Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Sao lại giống nhau: "Nhà văn X"..với P?


Bạn thơ Vũ Trọng Quang buổi tối nhắn tin “Mầy đọc bài của Nguyễn Đạt chưa?” Tôi cảm ngay có chuyện gì rồi, chuyện gay cấn cũng nên. Tôi đọc “Nhà văn X” của Nguyễn Đạt (đăng ngày 7/3/2013), cảm giác thật chưng hửng. Hư cấu chẳng ra hư cấu, có lẽ nó thật giống như nhật, tìm đỏ mắt không thấy văn chương nghệ thuật ngoài thứ mượn văn chương nghệ thuật để xúc xiểm, lên giọng trịch thượng kẻ cả với người khác.
Cái hẻm càfê bình dân lề đường Trần Quốc Thảo mà trong bài viết Nguyễn Đạt đề cập, tuy không nói ra cụ thể địa chỉ, nhưng lại nói giới văn nghệ thành phố thường lui tới, thì ắt nhiều người biết đó là hẻm 58 rồi.
Tôi muốn hỏi Nguyễn Đạt: Lấy tư cách gì ông lên mặt “phán” kiểu “đàn anh” vô cùng tởm lợm, rằng cái hẻm càfê bình dân kia là “nơi tụ tập thường xuyên của những văn nghệ sĩ làng nhàng ở thành phố này”?
Cái mà Nguyễn Đạt chụp cho cái mũ “văn nghệ sĩ làng nhàng” ở thành phố Sàigòn này là những ai? Đó là gần như hầu hết anh chị em văn nghệ sĩ thành phố có cộng tác thường xuyên với Tiền Vệ, như: Nguyễn Viện, Lưu Mêlan, Vũ Trọng Quang, Trần Hữu Dũng, Phạm Mạnh Hiên, Chiêu Anh Nguyễn, Lynh Bacardi, Nguyễn Tiến Văn, Vũ Lập Nhật, Lý Đợi, Tuấn Khanh, Bùi Chát...
Nguyễn Đạt có còn chút nhân bản nào không khi ông ta ráo riết dè bỉu một người tàn tật cả hai chân đã cho ông ta “chất liệu” để “múa bút”, và ông ta còn... ăn cắp quẹt zippo của kẻ mà ông ta dè bỉu chửi rủa bằng thứ giọng vô lối trịch thượng nhưng lại phơi bày cái tâm địa ác hiểm, nhỏ nhen đê tiện, thù hằn!
Nhà thơ này nhà văn kia, qua bài viết của Nguyễn Đạt, đều là loại “ngán ngẩm” không xứng làm văn nghệ, duy chỉ có Nguyễn Đạt mới xứng đáng tầm cỡ trong văn nghệ, ai khác chỉ “làng nhàng” thôi hà.
Cái hợm hĩnh ngạo mạn của Nguyễn Đạt, thật hết thuốc chữa. Nguyễn Đạt làm thơ viết văn thuộc hàng “mọc rễ”, tôi biết và đã từng “bạn bè” lui tới nhau. Nhưng thơ văn Nguyễn Đạt đã là cái đinh gì, tôi nghĩ Nguyễn Đạt thuộc loại “điếc không sợ súng” hay là bản chất kiêu căng vô lối của ông lấn át cái “tài mọn” của ông trong văn nghệ!?
Với Nguyễn Đạt, anh em văn nghệ ai mà không biết ông luôn “đóng bộ nhà văn lớn” lên lớp người này người nọ, và ông ta cũng “danh bất hư truyền” “uống càfê chực”, “nhậu chùa”, cứ thấy anh em thì nhào vô uống nhưng chẳng chịu xùy tiền vì ông ta cho mình là nhà văn... nhớn mà (!), mặc dù ông ta luôn khoe thu nhập viết cho Người Việt mỗi tháng hàng chục triệu đồng.
Qua bài “Nhà văn X”, Nguyễn Đạt bộc lộ rõ một thái độ hằn học đê tiện với anh chị em cầm bút khác ở thành phố Sàigòn, hơn nữa, hành động “bắn ùm” anh chị em viết lách như vậy là không thể chấp nhận được với người cầm bút “tâm sáng”.
Phạm Mạnh Hiên

Và đây, "Nhà văn X":


Quán vỉa hè, một hai chiếc bàn nhỏ, hai chiếc là cùng, thêm vài chiếc ghế nhựa, đặt trên vỉa hè con đường mang tên Trần Quốc Thảo. Hiển nhiên chúng được đặt ở đấy, làm dấu hiệu cho quán cà-phê vỉa hè mà thôi. Nghĩa là cái quán cà-phê vỉa hè chính thức đặt dọc một con hẻm liền sát đấy, trên đường Trần Quốc Thảo; nơi tụ tập thường xuyên của những văn nghệ sĩ làng nhàng ở thành phố này. Tôi biết họ; biết cả anh chàng ngồi trên xe lăn có gắn động cơ, anh chàng từng được một văn nghệ sĩ làng nhàng giới thiệu là diễn viên điện ảnh. Nghĩa là anh chàng từng thủ một vai gì đấy, trong cuốn phim về biệt-động-thành gì đấy của “cách mạng”. Hiển nhiên anh chàng tự cho rằng, chỉ qua một lần thủ vai gì đấy trong cuốn phim biệt-động-thành gì đấy, là anh chàng thừa tư cách để cùng tụ tập với những khuôn mặt văn nghệ tại cái quán cà-phê vỉa hè đầu hẻm con đường mang tên... Mà anh chàng cũng thừa tư cách ấy, với cái ví tiền phồng to trong túi, thường xuyên rủ nhóm bạn văn nghệ này đi nhậu nhẹt sau đó.
Tôi vào quán cà-phê vỉa hè đầu hẻm con đường này một hai lần, hai lần là cùng; có thể là ba lần, tôi không nhớ rõ. Vẫn những khuôn mặt quen thuộc, nghĩa là có cả sự hiện diện của anh chàng ngồi trên xe lăn có gắn động cơ. Ấy tuy nhiên, ngồi yên vị trên chiếc ghế nhựa xẹo xọ, tôi ngó dãy bàn ghế đặt dọc con hẻm; thấy một bàn hiện diện vài khuôn mặt lạ. Tất nhiên lạ với tôi. Tôi chú ý nhiều hơn, một chàng râu ria, vẻ hờ hững bên cạnh mấy chàng kia. Anh ta, chàng râu ria, tuy vậy tiếng cười lớn rộ hơn hết thảy. Qua tiếng cười, người ta dễ dàng sắp đặt chàng ta vào loại ăn tục nói phét. Mấy chàng đó, kể cả chàng râu ria, đang hăng hái nói chuyện về..., nói chung là về phạm-trù-libido. Tôi thừa nhận, gì chứ, nói chuyện về các thứ quanh “cái ấy”, và về “cái ấy”, lúc nào mà chẳng lôi cuốn, hấp dẫn. Tôi nghe mấy chàng đó nói chuyện, nhớ người bạn nhà văn M.S., với cuốn truyện của anh vừa được phát hành. Anh bảo dư luận về cuốn truyện rất tốt, “...cuốn truyện đầy tràn tình dục!...,” anh dẫn lời một nhà văn trẻ đang lên, nhận xét sau khi đọc cuốn truyện mới phát hành của anh.
Anh chàng diễn-viên-điện-ảnh-biệt-động-thành khoe chiếc bật lửa Zippo chính cống Hoa Kỳ mới toanh, bật nắp kêu clic-clic rất trong tiếng. Ấy tuy nhiên anh chàng không quên chiếc bật lửa cũng hiệu Zippo chính cống Hoa Kỳ, bị mất cắp trong một bữa nhậu, cách đây ít nhất hơn một năm trời. Trong bữa nhậu đó, tôi và người bạn lớn tuổi để râu tóc dài thõng thượt, ngồi đối diện anh chàng. Phát hiện chiếc bật lửa bị mất cắp, anh chàng cứ đinh ninh thủ phạm là người bạn lớn tuổi của tôi, người mà mọi người trong xứ sở hình chữ S này đều gọi là nhà nghiên cứu văn hóa tư tưởng. Hai người ngồi đối diện anh chàng, cả hai vẫn đôi lúc tiện tay lấy bật lửa của anh chàng để mồi thuốc. Nhưng anh chàng không nghĩ người lấy cắp bật lửa là tôi, có thể anh chàng chẳng dại gì đụng tới thằng cha từng là biệt-kích-Báo-đen của “ngụy quân” do quân đội Hoa Kỳ đào tạo huấn luyện. Tốt hơn hết, cứ đinh ninh kẻ cắp đích thực là ông già nghiên cứu văn hóa tư tưởng; gì chứ, văn hóa tư tưởng là cái thứ mà anh chàng suốt đời không thèm biết đến, thề thốt không đội trời chung. Anh chàng nói bóng nói gió về sự chắc mẩm ai là thủ phạm; còn đe dọa sẽ tới tận nhà đương sự để lấy lại vật báu. Cũng may, nhà nghiên cứu văn hóa tư tưởng lúc ấy đã say mèm, không nghe không thấy vạn vật chung quanh. Và cũng sẽ chẳng ai có thể dẫn anh chàng tới nhà thủ phạm, ở một địa chỉ mà mỗi lần về, nhà nghiên cứu văn hóa tư tưởng cũng phải hỏi thăm những người gần quanh lối ngõ. Tôi cam đoan, nhà nghiên cứu văn hóa tư tưởng chỉ nhớ được, cùng lắm là khu vực ngoài lối ngõ dẫn vào khu vực có căn nhà trọ. Không phải nhà nghiên cứu văn hóa tư tưởng lơ đễnh như thường thấy ở mọi nhà nghiên cứu, mà cái địa chỉ ấy thật sự khó nhớ khó tìm. Căn nhà trọ của nhà nghiên cứu văn hóa tư tưởng chẳng khác một quân cờ, quân tốt chẳng hạn, trên bàn cờ tướng, trước mắt những người không biết chơi cờ tướng bao giờ. Tại Sài Gòn, thành phố lớn nhất Việt Nam, có vô số khu vực ngõ hẻm đường ngang lối dọc như bàn cờ, duy một khu vực mang đích danh là Bàn Cờ mà thôi.
Buổi sáng này, tôi ngồi chung bàn với một nhà thơ. Anh và tôi quen biết nhau từ thuở trước, nghĩa là trước Tháng Tư Tàn Độc - Một Chín Bảy Lăm. Ấy tuy nhiên chúng tôi, thân chẳng thân, sơ cũng chẳng sơ. Gặp thì chuyện trò rôm rả dông dài vớ vẩn cho vui. Anh hỏi tôi sao bữa nay lạc bước tới đây. Tôi bảo tôi đợi nhà thơ họ Trần, lấy tờ báo xuân văn nghệ thành phố có đăng bài... “Nhà thơ gì mà bon chen dữ vậy?” Anh nói ngay tắp lự. Tôi im lặng trước câu nói cực kỳ tệ hại; tự nhủ thôi thì tránh-voi-chẳng-xấu-mặt-nào; tiếp tục ngồi chờ bóng dáng nhà thơ họ Trần xuất hiện. Anh ta hẹn tôi một cách chắc chắn, qua điện thoại: “Sáng mơi anh ghé đây uống cà-phê, nhận báo xuân, có cả nhuận bút tui lấy luôn cho anh nữa đó...” Nhà thơ ngồi chung bàn hăng hái kể xấu và liên tục rủa sả nhiều người bạn cũ, hiện tất cả đều ở xa tít mù. Nghĩa là, anh chọn tôi làm thính giả, lắng nghe những lời anh rủa sả các bạn cũ của anh? Tôi chán ngán chuyện này, hệt như nỗi chán ngán khi đọc những gì gọi là tác phẩm văn nghệ của anh. Mấy chàng ở bàn trong vẫn tiếp tục câu chuyện thuộc phạm-trù-libido. Chàng râu ria nói chậm rãi: “Mấy em luôn luôn và tuyệt đối làm ra vẻ lãng quên mình có cái gì ở giữa hai chân. Mới hôm qua, tụi tớ có nhậu chung với một em còn đầy đủ nước nôi lắm. Em có đặc điểm là luôn luôn ngồi ở góc bàn. Tớ hỏi em: ‘Giữa hai chân cô là cái gì nhỉ?’ Em chợt ửng hồng đôi má, có lẽ hai đầu vú của em cũng ửng hồng như vậy; chẳng nói chẳng rằng, mắt long lanh nhìn ra cõi trống không. Tớ cười rộ mà bảo: ‘Giữa hai chân cô là cái chân bàn!’ Rồi tớ nói với em: ‘Bây giờ hỏi lại cô nhé: ‘Giữa hai chân cô là cái gì nhỉ?’ Em hẩy người lên, cong môi trả lời: ‘Giữa hai chân em là cái chân bàn.’ Tớ lắc đầu, bảo: ‘Không phải, giữa hai chân cô là cái lúc nãy cô không nói ra!’”
Tôi có cảm tình với chàng râu ria hóm hỉnh. Chàng ta có viết văn không nhỉ? Nếu chàng ta là nhà văn, chắc chắn tác phẩm của chàng ta còn đầy-tràn-tình-dục, ràn rụa lai láng tình dục nữa là đằng khác, hơn hẳn tác phẩm có dư-luận-rất-tốt của M.S. bạn tôi. Duy tôi không thích những tác phẩm “thuộc phạm-trù-libido” tôi đã đọc, của các nhà văn bản xứ. Nghĩa là, còn khuya họ mới mon men tới gót chân những D.H.Lawrence, Henry Miller... Thành công hết mức, tác phẩm của họ viết được, có thể sẽ xứng danh là livre pornographique đúng nghĩa, chứ không phải những tác phẩm văn học đích thực.
Nhà thơ ngồi chung bàn đột ngột hỏi tôi: “Bạn có đọc cái truyện..., truyện ngắn mới nhất của nhà văn X?” Hóa ra anh-chàng-thù-hận-cả-nhân-loại này còn có chỗ dễ cảm; anh quan tâm tới nhà văn tôi ưa thích hơn cả; nhất là truyện ngắn về hai con ong của nhà văn này. Đọc truyện của nhà văn X, tôi thấy mình gần gũi hơn với Jean-René Huguenin mà tôi ưa thích từ thuở thanh niên, để càng lúc càng thân thuộc với Những con ong của vô hình...
Anh chàng râu ria ra về trước tôi. Đã chờ, tôi phải chờ để gặp bằng được nhà thờ họ Trần, với tờ báo xuân văn nghệ thành phố, với nhuận bút bài thơ nữa chứ. Tôi hỏi nhà thơ ngồi cùng bàn: “Anh chàng râu ria kia có viết lách gì không?” Nhà thơ ưa gây sự trợn trừng con mắt cận thị, nói: “Tưởng bạn biết anh ta rồi chứ. Nhà văn X đấy chứ ai.”

Sài Gòn, tháng III–2013




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: