Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Tin Văn:



HIỆU CONSTANT trả lời PHONG ĐIỆP
Tôi đã bắt đầu suy nghĩ rất lung về chủ đề đàn ông bị bạo hành khi đọc tác phẩm “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu. Khi ấy, tôi đã nghĩ nhà văn gạo cội này đã hư cấu quá nhiều nhưng dù sao mối ngờ vực về vấn nạn này bắt đầu thâm nhập vào tôi và tôi để tâm quan sát kỹ lưỡng hơn những gì diễn ra xung quanh mình, những mảnh đời mà tôi nghi ngờ đã bị vướng vào “mớ bòng bong” này. Rồi qua năm tháng của cuộc sống thực tế, bằng những trải nghiệm và những quan sát của mình, thúc giục tôi viết nên “Đường vắng” .
Nhà văn Hiệu Constant chia sẻ với VNT về cuốn tiếu thuyết mới của mình.
“Chúng ta hơi bất công với nam giới”
l        Phóng viên: Vấn đề phụ nữ bị bạo hành là vấn đề tòan cầu, dễ tìm được tiếng nói chia sẻ. Nhưng ở “Đường vắng” chị chọn một đề tài khá lạ: nam giới bị bạo hành?
-Hiệu Constant: Bạn nói đúng nhưng theo quan điểm của tôi là chưa đủ. Tức là ta chỉ nên dùng cụm từ «nạn bạo hành” thôi. Bởi như tôi đã nói ở phần mở đầu cuốn sách: “người ta có thể dễ dàng nhìn thấy vết bầm tím trên thân thể một người đàn bà, chứ mấy ai nhìn thấy trái tim người đàn ông đang rỉ máu”! Nạn bạo hành có nhiều cung bậc và những cách thức diễn ra khác nhau, nhưng những nạn nhân của nó thì cùng chung một nỗi bất hạnh đớn đau giống hệt nhau. Với phụ nữ thì còn có nhiều hội đoàn ủng hộ, bảo vệ, còn với đàn ông thì rất ít. Cũng là do những người đàn ông khi bị bạo hành thì họ cảm thấy tự ti mặc cảm, họ xấu hổ, họ không dám thổ lộ hay chia sẻ với người khác, thậm chí là người thân hay bạn bè, nên họ đành lựa chọn cách sống khép kín, âm thầm sống với nỗi đau ấy… Tôi thấy điều này hơi bất công! Chúng ta vẫn luôn đòi hỏi bình đẳng giới, thì tôi thiết nghĩ chúng ta cũng nên bình đẳng trong chuyện này.
-          Trang đầu cuốn tặng có dòng chữ “Tặng Claude”.Độc giả sẽ rất dễ suy diễn đây là một trong những nguyên mẫu của “Đường vắng”. Nếu không có gì bí mật, chị có thể cho biết Claude là ai? Tại sao chị dành tặng cuốn sách này cho Claude?
-Chả có gì bí mật đâu, mà ngược lại tôi rất muốn chia sẻ với bạn đọc điều này bởi Claude chính là “anh xã” tôi. Nhưng bạn an tâm đi, tôi đảm bảo là chồng tôi chưa bao giờ bị vợ bạo hành đâu. Khi đề tặng anh ấy cuốn sách này, thì đó là cách tôi cảm ơn “nửa kia” của mình, bởi anh luôn khuyến khích tôi trong công việc sáng tác văn học. Khi viết “Đường vắng”, tôi đôi khi cũng tham khảo ý kiến của anh ấy… Viết đề tặng anh ấy, và qua những trăn trở day dứt khi viết tác phẩm này, tôi cũng có ý định “răn mình” để trở nên hoàn hảo hơn trong mắt chồng!
l        Đọc “Đường vắng”, tôi thấy tác phẩm có một kiểu kết cấu khá lỏng lẻo. Các tuyến truyện ít có sự gắn kết với nhau. Đây là một ý đồ sáng tác của chị?
-          Cứ như thể bạn đã nắm bắt được suy nghĩ của tôi vậy! Vâng, đó là cách mà tôi chọn để viết tác phẩm này. Quan điểm viết văn của tôi là luôn chọn cách viết, bố cục phù hợp với nội dung tác phẩm của mình. Ví như nội dung cuốn tiểu thuyết này là viết về đàn ông bị bạo hành, mà giới này khi bị bạo hành thì hoặc là họ không tin đó là bạo hành và gắng sức chịu đựng, luôn cho rằng dù gì đó cũng là vợ con mình, hoặc họ thấu hiểu điều ấy nên cố gắng “bọc cho kín, che cho khuất” sự bạo hành ngược này, bởi họ xấu hổ, bởi họ tự ti… Họ không muốn chia sẻ, thế nên tôi cố tình cho các mối quan hệ giữa các nhân vật chính chỉ dừng ở mức “khá lỏng lẻo” như bạn nói… Bởi nếu tôi cho họ gắn kết chặt chẽ thì sẽ đi lệch hướng chủ đạo ban đầu của tôi khi viết tác phẩm này.
Viết từ sự cảm thông với những phận người
l        Cách viết của chị cũng khá truyền thống, cho thấy lối viết của chị thiên nhiều về bản năng?
- Tôi viết theo những dòng cảm xúc dâng trào từ chính những tâm trạng, sự xúc động, nỗi bức xúc và viết bằng chính con tim mình . Khi viết, tôi không quan tâm lắm đến lối viết truyền thống hay cách tân, mà chỉ gửi gắm và con chữ những gì mình quan sát được, mình cảm nhận được bằng chính tâm hồn và lòng trắc ẩn. Tôi chia sẻ, cảm thông, đôi khi động lòng thương những nhân vật của mình, mà họ vốn là đại diện cho một số người sống trong cuộc đời thực.
l        Trong những tác phẩm sắp tới, chị có ý định thay đổi phong cách viết này?
-          Tôi không cố xây dựng cho mình một văn phong riêng biệt, mà ngược lại là khác, tôi sẽ mãi trung thành với quan điểm viết văn của mình, tôi vẫn sẽ chọn một lối viết sao cho phù hợp với chủ đề, với nội dung tác phẩm mà tôi sẽ chọn viết trong tương lai.
l        Trong văn chương, chị mới chạm những bước chân đầu tiên. Nhưng chị đã chọn ngay cho mình thể loại tiểu thuyết để thử sức. Chị có thể lý giải về điều này?
-          Vâng, với danh tính tác giả sáng tác, đây có thể là những bước đầu chập chững của tôi. Nhưng với văn chương nói chung,  có lẽ là không, bởi trước đó tôi đã là dịch giả và đã từng dịch nhiều chục tác phẩm từ tiếng Pháp sang Việt và ít nhất là một tác phẩm tiểu thuyết dài, rất dài từ Việt sang Pháp. Khi dịch sách, tôi không quan tâm đến độ dài ngắn của tác phẩm mà chỉ quan tâm đến nội dung cuốn sách đó như thế nào. Nghề dịch tạo cho tôi một sự kiên nhẫn mà đối với một số đồng nghiệp dịch trong nước là không tưởng. Tôi cũng đã từng sáng tác truyện ngắn. Nhưng cũng như khi dịch, tôi ít khi quan tâm đến độ ngắn dài của các tác phẩm của mình, mà chỉ chọn số chữ cho phù hợp với câu chuyện mình muốn kể. Bởi theo tôi, truyện ngắn hay tiểu thuyết đều có những lợi thế và bất lợi riêng của từng thể loại. Trên văn đàn Việt, tôi nhận thấy một số tác giả chỉ có sở trường viết truyện ngắn và cho ra đời những tác phẩm để đời, nhưng khi chuyển sang viết tiểu thuyết lại chưa được xứng tầm với tài năng của họ. Tôi muốn thử sức trên nhiều thể loại.
l        Chị vừa nhắc đến dịch thuật. Chị đã là dịch giả của hàng chục đầu sách. Vậy công việc dịch thuật giúp được chị như thế nào trong công việc sáng tác văn học?
-          Tôi thành thực chia sẻ cùng bạn là dịch thuật cũng không giúp gì nhiều cho tôi trong công việc sáng tác đâu, bởi đó là hai công việc khác hẳn nhau, có chăng chỉ giống nhau ở sự sáng tạo thôi. Dịch thuật, ngoài việc phải thông thạo ngoại ngữ, thì ta phải tự ép mình đứng vào vị trí của nhà văn ấy, của tác giả ấy, sống cuộc đời của họ, vui buồn với tâm trạng của họ khi họ viết cuốn sách ấy, chương đoạn ấy để có thể nắm được “cái thần” của tác phẩm để chuyển ngữ sao cho thật tốt. Còn khi viết văn, ta lại phải quan sát, nghiền ngẫm, chiêm nghiệm, tự mình đưa ra chính kiến và hoàn toàn phải đảm nhận trách nhiệm về chủ đề mình nêu ra và những gì mình viết ra…
Văn chương Việt và cơ hội xuất ngọai
-          Tháng 10 – 2012, Tủ sách văn học Việt nam đương đại đã ra mắt tại Pháp. Là một nhà văn Việt Nam đang sinh sống tại Pháp, chị có quan tâm đến sự kiện này?
-          Tôi rất quan tâm đến sự kiện Tủ sách văn học Việt Nam đương đại đã ra mắt tại Pháp! So với các nước láng giềng châu Á của chúng ta, văn học Việt vẫn chỉ chiếm một vị trí rất khiêm tốn trên văn đàn Pháp. Để quảng bá được nền văn học của chúng ta ra nước ngoài, tôi thiết nghĩ phải cần sự “chung lưng đấu cật” của nhiều người, chứ không phải chỉ là một vài cá thể riêng biệt, và nhất là phải có nhiệt tâm… Riêng tôi, tôi luôn làm hết sức mình để có thể giới thiệu các nhà văn Việt trên đất Pháp, quê hương thứ hai của tôi, mà tôi cũng rất yêu quý!
l        Chị nhìn nhận như thế nào về cơ hội đưa văn học Việt Nam đến với độc giả Pháp?
-          Nói về văn học, Pháp là một trong những quốc gia có nền văn hoá đọc hùng hậu nhất thế giới. Bạn đọc Pháp sẵn sàng đón nhận các tác phẩm dịch, cho dù chúng đến từ bất kỳ xứ sở nào trên hành tinh này, miễn sao các tác phẩm ấy hay và có ý nghĩa, phản ánh được đời sống tinh thần, xã hội của người dân sống trên mảnh đất ấy. Tôi nói vậy với hàm ý rằng luôn có nhiều rất nhiều cơ hội cho văn học Việt sẽ được bạn đọc Pháp đón nhận nồng nhiệt. Trước đây đã có những tác phẩm của các nhà văn Việt khiến bạn đọc Pháp rung động như “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Phố nhà  binh” và một số tác phẩm khác của Chu Lai và những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp,  “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh… Điều khiến tôi trăn trở là chuyện giới thiệu và dịch các tác phẩm ấy vẫn chỉ diễn ra lẻ tẻ, riêng lẻ … và nhất là chúng ta chưa có hẳn một đội ngũ đông đảo dịch giả dịch ra tiếng Pháp, và người giới thiệu (trong đó có tôi) giới thiệu sách văn học với bạn đọc Pháp còn quá ít. Mong rằng thời gian tới, tình hình sẽ được cải thiện…
-          Là một nhà văn, một dịch giả sống tại Pháp, tôi tin chị sẽ tiếp tục nỗ lực góp phần đưa văn chương Việt giới thiệu với bạn bè quốc tế. Chúc chị có thêm nhiều tác phẩm được bạn đọc yêu mến.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: