Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2020

Vốn kiên nhẫn, vì sao Indonesia phản ứng "gắt" với tuyên bố chủ quyền của TQ ở Biển Đông?


Minh Khôi 
Vốn kiên nhẫn, vì sao Indonesia phản ứng "gắt" với tuyên bố chủ quyền của TQ ở Biển Đông?
Một tàu hải cảnh của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Indonesia đã kiềm chế và kiên nhẫn với các hành vi của Trung Quốc ở trong vùng biển của mình. Nhưng hết lần này đến lần khác, các sự cố hàng hải vẫn xảy ra.

Vừa qua, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là "không có cơ sở pháp lý" và "không bao giờ được công nhận theo Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Jakarta cáo buộc Bắc Kinh điều tàu hải cảnh xâm nhập trái phép vào vùng biển ở đảo Natuna, bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Nước này cũng triệu Đại sứ Trung Quốc đến để bày tỏ thái độ phản đối.
Jakarta cho rằng, tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông đã bị bác bỏ vào năm 2016 sau khi Philippines đưa vụ việc lên Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan. Trung Quốc đến nay vẫn không chấp nhận phán quyết này.
Indonesia đã nhiều lần va chạm với Trung Quốc liên quan đến vấn đề quyền đánh cá xung quanh quần đảo Natuna. Indonesia cũng bắt giữ các ngư dân Trung Quốc và mở rộng sự hiện diện quân sự tại đây.
Gregory Raymond, nhà nghiên cứu về Đông Nam Á tại Đại học quốc gia Australia cho rằng, điều mới mẻ ở đây là cách Bộ Ngoại giao Indonesia đã thẳng thắn phê phán, "tuyên bố chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS và đặc biệt là nêu lại phán quyết năm 2016.
Evan Laksmana, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu và quốc tế ở Jakarta, cho rằng, mức độ cứng rắn từ Indonesia là một động thái rất lâu rồi mới có của Jakarta.
"Trong các sự cố tương tự trước đây, Jakarta đều bày tỏ các phản đối về mặt ngoại giao, nhưng chúng vẫn tiếp tục xảy ra", ông Laksmana nói.
Indonesia đã kiềm chế và kiên nhẫn với các hành vi của Trung Quốc ở trong vùng biển của mình. Nhưng hết lần này đến lần khác, các sự cố hàng hải vẫn xảy ra, và các quan chức Trung Quốc tiếp tục khẳng định quyền đánh bắt lịch sử được coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Sự kiên nhẫn của Jakarta về vấn đề này có thể đã giảm đi, nhà nghiên cứu Laksmana cho hay.
Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Trung tâm nghiên cứu Rand có trụ sở tại Mỹ, cho biết các hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục ở Natuna và, không có lựa chọn nào khác, Indonesia phải tìm cách cải thiện năng lực tuần tra và thực thi pháp luật trên biển.
Cho rằng, Trung Quốc sẽ giảm bớt leo thang căng thẳng trong những tuần tới để tránh việc biến Indonesia thành một "địch thủ" vĩnh viễn nhưng về lâu dài, mối quan hệ có thể ngày càng trở nên căng thẳng khi Trung Quốc tiếp tục theo đuổi quyền đánh bắt cá của mình bằng cách mở rộng quyền kiểm soát trên thực tế đối với một số đảo đá do nước này xây dựng trái phép và hiện đang được quân sự hóa ở Biển Đông.
Đây là một điều kỳ lạ và thậm chí là dại dột, vì Bắc Kinh đã gia tăng căng thẳng với Indonesia trong thời điểm ASEAN và Trung Quốc chuẩn bị kết thúc các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), ông Grossman nói.
Phản ứng của Trung Quốc có thể vô tình thúc đẩy Indonesia kêu gọi mạnh mẽ hơn để ASEAN thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử chặt chẽ và có tính ràng buộc nhằm giải quyết các bất đồng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: