Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Tôi viết:



CHUYỆN VỚ VẨN KHÔNG NÊN ĐẶT TÊN

Bạn tôi tên là Lượng. Người tử tế và lương thiện. Không hiểu sao số nó vất vả? Vợ chết mấy năm rồi mà chưa, vẫn chưa lấy được ai. Tuổi nó chưa thể nói chuyện ở vậy đến già. Không tái giá thì vô lý, khó hiểu lắm. Cũng tuyệt đối không phải nó hận đời, muốn xuống tóc vào chùa trai giới niệm Phật. Hay hoàn cảnh quá éo le, lấy vợ nữa về thêm phức tạp cho hoàn cảnh gia đình..
Đồng chí, đồng chót với nhau, mấy lần bọn tôi giới thiệu cho nó, đưa đến tận miệng mà chả sơi nổi chỗ nào!
Nàng nào ban đầu cũng tươi tắn lịch sự, đón tiếp tử tế. Chỉ được vài hôm không hiểu tại sao, hai bên gặp nhau lại mặt lạnh hơn cả đít bom ngòi tịt.
Chỗ bảo:
- Anh thông cảm đi tìm nơi khác!
Nơi khác lại bảo:
- Tại tính tại nết không hợp, có duyên nhưng không có phận, đừng hận nhau..
Mãi ..rồi đâm chán, chả ai muốn mai mối chỗ nào cho nó nữa. Chỉ có tôi ở gần, thấy hoàn cảnh của nó, cứ thấy áy náy thương nó thế nào.
Có lần tôi bảo:
- Thời buổi bây giờ tìm bạn, lấy vợ đâu có khó? Thế giới phẳng và trơn như thế này đâu có trở ngại gì? Nếu ngoài đời thật người ta định kiến hay thiếu thiện cảm với mình, mày lên mạng tìm người kết bạn, rồi tìm hiểu dần xem sao?
Nó cười chua chát:
- Tao lạy mày, thực còn chả ăn ai nữa là mạng ảo. Tưởng mày có sáng kiến gì, chứ cái kinh nghiệm ấy không còn mới mẻ nữa.
- Mày đã thử chưa mà nói?
- Đã, chả ăn thua gì đâu!
Trông nó úa hết cả người, đến là tội. Đã là con người, không bệnh tật ốm đau, không khiếm khuyết gì về tâm hồn hay thể xác, phần đa có lứa có đôi. Hoặc giả già quá, non quá mới ở vậy một mình. Nó thì không ở trong tất cả những trường hợp đấy.
Quả thật trên đời này có nhiều cái thực khó hiểu, có khi đi hết cuộc đời chưa chắc đã tìm ra lời giải cho cái óc vốn hay tò mò, ngạc nhiên của mình.
Một đời lang bang, nay đây mai đó, tôi biết khá nhiều chuyện. Nhưng chuyện như nó chưa gặp ở đâu và bao giờ cả.
Chuyện ông A ma Kông có đến bốn năm bà vợ, vừa mới chết chả nói làm gì. Ông ấy có sức khỏe dẻo dai đặc biệt, khó có ai bì. Một tay săn bắt voi cừ khôi cả nước đều biết tiếng. Nổi tiếng hơn nữa ông ấy còn có toa thuốc đặc biệt. Uống thuốc của ông vào “san bằng tỉ số”. Trẻ chưa chắc đã ăn đứt già!
Nhưng người ta là người tài, mọi thông lệ đều không còn giá trị gì nữa. Kể cả việc lấy nhiều vợ, đẻ nhiều con. Vợ bé chưa bằng nửa tuổi mình cũng chẳng sao!
Chả thế cái ông già hi hữu ấy là tâm điểm của bao nhiêu chuyến du lịch khám phá nước ngoài, nước trong. Gia đình ông thành hẳn một dịch vụ du lịch phục vụ khách xa, bạn gần!
 Khám phá thế giới, việc đầu tiên phải khám phá con người. Tây hay Tàu hay Việt Nam mít sờ như mình cũng đều phải nghĩ như vậy. Nếu không, thế giới này chẳng có giá trị gì cả. Thiên nhiên có kì thú đến đâu, thiên hà có bí ẩn thế nào cũng không quan trọng nữa.
Hôm ông già ấy chết, người nhà phải thông báo “Vì lí do tang lễ, sẽ không tiếp khách”!
Đúng là người tài không nên nói đến thật. Có tài năng nào mà không thiếu sót, sai lầm ở một khía cạnh nào đó, nếu cho rằng lấy nhiều vợ đẻ nhiều con là một sai lầm?

Nhưng cũng nhiều kẻ chả tài cán gì, tình duyên lại nổi bật hơn cả ông thợ săn kiêm thầy thuốc đặc sắc kia.
Tôi kể cho nó nghe câu chuyện một cụ và một ông bình thường, tài bình thường. “Cụ kia” ngoại chín mươi vừa mới có con đỏ, “ông này” tám mấy vừa cho ấu tử ra đời!
Nó cười gượng:
- Bì sao được với mấy cụ ấy. Người ta có phẩm chất đặc biệt, cương vị đặc biêt. Còn tao là “Nông Văn Dền” làm sao sánh được? Có làm tí cán bộ cũng là cán bộ bé, gốc gác nông dân, có gì để dám sánh với các cụ ấy?
Thế là rõ. Nguyên nhân chính trong chuyện này là nó thiếu quyết tâm, “ Thiếu ý chí cách mạng, tinh thần phấn đấu đến cùng”.
Một người tâm hồn, tư tưởng lỏng lẻo như thế trách nào không khổ, không “trở ngại” đường lương duyên?
Thiên hạ từng bảo: “đẹp trai không bằng chai mặt”kia mà. Thấy người ta nói “thôi” là “thôi” luôn, còn nói chuyện gì nữa?
Chẳng phải không cứ con gái, mà đàn bà nói chung, vẫn thường “nói có là không” đấy sao?
Thực sự là tôi nản. Cái gì thì cái, “vai trò cá nhân” của nó trong việc này mới là chính, là quan trọng. Không phải lúc nào “ ý chí tập thể”, “tinh thần đồng thuận đa số” cũng đều là yếu tố quyết định.
Chỉ còn một cách..
**
Cách ấy là làm mai cho nó với đứa em gái họ của mình.. Con này giờ đã cứng tuổi, chưa hề cùng ai. Nó xinh nết, đẹp người mà duyên tình thì chưa biết nói thế nào cho chính xác, nó có nghe được cũng không thấy tủi phận, thương thân. Biết đâu một câu nói vô tình của một thằng anh họ lại làm nó phản ứng tiêu cực?.Đi đến chỗ..Chỉ nghĩ ..thế thôi tôi đã lạnh sống lưng, không dám nghĩ nữa!
Lời nói đọi máu mà. Đừng nghĩ chỉ như gió thoảng, mây qua không ảnh hưởng đến ai. Riêng việc này tôi ý thức lắm. Có khi câu nói nên vợ nên chồng, cũng có khi tan nhà nát cửa. Có câu nói người ta lắng tai nghe, cũng có câu nói người ta bỏ ngoài tai không thèm để ý! Cẩn trọng bao giờ cũng là cách hay trong lẽ làm người.
Đắn đo mãi tôi với bảo với nó. Nghe xong nó không nói không rằng, lặng lẽ đứng dậy đi ra ngoài.
Tôi chưa biết nó có đồng ý hay không?
Mà em tôi đâu có đến nỗi nào? Thằng đó đã qua một lần đò, còn làm cao cái nỗi gì kia chứ?
Bấy nhiêu năm sống, thú thực quanh đi quẩn lại tôi vẫn là tên ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình, chưa hề biết lo lắng chia sẻ hay cảm thông cùng ai. Nếu như không có chuyện này tôi vẫn nghĩ “mình chưa phải đã thực hoàn hảo thì cũng không đến nỗi nào”! Tôi có biết đâu mỗi người là cả một thế giới riêng vô cùng phức tạp. Chỉ nhìn bên ngoài thôi là rất dễ sai lạch vì sự chủ quan phiến diện của mình. Ngay cả cô em họ, tôi đã biết được bao nhiêu về nó đâu? Tôi cứ cho rằng nó là đứa “Kén cá chọn canh”, “Đậu cao rỉa lông” nên quá lứa nhỡ thì.. Tôi thật bất ngờ khi bà thím tôi kể chuyện về nó.
Con bé là đứa hiếu động, ham thể thao từ nhỏ. Năm nó mười bảy tuổi, như mọi buổi sáng, hôm đó nó dậy tự lúc chưa tỏ mặt người. Nó xỏ đôi ba ta chú tôi vừa mua cho nó. Ông là Giám đốc một lâm trường, rất cưng chiều cô con gái út. Nó muốn cái gì ông cố gắng bằng mọi cách đáp ứng cho nó ngay.
Con này gan cóc tía, chả biết sợ là cái gì. Một mình nó chạy pa ra ton ngang qua khu nghĩa địa.
Lúc đó thành phố chưa như bây giờ. Còn nhiều quãng đường hoang vắng và không ánh đèn. Hai bên đường, có chỗ cỏ lau còn mọc cao hơn cả đầu người.
Mọi sáng nó vẫn chạy một vòng độ hơn cây số qua đây như thế rồi mới về nhà rửa mặt đánh răng, ăn qua chút cơm rang, hay gói xôi mới đến trường.
Sáng ấy cũng vậy. Nó cố gắng chạy đều bước, giữ đúng nhịp thở không chậm quá không nhanh quá.
Buổi sớm mùa đông thường sương mờ như sữa. Cách vài mét không nhìn thấy mặt người. Nó đang chuẩn bị quay lại, nghe như đằng sau có bước chân người. Nó nghĩ hẳn là có một ai khác đang cùng rèn sức khỏe như nó nên không để ý lắm. Hình như đó là một người đàn ông cao lớn, mặc bộ đồ thể thao trắng muốt. Anh ta lúc chạy vượt lên nó một đoạn, lúc lại chạy sau nó một đoạn như cố ý trêu tròng hay muốn làm quen.
Nó dừng lại quan sát. Người kia cách nó một quãng nên không nhìn rõ mặt.
Nó lên tiếng:
- Ai?
Không thấy trả lời. Nó lưỡng lự không biết có nên tập lúc nữa hay quay về? Người đàn ông kia là ai, sao hỏi không nói? Nếu là đứa nhát gan, nó đã bỏ chạy. Nhưng nó không yếu bóng vía như bọn con gái khác. Nó đi lại phía có bóng người đó. Lạ thay, nó tiến đến đâu, người kia cũng lùi đến đó. Nó quay lại người kia cũng quay lại. Một làn gió lành lạnh thổi tới, tự nhiên nó thấy rét run lên.
Mọi khi sau một hồi chạy người nó nóng ran lên kia mà?  Có tiếng cười khe khẽ, tinh quái nghe rờn rợn.. Bây giờ nó bắt đầu biết sợ, đó là tiếng cười không bình thường, có cái gì đó nó chưa hiểu? Nó vội ù té chạy về nhà.
Ngay ngày hôm đó nó nghỉ học vì lên cơn sốt mê man. Đến bệnh viện khám bác sĩ nói: “ Cần phải theo dõi, chưa biết bệnh gì”.
Mất đến hai tuần như thế, nó mới dứt cơn sốt, dần dần hồi phục. Cũng từ đấy nó lặng lẽ không hay cười đùa như trước…

**
Nó học giỏi, nhưng tính nết lạnh lùng. Bọn con trai bảo nó “bà cụ non”. Nó gọi bọn ấy “lũ nhạt”, “không đủ hồn người” vì thế nó có rất ít bạn. Gần như không chơi với ai. Hết phổ thông nó xin vào học trường y. Hỏi nó vì sao chọn trường này? Nó nói quê nó nhiều người nghèo, đến bệnh viện không đủ tiền không được nhập viện. Nhiều người chết vì những căn bệnh không đáng chết. Nhiều người bệnh ở quá xa, đưa đến viện không kịp vv..Tóm lại là bởi những động cơ thiết thực, chứ không phải lãng mạn hay tinh thần, tinh thiết gì hết như người ta nói rất mỹ miều.. Tính nó thế, ghét phù phiếm, văn hoa, giả tạo.
Ra trường nó về làm y sĩ phòng khám, bệnh viện một huyện vùng cao. Thỉnh thoảng nó về, chú thím tôi nhắc nó chuyện chồng con, hỏi nó “Sao đến giờ mày vẫn chưa dẫn ai về thăm nhà?” Nó chỉ cười : “ Chỗ con ở toàn người Mông, người Dao. Con trai lấy vợ từ lúc chưa đến tuổi hai mươi, toàn “xin phép ăn cơm trước kẻng, cưới chui..” Bằng con, anh nào cũng có đứa trên tay, đứa dưới chân rồi thì lấy đâu ra bạn trai? Chả nhẽ sánh với mấy cậu chíp hôi?”.
Chú tôi thương con đứt ruột. Ông thường ngửa mặt lên trời mà than sao con ông vất vả!
 Bà thím tôi thường nghiến ngầm ông: “ Tại ông đào hoa cho lắm vào, nên con ông “trả quả” chứ còn tại đâu nữa!”
Chú tôi bực lắm, nhưng ông không nói gì. Cương vị giám đốc một lâm trường lớn như ông, làm sao tránh khỏi điều ong tiếng ve? Ở đời “tài ghen hèn chê”, lấp sao miệng thế? Ba cái vặt vãnh ấy ông không quan tâm.
Trước lúc về hưu, ông dồn hết chút khả năng quan hệ cuối cùng của mình xin cho nó về gần nhà. Số tiền dành dụm được chi hết cả cho nó vì việc này.
Tưởng đâu về với phố xá đông vui, nó sẽ mau chóng tìm được “người trong mộng” để yên bề gia thất.
Cho đến lúc từ giã cõi đời, còn nỗi buồn nào hơn chuyện con cái vẫn chưa đâu vào đâu? Trai không dựng vợ, gái lớn gả chồng, có cha mẹ nào mà không nghĩ đến chứ?
Thật buồn, chú tôi không kịp thỏa chí nguyện của mình. Ông qua đời vì một tai nạn bất ngờ. Lại đúng hôm đi dự đám cưới con một người đồng liêu, cùng cơ quan cũ!

Cả nhà sau chuyện ấy xúm vào bàn. Rồi cũng đi đến “nhất trí cao”. Tục lệ xưa nay phải hết tang ba năm, con cái mới được lấy vợ, lấy chồng. Nhưng với nó, chỉ cần qua ngày giỗ đầu của cha, có thể miễn cái lệ này vì con em lỡ thì, nếu có người thương nó.

Một năm, hai năm trôi qua..Rồi hết tang vẫn chưa thấy nó nói gì đến chuyện ấy. Thím tôi buồn héo cả người. Bà thường sang nhà tôi than thở, nói xa nói gần, nhờ tôi giúp đỡ.
Giá thể gánh nặng, tôi cũng không nề, sẵn sàng gánh đỡ. Nhưng mà đường này là chuyện nhân duyên biết tính làm sao?
Thím còn lén nó đến hầu đồng. Cô đồng Thoa phán xanh rờn: “ Có một vong nam ở cõi âm, phải lòng con bà từ lâu rồi. Nếu không làm lễ cắt đứt duyên đường âm, con bà sẽ ở vậy suốt đời”. Bà ngẫm quả có thế.
Trước đây có một vài đám đến đặt vấn đề, việc cưới hỏi đến nơi rồi lại sinh chuyện. Chàng dể tương lai tự dưng lăn ra chết, nếu không cũng đơn phương rút lui mặc dù chả có duyên cớ nào cả. Đám gần đây nhất, nghe đồn “súng ống, trym cò có vấn đề”. Bản thân nó là y sĩ sản khoa xác định việc này đâu có khó? Việc trăm năm một lần nữa lại không thành. Thím tôi bảo nó theo bà sang cô đồng Thoa nhờ cô ấy giúp, nó nhất mực không chịu. Lại bảo “mẹ chỉ mê tín dị đoan vớ vẩn. Thế kỉ 21 rồi làm gì có chuyện ấy?” Bà thím đành chịu, biết làm sao?
Ai cũng thắc mắc tại sao một cô y sĩ xinh đẹp, duyên dáng và đứng đắn như thế không lấy được chồng?
Tôi thì tôi nghĩ có thể tính nết nó có phần khô khan. Đàn ông con trai thường khó có cảm tình với những cô gái như vậy. Có thể với Lượng mọi chuyện sẽ khác đi chăng? Tôi nghĩ. Một buổi tối  tôi chủ động bảo Lượng cùng đi với mình. Hắn hỏi “Đi đâu?” tôi nói “Tới sẽ biết”.
Tối hôm đó trời sáng trăng suông. Ngoài trời lạnh nên ít người đi lại trên đường. Chúng tôi đến thì bà thím tôi đã đi ngủ. Thấy có khách, bà vội nhỏm dậy, mừng như thể “thím cháu lâu lắm mới gặp nhau”. Bà giục em họ tôi pha trà. Ngồi được một lúc bà bấm vào vai tôi ra hiệu bảo ra ngoài. “ Thím định xây cái nhà tắm ở chỗ này anh thấy thế nào?”. Hai thím cháu ra đứng ở đầu hiên nhà. Tôi còn đang lúng túng chưa biết mở đầu câu chuyện ra sao. Bà thím cũng khó mở đầu câu chuyện. Chẳng qua câu vừa rồi bà “nói cho có nói”, thực ra không có chuyện nhà tắm, nhà tát nào cả. Bỗng lúc đấy ngoài vườn đao cạnh lối vào ngõ, mấy con chó nhà thím sủa dữ dội như có người đang vào, đang làm gì ở chỗ đấy? Thím tôi soi đèn, nhưng không nhìn thấy gì. Im được một lúc chó lại xồ lên, lần này gay gắt hơn. Tôi nghĩ “chắc có anh nào ngầm theo đuổi cô em họ mình nên muốn nghe lỏm chuyện đây”?
Bảo bà thím cứ ở yên đấy, tôi cầm đèn pin ra ngoài. Vườn cây lay động như có gió thổi qua, nghe rõ cả tiếng chân chạy nhanh và nhẹ... Tôi ra đến nơi, thấy đám đao nát nhừ một chòm như vừa bị trâu quần, cây dập nát, vết gãy còn đang chảy nhựa.. Tự nhiên tôi sởn gai ốc, không dám đuổi theo tiếng chân chạy xa dần ra ngoài bờ đầm.
Lúc tôi trở vào, không thấy bà thím tôi đứng ở đó nữa..

***
Chẳng qua bởi khả năng nhận biết của con người quá đỗi hạn chế. Mắt chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một số màu sắc, hình ảnh giới hạn nào đấy. Tai chúng ta chỉ nghe được âm thanh ở một tần số nào đó. Có khi còn kém cả loài quạ đôi mắt, kém cả lũ dơi đôi lỗ tai! Tệ hại hơn ngay chính bộ óc của chúng ta cũng chỉ có một khả năng hình dung và tưởng tượng nhất định, không thể nghĩ ra cái gì đó quá sức của mình. Đó là những giới hạn mang tính định mệnh, những hạn chế của kiếp người. Ngoại trừ có rất ít người có khả năng vượt trội, khá hơn chúng ta.
Thật đáng buồn là từng phút giây cuộc sống, có không biết bao nhiêu những điều mà chúng ta không thể nhận biết, hay suy nghĩ thấu đáo về nó.
Phải chăng đó là nguyên nhân, nguồn gốc của bi kịch cá nhân, hay những đổ vỡ to lớn thời đại?
Hôm thím tôi kể lại, tự dưng tôi suy nghĩ lẩn thẩn như thế. Giá người ta biết trước và biết rõ mọi sự, chắc chắn khổ đau và bất hạnh sẽ giảm đi rất nhiều. Nhưng có khi cũng chỉ là ý nghĩ chủ quan vội vã của một thằng kém hiểu biết như tôi.
Cuộc đời vốn luôn phức tạp, đa dạng và vô vàn ẩn số. Khao khát nắm rõ sự thật chỉ là điều không tưởng, ít nhất là ở khoảng thời gian, thời thế này..
Thím tôi kể bà đồng Thoa nói chắc như đinh đóng cột rằng buổi tối tôi và Lượng đến nhà thím tôi xảy ra chuyện gì?
Khi đó tôi vào nhà, cảnh tượng diễn ra không thể tin được. Lượng đang gục xuống bàn, nôn thốc nôn tháo. Cô em họ tôi đang lúng túng, ngơ ngác chưa biết xử trí ra sao. Nó có học qua nghề thuốc nhưng trong trường hợp này thật bất ngờ đối với nó.
Hai đứa đang chuyện rời rạc về một chủ đề không ăn nhập lúc đó. Chuyện mới có ý định của ông Thăng về phạt xe không chính chủ lưu thông trên đường. Chuyện đó thì có ý nghĩa gì vào lúc này? Đề tài Lượng nêu ra rất không phù hợp, em tôi bấm bụng mà không dám cười!
Nó vẫn giả vờ như đang lắng nghe, tay vẫn đan len lia lịa. Nó làm việc này cho đôi tay khỏi thừa ra, chứ công việc ấy đâu có cần thiết? Găng tay bây giờ đủ loại mẫu mã, lại không quá đắt. Người ta chỉ việc mua về dùng, mấy ai con đan thủ công như nó?
Đột nhiên, Lượng ho rũ rượi, mặt biến sắc. Thím tôi vội chạy ra vườn kiếm củ gừng. Bà bảo con em họ tôi kiếm cho bà mớ tóc rối và luộc cho bà quả trứng gà. Thím vào buồng lấy ra đồng bạc “con cò” bảo bối của bà cất giữ từ lâu. Đồng bạc này bây giờ rất hiếm. Phải là người cẩn thận chỉn chu lắm mới giữ được. Nó lưu hàng có lẽ cả trăm năm nay rồi mà vẫn cứ sáng lấp lánh như mới. Thím đổ một ít rượu rết ra bát và bảo Lượng nằm sấp xuống cái giường ở gian bên cạnh. Bà đánh đến đâu, gió đen nổi mẩn lên đến đó. Tựa hồ chỗ ấy bị đòn rất nặng, thâm tím từng vệt dài. Em họ tôi có lẽ xấu hổ bỏ vào trong. Thím bảo tôi pha cho Lượng cốc nước gừng pha đường. Bà còn dặn phải lọc kỹ hết bã để cậu ta dễ uống. Xong xuôi tôi và thím ra bàn uống nước..
Thím hỏi tôi và lượng hôm ấy có đi ăn uống ở đâu không? Sợ ăn phải thứ gì độc? “Rượu, thức ăn, hoa quả bây giờ nhiễm độc rất nặng. Nhất là men Tàu, thứ men chỉ cần trộn với gạo cất rượu ngay không cần ủ men?”
Một người như bà thím tôi còn biết tình trạng ngộ độc thực phẩm bây gời ghê sợ như vậy thì sự không bình thường nữa rồi. Chả trách những năm gần đây xuất hiện bao nhiêu căn bệnh kỳ quái không thể hiểu được!
Tôi nói với thím không phải vậy. Cưới xin, đình đám quả thật “đang mùa”, nhưng hôm ấy cả tôi và Lượng đều không có dự đám nào, chỉ cơm nhà, không ăn hàng quán.
“Thế thì lạ nhỉ?” Thím có phần thắc mắc?
Chừng nửa giờ sau, như có phép lạ, Lượng tỉnh táo như không! Cậu ta có vẻ ngượng về việc vừa rồi, cứ ân hận mãi. Thím tôi bảo:
- Bệnh tật ốm đau có biết trước được bao giờ để tránh? Anh không việc gì phải áy náy..Hôm nào rỗi rãi lại đến chơi!
Sự việc có vẻ khó hiểu với chúng tôi lại đơn giản với bà đồng Thoa một cách đáng ngờ.
Bà bảo “ Việc đó có gì lạ đâu? Nhà anh Lượng bao nhiêu năm nay có vong nữ vợ nó vẫn theo suốt. Vong này còn tha thiết lắm, không muốn rời ra. Bất ngờ gặp vong nam theo con bà chừng ấy năm. Lúc đầu có ý không bằng lòng nhau, sinh ra cãi vã, ẩu đả. Sau rồi mới hiểu.. Không chừng cuộc gặp gỡ định mệnh này lại tốt cho cả hai bên”!
Thím tôi hỏi lại, bà bảo: “Hai vong ấy mà hợp nhau, con bà và cái nhà anh Lượng kia được tự do, không bị quấy nhiễu nữa”.
Nghe thím kể chuyện này, thực tình tôi bối rối chả biết nói với bà ra sao nữa? Không lẽ lại có chuyện kì dị này ư? Phân vân vậy, nhưng tôi định không nói chuyện này với ai. Mình chả tài giỏi gì cũng được ăn học, đọc “Sách thánh hiền” không phải ít. Ai lại đi tin chuyện vơ vẩn của mấy bà đồng?
****
Nhưng rồi không tin cũng không được. Bẵng đi một thời gian dài, một buổi tối Lượng đến tìm tôi. Nó báo tin cho tôi biết là sắp cưới vợ. Hỏi lấy ai? Nó hỏi lại:
- Mày không biết thật, hay giả vờ đấy?
Đúng là thời gian vừa rồi tôi bận một số việc, phải xuôi ngược luôn. Mọi diễn biến ở nhà không “nắm bắt” được nên không “phối kết hợp” với bên nhà thím tôi được chút gì.
 Thì ra thím tôi đã nhận lời gả con Lan em họ tôi cho nó. Việc này thím có sang nói cho mẹ tôi biết. Mẹ tôi gần đây mắc chứng hay quên. Chuyện hồi còn con gái bà vẫn nhớ không sót chi tiết nào, nhưng việc gần ngay đây lại không nhớ. Mẹ không nói gì với tôi cả vì tính hay quên của mình.
Tình duyên “như con bù loong và cái ê cu”, có đúng bước ren thì nó mới vào, mới khăng khít được..
Em họ tôi còn bảo “Ai cũng chê anh ấy khô khan, tính lại cẩn thận quá. Đàn ông mà quá cẩn thận, quá chỉn chu, tỷ mẩn thì không nên. Có tiếp xúc mới thấy ông ấy cũng hóm hỉnh, tốt tính ra phết anh ạ!”.
 Tôi chỉ cười : “Khi yêu cái gì mà không hay, không tốt. Nói thì nói thế, dù sao tôi cũng mừng cho cô. Cứng cáp cả rồi liệu mà ăn ở với nhau..”
Cô em có ý không bằng lòng vì hai chữ “dù sao” của tôi. Nó ngúng nguẩy bỏ đi. Nhưng tôi biết nó đang vui, chắc không giận tôi được lâu!
Ngày mai là ngày ăn hỏi của nó. Tôi nghĩ “dù sao”, lại là “dù sao”, Lượng cũng là bạn của tôi. Không thân mấy nhưng cũng là bạn. Hoàn cảnh của nó có thế nào chăng nữa nó vẫn có vốn quý hơn hẳn “các cụ các ông tốt lão” nói ở phần trên, đó là quỹ thời gian.
Không lẽ người ta năm thê bảy thiếp, “vợ nhỏ”, “bồ nhí”.. mà bạn tôi vẫn chỉ mãi một mình?

========

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: