Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

NGÔI NHÀ BÊN CỬA RỪNG. ( tiếp theo và hết )


3.
Số phận là tên "Người sói"đáo để và khốn kiếp nhất. Nó không dễ gì buông tha nạn nhân của nó..Ngôi nhà bên cửa rừng cũng là nơi chứng kiến, chịu đựng những dị biệt, éo le rất ít khi xảy ra nơi những căn nhà khác.
Khả năng của nó chỉ có thể chứa đựng được hai đến ba con người là cùng. Chiều ngang chưa đầy ba mét, dài cũng chỉ nhỉnh hơn một chút. Dung lượng ấy.. hai hay ba đã là quá tải.
Vậy mà có lúc nó phải chứa gần chục con người. Tôi chịu không thể hình dung ra cách người ta ăn nằm, ở, làm vài việc gì ở đấy như thế nào trong không gian chật hẹp, ảm đạm, ám khói đến thế?
Ngay hôm mưa gió chúng tôi vào đụng mưa, nấu nhờ bữa cơm đã phải bớt hai trong số ba đứa chúng tôi đội nón đứng ngoài mái hiên. Chỉ dựa được mảnh lưng áp vào vách nứa cho đỡ lạnh. Nếu không có mấy mảnh nón mê ai đó vất trên đường đi, hẳn cả hai ướt còn hơn chuột lội nước.
Bạn muốn biết vì sao quân số đột ngột tăng?  Câu chuyện thật giản dị và cũng thật khó hiểu:
Cách chừng hơn năm sau bữa ông Phúng  ( Cái tên ma chay, hiếu đễ, ra làm sao đâu ấy nhở!) gặp người đàn bà bên dòng nước, ngôi nhà này chứng kiến thêm một chuyện. Có một người đàn ông đầu trọc lốc, vùng này chưa ai gặp bao giờ dẫn theo người đàn bà trẻ đẹp nói là "vợ", đi tìm người chị gái thất lạc. Người này ôm lấy vợ ông Phúng rồi khóc rống lên:
- ối chị ơi, chị đi đâu từ đấy đến nay? Em ra trại người ta bảo mẹ chết rồi. Chị ra quân về làng lấy chồng huyện bên. Em sang, đến nơi cái lão chồng chị ấy còn vác thuổng đuổi đánh em.. Thế là làm sao hở chị?
- Lão ấy bảo chị không biết đẻ, lôi con khác về nhà. Chị không đồng ý thế là lão ấy đánh chửi, kiếm cớ đuổi chị ra khỏi nhà..
- Thế chính quyền, làng xóm đâu? Chị chịu ra tay không à?
- Làm gì được lão? Lão lấy mình có đăng ký đăng queo gì đâu? Vợ lão đẻ toàn gái, lấy thêm mình, danh nghĩa vẫn là "người ăn kẻ ở".. Mà thôi phải tập quên đi những điều khốn nạn mới đủ sức sống được ở đời em ạ.
Lão Phúng nói:
- Đúng đấy..quên con mẹ nó đi. Nhớ làm gì cho nặng đầu?
Hai vợ chồng kẻ mới đến không thấy nói chuyện ra đi. Ngôi nhà bên cửa rừng đủ chân "tứ trụ triều đình".. Ba năm, thêm năm đứa trẻ ra đời từ "vốn tự có" của hai cặp vợ chồng này. Nói ngôi nhà này có lúc chứa chấp, chịu đựng gần chục con người là nhẽ ấy..
4.
 Ngày chúng tôi hoàn công công trình nơi rừng sâu, núi đỏ, có ghé qua chào lão Phúng để về xuôi. Cảnh tượng hoang tàn, bi thương đến không ngờ bày ra trước mắt tôi.
Hai bên đầu hồi cách chừng mươi mét có hai ngôi mộ mới, còn chưa xanh cỏ. Lão phúng ngồi ôm bụng phều phào nói: “ Nhà tôi và cậu ấy đi rồi cậu ạ!” Tôi nghe mà chột dạ, không thể tin! Hỏi các cháu đâu, lão bảo: “ Hai đứa đi lấy măng bị lũ cuốn, hai đứa người ta nhận làm con nuôi ở ngoài làng Cháy, cách mươi cây. Giờ chỉ còn con bé này..” Lão chỉ tôi đứa bé có cái ve nhỏ mi mắt trái..( Giống hệt cái ve cô chủ phông bạt đầu câu chuyện này tôi đã kể )
Vợ ông em cậu đang lúi húi cào cào cuốc cuốc gì đó trên đồi cao. Bóng chi ta dài ngoằng vắt qua khe suối, tới mãi đám cây đùm đũm gai sắc như vuốt mèo.
Ra đến đường cái quan còn được nghe nhiều câu chuyện hư hư thực thực về cái nhà ông Phúng này. Đồn rằng em cậu chết, ông ta có tình ý gì với em mợ. Bà vợ uất quá treo cổ tự vẫn. Mấy đứa con thương mẹ, hận bố bỏ nhà tìm nơi khác nương tựa. Bây giờ ông ấy sống như vợ chồng với cô em mợ..
Liệu có hẳn là vậy không?
 Tự nhiên thấy ghê sợ lời đồn thổi vu vơ, ác ý của người đời. Không phải trước những cảnh đời không may mắn, ai cũng có lòng trắc ẩn, một chút lòng nhân, một chút hỉ xả, thứ tha .. Không thiếu kẻ xoay lưng, diễu nhại, tội tình người khác!
Nhưng cũng có thể những lời đồn ấy là đúng. Nếu vậy con người đáng thương là lão Phúng lại thêm một tội tình. Làm sao mà con người ta dễ dàng bước qua giới hạn luân thường, giới hạn của tình thương không chịu hình phạt nào dù là lương tâm, ý muốn của thượng đế hay lề luật tự thế gian này?
Ngôi nhà ấy, gia đình ấy còn lý do gì tồn tại? 
Đó là một ngày trời nhiều mây, lặng gió, ráng mỡ gà ở phía sau ngọn núi cao ngất giáp với chân trời. Đêm ấy thể nào cũng có mưa, sấm chớp khác hẳn ngày thường..

Chuyện buồn quá. Buồn đến nỗi tôi không dám tìm hiểu thêm, mặc dù sau đó có vài lần qua lại..

Không ngờ lại có ngày gặp được cô “phông bạt” hôm nay.
Thấy hiển hiện ngôi nhà bên cửa rừng, đêm đêm lập lòe ánh lửa. Có những đêm đom đóm nhiều như sao trên trời sa xuống thành một vệt dài bên khe suối. Tiếng bìm bịp hay tiếng con gì đó khắc khoải kêu..Ngôi nhà bé nhỏ sực nức tiếng cười, mùi đàn bà, mùi bắp non, lúa mới..
Nhưng mà thôi, chẳng nên nhắc lại, hỏi em thêm làm gì?
 Em bảo em con ông Phúng.. chỉ cần nhớ vài kỉ niệm vui về ngôi nhà bên cửa rừng. Chuyện khác quên đi như bao chuyện trong đời.
Tôi cũng mừng cho em!

                        Thác bản Lan 4/2013



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: