Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

NGÔI NHÀ BÊN CỬA RỪNG.


Truyện ngắn của Hồng Giang
   
       Thằng chồng cao to, trắng trẻo, đần đơ, đầu óc như để mãi tận thế giới nào xa lắc. Công việc trước mắt cứ như thể làm để làm. Có chút gì đó chủ quan, lơ đãng. Nhưng khi có ai hỏi việc gì lại hết sức nhanh, nhạy. Tôi yêu cầu lắp thêm chiếc bóng đèn cho đủ sáng, chả hỏi lại, làm ngay. Cô vợ đanh đanh người, da ngăm ngăm, môi mỏng, láu táu, giọng lé xé. Dáng cô ta quen quen, gặp ở đâu rồi? Chịu. Không nhớ ra!
Đêm trước có trận mưa to, phông bạt ướt sũng xếp lại từng đống. Hai vợ chồng nhà này đang gỡ ra từng cái đem phơi. Cô vợ cằn nhằn, tự thanh minh với chính mình: “Thời tiết bây giờ thật khó hiểu, khó chịu. Ti vi thì báo rằng không có mưa, đâm chủ quan. Biết thế, tháo ngay từ hôm trước đã không rách việc thế này..” Chồng bảo: “Ướt thì phơi có sao? Trời không mưa, hạn kéo dài thì còn chết ấy.. ấy chứ..” Vợ nói: “Mình có cấy hái, trồng trọt gì mà mong mưa?” “ Rõ là đầu óc đàn bà, chỉ ích kỉ.. Dân làng mất mùa, lại không đói lây cả mình ấy à?”  “ Ồi dào..” Cô vợ lặng im, không nói nữa, đưa mắt nhìn về phía tôi, có ý nhắc chồng. Thằng chồng cười nhen nhen, ngượng ngịu rút bao thuốc ra mời. Cảm ơn, mình không hút.
Tôi nhờ anh ta cắm lại chiếc amli, mở đầu đĩa. Văn hóa đồng rừng, cứ là tiền trao cháo múc. Người ta xem chán xem chê rồi mới chịu trả tiền. Bất luận thế nào cũng chê ỏng chê eo một vài thứ, để tỏ ra vẻ mình hiểu biết, đừng có khinh người miền núi nha, thế giới này phẳng mẹ nó tự bao giờ rồi ấy nha..Bực bội. Cáu. Chỉ muốn nói vài câu cho bớt khùng! Dưng mà làm cái công việc này là làm dâu trăm họ. Bấy lâu tôi còn chịu đựơc, chịu thêm một lần có làm sao?
Được cái vừa mưa xong, mát trời, phần “trả bài” của tôi hôm nay có vẻ thuận lợi.
Chưa rõ nếp tẻ, đẹp xấu thế nào, chủ nhà ban nãy đã bảo:
- Cứ để đấy đã. Làm vài chóc, xem sau.
Nhưng công việc vẫn là công việc. Lừng xừng rượu rồi, lóng ngóng, dễ hỏng. Xem gần xong, nhà chủ không thấy nói gì.. Cô dâu đã về nhà chồng, đương nhiên không thể có ý kiến gì vào lúc này. Tôi đã thở phào nhẹ nhõm.( Làm nghề nào có nỗi khổ của nghề đó. Dài cổ ra xóa xóa, ghép ghép, biên tập, nâng cao, hiệu ứng hiệu iếc, không khổ bằng cái lúc ngồi đần mặt ra thế này để  nghe lời phán quyết của “thượng đế” là khách hàng ). May mà sự này không xảy ra. Một là video không đến nỗi nào. Hai là “thượng đế” cũng là chỗ quen.. Tưởng vậy đã xong. Đột ngột cô ả phông bạt hỏi:
- Anh làm thế này lấy bao nhiêu tiền một đĩa?
Tôi ngẩn người, sao lại tính đĩa như quán thịt chó hay lòng lợn tiết canh?
- Ừ thì tôi tính theo đám..
- Cụ thể?
- Ngoài tỉnh người ta tính một, hai triệu một đám. Còn đây nhà quê lấy chút đỉnh xăng xe, công chả đáng bao nhiêu cô ạ!
- Giời đất, lấy thế bằng cả năm cày bừa của nhà quê chúng em à? Hôm trước cái nhà ông gì làm trên suối Triển lấy có hai trăm. Sao ở đây lấy đát thế?
Lại giời đất. Hai trăm thì làm cách nào? Có đi thuê nếu mình quay sẵn, ít ra cũng trả hơn hai trăm rồi! Tôi chưa biết nói sao, may mà chủ nhà đỡ lời:
- Chú thông cảm, thím ấy không biết, thật thà hỏi vậy. Tiền tôi trả cơ mà.
Tôi như trút được gánh nặng: “ A, đây là em thím ạ? Không sao, không biết hỏi có gì là sai? Trông cô quen quen, có phải người vùng này?”
- Em là con gái ông Phúng, có lần anh đến nhà em, chắc anh không nhớ?
Ra là vậy. Ông Phúng. Cái ông có căn nhà rất lạ lùng gần cửa rừng, tôi nhớ ra rồi. Đó là một căn nhà kì dị, độc nhất tôi chưa từng gặp ở đâu..
**
Hồi đó mưa nhiều. Những cơn mưa rừng không ngớt. Suối dâng ngập các tảng đá đầu ông sư hai bên bờ. Từng đám cây đổ ngả nghiêng, bám đen vắt là vắt. Ngoe nguẩy, ngoe nguẩy. Cua đá màu thâm nâu, bò ra từng đàn. Có con chim không hiểu vì sao gẫy cánh, mắc kẹt trên ngọn cây. Rắn trắng, rắn xanh chạy lũ trườn loạn xạ ven bờ nước.. Chúng tôi có việc ở sâu trong rừng, vì mưa to quá phải ra đây tìm chỗ trú mưa. Nhưng cái chính vẫn là tìm một chỗ để nấu cơm ăn. Không thể nhịn. Mẻ không ăn cũng chết cơ mà?

( Còn nữa..) 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: