Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

TƯ LIEUJ VH:


CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ11)


                                                                               
              NHÀ VĂN HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

Hồi năm 1978, ông bạn họa sĩ Trịnh Tú, lúc đó là thư ký bác sĩ Tôn Thất Tùng, GĐ bệnh viện Phủ Doãn một hôm rủ tôi :
“ Tới thăm vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường đi !”
Tôi ngần ngại :
“ Có việc gì cần không ? Nếu không thì ngồi quán bà Dậu làm chén rượu chẳng hơn à ?’
Hồi đó tôi ở phố Ấu Triệu sát ngay bệnh viện Phủ Doãn nên Trịnh  Tú thưởng lẻn sang rủ tôi uống rượu ở quán bà Dậu ngay đầu phố tôi. Nguyên là ông bạn vàng này mới nhờ tôi đưa bồ hắn từ Sàigòn ra đi thăm nuôi chồng vốn là sĩ quan quân đội cộng hòa đang cải tạo mãi tại vùng rừng núi heo hút   Thanh Hóa. Vì không phải thân nhân nên tôi không được vào trại , phải ngủ rừng một đêm muỗi cắn gần chết. Sợ ông bạn lại “sai” việc nữa , tôi giao hẹn trước :
“ Tới chơi thôi, còn có việc thì thôi nhé !”
Trinh Tú cười cười :
“ Tới giúp bà Mỹ Dạ, vợ ông Tường đi khám bệnh…”
Tôi  gật gật:
“ Vậy thì được…”
Tôi tưởng vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phải ở một căn hộ nào đó ở khu hồ Tây hoặc khu nghỉ dưỡng Quảng Bá, không ngờ Trịnh Tú đưa tôi lên đường đê La Thành vào trường viết văn Nguyễn Du tới một căn buồng  mái tranh, vách đất, trống huếch trống hoác, giữa nhà trải chiếc chiếu, một người đàn ông gày guộc, ngồi xệp, hai đầu gối qúa tai. Chắc đã hẹn trước, nhà văn vồn vã mời ngồi, còn chị vợ  - nhà thơ Lâm thị Mỹ Dạ thì xin phép vào bếp rang…lạc đãi khách. Trịnh Tú vội xua tay :
“ Thôi thôi…tôi tới coi sức khỏe chị sao ? Liệu có giúp được gì rồi phải  về ngay…”
Trong lúc Trịnh Tú hỏi chuyện chị vợ thì tôi ngắm nhà văn . Ôi chao ôi , người đàn ông gày  gò, ốm đói kìa lại là người viết ra bút ký “ Rất nhiều ánh lửa “đăng trang nhất báo Văn Nghệ ư ? Điều kiện sống tối tăm và ẩm thấp thế này ông lấy đâu ra lửa ?
Trên đường về tôi la oai oái. Thật không thể tưởng tượng được, một  “nhà văn viết bút ký hay nhất của văn học ta hiện nay” ( Nguyên Ngọc) ,  hồi Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 ở Huế là tổng thư ký Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Thành phố Huế , soạn “Lời hiệu triệu” kêu gọi quần chúng nổi dậy, thu băng phát đi khắp các nẻo đường, phố phường Huế Tết Mậu Thân , có thành tich lớn trong phong trào “diệt ác, trừ gian”, theo đồn đại đã từng ngồi ghế Chủ tọa Tòa  án Nhân dân tại trường Gia Hội . Năm 1972 được điều ra làm Trưởng Ty Văn hoá tỉnh Quảng Trị ở Đông Hà  (vùng mới giải phóng của Mặt trận Giải phóng), 17 năm kiên trì làm “đối tượng Đảng” rồi được kết nạp…
Một người đã bỏ đô thị “lên xanh” theo cách mạng với thành tích lớn thế sao ra Bắc lại bị “đãi ngộ” nghèo nàn đến vậy.
Ra khỏi nhà Hoàng phủ Ngọc tường, tôi lo lắng hỏi bệnh tật chị Mỹ Dạ, Trịnh Tú gạt đí :
“Bệnh tật gì đâu…bệnh thiếu…protide ấy mà…ăn uống thiếu thốn, kham khổ nên sinh bệnh thế thôi.”
Tôi nổi cáu :
“ Một cặp nhà văn –nhà thơ có nhiều đóng góp cho cách mạng sao giờ lại đối xử vậy ?”
Trinh Tú cười hề hề :
“ Cậu đi hỏi mấy ông trên, sao hỏi tớ ? Thôi, ghé quán bà Dậu làm chén “cuốc lủi” , mặc mẹ sự đời .”
Sau này vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường rời Hà Nội trở về Huế và nghe nói được “đãi ngộ” khá hơn.  Ở Đại hội Nhà văn lần thứ V (1995), văn phòng Tổng Bí thư Đỗ Mười đưa xe đến mời nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tới gặp riêng  Tổng bí thư. Dịp tết Ất Dậu, ông Đinh La Thăng, giờ là Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải  nổi tiếng vụ “trảm tướng” sân bay Đà Nẵng, đòi đánh thuế cả xe máy dân nghèo, lúc đó là  Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy đến tận nhà, tặng vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường một dàn máy tính xịn. 
Năm 1980-1981, được Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam với tập “Rất nhiều ánh lửa” (1979).
Năm 2007, được  Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cùng đợt với vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Ông từng làm Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương và Tạp chí Cửa Việt.
Tháng 7-1997, Hoàng Phủ Ngọc Tường sang thăm Paris. Khi được bà Thụy Khuê (RFI) hỏi :
Nhìn từ phía những dữ kiện lịch sử mà anh nắm bắt được, diễn biến Mậu Thân đã xẩy ra trong một trình tự như thế nào"
Ông đã trả lời :
“  Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng…”
Phải chăng vì những oan hồn đó, sau này trên giường bệnh, ông làm những câu thơ đậm chất “tâm linh” :
Những chiều Bến Ngự dâng mưa
Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
Tôi ra mở cửa đón người
Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang.
Hoặc :
         “Nợ người một khối u sầu
        Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi ……”
Cũng trên giường bệnh, trả lời nhà báo, Hoàng Phủ Ngọc Tường thành thực :
“ Nhà văn phải nói lên sự thật…”
Qúa đúng, với ông , có lẽ trước hết là sự thật về cuộc Tổng tiến công nổi dậy năm Mậu Thân ở Huế.
Nhà thơ Xuân Sách có lẽ hiểu khá thấu đáo Hoàng Phủ Ngọc Tường nên đã hạ bút :
“Trăm năm ông phủ... Ngọc Tường ơi
Cái nợ lên xanh giũ sạch rồi
Cửa Việt tung hoành con sóng vỗ
Sông Hương lặng lẽ chiếc thuyền trôi
Sử thi thành cổ buồn nao dạ
Chuyện mới Đông hà tái nhợt môi
Từ biệt chốn xưa nhiều ánh lửa
Trăm năm ông phủ... Ngọc Tường ơi!





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: