Một người dân ở xã Đồng Tâm nói với BBC rằng ông Lê Đình Kình, và con trai thứ hai, Lê Đình Chức, đã qua đời sau biến cố công an đưa quân vào xã Đồng Tâm rạng sáng 9/1.
Nhiều nguồn tin khác, trong đó có báo chí ở Việt Nam, nói thêm với BBC rằng họ cũng nghe tin ông Lê Đình Kình đã mất.
Đến cuối ngày 10/1, giờ Việt Nam, đã có xác nhận từ báo chính thống rằng ông Lê Đình Kình đã 'tử vong' trong lúc chưa rõ trường hợp ông Lê Đình Chức.
Báo nhà nước xác nhận
Một trang báo chính thống, VietNamNet, xác nhận đại diện UBND xã Đồng Tâm cho biết, xã vừa bàn giao thi thể ông Lê Đình Kình cho người nhà.
VietNamNet viết: "Trong vụ việc chống người thi hành công vụ xảy ra vào sáng ngày 9/1, ông Lê Đình Kình đã bị tử vong."
"Con gái ông Kình, bà Lê Thị Nhung là người đại diện gia đình nhận thi thể."
VietNamNet không đề cập trường hợp ông Lê Đình Chức.
Cũng theo VietNamNet: "Đại diện UBND xã Đồng Tâm cũng cho biết, chiều nay, lực lượng chức năng đã bàn giao nhà của ông Kình cho gia đình. Việc an táng ông Kình sẽ được tổ chức tại ngôi nhà ông Kình sinh sống tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm."
"Cũng trong ngày hôm nay, bốn người dân đã được lực lượng chức năng thả về địa phương, gồm hai nam, hai nữ," theo trang tin này.
Các báo nhà nước ở Việt Nam không nói rõ bối cảnh cái chết của ông Lê Đình Kình, một cựu cán bộ Đảng, và rằng vì sao thi thể ông nằm trong tay nhà chức trách để họ "bàn giao" cho gia đình.
Ông Lê Đình Kình, thường được xem là 'thủ lĩnh' của người dân ở xã Đồng Tâm, sinh năm 1936.
Người dân kể lại
Người dân, muốn giấu tên, sống ở xã Đồng Tâm, cho BBC hay một người khác, Bùi Viết Hiểu, 76 tuổi, đang ở trong bệnh viện quân y 103, Hà Nội sau vụ ngày 9/1.
'Chiều hôm 9/1, công an mở cửa vào nhà bác Kình sau khi đã bao vây, niêm phong nhà.
"Một lúc, thấy họ quấn cái gì, khuân xuống. Mình cũng ngửi thấy mùi hương. Ông hàng xóm bên cạnh bảo là bác Kình bị chết ngạt trên tầng hai."
"Con trai thứ hai của bác, Lê Đình Chức, trong lúc bị tấn công, chắc là bị đánh," người dân ở Đồng Tâm nói.
Người dân này cáo buộc công an, vào rạng sáng 9/1, "đánh đập dã man, ai mà chạy được thì họ thả chó đuổi theo."
Người dân này mô tả: "Khi họ về đến đầu làng, người dân đánh kẻng báo động, vì giờ ấy dân còn đang ngủ."
"Họ bắn đạn, hơi cay vào các ngõ xóm, quân họ kéo về đông lắm."
"Nhà tôi phải bế cháu chạy lên xóm trên để trú vì hơi cay mùi hết vào trong xóm."
Người này kể tiếp: "Họ trấn áp, không cho dân ra, trong khi đấy, họ trang bị đầy đủ vũ khí, quần áo, súng, đầy đủ."
"Người dân chống trả, nhưng ai mà ra, là họ đánh, kể cả đàn bà. Có người bị họ bắn đạn cao su vào đùi, giờ vẫn còn tím," người dân này cáo buộc.
Trong khi đó, thông cáo mới nhất của Bộ Công an ngày 10/1 nói:
"Theo báo cáo của Công an thành phố (TP) Hà Nội: Ngày 09/01/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Giết người; Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng; Chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội theo Điều 123, Điều 304, Điều 330 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và khẩn trương tiến hành các biện pháp điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đến nay, tình hình an ninh, trật tự ở Đồng Tâm cơ bản ổn định; mọi hoạt động của người dân diễn ra bình thường; nhiều người dân tích cực hỗ trợ lực lượng Công an, Quân đội thực hiện nhiệm vụ.
Việc thi công xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn tiếp tục thực hiện theo kế hoạch.
Ngoài 03 cán bộ, chiến sỹ Công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ mà Bộ Công an đã thông tin đến báo chí, cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo đảm an ninh, trật tự thi công tường rào Sân bay Miếu Môn và người dân đều an toàn."
'Muốn bắt ông Kình'
Còn người dân ở xã Đồng Tâm chia sẻ quan điểm: "Họ muốn bắt đội của bác Kình."
"Từ trước đến giờ họ luôn nghĩ nếu họ bắt các bác đi thì người dân sẽ không đấu tranh nữa."
"Họ nghĩ bác xúi giục dân, nhưng theo tôi không phải. Bác đấu tranh bao năm, người dân thấy đúng thì tham gia, chứ chả ai xúi giục, thấy bác đấu tranh rất đúng."
"Họ nghĩ bắt bác Kình, thì dân sẽ không làm gì nữa."
"Chính quyền đưa tin bây giờ theo hướng cả xã Đồng Tâm và bác đều bất hợp pháp. Họ bảo người chống trả là dân nghiện hút."
"Nhưng không phải, vì dân cũng nhận định khả năng chính quyền sẽ về đàn áp. Nên tối hôm đấy chuẩn bị ở một chỗ, những người ấy trực đêm ở nhà bác, chứ không phải là nuôi nghiện hút, toàn dân lao động bình thường thôi."
Trong khi đó, báo Giao thông ngày 10/1 dẫn lời gia đình, nói có ba người công an đã bị "cháy đen" ở Đồng Tâm.
Phóng sự mô tả cuộc gặp gia đình Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân (SN 1992) - "một trong ba chiến sỹ, cán bộ công an hy sinh trong vụ gây rối ở Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) rạng sáng 9/1".
Ông Sửu, chú ruột của Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân cho biết:
"Đau đớn lắm, tôi không thể nhận ra hình hài cháu tôi. Có ba người thì toàn thân và mặt mũi đều bị cháy đen, chiếc áo giáp những chiến sĩ mặc đều căng phồng rất khó cởi ra. Mẹ cháu và chị gái cháu định vào nhận dạng nhưng tôi không cho vào vì sợ không chịu được hình ảnh đó", ông Sửu nấc nghẹn, theo báo Giao thông cho hay.
Tường thuật của VTV
Đài truyền hình quốc gia Việt Nam, VTV, hôm 9/1, phát phóng sự về biến cố ở Đồng Tâm.
Phóng sự, với nhiều hình ảnh tại hiện trường, nói: "Sau hơn 1 tuần các đối tượng nhiều lần gây rối, sáng nay (9/1), các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ các mục tiêu tại khu vực thi công tường rào."
"Mặc dù đã phát loa tuyên truyền nhưng các đối tượng này vẫn manh động ném bom xăng, sử dụng lựu đạn, dao phóng tấn công lực lượng chức năng. Kế hoạch tấn công và hung khí được các đối tượng khai đã chuẩn bị từ trước đó."
VTV nói: "Sự manh động, hung hãn của các đối tượng đã khiến 3 đồng chí Công an bị hy sinh do bị tấn công bằng bom xăng. Tại hiện trường đã thu giữ 8 quả lưu đạn, hàng chục dao phóng, 20 chai bom xăng chưa sử dụng và nhiều pháo nổ."
Vụ việc kéo dài từ 2017 đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận Việt Nam và quốc tế.
BBC
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét