**
Hồi đó mưa
nhiều. Những cơn mưa rừng không ngớt. Suối dâng ngập các tảng đá đầu ông sư hai
bên bờ. Từng đám cây đổ ngả nghiêng, bám đen vắt là vắt. Ngoe nguẩy, ngoe
nguẩy. Cua đá màu thâm nâu bò ra từng đàn. Có con chim không hiểu vì sao gẫy
cánh, mắc kẹt trên ngọn cây. Rắn trắng, rắn xanh chạy lũ trườn loạn xạ ven bờ
nước.. Chúng tôi có việc ở sâu trong rừng, vì mưa to quá phải ra đây tìm chỗ
trú mưa. Nhưng cái chính vẫn là tìm một chỗ để nấu cơm ăn. Không thể nhịn. Mẻ
không ăn cũng chết cơ mà?
Dọc theo suối,
mãi rồi cũng gặp một ngôi nhà. Nhà thực sự chứ không phải chòi hay lán thường
gặp ven rừng, nơi người ta ở tạm mùa làm nương. Có khi chỉ là trú chân buổi
trưa, trú mưa nắng vì ngại về nhà quá xa.
Nhà dựng cột
ngoãm, không có vết cưa đục, làm hoàn toàn bằng dao, chả có dấu vết công nghệ
nào. Lại thấp bé, dựng chắn ngay giữa tim đường. Trần đời tôi chưa từng thấy
nhà kiểu như thế bao giờ. Người ta cứ hay quen mồm kêu “nhà cửa”, “cửa nhà” vì
thông thường đã là nhà phải có cửa, to nhỏ mặc lòng. Nhưng ngôi nhà này tuyệt
nhiên không có cửa. Bạn sẽ hỏi vậy ra vào bằng cách nào? Đơn giản, cứ theo
đường đi chạy dọc giữa lòng nhà qua hai đầu hồi để trống. Gọi là cửa cũng phải,
gọi là đường đi cũng phải vì chính nó là lòng đường. Một con đường mòn xuyên
qua rừng sâu, dọc theo suối, không mấy khi có người qua lại. Đó là ngôi nhà tận
cùng của miền hoang sơ, thưa dấu vết con người. Ai đó có việc qua đây cứ tự
nhiên vào, rồi ra dọc theo hành trình không cần xin phép chủ nhân.
Ông này đen,
dong dỏng cao, tóc tai lờm xờm vì lâu không có khái niệm chải đầu, lược là vật
xa xỉ không tìm thấy ở đây. Ở cùng ông còn có một phụ nữ cứng tuổi, với mấy đứa
trẻ bẩn, lếch thếch, nhọ nhem. Bà ta tóc tai gọn hơn một chút, nhưng chắc chắn
cũng không chải lược bao giờ. Bà ta nói giọng khê khê vùng biển. Hỏi quê, bảo
Hai Hậu, Hải Dương.. gì đó, lâu ngày tôi không còn nhớ. Còn ông người Trùng
Khánh, Cao bằng. Một người vùng biên viễn, đèo cao hút gió, một người miền thùy
dương làm sao lại cùng nhau ở đây?
Kể: Loạn biên
giới, người đàn ông tên Phúng chết mất vợ con, một mình về đây. Ông đau buồn đến
nỗi không muốn nhìn thấy bất kì ai, định sống một mình thẳm Hon này cho đến
cuối đời. Nhìn thấy cảnh sống gia đình người ta lòng ông lại tái tê, nhức buốt
, chịu không nổi. Chỉ có muỗi và chim rừng là niềm an ủi cuối cùng của ông. Coi
như đó là cách sám hối tạ tội cùng với vợ con vì sự thiếu chu đáo và quá chủ
quan của mình. Dân làng xôn xao sẽ xảy ra chiến sự, ông một mực: “Không thể có
chuyện đó, nếu có cứ chặt đầu tôi đi” Ông không tin là sẽ xảy ra chiến sự. Dân
làng nhao nhác tản cư bằng nhiều cách, nhiều ngả. Ông vẫn ung dung như không có
chuyện gì.. Không ai chặt đầu ông cả. Hối hận, căm giận, tủi hổ lương tâm mình.
Ông sống như bây giờ..
Một buổi sáng
ông Phúng bắt gặp người đàn bà bị cảm lạnh, ngất bên bờ suối. Ông đưa người đó
về, đánh cảm, thành vợ ông bây giờ. Cuộc hôn phối ngẫu nhiên tồn tại cho đến
lúc họ gặp chúng tôi.
Lúc đó tôi chưa
dám hỏi bà là ai, từ đâu đến? hoàn cảnh thế nào? Biết được quê quán, tên tuổi
là mãi sau này, khi chúng tôi đã là chỗ thân quen.
Tôi biết bạn sẽ
tò mò: Tôi là ai, làm gì chốn rừng xanh, núi đỏ heo hút, xa xôi ấy? Thưa bạn: Đó
không phải là ý định của tôi muốn kể trong câu chuyện này. Nó là liên chuyện
khác, sẽ kể nếu như tôi còn hứng thú. Bằng không, bạn cứ quên nó đi như bao
chuyện nhảm nhí, phù phiếm, ngụy tạo người ta dựng lên đầy dẫy thế giới này..
( Còn nữa..)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét