Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Doc Truyen:



CỎ

Truyện ngắn của NGUYỄN HỒNG
“Tôi thấy mình là cỏ. Tôi được sinh ra và tôi tự lớn lên…”
1. Hành lý chẳng có gì, vài ba bộ quần áo và một mớ đồ lụn vụn, lặt vặt. Hai ngày trước tôi đã nhét vội vàng vào túi xách, lập cập kéo khóa và chực phi thẳng ra khỏi cửa nhà không thèm ngoái đầu nhìn lại. Đi. Sẽ đi. Không từ biệt. Không luyến tiếc. Tôi đang có cảm giác bị đuổi ra khỏi nhà hơn là một sự tự nguyện. Cái mặt lì lợm của tôi không biết khóc bao giờ. Từng cơn nấc nghẹn bứ nơi cổ họng nuốt không trôi được cứ đau nhưng nhức. Đau từ tim lên đỉnh đầu, đau tứ chi rồi đau toàn thân. Tôi nuốt khan. Tôi khóc khan. Ừ, đi thì đi. Phải đi thôi. Tôi giục tôi, dữ dội lắm, quyết liệt lắm. Ở nhà chỉ là một cục thịt thừa. Một cục thịt bốc mùi ôi thiu làm ngứa mắt và vướng víu những người xung quanh. Ừ. Đi thì đi. Dễ thôi. Quan trọng đi là để trở về hay là bỏ xứ, biệt xứ. Có ai cần tôi đâu.
Cha vẫn ngồi rúm ró trên tràng kỷ, dáng ngồi như bị dính bệt vào một chỗ. Từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác, vẫn là chỗ ngồi đấy, cha thi gan với thời gian. Chiếc điếu cày được nâng lên, đặt xuống,  rồi vê thuốc, rồi rít, rồi ho, rồi khạc nhổ đờm dãi bừa bãi xung quanh chỗ cha ngồi. Mấy lần tôi buồn nôn khi dẫm phải. Mấy lần tôi bảo cha đừng có nhổ ở đây nữa, cha đi xa ra ngoài bờ ngoài bụi mà nhổ cho thoáng, đỡ công người dọn lại sạch cửa sạch nhà. Cha quắc mắt, đồ mất dạy, mày không dọn tao dọn. Cái cục lỳ của tôi lại nổi lên. Không mượn thì không dọn. Ruồi xanh ruồi đen bu ken kín. Muỗi bay là là, phè phè như máy bay tập trận. Mùi tanh hôi lẫn mùi ẩm mốc. Cha vẫn ngồi nguyên đấy, kệ thây ruồi muỗi, kệ thây kiến bu. Mẹ nhìn hằn học: tao chịu đựng cha mày cả đời, bọn mày mới ngày một ngày hai ăn thua gì. Cha vẫn ngồi bất động, kệ thây những lời xỉa xói. Kiến đốt, muỗi cắn cha còn không có cảm giác, mấy lời nói nhàm tai ấy cha nghe quen lắm rồi, nghe thêm nữa cũng chẳng sao, chỉ là như gió thoảng qua tai. Thành thử mẹ nói mẹ nghe, mẹ nói cho tôi, cho thiên hạ nghe. Mà họ nghe được gì hay không tôi không biết, cũng không cần quan tâm. Có đôi người chỉ chỉ trỏ trỏ, có đôi người ậm ự ngại ngùng lướt qua tôi có vẻ như thấu hiểu, chia sẻ.
Hai anh em tôi lớn lên như thế nào tôi không nhớ, không biết, không hình dung ra được. Thực sự, tôi cũng không buồn nghĩ đến. Đôi lúc tôi cũng tò mò nhưng rồi lại chậc lưỡi, thôi kệ vậy, quan tâm đến ngày hôm qua của mình cũng chẳng để làm gì, chẳng thay đổi được gì. Biết là mình đang được tồn tại, đang được hít khí trời, thế là sung sướng lắm rồi, kêu ca nỗi gì, mà kêu phỏng có được gì.
Chán học, học mãi mà chữ không vô, anh tôi bỏ nhà đi buôn sắt vụn ở ngoại tỉnh. Một năm, hai năm anh không về. Đến năm thứ 3, anh về dắt theo người đàn bà bụng đã vượt mặt xin cưới. Cưới thì cưới. Nhà lại thêm người, thêm những lời hờn mát xót xa vào những ngày đói và cả những ngày không đói. Thi thoảng những người trong nhà tôi lại giành những xỉa xói cho nhau, cho tôi.
“Không ở nhà làm ruộng thì đi đâu được thì đi, kiếm thúng kiếm mẹt mà buôn bán”.
“Bọn cái Xuân, cái Na lên tỉnh tháng trước, tháng sau đã gửi tiền về, cùng thôn mày cũng phải mở to mắt ra mà nhìn chứ. Hay mày không biết xấu hổ”.
Vẫn là kiểu nói như tát nước vào mặt người khác của mẹ. Tôi lớn lên, ám ảnh về mẹ chỉ là những lời nhiếc móc cay nghiệt, những trận đòn roi như xé giẻ. Tôi nhìn cuộc sống chảy quanh tôi bằng ánh mắt nửa dè chừng nửa ngơ ngác, lạ lẫm. Tôi không biết đến kim chỉ để may vá, không biết thưa bẩm, vâng dạ, tôi không biết anh em họ hàng xung quanh.Tôi không biết gì hết. Chỉ biết mình là giống đàn bà, ngày có kinh đầu tiên òa khóc vì sợ hãi như vừa phạm phải một tội lỗi. Tôi lấy tay bịt lại, càng bịt càng chảy. Tôi thấy mình là cỏ. Tôi được sinh ra và tôi tự lớn lên.
Nhiều lúc tôi suy tính, rồi cũng ngẫm đi ngẫm lại ra vẻ có trách nhiệm với đời, với mình. Cha mẹ đã cho tôi sự sống thì tôi cũng phải sống cho ra sống. Mười bảy tuổi, chẳng lẽ cứ quẩn quanh với mấy sào ruộng nhận khoán, bờ thấp bờ cao, với bốn bức tường nửa gạch nửa tre có những con người lầm lì sống, lầm lì ra vào. Ngày quần quật ngoài đồng, đêm nào ngủ được thì sướng, không ngủ được nghe ếch nhái râm ran mà lòng não nề.Thời gian cho tôi thêm tuổi. Tuổi cho tôi thêm những âu lo, những thảng thốt. Tôi quýnh quáng với cái quyền sống cha mẹ ban tặng nên tôi giục tôi đi. Lần này là tự nguyện. Cháy bỏng lắm. Tâm huyết lắm. Không phải là những vùng vằng giận cá chém thớt bởi có giận thì trong nhà tôi đó cũng chỉ là một hiện tượng thừa thãi, vô bổ. Giận cũng thế mà không giận cũng thế. Có thân thì tự lo thân, ai hơi đâu quan tâm đến mà dỗ giành.
Tôi chào cha mẹ. Tôi dặn dò anh chị và các cháu. Tôi đi. Hành lý chẳng có gì. Tuổi mười bảy và một mớ những rối rắm vụn vặt. Những tiếng thở dài cứ loằng ngoẵng bám theo tôi.
2. Ai dạy cho tôi khôn? Tôi ranh? Tôi làm ra vẻ sành đời. Tháng đầu tiên bưng bê trong quan nhậu tôi đã biết lúng liếng với khách. Tôi biết tôi có gì để đong đưa. Tuổi 17 hơ hớ măng tơ. Tôi tự tạo ra những luống cuống vô tình, những va chạm vô tình với những người đàn ông thường xuyên đến đốt tiền trong quán nhậu. Những ông già trán hói, bụng xệ chỉ chực có cơ hội là ăn tươi nuốt sống tôi. Những hôn hít, những sờ nắn không giấu giếm, vụng trộm mà cứ phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật. Tôi cắn răng làm thinh, rồi lại chậc lưỡi, bệnh ngoài da thôi mà. Nhưng bù lại, tôi được tiền, những đồng tiền mới có, cũ có, nguyên vẹn có, nhàu nát có cứ len lén dúi vào ngực tôi. Đêm đêm, sau những bải hoải rã rời của một ngày chạy bàn, tôi vuốt phẳng phiu những đồng tiền chẵn lẻ. Tôi  mãn nguyện cười trong cả những giấc mơ.
Ông chủ quán mò mẫm vào phòng lúc nào tôi không biết. Vội vã ném xập tiền xuống giường rồi vồ lên ôm riết lấy tôi. “Xuỵt, ngoan rồi ông thương, ông cho”. Tôi đang đồng lõa với ông hay là tôi thông minh đột xuất? Tôi đàng điếm hay tôi đang thèm khát đồng tiền? Hình như có lần bố tôi bảo mấy đời cụ kị nhà tôi cũng có người làm quan, có học hàm học vị đầy đủ, sau thất cơ lỡ vận mới ngậm ngùi làm kẻ bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cái gen thông minh từ đời cụ kỵ nhà tôi truyền chút ít sang tôi vào đúng lúc này chăng? Tôi tham lam vừa muốn giữ mình vừa muốn có tiền. Tôi dụ ông về phía cửa, luống cuống yêu đương, luống cuống mở chốt, tôi ấn ông vào khoảng giữa cánh cửa khép hờ. Ông chỉ kịp á lên còn tôi bưng mặt khóc. Tất nhiên, thân thể nung núc mỡ của ông bị một trận bầm dập từ tay vợ. Tôi bị đuổi khỏi quán sau trận nổi giận lôi đình của bà chủ. Đồ lăng loàn, đồ ăn cháo đá bát, cưu mang mày rồi để mày dụ dỗ chồng bà hả. Đồ con đĩ. Cút. Xéo. Biến nhanh khỏi mắt tao. Tóc tôi rơi lả tả theo vòng xoáy nặng nhẹ của tay bà chủ. Khuôn mặt tôi bị biến dạng bởi những cái tát nảy lửa, những cào cấu rách thịt da. Lạ lùng là tôi không thấy đau, tôi đang nghĩ đến xập tiền ông chủ để lại khi nhảy bổ lên người tôi. Tôi đi. Hành lý chẳng có thêm gì. Tuổi mười bảy cứ tưng tửng nhảy chân sáo theo tôi khe khẽ hát: “cỏ nát rồi cỏ lại sinh sôi”
3. Tôi bán tôi qua những chợ người. Chợ người không chào đón tôi, họ sợ tôi giành dật khách hàng của họ, cướp miếng cơm manh áo của con cái họ. Tôi đã mơ hồ phỏng đoán, chợ người thì không ai quản lý ai nên tôi sẽ mặc nhiên đứng xếp hàng ở đó. Nhưng tôi nhầm. Những kẻ lăm le dây điện, xích sắt như những vũ khí trang điểm cho cái gọi là quyền lực ấy là những ông chủ, bà chủ ở đây. Bảo kê đấy. Tôi lơ ngơ chen chân chờ người đến mua mình. Vút. Tôi đau điếng. “Biến, ranh con, đây không phải chỗ của mày”. “Đất có thổ công, sông có hà bá, mày nộp lệ phí chưa mà dám chen ngang hả?”
Lệ phí bao nhiêu là đủ để tôi có chân đứng ở chợ người? Một tên đầu trọc hất hàm bảo: “Mày ngon gái thế đứng đây làm gì cho phí, sang chân cầu mà đứng”. Tôi đọc được sự cợt nhả, coi thường trong điệu cười như súc ống bô của gã đầu trọc. Cái tôi có thể bán được là sức lao động của con bé quê mười bảy tuổi. Trong biển người bát nháo này có ai nghe thấy tiếng tôi đang rao bán tôi.
Có đấy. Ông đã nghe được. Ông thấy ánh mắt khẩn khoản cầu cứu của một con thú bị thương đang hết đường chạy. Gã đầu trọc vừa liếm môi, vừa dí dí chiếc roi sắt vào đầu tôi. “Hay là…”. Ánh mắt hắn quệt khắp thân thể tôi, như muốn lột hết quần áo trên người tôi. “Một đêm thôi, coi như là lệ phí tháng này”. “Không chịu hả. Biến.Vút… ”
Ông đã đỡ lằn roi ấy thay tôi. Tên đầu trọc đang hung hăng vội vã đập đầu quỳ lạy như một tội đồ dưới chân ông. “Xin ông tha mạng, con không cố ý. Tháng này con xin làm trâu làm ngựa cho ông”.
Tôi lẽo đẽo theo ông về. Đầu trọc hềnh hệch cười: “Mày sướng nhé, được hầu hạ trong nhà ông chủ là phúc tổ bảy mươi đời nhà mày đấy”. Tôi không biết ông là ai mà những tên bảo kê ở đây cứ tỏ vẻ khúm núm, sợ sệt mỗi khi gặp ông. Chiếc xe hơi sang trọng đỗ bên kia đường, ông thong dong chống ba tong đi sang, đứa nào đứa nấy vâng vâng dạ dạ rối rít. Chợ người như ngừng thở. Ông ký tá một số thứ, ông nhận từ bọn chúng một số thứ rồi ông lên xe. Chợ người lại trở về với cái bát nháo vốn có của nó.
Tôi được ông thuê dọn rác và nuôi cỏ trong khu biệt thự. Biệt thự trắng. Hàng rào sơn trắng. Bãi cỏ ngun ngút xanh và mượt như nhung. Hoa. Hoa quấn quanh bờ rào. Hoa tràn ra lối đi. Hoa kiêu hãnh tung tẩy trên cửa sổ tầng cao đùa nắng, đùa gió. Tôi như lạc vào thiên đường. Chỉ cần nhìn ngắm thôi tôi đã thấy hân hoan reo vui.
Công việc không quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự tỷ mỉ. Trồng cỏ mới, thay cỏ cũ, tưới cỏ, cắt tỉa, tạo hình cho cỏ. Tôi chăm chỉ mỗi ngày. Bây giờ, có ai hỏi trong biệt thự của ông có mấy vuông cỏ, có những loại cỏ gì, sinh trưởng và nuôi dưỡng ra sao tôi sẽ trả lời vanh vách.Tôi nâng niu công việc tôi đang làm, nâng niu những đồng tiền tôi kiếm được bằng sức lao động của chính mình. Đêm đêm, trong giấc ngủ chập chờn tôi thấy mình đang bồng bềnh trôi trên cỏ, ấm mềm và êm như ru.
Nhìn những vuông cỏ nuột nà, căng tràn sức sống, ông không tiếc lời khen “tốt lắm, tốt lắm”. Tôi cũng thấy vui vui khi đón nhận ánh mắt ấm áp cười của ông. Ông trò chuyện với tôi nhiều hơn. Tôi thấy ông gần gũi hơn, càng tò mò hơn khi thấy ông sống một mình trong biệt thự nhung lụa với vô số người làm.
4. Những vuông cỏ sẽ xanh hơn, mượt hơn nếu như ông không gọi tôi lên thư phòng, không yêu cầu tôi bỏ cỏ đấy để ông có thêm người chuyện trò. Tôi sẽ là tôi, đứa gái quê mười bảy tuổi của hai năm về trước, giận dỗi quê hương lạ lẫm phố phường.
Những vuông cỏ ngơ ngác xanh dõi theo tôi.
Tôi trở thành đàn bà sau một đêm mưa ông gõ cửa. Ông khóc trên vai tôi. Tôi khóc cho cuộc đời mình. Ông bảo ông đang rất buồn và cô đơn. Còn tôi. Nỗi cô đơn là thường trực, là bầu bạn. Mỗi sáng, nó kéo tôi ra khỏi giấc ngủ chập chờn mệt mỏi. Mỗi tối nó xầm xập đổ ập vào người làm tôi nghẹt thở. Nó cứ bám riết lấy tôi từ khi tôi biết khóc, biết vón nỗi cô đơn ném đi chỗ khác tìm điệu cười nhợt nhạt, cho đến tận bây giờ, tôi lặng lẽ nhặt nỗi cô đơn lên ngắm nghía và cất sau ngực trái áo mình.
Tôi xót tôi bởi nỗi cô đơn đeo đẳng. Vì thế tôi thương ông. Ông bảo ông cũng thương tôi. Ông vuốt ve, dỗ dành thân thể tôi mỗi lúc tôi và ông bên nhau. Tôi thấy mình ẩm ướt hơn, mềm mại hơn. Lần đầu tiên trong đời tôi biết ôm một người thì ấm áp như thế, được chở che như thế, yếu đuối như thế, yêu thương như thế. Tôi nghĩ và nhớ đến mẹ. Mẹ có bao giờ ôm tôi. Giá như tôi có được chút ấm áp truyền từ da thịt mẹ tôi sẽ không cuống cuồng ghì chặt lấy ông như thế, không bấn loạn, khát khao ông như thế. Ông thủ thỉ: “Em sẽ là của ông nhé, sẽ ở lại đây với ông nhé”. Tôi không dám gật đầu, không dám nhìn vào mắt ông. Tôi sợ. Một nỗi sợ hãi mơ hồ nhưng rất lớn, rất thật. Tôi siết chặt vòng tay để mình được bé nhỏ trong vòng tay ông.
 Tôi thấy tôi khang khác. Những lần gặp ông, tôi đều hiến mình khát khao, mụ mị. Biện pháp tránh thai là gì tôi làm sao biết được. Trong cơ thể tôi, giọt máu ông để lại đã thành hình hài.
 “Giải quyết đi”. Ông vứt sấp tiền trước mặt tôi rồi lạnh lùng bỏ đi. Toàn thân tôi tê cóng. Cái mặt lì lợm của tôi không biết khóc bao giờ. Nước mắt đã vón lại thành cục đắng nghét, nuốt không trôi được nên cứ nghẹn bứ nơi cổ họng. Tôi gồng mình hét “Không”. Mồ hôi tãi ra như tắm. Bao nhiêu đêm tôi mộng mị, bao nhiêu lần tôi nấn ná muốn nói với ông. Liệu giấc mơ có báo ứng sau lời tôi nói. Tôi chọn cách im lặng.
5. Mẹ như phát điên lên.
- Bao nhiêu tuổi?
- 70.
- Mày bị lão già cưỡng hiếp hả?
- Không. Con tự nguyện.
- Sao còn vác xác về làm gì?
Ừ nhỉ? Sao tôi lại vác cái thân xác rệu rã này trở về? Sau đêm trốn khỏi nhà ông tôi đã dặn lòng là không được trở về nữa sao bước chân cứ dẫn dụ tôi về đây? Có ai chờ tôi đâu. Sao thế nhỉ? Tôi thất thểu bước thấp bước cao. Tôi thèm khóc quá. Sao tôi cứ trơ khấc thế này, tôi ơi. Nước mắt ơi, chảy đi. Chảy đi cho ta nhẹ nhàng một chút, rồi ta sẽ thanh thản đi tiếp. Cớ sao đời ki bo với ta cả giọt nước mắt của chính mình thế nhỉ? Mẹ có nghe thấy tiếng ta gọi mẹ không? Con nhớ mẹ, thèm được ôm mẹ quá. Lúc con ôm ông ấy là lúc con nhớ đến mẹ. Con mơ hồ đoán ôm mẹ chắc cũng yêu thương thế này. Mỗi lần gặp ông ấy con lại hào hứng, lại say mê giải mã những vòng tay ôm. Cái ôm thật chặt này là của cha. Mạnh mẽ lắm, rắn rỏi lắm. Cái ôm đằm thắm này là của mẹ, dịu dàng lắm, ấm áp lắm. Cái ôm xốc nổi, hời hợt như chạm khẽ vào da thịt này là của anh trai. Ừ, là anh em sàn sàn tuổi nhau ai ôm riết nhau thế bao giờ, kỳ lắm. Con đã tận hưởng hoan lạc từ những vòng tay ôm ma mị như thế đó mẹ ạ.
- Giải quyết đi. Mà không. Cứ để đó. Tao sẽ kiện. Sẽ kiện cho lão rũ tù ra vì tội cưỡng hiếp.
- Không. Con xin mẹ.
- Mày ngu lắm. Tao sẽ kiện. Lão có tiền, lão sẽ biết cách giải quyết.
Tiếng mẹ rít qua kẽ răng. Tôi tìm đường về nhà để được khóc. Nhưng tôi không khóc được. Mẹ cũng không níu kéo tôi. Tôi đi. Hành lý chẳng có gì.
6. Ông nháo nhác tìm tôi qua những chợ người. Đầu trọc bảo thế sau khi hắn hô hoán anh em giữ tôi lại. Hắn đẩy tôi lên xe và đưa tôi về ngôi nhà lúp xúp cuối chợ. “Mày ở đây ít hôm lấy lại tinh thần, tao về báo cáo với lão”. “Đọc thư mày để lại, lão như phát cuồng lên. Lão già thương mày thật đó. Thôi về đi để bọn tao còn đường làm ăn. Lão bảo không tìm được mày lão giải tán mấy cái chợ này luôn”.
Đầu trọc thuyết phục, giảng giải, phân tích rồi nhìn tôi tỏ vẻ thèm thuồng. “Mà mày ngu bỏ mẹ, cả một đống của, bỏ làm gì. Phí”
Lời đầu trọc cứ bùng nhùng bên tai, tôi nghe câu được câu mất. Tôi thấy mình không còn ác cảm với hắn nữa, ít ra trong lúc này hắn đang sắm vai là đứa tử tế.
7. Những vuông cỏ xanh um trước mắt tôi. Ông bảo, ông đã tự tay mình chăm cỏ để quên đi nỗi nhớ. Tôi thấy mắt mình nhòe đi, những giọt nước mắt thi nhau rơi xuống nóng hổi. Tôi đã đợi mười chín năm để được khóc. Bây giờ tôi đang khóc. Cỏ xanh thì thầm kể chuyện cổ tích về một ông già qua bao đời vợ nhưng chẳng ai chịu sinh con cho ông. Họ đến rồi đi với bản án li hôn có cái quyền được chia tài sản ở hàng thứ nhất. Chỉ còn ông và những vuông cỏ tàn úa ở lại.
Những vuông cỏ đang hồi sinh chờ đón tôi. Tôi thấy mình đang được hồi sinh từ kiếp cỏ, cứ xoắn xuýt, cứ dan díu như nợ nần nhau từ muôn kiếp trước. Ông dìu tôi qua những vuông cỏ, tôi bối rối nhìn sâu vào mắt ông: “Mưa này cỏ bật mầm nhanh lắm đấy, rồi vườn cỏ nhà mình sẽ ngút ngát xanh. Đợi em sau ngày trở dạ, em sẽ lại giúp mình…”./.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: