tiên, về báo cáo với thánh hiền những lăng loàn của chuyên quyền hiện tại. Về Kinh Bắc…”
“Vẽ” thêm chất “bi tráng,”, “hồn cọp dữ , “gào thét những vấn nạn buổi đổi đời”, “trả lời mọi thanh trừng bức bách””dâng sớ kể tội "triều đình" đàn áp tư tưởng, càn quét nhân tài…” . Chắc lúc còn sống thi sĩ Hoàng Cầm đọc những nhận định này cũng phải toát mồ hôi hột sợ đến tai…an ninh văn hóa.
Thực ra thơ Hoàng Cầm thiên về "thơ huê tình" hơn là "thơ phản kháng", thiên về tính “âm”, tính “nữ”, tính ôn hòa hơn là hừng hực ngọn lửa phản kháng đến mức trở thành “tráng ca”.
Trong “Chân dung tự thú năm 1994”, ông viết :
 “Gọi chiều xưa trở lại
   Đẩy chiều nay về xa
   Thường trò chuyện với ma
    Như với người đang sống.”
Nhà thơ Hoàng Hưng vốn biết rất rõ Hoàng Cầm đã nhận xét rất hay về  “Về kinh Bắc:’
.. Kinh Bắc huê tình non tơ (Chũm cau căng nứt mạch tằm/ Yếm may ba ngày mẹ vá lại… Gió ra hồng da trinh nữ… ong bay vai áo tiểu thon mình), Kinh Bắc bi tráng (Chợt mê thét giữa sân/ Nét mác chữ thiên toạc lưng trâu mộng), Kinh Bắc ma mị (Châu chấu ma vờn cổ yếm xây…Trò chuyện gì ai đâu/, mồ tháng giêng mưa ướt sũng…), Kinh Bắc của những sinh hoạt văn hóa dân gian giàu bản sắc ( Gió mất chồi xuân đay nghiến luỹ tre dầy… Đằm ca dao sáo diều chiều lịm tím lưng trâu…)...  Có thể nói Về Kinh Bắc... là kết tinh vùng văn hóa nghìn năm Kinh Bắc, là thi sĩ của đất quan họ, chẳng khác thi sĩ Tây Ban Nha Federico Garcia Lorca với quê hương Andalusia qua những khúc cante hondo (trầm ca) và romance….”
            (HH- Bài giới thiệu tập thơ Mưa Thuận Thành, báo Lao Động 1991)
Đúng vậy, nhà thơ  Hoàng Cầm từng tự giới thiệu :
Có lẽ khi được sinh ra trên cõi dương gian, tôi đã được Mẹ Kinh Bắc cho tôi ăn những giọt sữa tinh khôi chắt chiu từ những câu hát quan họ ngọt say như mật, nên từ nhỏ tôi đã chọn thủ pháp khai thác triệt để tính nhạc của ngôn ngữ và đặc biệt là chất say của thơ. ”
Bởi thế thơ Hoàng Cầm là kết tinh của văn hóa vùng miền Kinh Bắc, như F.G. Lorka với quê hương Andalusia, và cũng có thể ví như Nguyễn Ngọc Tư với quê hương Cà Mâu….Khác với những nhà thơ cùng thời không đậm chất “vùng, miền” , họ có được sự đồng cảm rộng rãi từ dân quê miệt vườn cho tới thị dân  đô thị như Thanh Tâm Tuyền, như Trần Dần…
Sau cùng , trả lời nhà báo Thu Hồng (báo Thanh niên) , nhà thơ Hoàng Cầm cho biết :
“Hầu hết những bài thơ của tôi được độc giả ưa thích bao giờ cũng bắt đầu một cách vi diệu từ thế giới xa xăm, vô hình nào đó. …”
“ Lá diêu bông là bài thơ duy nhất tôi viết trong trạng thái vô thức. Đó là mùa rét năm 1959, đêm nào khi lên giường, tôi cũng cầm sẵn một tập giấy trắng bên tay trái và cây bút chì bên tay phải, phòng khi không ngủ được thì làm thơ. Chợt vẳng bên tai một giọng nữ nhỏ nhẹ độc chậm rãi, có tiết điệu, nghe như từ thuở xa xưa nào vọng đến: "Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng...". Sáng hôm sau, tôi phải mất nửa giờ mới tách được ra các câu thơ theo thứ tự mà người phụ nữ kỳ diệu nào đó đã đọc cho tôi. Tôi gọi những giây phút vô thức ấy là "xuất thần", đó là phần tinh tuý của tinh thần bật ra.”
Thực ra vô thức theo Sigmun Freud ví như phần chìm của tảng băng tâm linh, là vùng chứa những ẩn ức bị dồn nén từ xa xưa, bị ngăn chặn , chỉ vượt được lên tầng ý thức phần nào trong giấc mơ và phần lớn trong các chứng loạn thần kinh (névroses). Các bác sĩ phân tâm học phải thôi miên bệnh nhân họ mới nói ra được những ẩn ức chìm trong vô thức, nhà thơ Apollinaire cũng đã từng ngồi đồng để làm thơ “inconscience”…Vậy cái chuyện Hoàng Cầm nói về “vô thức” có thể chỉ là trong cơn say với nàng tiên nâu hoặc với hoàn cảnh nào đó. Chính vì vậy ông tiếp tục trả lời  nhà báo :
“ Thủ pháp quan trọng nhất là phải khéo sử dụng âm thanh và nhịp điệu theo chủ đề của bài thơ. “
Thao tác đó phải thực hiện trong ý  thức chứ không phải trong những giây phút “vô thức xuất thần” hoặc “một cách vi diệu từ thế giới xa xăm, vô hình” như nhà thơ nói.
Điều này cũng chứng tỏ trong thời “bao cấp tư tưởng” những kiến thức phương Tây hiện đại là khá xa lạ với các nhà văn, nhà thơ miền Bắc.
Dẫu thế nào, thơ và kịch thơ Hoàng Cầm về nỗi bất hạnh - hạnh phúc xa xôi của kiếp người cũng đã lay động con tim hàng triệu người Việt.
Nhà thơ Xuân Sách dựng chân dung Hoàng Cầm với lời lẽ chua chát :

“Em ơi buồn làm chi
Em không buồn sao được
Quan họ đã vào hợp tác
Đông hồ gà lợn nuôi chung
Bên kia sông Đuống em trông
Tìm đâu thấy lá diêu bông hỡi chàng.”

7-3-2012



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: