Không quân Mỹ sáng 3/1 không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, gần sân bay quốc tế Baghdad của Iraq. Cuộc tấn công có thể là kết quả của những tính toán sai lầm từ phía Iran, theo giới phân tích.
Fabian Hinz, Trung tâm nghiên cứu James Martin về Không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Mỹ, cho rằng trước cuộc không kích, các lãnh đạo Iran vẫn luôn tin rằng Mỹ sẽ làm mọi thứ có thể để tránh để xảy ra xung đột quân sự trực diện với Iran bằng bất cứ giá nào.
"Thế nhưng cái chết của Soleimani cho thấy Iran dường như đã tính toán sai", Hinz nói với VnExpress.
Cộng đồng tình báo Mỹ từ lâu đã cáo buộc Soleimani đứng sau các âm mưu tấn công người Mỹ ở nhiều quốc gia, bao gồm Iraq, Syria và Lebanon. Tuy nhiên, các chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Trump đều từ chối phê chuẩn kế hoạch hạ sát Soleimani, do lo ngại châm ngòi cho chiến tranh với Iran.
Tướng Soleimani dường như cũng có niềm tin tương tự, khi tăng cường các hoạt động hỗ trợ dân quân dòng Shiite ở Iraq. Ông này được cho là đã họp với các chỉ huy dân quân Iraq ở Baghdad vào tháng 10/2019 để lên kế hoạch tấn công vào các cơ sở của Mỹ ở Trung Đông bằng cách sử dụng các lực lượng ủy nhiệm.
Theo Dina Esfandiary, học giả thuộc Quỹ Century của Mỹ, chính quyền Trump cho rằng "thương vong của công dân Mỹ là lằn ranh đỏ với Iran", và tướng Soleimani có thể đã vượt qua lằn ranh này.
Người dân Iran dự lễ tang tướng Soleimani ngày 6/1 tại Tehran. Ảnh: Reuters.
|
Hinz dự đoán Iran có thể cân nhắc một cuộc tấn công đủ mạnh để báo thù cho Soleimani nhưng không gây ra nguy cơ leo thang ở quy mô lớn. Tehran cũng phải tự đưa ra "ngưỡng" với Washington, xem xét Mỹ và các đồng minh sẽ "nhận thiệt hại ở mức nào" trước khi Mỹ trả đũa. Vấn đề của Iran là với một chính quyền khó đoán như chính quyền của Tổng thống Trump thì "lằn ranh đỏ" chính xác là ở đâu.
Hinz cho biết các lựa chọn mà Iran có thể thực hiện là sử dụng lực lượng ủy nhiệm để tấn công Mỹ hoặc tấn công đồng minh của Mỹ. Theo đó, Iran có thể tiến hành các cuộc tấn công trực tiếp như đánh bom vệ đường, tập kích bằng đạn cối, rocket, thậm chí là tên lửa, hay tấn công dưới dạng khủng bố vào các cơ sở dân sự như các đại sứ quán, công ty. Tehran có thể dùng máy bay không người lái, tên lửa hoặc đặc nhiệm nhắm vào các lực lượng của Mỹ hoặc đồng minh.
"Điều này cực kỳ rủi ro", Hinz nói.
Đồng tình về các phương án đáp trả của Iran, Phó giáo sư Osamah Khalil, Đại học Syracuse, Mỹ, cho rằng Tehran có thể trực tiếp hoặc gián tiếp phóng tên lửa và dùng máy bay không người lái có chi phí thấp, nhắm vào các mục tiêu kinh tế và quân sự liên quan đến Mỹ ở khu vực, gây ra thiệt hại quy mô lớn.
Khalil nhắc đến vụ hai nhà máy dầu của Arab Saudi bị tấn công bằng máy bay không người lái hồi giữa tháng 9/2019, gây tổn thất gần 6 triệu thùng dầu mỗi ngày. Phiến quân Houthi tại Yemen đã nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công, nhưng Mỹ và đồng minh cáo buộc Iran là thủ phạm.
Trong ngắn hạn, các lực lượng của Mỹ đóng quân ở Iraq, Syria, Afghanistan có thể phải đối phó với sự thù địch gia tăng của các nhóm dân quân có liên hệ với Iran. "Nếu các lực lượng quân sự hoặc dân thường của Mỹ thiệt mạng trong các vụ tấn công đáp trả của Iran, nguy cơ căng thẳng leo thang rất cao", Khalil nói.
Sáng sớm ngày 8/1, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã phóng khoảng 15 tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú tại Ain al-Asad và Irbil ở Iraq. Iran tuyên bố cuộc tấn công là hành động trả thù cho tướng Soleimani và ít nhất "80 kẻ khủng bố Mỹ đã bị tiêu diệt". Tuy nhiên, Trump đăng trên Twitter rằng "tất cả đều ổn". Thương vong và thiệt hại của Mỹ chưa được công bố.
Lý giải trạng thái nguy hiểm trong quan hệ Mỹ - Iran, Khalil cho biết khi bầu cử quốc hội Iran dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2/2020, vụ sát hại tướng Soleimani có thể giúp các ứng viên có quan điểm cứng rắn giành lợi thế. Cùng với việc Mỹ duy trì lệnh trừng phạt kinh tế, vụ hạ sát có thể khiến các lãnh đạo chính trị và quân sự Iran ủng hộ sự đáp trả "trực tiếp hơn với các vụ tấn công khác có thể xảy ra", nếu họ tin rằng Mỹ muốn thay đổi chế độ ở Iran.
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao đã đưa ra các tuyên bố cứng rắn và đe dọa Iran. Sự cứng rắn của Trump có thể hiểu được khi ông đang đối diện với nguy cơ bị xem xét bãi nhiệm ở Thượng viện và chuẩn bị tái tranh cử vào Nhà Trắng.
"Mỹ khó có thể không đáp trả Iran mà không tỏ ra yếu đuối hay không duy trì sự răn đe mà chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố", Khalil nói.
Khalil cảnh báo bất cứ sự leo thang nào cũng mang lại tác động sâu sắc. Tác động đó không chỉ trên phương diện kinh tế (khi giá dầu tăng) mà còn là thương vong lớn về người ở Iran, Iraq và khu vực.
Fabian Hinz cho rằng kịch bản tốt nhất là Iran trì hoãn việc đáp trả hoặc hạn chế ở mức không khiến Mỹ trả đũa. Điều này có nghĩa là tình hình căng thẳng hiện nay vẫn tiếp diễn, trong khi kịch bản tồi tệ nhất là xung đột quân sự toàn diện giữa Mỹ và Iran.
"Hai bên đang leo thang và không thể xuống thang mà không bị mất mặt", Hinz nói.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét